Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên: Chớ nên chủ quan

Ngày 24/09/2024
Kích thước chữ

Trong nhiều năm gần đây, vấn đề sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên ngày một được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt khi có những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu để biết rõ hơn các cách phòng chống một số vấn đề tâm lý ở thanh thiếu niên.

Sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên những năm gần đây gia tăng chóng mặt với tỷ lệ stress, rối loạn lo âu, trầm cảm,… tăng chóng mặt. Do đó, vấn đề sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên cần được toàn xã hội quan tâm, đặc biệt là phụ huynh, người thân,… để phòng tránh, phát hiện và can thiệp kịp thời.

Sức khỏe tâm thần là gì?

Trước khi tìm hiểu rõ hơn về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên, bạn cũng cần biết thế nào là sức khỏe tâm thần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần là trạng thái hạnh phúc, trong đó, một cá nhân nhận ra khả năng của chính mình, có thể đối phó với những áp lực, căng thẳng bình thường của cuộc sống, có khả năng làm việc hiệu quả và đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

Sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên: Chớ nên chủ quan 1
Sức khỏe tâm thần là khả năng đối phó với áp lực, căng thẳng trong cuộc sống của một người

Sức khỏe tâm thần không chỉ là trạng thái không gặp vấn đề rối loạn tâm thần hay bất kỳ vấn đề nào khác về tinh thần mà còn bao gồm cả khả năng suy nghĩ, học hỏi, hiểu được cảm xúc của một người và phản ứng với mọi người xung quanh. Các yếu tố như thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa, tinh thần và các yếu tố liên quan khác đều tham gia vào việc tạo nên sự cân bằng này.

Sức khỏe tâm thần của một người bất kể tuổi tác, giới tính đều quan trọng như sức khỏe thể chất của họ. Tình trạng sức khỏe tâm thần cũng là bệnh tật và có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời giữa sức khỏe tâm thần và sức khỏe thể chất. Như vậy, sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên cũng quan trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của họ, do đó, việc quan tâm sức khỏe tinh thần là điều hết sức cần thiết.

Dấu hiệu thanh thiếu niên mắc các chứng rối loạn tâm thần

Sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên nói riêng và của mọi đối tượng nói chung đều rất phức tạp, mỗi người sẽ có vấn đề khác nhau. Trong đó, rối loạn tâm thần ở một người có thể là những vấn đề như:

  • Rối loạn cảm xúc lưỡng cực;
  • Rối loạn trầm cảm dai dẳng;
  • Rối loạn trầm cảm sau sinh;
  • Rối loạn lo âu lan tỏa;
  • Ám ảnh sợ xã hội;
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế;
  • Rối loạn stress sau sang chấn;
  • Tâm thần phân liệt;
  • Rối loạn ăn uống.
Sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên: Chớ nên chủ quan 2
Rối loạn ăn uống - Một trong những dấu hiệu của rối loạn tâm thần

Mỗi chứng rối loạn tâm thần sẽ có biểu hiện đặc trưng không giống nhau. Tuy vậy, một số triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân rối loạn tâm thần có thể kể đến như:

  • Chán ăn hoặc đột nhiên ăn nhiều bất thường.
  • Suy giảm trí nhớ, khó tập trung.
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
  • Cảm thấy cơ thể mệt mỏi dù đã ngủ đủ giấc.
  • Bị trơ cảm xúc hoặc khó đồng cảm.
  • Cảm thấy bản thân khó hòa nhập với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và dần rút lui khỏi các hoạt động tập thể.
  • Không còn quan tâm đến các hoạt động, dù là hoạt động yêu thích trước đó.
  • Cảm thấy bản thân không có giá trị, vô vọng, là gánh nặng của người khác.
  • Buồn bã, lo lắng, sợ hãi, tuyệt vọng liên tục kéo dài trên 2 tuần.
  • Cảm xúc thay đổi thất thường, dễ xúc động, bộc phát cảm xúc.
  • Gặp vấn đề trong các mối quan hệ, dễ mâu thuẫn, lạnh nhạt, xa cách với mọi người.
  • Liên tục có những suy nghĩ hồi tưởng hoặc hành vi lặp đi lặp lại.
  • Nghe hoặc nhìn thấy những thứ không thực sự tồn tại.
  • Có ý định làm tổn, tổn hại đến chính mình.
  • Cảm thấy khó thực hiện các hoạt động hoặc công việc hàng ngày, kết quả học tập, hiệu quả làm việc giảm sút không rõ lý do.

Nhìn chung, vấn đề về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên ở giai đoạn đầu tương đối khó nhận biết và phân biệt giữa các bệnh lý cụ thể, đôi khi chính người bệnh cũng không thể nhận ra mình đang gặp vấn đề. Do đó, người thân càng cần để ý hơn, không nên bỏ qua bất kỳ dấu hiệu lạ nào để nhanh chóng can thiệp, hỗ trợ người bệnh.

Sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên: Chớ nên chủ quan 3
Sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên có thể biểu hiện qua tình trạng cáu giận, khó kiểm soát cảm xúc, kết quả học tập kém,...

Biện pháp hỗ trợ sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên

Việc phòng tránh vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên đòi hỏi sự quan tâm từ cả gia đình, nhà trường và xã hội. Dưới đây là một số biện pháp hỗ trợ phòng tránh vấn đề sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên bạn có thể tham khảo.

Giáo dục về sức khỏe tâm thần: Nên tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên về sức khỏe tâm thần thông qua các chương trình chia sẻ, giáo dục được tổ chức tại nhà trường, trên sách báo, truyền hình,… để các em nhận biết vấn đề của bản thân (nếu có) và biết cách tự bảo vệ mình.

Tạo môi trường hỗ trợ: Xây dựng một môi trường học tập, rèn luyện và gia đình tích cực có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên bởi đây là những nơi thanh thiếu niên cảm thấy được yêu thương, tôn trọng và có thể hỗ trợ, chia sẻ được.

Khuyến khích tham gia hoạt động thể chất: Tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động thể chất có hiệu quả trong việc giảm stress, tăng cường sức khỏe tâm thần và cải thiện tâm trạng cho thanh thiếu niên.

Sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên: Chớ nên chủ quan 4
Nên cho thanh thiếu niên tham gia hoạt động thể chất nhiều hơn để phòng chống những vấn đề sức khỏe tâm thần

Phát triển kỹ năng sống: Hướng dẫn, hình thành cho thanh thiếu niên những kỹ năng sống bao gồm quản lý stress, quản lý cảm xúc, tìm kiếm sự giúp đỡ,… là cách phòng tránh vấn đề sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên hiệu quả, giúp các em giải quyết xung đột, ứng xử phù hợp, giao tiếp hiệu quả.

Thúc đẩy mối quan hệ xã hội: Khi tìm hiểu về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên, nhiều chuyên gia tâm lý cho biết để hạn chế vấn đề tâm lý ở thanh thiếu niên, bố mẹ, người thân, bạn bè, thầy cô giáo,… nên khuyến khích các em tham gia hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện,… nhằm tạo mối quan hệ lành mạnh với mọi người, giải tỏa áp lực, mệt mỏi.

Hỗ trợ chuyên nghiệp: Khi cần thiết, thanh thiếu niên nên tìm đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ có chuyên môn về sức khỏe tâm thần để được hỗ trợ, tư vấn và điều trị kịp thời.

Sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên là vấn đề cần được các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội quan tâm hơn nữa nhằm giảm thiểu tỷ lệ thanh thiếu niên mắc bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu,… dẫn đến vấn đề tâm thần, thậm chí là tự tử. Bố mẹ, thầy cô và xã hội không nên tạo quá nhiều áp lực đối với thanh thiếu niên, thay vào đó nên trò chuyện, lắng nghe các em nhiều hơn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.