Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tâm lý - Tâm thần

Các dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe tâm thần

Ngày 08/07/2024
Kích thước chữ

Trong cuộc sống hiện đại, sức khỏe tâm thần ngày càng trở thành một vấn đề được chú trọng và quan tâm. Mặc dù nhiều người vẫn còn e ngại khi nhắc đến các rối loạn tâm lý, nhưng việc nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe tâm thần là vô cùng quan trọng.

Các dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe tâm thần không chỉ giúp cá nhân nhận thức được tình trạng của bản thân mà còn tạo điều kiện để bệnh nhân nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Các dấu hiệu này bao gồm những thay đổi trong cảm xúc và hành vi đến những triệu chứng thể chất, nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích mọi người chăm sóc sức khỏe tâm thần của chính mình.

Sức khỏe tâm thần ở Việt Nam

Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, có hơn 100 triệu người mắc rối loạn sức khỏe tâm thần, trong đó rối loạn trầm cảm đóng góp tới 5,73% gánh nặng bệnh tật. Ở Việt Nam, theo số liệu từ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, tỷ lệ mắc 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến vào năm 2014 là 14,2%, với rối loạn trầm cảm chiếm 2,45%. Tỷ lệ tự sát năm 2015 là 5,87 trên 100.000 dân. Hiện tại, văn phòng WHO tại Việt Nam đang hợp tác với Bộ Y tế để phát triển mô hình tích hợp sức khỏe tâm thần vào hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, đặc biệt chú trọng đến tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Các dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe tâm thần 1
Sức khỏe tâm thần ở Việt Nam ngày càng cần được quan tâm chăm sóc nhiều hơn

Các dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe tâm thần

Sức khỏe tâm thần là một lĩnh vực phức tạp với nhiều rối loạn khác nhau, bao gồm:

  • Rối loạn cảm xúc lưỡng cực;
  • Rối loạn trầm cảm dai dẳng;
  • Rối loạn trầm cảm sau sinh;
  • Rối loạn lo âu lan tỏa;
  • Ám ảnh sợ xã hội;
  • Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế;
  • Rối loạn stress sau sang chấn;
  • Tâm thần phân liệt;
  • Rối loạn ăn uống.

Mỗi loại rối loạn có các triệu chứng đặc trưng riêng, nhưng một số dấu hiệu cảnh báo chung có thể bao gồm:

  • Thay đổi khẩu vị: Chán ăn hoặc ăn quá nhiều.
  • Suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung.
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
  • Cảm giác mệt mỏi dù đã ngủ đủ giấc.
  • Cảm giác trơ cảm xúc hoặc khó đồng cảm với người khác.
  • Khó hòa nhập với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và rút lui khỏi các hoạt động xã hội.
  • Mất quan tâm đối với những sở thích từng rất yêu thích.
  • Cảm giác bản thân không có giá trị, vô vọng hoặc như là gánh nặng cho người khác.
  • Cảm thấy buồn bã, lo lắng, sợ hãi hoặc tuyệt vọng kéo dài hơn hai tuần.
  • Cảm xúc thay đổi thất thường, dễ bị kích động hoặc bộc phát cảm xúc.
  • Vấn đề trong các mối quan hệ, như mâu thuẫn, lạnh nhạt hoặc xa cách.
  • Liên tục có suy nghĩ hồi tưởng hoặc hành vi lặp đi lặp lại.
  • Nghe hoặc nhìn thấy những thứ không thực sự tồn tại.
  • Có ý nghĩ tự làm hại mình hoặc người khác.
  • Khó thực hiện các công việc hàng ngày, như giảm sút kết quả học tập hoặc hiệu quả công việc mà không rõ lý do.
  • Lạm dụng rượu hoặc ma túy.
Các dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe tâm thần 2
Lạm dụng rượu hoặc ma túy thường xuyên gây ra vấn đề sức khỏe tâm thần

Những triệu chứng này có thể khó nhận ra và đôi khi chính bản thân bạn cũng không nhận thấy vấn đề sức khỏe tâm thần của mình. Vì vậy, không nên bỏ qua bất kỳ dấu hiệu nhỏ nào và nên nhờ sự giúp đỡ từ người thân để phát hiện và can thiệp kịp thời.

Nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần

Sức khỏe tâm thần là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sự phát triển cá nhân. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến các triệu chứng rối loạn tâm thần bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: Các rối loạn tâm thần thường phổ biến hơn ở những người có tiền sử gia đình mắc các chứng bệnh tâm lý. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng của yếu tố di truyền đối với sức khỏe tâm thần.
  • Yếu tố môi trường: Tiếp xúc với các tác nhân gây hại như rượu bia, ma túy và các chất kích thích có thể làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần. Thêm vào đó, sự mất cân bằng nội tiết tố, đặc biệt là ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai hoặc sau sinh, cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Yếu tố sinh học: Các chấn thương hoặc tiếp xúc với chất độc hại và virus có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Những tác động này có thể làm thay đổi cấu trúc và chức năng của não bộ.
  • Sự thay đổi trong cuộc sống: Áp lực từ công việc, học tập và các vấn đề cuộc sống hàng ngày có thể dẫn đến sự sa sút tinh thần. Căng thẳng kéo dài là một yếu tố nguy cơ chính gây ra các rối loạn tâm thần.
Các dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe tâm thần 3
Căng thẳng kéo dài là một yếu tố nguy cơ chính gây ra các rối loạn tâm thần

Sức khỏe tâm thần có vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Việc không điều trị kịp thời các rối loạn tâm thần có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng, bao gồm cả nguy cơ tử vong.

Tiêu chuẩn chẩn đoán các vấn đề sức khỏe tâm thần

Hiện nay, trên thế giới, hai hệ thống phân loại các vấn đề về sức khỏe tâm thần đang được sử dụng phổ biến là Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Các Bệnh Tâm Thần, phiên bản thứ năm (DSM-V) của Hiệp hội Tâm thần Mỹ và Bảng phân loại Bệnh tật Quốc tế lần thứ 10 (ICD-10) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Sự ra đời của hai hệ thống phân loại này đã cung cấp các tiêu chuẩn chẩn đoán rõ ràng, giúp cải thiện khả năng xác định và điều trị các rối loạn tâm thần.

Theo DSM-V, hệ thống phân loại bệnh tâm thần dựa trên năm trục, mỗi trục phản ánh một khía cạnh khác nhau của trạng thái tâm thần:

  • Trục I: Đánh giá các triệu chứng lâm sàng chính như rối loạn cảm xúc, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, tăng động giảm chú ý, tự kỷ, ám sợ, tâm thần phân liệt, và các rối loạn liên quan đến ăn uống, tình dục.
  • Trục II: Xem xét các trạng thái bệnh lý kéo dài như rối loạn nhân cách và chậm phát triển trí tuệ/tâm thần.
  • Trục III: Cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe thể chất của cá nhân, bao gồm các tổn thương não bộ và các rối loạn sức khỏe thể chất.
  • Trục IV: Đánh giá các vấn đề tâm lý và yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
  • Trục V: Đánh giá tổng quát hoạt động chức năng của cá nhân.
Các dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe tâm thần 4
Đánh giá tổng quát hoạt động chức năng về trạng thái tâm thần của cá nhân

Theo ICD-10, các vấn đề về sức khỏe tâm thần được phân loại thành các nhóm sau:

  • Rối loạn tâm thần thực thể, bao gồm các triệu chứng tâm thần.
  • Rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng chất tác động tâm thần hoặc chất gây nghiện.
  • Tâm thần phân liệt, rối loạn dạng phân liệt, và rối loạn hoang tưởng.
  • Rối loạn cảm xúc.
  • Loạn thần kinh, rối loạn liên quan đến stress và rối loạn dạng cơ thể.
  • Hội chứng hành vi kết hợp với rối loạn sinh lý và yếu tố thể chất.
  • Rối loạn nhân cách và hành vi ở người trưởng thành.
  • Chậm phát triển tâm thần.
  • Rối loạn phát triển tâm lý.
  • Rối loạn về hành vi và cảm xúc thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên.
  • Rối loạn tâm thần không xác định.

Tổ chức Y tế Thế giới coi các vấn đề về sức khỏe tâm thần là một phần quan trọng không chỉ của sức khỏe cộng đồng mà của toàn cầu. Hiểu rõ và nắm vững các thông tin về phân loại và chẩn đoán các rối loạn tâm thần có ý nghĩa quan trọng trong việc chăm sóc và phục hồi sức khỏe tâm thần cho mỗi cá nhân cũng như cộng đồng. Để tìm hiểu thêm thông tin và nhận sự hỗ trợ, hãy liên hệ với các cơ sở y tế, bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được hỗ trợ kịp thời nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin