Thực đơn cho người bị gãy xương mà bạn có thể tham khảo
Ngày 20/09/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Gãy xương là tình huống không ai muốn gặp phải. Vậy nếu không may bị gãy xương thì phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng như thế nào để xương nhanh lành? Dưới đây là bật mí thực đơn cho người bị gãy xương gồm các nhóm thực phẩm thiết yếu.
Chắc hẳn, khi bị gãy xương, bạn không chỉ lo lắng về quá trình điều trị mà còn thắc mắc về việc ăn uống để nhanh chóng hồi phục. Đúng vậy, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình tái tạo và làm lành xương. Cùng tìm hiểu xem thực đơn cho người bị gãy xương gồm những gì, cũng như các lưu ý cần thiết để giúp xương hồi phục tốt hơn nhé!
Bị gãy xương có nguy hiểm không?
Gãy xương là một chấn thương khá phổ biến, thường xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gãy xương như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, và thậm chí là do các bệnh lý như loãng xương, viêm xương hay u xương.
Tình trạng này có thể trở nên rất nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời. Những biến chứng có thể xảy ra bao gồm sốc do mất máu, tổn thương các cơ quan nội tạng, tổn thương mạch máu hoặc thần kinh. Đối với trẻ em, có thể gây rối loạn phát triển xương. Vì vậy, việc điều trị không chỉ là sơ cứu phần xương gãy mà còn phải chú ý đến những ảnh hưởng liên quan khác. Điều quan trọng là ngoài việc điều trị y tế, bạn cũng cần chú ý đến dinh dưỡng, giúp xương hồi phục nhanh chóng và tránh các biến chứng.
Thực đơn cho người bị gãy xương gồm những gì?
Chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp quá trình làm lành xương diễn ra hiệu quả hơn. Dưới đây là những loại thực phẩm mà bạn nên bổ sung vào thực đơn hằng ngày:
Thực phẩm giàu protein
Protein đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tái tạo xương. Khi xương bị gãy, cơ thể cần protein để tạo ra collagen - một loại protein quan trọng giúp xương chắc khỏe và đàn hồi. Nếu thiếu protein, mật độ xương có thể bị giảm, ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục.
Một số nguồn thực phẩm giàu protein tốt cho người bị gãy xương bao gồm thịt gà, thịt bò, cá hồi, cá ngừ, sữa, phô mai, trứng và các loại đậu. Bạn có thể bổ sung những thực phẩm này vào bữa ăn hằng ngày để hỗ trợ quá trình tái tạo xương.
Thực phẩm giàu canxi
Canxi là khoáng chất chính giúp bảo vệ và phát triển xương. Đối với người bị gãy xương, canxi còn đặc biệt quan trọng trong việc giúp xương lành lại. Cơ thể người trưởng thành cần khoảng 1000 - 1200mg canxi mỗi ngày. Vậy nên thực đơn cho người bị gãy xương không thể bỏ qua như sữa, sữa chua, phô mai, cá hồi, cải xoăn, cải bó xôi, đậu nành và các loại hạt. Hãy chú ý bổ sung đủ lượng canxi mỗi ngày để đảm bảo xương được cung cấp đủ khoáng chất cần thiết.
Thực phẩm giàu vitamin C và vitamin D
Vitamin C giúp cơ thể tạo ra collagen, một thành phần quan trọng trong cấu trúc của xương. Ngoài ra, vitamin C còn giúp tăng cường miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng trong quá trình hồi phục. Các thực phẩm giàu vitamin C bao gồm cam, kiwi, ớt chuông, dâu tây, và cà chua.
Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ và sử dụng canxi hiệu quả hơn. Bạn có thể bổ sung vitamin D từ ánh nắng mặt trời hoặc từ các thực phẩm như cá hồi, lòng đỏ trứng, sữa tăng cường vitamin D. Người bệnh nên phơi nắng khoảng 15 phút mỗi ngày để tăng cường vitamin D tự nhiên.
Thực phẩm giàu sắt và kali
Sắt và kali cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục của người bị gãy xương. Sắt giúp cơ thể sản xuất hồng cầu, hỗ trợ quá trình vận chuyển oxy đến các tế bào, bao gồm cả tế bào xương. Kali giúp giảm nguy cơ mất canxi qua đường tiểu.
Các nguồn thực phẩm giàu sắt bao gồm thịt đỏ, thịt gia cầm, trứng, và ngũ cốc nguyên hạt. Trong khi đó, kali có nhiều trong chuối, khoai tây, nước cam và các loại hạt. Hãy chắc chắn rằng thực đơn của bạn có đủ những chất này để tăng cường sự hồi phục cho xương.
Những lưu ý trong dinh dưỡng của người bị gãy xương
Sau khi tìm hiểu về thực đơn cho người bị gãy xương, bạn cũng cần chú ý đến những thực phẩm nên tránh để xương có thể hồi phục một cách tốt nhất:
Hạn chế thực phẩm chứa nhiều phytates và oxalat
Phytates và oxalat là hai hợp chất có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể. Thực phẩm chứa nhiều phytates bao gồm lúa mì nguyên hạt, gạo nâu, còn oxalat có trong củ cải trắng, khoai lang và cải bó xôi. Nếu ăn quá nhiều những thực phẩm này, bạn có thể gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ canxi cho quá trình làm lành xương.
Tránh tiêu thụ caffeine và cồn
Caffeine có thể làm giảm khả năng hấp thu canxi của cơ thể. Do đó, người bị gãy xương nên hạn chế uống cà phê, trà hoặc các loại đồ uống chứa nhiều caffeine. Ngoài ra, rượu và các đồ uống có cồn cũng nên được hạn chế vì chúng có thể làm giảm lượng vitamin D và cản trở quá trình hấp thu canxi.
Giảm lượng muối tiêu thụ
Muối có thể làm giảm khả năng hấp thu canxi của cơ thể, do đó người bị gãy xương cần giảm lượng muối trong khẩu phần ăn. Quá nhiều muối sẽ làm mất canxi qua đường nước tiểu, khiến quá trình hồi phục trở nên khó khăn hơn.
Việc chú ý đến chế độ dinh dưỡng sẽ giúp quá trình hồi phục xương diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn. Thực đơn cho người bị gãy xương không chỉ cần bổ sung các dưỡng chất quan trọng như protein, canxi, vitamin D, sắt và kali, mà còn cần tránh các thực phẩm có hại cho quá trình tái tạo xương. Bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ để có thực đơn phù hợp nhất cho quá trình hồi phục của mình.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.