Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sơ cứu vết thương hở đúng cách

Ngày 28/04/2022
Kích thước chữ

Sơ cứu vết thương hở đúng cách sẽ giúp giảm nguy cơ nhiểm khuẩn, nhiễm độc cho bệnh nhân. Đây là điều mà chúng ta vẫn chưa đặt sự quan tâm đúng mức, khi tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra, nếu kiểm soát không tốt thì sẽ dẫn tới nhiễm khuẩn máu và nhiều ổ di bệnh khác.

Theo thống kê, những nguyên nhân dẫn đến vết thương hở nhiều nhất là tai nạn giao thông, tai nạn lao động và tai nạn sinh hoạt. Vết thương hở có thể sâu hoặc nông, có trường hợp chảy máu ít, nhưng cũng có trường hợp tổn thương cả thần kinh, mạch máu lớn. Hậu quả rất khó đoán biết. Bởi vậy, kĩ thuật sơ cứu vết thương hở ban đầu luôn là một kĩ thuật cơ bản được khuyến cáo hàng đầu phổ cập rộng rãi tới cộng đồng.

Những điều cần biết về vết thương hở

Vết thương hở hiểu đơn giản là một tổn thương làm rách ra, có một hoặc nhiều điểm làm thông giữa môi trường bên trong da cơ và môi trường bên ngoài. Hầu như tất cả chúng ta, ai trong cuộc sống cũng sẽ gặp phải tình huống gây ra vết thương hở do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Ngã, tai nạn giao thông, va chạm với các vật sắc nhọn,…

Sơ cứu vết thương hở đúng cách 1 Vết thương hở rất hay gặp trong cuộc sống sinh hoạt, lao động hàng ngày

Các loại vết thương hở

Dựa vào nguyên nhân gây ra vết thương, chúng ta chia ra làm bốn loại vết thương hở:

  • Vết xước do sự tác động của ma sát, mài mòn: Khi chúng ta chà xát da vào các bề mặt cứng, thô ráp sẽ gây ra vết thương này. Ví dụ khi chúng ta ngã xe khiến da trượt trên mặt đường. Vết thương này thường chảy không nhiều máu nhưng vẫn cần được làm sạch để tránh nhiễm trùng.
  • Vết rách: Vết rách, vết cứa… là loại vết thương cắt sâu qua da. Nguyên nhân phổ biến của loại vết thương này thường là các vật sắc và mỏng như dao, kéo… Trong trường hợp vết cắt quá sâu, nó có thể làm đứt các động mạch dẫn tới tình trạng chảy máu nặng không ngừng khiến bệnh nhân sốc, choáng, hay y văn dùng thuật ngữ là "sốc mất máu", một khi đã xảy ra tình trạng sốc mất máu mà không được xử trí kịp thời thì nguy cơ tử vong cao.
  • Vết đâm thủng: Tai nạn với những dị vật dài, nhọn như đinh sắt, kim chỉ, tua vít… sẽ gây ra các vết thương đâm thủng. Loại vết thương này có thể sẽ chảy máu ít, nhưng vết thủng quá sâu có thể gây tổn thương các cơ quan bên trong như: tim, gan, phổi…
  • Mất một phần cơ thể: Tình trạng này xảy ra khi có một phần hoặc toàn bộ các lớp của da và các mô dưới bị lìa ra khỏi cơ thể. Loại vết thương này thường có ở các vụ tai nạn nghiêm trọng trong giao thông, nghề nghiệp, vụ nổ hoặc đôi khi ở trong các vụ ẩu đả. Vết thương này chảy máu nặng nghiêm trọng và dẫn tới nhiều biến chứng, tiên lượng tình trạng nặng.
Sơ cứu vết thương hở đúng cách 2 Vết thương hở có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, mức độ từ nhẹ tới nặng

Sơ cứu vết thương hở đúng cách

Sơ cứu vết thương hở nhỏ, mức độ nhẹ

Đối với những vết thương hở nhỏ, chúng ta hoàn toàn có thể sơ cứu tại nhà. Quy trình sơ cứu vết thương hở như sau:

  • Bước 1: Rửa sạch vết thương hở bằng nước sạch. Loại bỏ các bụi bẩn và mảnh vỡ tại khu vực chấn thương.
  • Bước 2: Sát trùng vết thương. Chúng ta có thể thực hiện với nước muối, cồn hoặc một số dung dịch có khả năng sát trùng khác.
  • Bước 3: Ấn chặt vào vết thương để cầm máu và giảm sưng tấy.
  • Bước 4: Băng bó vết thương. Luôn băng vết thương bằng gạc vô trùng. Những vết thương nhỏ có thể tự hồi phục mà không cần băng bó nhưng chúng ta vẫn cần phải giữ cho chúng sạch và khô trong ít nhất năm ngày.

Một số lưu ý khi sơ cứu vết thương hở:

  • Người bệnh nên được nghỉ ngơi tránh hoạt động mạnh có thể làm vết thương thêm nặng hơn.
  • Trong trường hợp quá đau, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau nhưng phải theo chỉ dẫn của bác sĩ bởi một số loại thuốc có thể làm kéo dài sự chảy máu.
  • Nếu vết thương sưng tấy, bầm tím, chườm đá sẽ giúp giảm đi tình trạng này. Nhưng hãy nhớ tránh bóc vảy của vết thương sẽ làm cho chúng lâu lành hơn.
  • Nếu người bệnh thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hãy dùng kem chống nắng có chỉ số chống nắng là 30 tại vùng tổn thương cho tới khi vết thương khỏi hẳn.
Sơ cứu vết thương hở đúng cách 3 Sơ cứu vết thương hở theo mức độ

Sơ cứu vết thương hở lớn, mức độ nặng

Đối với các vết thương nặng hơn, chảy máu nhiều không có dấu hiệu dừng, có những dị vật đâm sâu… chúng ta cần sơ cứu vết thương hở như sau:

  • Bước 1: Cố gắng giữ bình tĩnh cho bệnh nhân, không để cho họ tự cử động. Nếu họ có vết thương hở chứa dị vật, không được cố gắng loại bỏ vật đó bởi điều này có thể khiến tình trạng chảy máu tệ hơn.
  • Bước 2: Lập tức gọi hỗ trợ y tế.
  • Bước 3: Giúp đỡ họ di chuyển ra vị trí thoải mái hơn.
  • Bước 4: Theo dõi tình trạng của bệnh nhân tới khi có đội ngũ y tế tới. Cố gắng giữ cho người bệnh tỉnh táo. Đối với các vết thương hở nặng, cần tới cơ sở y tế ngay lập tức.

Có nên băng kín vết thương hở không?

Có nhiều ý kiến cho rằng khi có vết thương hở chúng ta không nên băng bó lại vì phải để cho chúng “thở”. Điều này không những sai mà còn gây nguy hiểm vì sẽ làm tăng khả năng vết thương tiếp xúc với các tác nhân gây nhiễm trùng. Do đó, hãy nhớ băng vết thương lại và thay băng một lần mỗi ngày sau khi chúng đã được rửa sạch và khô.

Những biến chứng gây ra bởi vết thương hở

Nếu chúng ta không sơ cứu vết thương hở kịp thời và đúng cách, nó có thể dẫn tới biến chứng vô cùng nghiêm trọng như nhiễm trùng, nhiễm độc. Hãy liên hệ bác sĩ ngay khi có dấu hiệu chảy máu không ngừng hoặc nhiễm trùng. Biểu hiện của nhiễm trùng đó là vết thương tăng tiết dịch, có mủ đặc màu xanh, vàng hoặc nâu, mùi bốc lên rất hôi và khó chịu. Ngoài ra, bạn có thể bị sốt cao khi nhiễm trùng nặng.

Các bệnh lý có thể tiến triển từ vết thương hở:

  • Bệnh uốn ván: Do nhiễm trùng trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani, đây là bệnh lí phổ biến khi bạn có vết thương hở không được sơ cứu đúng cách. Bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.
  • Viêm hoại tử da, cân cơ: Một bệnh nhiễm trùng mô mềm gây ra bởi liên cầu hay tụ cầu có thể dẫn tới mất mô và nhiễm khuẩn huyết cũng vô cùng nguy hiểm.
  • Viêm mô tế bào: Nhiễm trùng ở lớp da sâu nhất.

Tất nhiên, chúng ta có thể sơ cứu vết thương hở tại nhà nhưng khi có bất kì biến chứng nào thì cần lập tức liên hệ bác sĩ hoặc tới các cơ sở y tế để kịp thời có phương án điều trị, giảm nguy cơ có những diễn tiến xấu hơn.

Sơ cứu vết thương hở đúng cách 5 Biến chứng nhiễm khuẩn là hay gặp nhất sau khi vết thương hở điều trị ban đầu ổn định

Phòng ngừa vết thương hở

Vết thương hở có thể dẫn tới rất nhiều biến chứng nguy hiểm tới tính mạng vì thế chúng ta cần phòng ngừa các tai nạn bằng cách:

  • Cẩn thận trong mọi hoạt động sinh hoạt hàng ngày cũng như trong công việc, luôn để ý các mối nguy hiểm.
  • Trong công việc, luôn mặc trang phục bảo hộ đầy đủ và đúng cách giúp phòng ngừa các tai nạn bất ngờ.
  • Cất đồ đạc, dụng cụ, máy móc… ở đúng nơi đúng chỗ, gọn gàng bởi tình trạng để sai chỗ và bừa bộn có thể gây ra những tai nạn cho chính bản thân hoặc mọi người xung quanh.
  • Tham gia giao thông đúng điều luật.

Trên đây là một số những kiến thức cơ bản bạn cần biết về sơ cứu vết thương hở để giúp bạn bảo vệ bản thân cũng như những người xung quanh. Tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, việc chúng ta nên làm là phòng tránh và chuẩn bị tốt khi có bất ngờ xảy ra, đừng nên chủ quan bạn nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin