Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sót rau sau sảy thai có nguy hiểm không?

Ngày 17/07/2022
Kích thước chữ

Sảy thai là điều không ai mong muốn và làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tâm lý của sản phụ. Một trong những hệ quả thường gặp là sót rau sau sảy thai, nếu không phát hiện sớm và khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản sau này.

Sót rau sau sảy thai có thể được khắc phục bằng những thủ thuật đơn giản. Điều quan trọng là bạn phải phát hiện kịp thời, nếu không biến chứng mà tình trạng này để lại sẽ vô cùng nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về những đặc điểm của tình trạng này nhé!

Sót rau sau sảy thai là gì?

Rau thai (nhau thai) được hình thành trong tử cung khi trứng được thụ tinh thành phôi thai. Rau thai liên kết giữa mẹ và bé thông qua dây rốn, có tác dụng truyền các chất dinh dưỡng và oxy từ máu mẹ đến thai nhi. Ngoài ra, rau thai còn có khả năng bảo vệ thai nhi khỏi nhiễm trùng.

Khi sinh hoặc bị sảy thai, rau thai sẽ được tử cung co bóp và đẩy hết ra ngoài. Lúc này cơ thể người mẹ không cần đến rau thai nữa nên toàn bộ bánh rau phải được loại bỏ khỏi tử cung.

Trong một số trường hợp, rau thai bị sót lại một phần trong tử cung, đây gọi là hiện tượng sót rau thai. Hiện tượng này có thể xảy ra bởi rau thai bị mắc sau cổ tử cung; rau vẫn còn bám vào thành tử cung như bám nông (rau dính) hoặc bám sau (rau cài răng lược).

Sót rau do sảy thai, nạo hút thai hay sinh nở nếu không được phát hiện kịp thời đều có thể khiến sản phụ bị nhiễm trùng các cơ quan sinh sản, dẫn tới các bệnh như: Tắc ống dẫn trứng, viêm cổ tử cung, nặng hơn có thể bị băng huyết và gây nguy hiểm đến tính mạng.

Sót rau sau sảy thai có nguy hiểm không? 1 Sót rau sau sảy thai ở sản phụ

Nguyên nhân sót rau khi sảy thai

Khi bị sảy thai, bào thai trong bụng người mẹ có thể tự đẩy ra ngoài. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp thai chỉ đẩy ra ngoài một phần mà bạn không nhận ra. Khi đó, các bác sĩ sẽ phải can thiệp bằng những thủ thuật nhỏ để loại bỏ hoàn toàn rau thai ra khỏi cơ thể mẹ. Sót rau thai có thể xảy ra do một số nguyên nhân sau:

  • Rau thai bám sâu vào tử cung nên khi lấy ra có thể bị đứt và không lấy hết được.
  • Do nhân viên y tế thực hiện thủ thuật không lấy hết rau thai ra ngoài.
  • Sót rau thai có thể xuất hiện nhiều hơn ở những người từng nạo phá thai do phần rau thai này bị dính vào cổ tử cung đã bị nhiễm trùng sau lần phẫu thuật trước.
  • Khi bị sảy thai, bào thai không được đẩy ra ngoài hoàn toàn mà mẹ bầu không hề biết.

Dấu hiệu sót rau sau sảy thai

Sau khi sinh con, sản phụ sẽ bị ra sản dịch, có thể kéo dài cả tháng. Với những trường hợp sảy thai hoặc nạo hút thai, thai phụ sẽ bị ra huyết dịch (máu), thường sẽ chỉ kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Một số trường hợp ra máu kéo dài đến 2 tuần mới dứt điểm nhưng lượng máu sẽ giảm dần.

Tuy nhiên, sau khi sảy thai hoặc nạo hút, cơ thể có những hiện tượng như ra máu kéo dài cả tháng và ra nhiều bất thường, kèm theo có màu đen hoặc có mùi hôi khó chịu, có lẫn máu đen và máu cục thì rất có thể bạn đã bị sót rau thai. Những triệu chứng kèm theo là:

  • Sốt.
  • Đau bụng dưới âm ỉ hoặc liên tục.
  • Tử cung có độ đàn hồi kém.
  • Do mất máu nhiều nên sản phụ sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi và hay bị choáng.
Sót rau sau sảy thai có nguy hiểm không? 2 Ra máu kéo dài kèm đau bụng dưới là một trong những biểu hiện sót rau thai

Sót rau sau sảy thai cần làm gì?

Khi bị sảy thai, cơ thể của người mẹ thường rất mệt mỏi nên có thể không nhận biết được những dấu hiệu như sốt, hoặc choáng. Đôi khi việc ra máu làm bạn nhầm tưởng rằng đó là kinh nguyệt, tạo tâm lý chủ quan mà không tái khám sớm.

Tốt nhất nếu bị sảy thai, bạn nên theo dõi lượng máu trong khoảng thời gian 2 tuần. Nếu có những triệu chứng kèm theo như sốt hoặc đau bụng âm ỉ kéo dài thì nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra lại.

Quy trình nạo sót rau sau sảy thai

Khi cảm thấy những dấu hiệu bất thường, bạn hãy đến các cơ sở y tế để được kiểm tra sớm nhất có thể. Tại đó, bạn sẽ được siêu âm và thăm khám lâm sàng để chẩn đoán chính xác mình có bị sót rau hay không. Hãy nói với bác sĩ những triệu chứng mà mình gặp phải, điều đó giúp ích rất nhiều cho việc sớm tìm ra nguyên nhân.

Khi đã xác định được bạn bị sót rau thai, các bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật nạo sót rau thai theo các quy trình như sau:

  • Sát khuẩn âm hộ, toàn bộ tầng sinh môn, âm đạo và cổ tử cung. Nếu cần thiết bạn có thể được thông tiểu.
  • Sau đó, bác sĩ sẽ đặt van bộc lộ âm đạo và cổ tử cung rồi dùng dụng cụ chuyên dụng để kẹp cổ tử cung ở phần mép trước hoặc sau.
  • Bạn sẽ được tiến hành gây tê tại chỗ cổ tử cung, xác định tư thế, đo chiều cao của tử cung và nong cổ tử cung nếu cần.
  • Bác sĩ sản khoa sẽ dùng kẹp để gắp phần rau thai còn sót lại ra ngoài rồi dùng thìa cùn để nạo và kiểm tra tử cung.
  • Nếu tử cung của bạn bị chảy máu hoặc co kém, bạn sẽ được tiêm Oxytocin.
  • Sau khi nạo, bác sĩ sẽ đo lại buồng tử cung, kiểm tra xem rau thai đã được loại bỏ hoàn toàn chưa, sau đó sát khuẩn lại tử cung và âm đạo một lần nữa.

Sau khi tiến hành nạo sót rau, sản phụ sẽ sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ và được hẹn tái khám nếu cần thiết. Thủ thuật nạo sót rau tương đối đơn giản và chỉ gây cảm giác khó chịu nhẹ khi tiến hành nên bạn không nên quá lo lắng. Điều quan trọng là hãy chọn những cơ sở y tế uy tín và bác sĩ có tay nghề, kinh nghiệm để đảm bảo thủ thuật được tiến hành an toàn và chính xác.

Sót rau sau sảy thai có nguy hiểm không? 3 Thăm khám kỹ lưỡng khi bị sảy thai để khắc phục tình trạng sót rau sớm nhất có thể

Lưu ý sau khi nạo sót rau thai

Tuy thủ thuật nạo sót rau thai rất đơn giản nhưng nó cũng có thể khiến cho cơ thể sản phụ mệt mỏi và uể oải. Vì vậy việc chăm sóc sau khi nạo sót rau thai cũng rất quan trọng.

Có thể bạn sẽ vẫn ra máu trong vài ngày tới nhưng hãy để ý xem những hiện tượng như máu đen, máu cục, sốt, đau bụng có còn xuất hiện hay kéo dài không. Nếu gặp những dấu hiệu trên, bạn hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

Sau khi nạo sót rau thai bạn nên:

  • Vận động và đi lại nhẹ nhàng trong khoảng 1 đến 2 ngày đầu.
  • Dùng thuốc đúng giờ, theo chỉ định của bác sĩ.
  • Ăn đủ bữa, uống thêm sữa hoặc các loại nước ép, nước sinh tố để bổ sung dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
  • Nên uống nhiều nước rau ngót trong khoảng 3 đến 5 ngày sau khi nạo sót rau thai vì rau ngót rất tốt cho việc chữa lành và làm sạch tử cung.
Sót rau sau sảy thai có nguy hiểm không? 4 Uống nước rau ngót rất tốt cho việc chữa lành và làm sạch tử cung

Hiện tượng sót thai sau sảy thai không phải hiếm gặp và việc khắc phục cũng rất đơn giản. Tuy nhiên, nếu bạn chủ quan mà không thăm khám sớm thì hậu quả nó để lại sẽ rất nghiêm trọng. Nhiều trường hợp do xử lý muộn mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sinh sản sau này, thậm chí là vô sinh, băng huyết và nguy hiểm đến tính mạng.

Khi bị sảy thai, nên tới thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín, nơi có những bác sĩ tay nghề cao và dày dặn kinh nghiệm để tránh tình trạng sót rau sau sảy thai. Hãy chăm sóc và chú ý đến những thay đổi nhỏ của cơ thể trong những ngày kế tiếp để phát hiện những bất thường và từ đó có cách giải quyết kịp thời nhất.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin