Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Suy tuyến yên có chữa được không? Chữa như thế nào?

Ngày 25/08/2024
Kích thước chữ

Bệnh suy tuyến yên có chữa được không? Chữa bằng cách nào? Đây chính là những thắc mắc hàng đầu của những người bệnh và gia đình hiện nay. Suy tuyến yên có thể ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể. Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp thông tin chi tiết giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh này, đồng thời giải đáp thắc mắc “Suy tuyến yên có chữa được không?”.

Trong cơ thể, tuyến yên có kích thước nhỏ nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống nội tiết. Tuyến yên đảm nhận nhiệm vụ sản xuất và giải phóng nhiều loại hormone. Những hormone này có tác dụng điều hòa và chi phối hoạt động của các tuyến khác gồm tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục (buồng trứng và tinh hoàn). Vì vậy, bất kỳ rối loạn tuyến yên nào cũng đều ảnh hưởng đến các tuyến còn lại, suy tuyến yên là một trong những vấn đề có thể gặp phải. Vậy suy tuyến yên có chữa được không? Chữa bệnh suy tuyến yên bằng cách nào?

Tìm hiểu chung về bệnh suy tuyến yên

Suy tuyến yên là tình trạng chức năng tuyến yên bị suy giảm khiến cơ quan này không thể sản xuất hoặc sản xuất ít hơn nhu cầu của cơ thể một hay nhiều loại hormone tuyến yên. Việc thiếu hụt hormone tuyến yên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các cơ quan đích khác như tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục,…

Suy tuyến yên có chữa được không? Chữa như thế nào? 1
Tuyến yên nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng

Người bị suy tuyến yên có thể thiếu một số hormone như:

  • Hormone tăng trưởng (GH): Đây là hormone đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng và ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể. Thiếu hụt hormone GH ở trẻ em có thể dẫn đến tình trạng chậm phát triển, thấp lùn.
  • Hormone kích thích nang trứng (FSH): Sự thiếu hụt hormone FSH sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ. Đối với nữ giới, FSH kích thích quá trình tiết estrogen, sự phát triển tế bào trứng và chu kỳ kinh nguyệt. Khi thiếu hormone này, nữ giới thường bị bốc hỏa, rụng lông mu, rối loạn kinh nguyệt hoặc vô kinh,... Đối với nam giới, hormone FSH kích thích sản sinh tinh trùng và testosterone. Nam giới bị thiếu hụt FSH thường xuất hiện triệu chứng rối loạn cương dương, rụng lông, thay đổi tâm trạng thất thường.. Vì thế, việc suy tuyến yên có chữa được không là một trong những yếu tố quyết định đến khả năng sinh sản.
  • Hormone prolactin (PRL): Hormone này kích thích sản xuất sữa sau sinh và một số chức năng khác của cơ thể. Phụ nữ sau sinh bị thiếu PRL sẽ giảm lượng sữa tiết ra.
  • Hormone kích thích tuyến giáp (TSH): Suy tuyến yên gây thiếu hụt hormone TSH dẫn đến suy giảm chức năng tuyến giáp. Một số triệu chứng ở người thiếu TSH như da khô, tóc khô, mệt mỏi, táo bón, yếu cơ, tăng cân, trầm cảm, rối loạn kinh nguyệt, thường xuyên cảm thấy buồn ngủ, hay quên, nặng hơn có thể gây hôn mê suy giáp.
  • Hormone chống bài niệu (ADH): Đây là hormone có vai trò kiểm soát huyết áp và cân bằng chất lỏng của cơ thể. Người bị thiếu hormone ADH thường xuất hiện triệu chứng khát nước, đi tiểu nhiều lần, nước tiểu loãng và máu trở nên đặc hơn.
  • Hormone vỏ thượng thận (ACTH): Thiếu hụt hormone ACTH do suy tuyến yên có thể ảnh hưởng đến quá trình sản sinh hormone cortisol. Người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như huyết áp thấp, mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng,...

Các triệu chứng của bệnh suy tuyến yên thường diễn ra âm thầm cho đến khi mức độ tổn thương tăng lên các dấu hiệu mới trở nên rõ ràng hơn. Chính vì vậy, dấu hiệu cảnh báo bệnh thường bị bỏ qua không được thăm khám và điều trị. Lâu dần, tình trạng suy tuyến yên gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe và khả năng sinh sản.

Suy tuyến yên có chữa được không? Chữa như thế nào? 2
Bệnh suy tuyến yên có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

Suy tuyến yên có chữa được không?

Bệnh suy tuyến yên nếu không điều trị có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Với câu hỏi suy tuyến yên có chữa được không? Đáp án là “Có”. Tương tự các bệnh rối loạn nội tiết khác, bệnh suy tuyến yên có thể cải thiện bằng cách bổ sung hormone bị thiếu hụt. Tuy nhiên, quá trình điều trị sẽ kéo dài suốt đời nên cần sự kiên trì của người bệnh cũng như sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.

Bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn loại thuốc an toàn, có thể dùng lâu dài mà không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì vậy, nếu không may mắc phải căn bệnh này, bạn cũng không nên quá lo lắng. Việc cần làm là tuân thủ phác đồ điều trị và tái khám định kỳ theo lịch hẹn để bác sĩ kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe.

Các phương pháp chữa bệnh suy tuyến yên

Sau khi đã giải đáp được thắc mắc suy tuyến yên có chữa được không thì chữa bằng cách nào cũng là mối quan tâm hàng đầu của người bệnh. Phương pháp điều trị suy tuyến yên sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng sức khỏe hiện tại. Trong đó, điều trị bằng hormone thay thế và dùng thuốc là phương pháp phổ biến nhất.

Suy tuyến yên có chữa được không? Chữa như thế nào? 3
Suy tuyến yên hoàn toàn có thể chữa được nếu người bệnh tuân thủ phác đồ và tái khám đúng hẹn

Với liệu pháp thay thế hormone tuyến yên, người bệnh cần được xét nghiệm để xác định loại hormone cũng như lượng hormone bị thiếu hụt. Mỗi loại hormone sẽ có chỉ định dùng thuốc tương ứng:

  • Với người bị suy tuyến thượng thận, Hydrocortisone hoặc Prednisolon thường được ưu tiên sử dụng.
  • Với người bị suy tuyến giáp có thể sử dụng bổ sung hormone giáp Levothyroxine.
  • Trường hợp thiếu hormone GH sẽ cần sử dụng hormone GH thay thế.
  • Người thiếu hormone sinh dục sẽ được chỉ định dùng các hormone estrogen với nữ và testosterone với nam.

Tóm lại, suy tuyến yên có thể gặp ở bất cứ ai. Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn giải đáp thắc mắc suy tuyến yên có chữa được không, đồng thời hiểu rõ phương pháp chữa bệnh lý này. Người bị suy tuyến yên có thể sống chung với bệnh nếu tuân thủ các chỉ định dùng thuốc, khám định kỳ đúng lịch và có chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp.

Xem thêm: Bệnh lùn tuyến yên và những điều cần biết

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:suy tuyến yên