Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sơ cứu và băng bó cho người gãy xương hiệu qủa

Ngày 11/06/2022
Kích thước chữ

Từ trước tới nay, gãy xương là một loại tai nạn phổ biến trong cuộc sống, có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào. Vậy làm cách nào để kịp thời sơ cứu và băng bó cho người gãy xương? Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản để nhận biết cũng như sơ cứu và băng bó cho người gãy xương.

Hệ thống xương được ví như một bộ khung vững chắc để bảo vệ và nâng đỡ cho các cơ quan nội tạng quan trọng như tim, phổi, não. Vậy nên các tổn thương như gãy xương chiếm phần lớn các tai nạn trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, mọi người ai cũng nên biết về cách sơ cứu và băng bó cho người gãy xương.

Gãy xương là gì?

Gãy xương là hiện tượng xương bị gãy do lực bên ngoài từ tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông...tác động vào xương khiến cho xương bị gãy. Hay nói cách khác, gãy xương chính là sự mất liên tục của xương dưới tác động của một tác nhân từ ngoại cảnh. Gãy xương là một trong những tai nạn thường gặp, cần được điều trị kịp thời và đúng cách.

Sơ cứu và băng bó cho người gãy xương 1 Gãy xương là một trong những tai nạn thường gặp

Triệu chứng của gãy xương

Các triệu chứng của gãy xương thường khá dễ để nhận biết. Tuy nhiên, một vài trường hợp gãy xương kín đáo sẽ khó phát hiện hơn và thường nhận thấy sau 2 - 3 ngày. Một số triệu chứng thường gặp phải khi gãy xương:

  • Có hiện tượng đau, sưng, bầm tím hoặc biến dạng; khi vận chuyển, chạm vào càng đau dữ dội.
  • Tê, có thể mất cảm giác ở vùng bị thương.
  • Xương chọc ra khỏi da.
  • Vùng bị thương bị chảy máu nhiều.

Tùy vào tình trạng nhẹ hay nặng, nhưng nếu như không phát hiện sớm và sơ cứu đúng cách và kịp thời thì rất có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho người bị thương như tàn phế, thậm chí một số trường hợp còn dẫn đến tử vong.

Các bước sơ cứu và băng bó gãy xương

Khi gặp tai nạn gãy xương, bạn cần phải liên hệ ngay cho đường dây nóng của các cơ sở y tế để được hỗ trợ và cấp cứu sớm nhất. Trong thời gian chờ đợi xe cấp cứu, bạn có thể thực hiện một số bước sơ cứu cơ bản như sau:

Bước 1: Nhận định người bệnh

Trước hết, bạn cần lưu ý một số điểm sau để biết tình trạng của người bị gãy xương như nào và từ đó biết cách ứng phó kịp thời. Các trường hợp dưới đây biểu hiện tình trạng nặng của bệnh nhân:

  • Người bị gãy xương không có phản ứng, không thở hoặc không di chuyển.
  • Người bệnh ngừng thở hoặc ngừng tim cần thực hiện hô hấp nhân tạo nhanh chóng.
  • Vết thương bị chảy máu nhiều phải ngay lập tức cầm máu.
  • Ngay cả áp lực nhẹ hoặc chuyển động gây đau.
  • Các chi hoặc khớp xuất hiện biến dạng.
  • Xương đã xuyên qua da.

Bước 2: Cố định người bệnh

Trừ trường hợp thật cần thiết, ta không nên di chuyển nạn nhân. Để bất động chỗ bị gãy xương và giảm thiểu những chấn thương khác quanh vùng bị gãy xương. Tuyệt đối không nên di chuyển nạn nhân nếu họ bị thương ở các vùng như lưng và cổ.

Bước 3: Băng bó vết thương

  • Nếu vết thương chảy máu, hãy dùng vải hoặc băng gạc quấn hoặc đè chặt vào vết thương để cầm máu.
  •  Nếu người bị thương có dấu hiệu của tình trạng sốc như chóng mặt, da tái nhợt, lạnh, khó thở. Hãy nâng chân họ cao hơn đầu khoảng 30cm và quấn chăn hoặc quần áo để giữ nhiệt.
  • Nếu vết thương bị sưng, bạn có thể chườm một túi nước đá hay gạc lạnh trên vùng bị sưng, không nên để đá tiếp xúc trực tiếp lên da vì có thể bỏng lạnh...
Sơ cứu và băng bó cho người gãy xương 2 Chườm đá qua một lớp vải tránh để đá tiếp xúc trực tiếp lên da của nạn nhân

Bước 4: Cố định tạm thời xương gãy

Với mỗi vùng xương gãy khác nhau sẽ có cách cố định xương gãy tương ứng. Tuy nhiên đều dựa trên nguyên tắc:

  • Cố định theo trục của chi thể, không tự ý nắn lại vùng xương gãy.
  • Sử dụng cách nẹp cố định trong túi sơ cứu hoặc thanh gỗ được bọc vải để cố định.
  • Không để đầu nẹp tiếp xúc trực tiếp da người bệnh để tránh xây xát.
  • Cần cố định qua 1 khớp trên và 1 khớp dưới của ổ gãy.

Sơ cứu và băng bó cho người gãy xương ở từng vùng

Sơ cứu khi gãy xương chân

Các bước sơ cứu khi bị gãy xương chân như sau:

  • Đầu tiên ta đặt nạn nhân nằm trên một mặt phẳng, duỗi thẳng chân nạn nhân trên sàn sao cho bàn chân vuông góc với cẳng chân.
  • Dùng nẹp đặt ở mặt trong và mặt ngoài vùng bị thương.
  • Tiếp theo ta độn bông vào phía hai đầu nẹp và vào phía trong, phía ngoài của đầu xương.
  • Cố định hai nẹp với nhau.

Lưu ý: Không được buộc quá chặt để dễ lưu thông máu. 

Sơ cứu và băng bó cho người gãy xương 3 Sơ cứu và băng bó cho người bị gãy chân

Sơ cứu khi gãy xương tay

  • Để cánh tay bị gãy sát thân nạn nhân.
  • Sau đó cố dùng nẹp cố định ở trên và dưới vùng bị gãy.
  • Nếu khuỷu tay nạn nhân không gập được, không được dùng sức để gập.
  • Đặt nạn nhân nằm xuống mặt phẳng và đặt tay bị gãy xương xuôi theo thân.
  • Ðặt một miếng đệm có chiều dài khoảng bằng cánh tay kẹp giữa tay bị gãy và thân.
  • Buộc tay nạn nhân bị thương vào cơ thể các vị trí quanh cổ tay và đùi, quanh cánh tay và ngực, quanh cẳng tay và bụng.

Sơ cứu khi gãy xương cột sống

  • Đầu tiên chúng ta phải đặt nạn nhân nằm ngửa và cố định nạn nhân trên sàn . Tiếp theo giữ thẳng đầu của nạn nhân và dùng gối mềm chèn hai bên cổ nạn nhân.
  • Không tự ý di chuyển người bệnh khi chưa có nhân viên y tế hỗ trợ.

Với những trường hợp bị gãy xương bất kì là gãy xương chân, tay hay cổ đều cần sơ cứu để cố định vùng xương bị tổn thương và phải thật nhanh chóng đưa người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để được kịp thời được cứu chữa.

Băng bó cho người bị gãy xương

Sau khi làm xong các bước sơ cứu, hãy cố gắng băng bó vết thương kịp thời.

Một số lưu ý khi băng bó cho người gãy xương:

  • Đối với người bị gãy xương kèm vết thương hở, trước tiên ta cần cầm máu và vệ sinh vết thương hở để tránh nhiễm trùng, sau đó mới cố định xương bị gãy.
  • Cố gắng giữ vùng bị thương được sạch sẽ và khô ráo, giữa những vùng có hai mặt da tiếp xúc gần nhau như kẽ ngón tay, kẽ ngón chân...hoặc các chỗ lồi lõm của xương và khớp xương.
  • Khi bắt đầu đến khi kết thúc quá trình băng vết thương, cần băng trước 2 vòng cố định để giữ chắc và cố định mối băng.
  • Nên quấn các vòng băng lỏng chặt vừa phải, nên để lỏng băng hơn ở vị trí tổn thương, vòng băng sau đè lên khoảng 2/3 vòng băng trước.
  •  Sau khi băng bó xong, hãy cố định lại bằng các cách như dùng dây buộc, dán bằng băng keo hoặc sử dụng ghim băng, ghim móc sắt...
  • Tuyệt đối không được cố định băng tại vị trí vết thương hở, khu vực chỗ xương gồ hay trên chỗ xương gồ hay phía nạn nhân nằm đè lên.

Trong quá trình sơ cứu và băng bó cho người gãy xương thì cần liên hệ để được hỗ trợ sớm nhất từ y tế.

Sơ cứu và băng bó cho người gãy xương 4 Sử dụng gạc băng bó vết thương y tế để sơ cứu và băng bó cho người gãy xương

Trên đây là một số kinh nghiệm để nhận biết, sơ cứu và băng bó cho người bị gãy xương. Nhà Thuốc Long Châu hy vọng đã cung cấp những thông tin bổ ích cho bạn. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin