Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Tắc ruột khi mang thai: Nguyên nhân, triệu chứng, hướng chẩn đoán và điều trị

Ngày 07/06/2024
Kích thước chữ

Tắc ruột khi mang thai là một trong những bệnh lý ngoại khoa thường gặp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của thai phụ. Vậy mẹ hiểu gì về bệnh lý tắc ruột khi mang thai? Cùng Nhà thuốc Long Châu theo dõi bài viết sức khỏe hôm nay để hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh lý này mẹ nhé.

Tắc ruột khi mang thai là gì? Tắc ruột khi mang thai xuất phát từ nguyên nhân nào? Các triệu chứng của bệnh tắc ruột khi mang thai ra sao? Hướng chẩn đoán và điều trị tắc ruột khi mang thai như thế nào? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu.

Tổng quan về tình trạng tắc ruột khi mang thai

Tắc ruột khi mang thai là tình trạng đình trệ sự lưu thông của ruột trong thai kỳ hay hiểu một cách đơn giản, tắc ruột xảy ra khi các chất ứ đọng lại bên trong ruột gây cản trở lưu thông của ruột.

Theo các chuyên gia, 2 giai đoạn thai phụ dễ bị tắc ruột trong thai kỳ đó là vào tháng thứ 4 - 5 của thai kỳ khi tử cung to đẩy từ khoang chậu lên khoang bụng và tháng thứ 8 - 9 của thai kỳ khi đầu của thai nhi quay xuống khoang chậu.

Nguyên nhân gây tắc ruột khi mang thai phần lớn là do tử cung của thai phụ phát triển lớn dần phù hợp với sự phát triển của thai nhi gây chèn ép ruột. Ngoài ra, tắc ruột khi mang thai còn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác tương ứng với 2 dạng phổ biến tắc ruột phổ biến đó là tắc ruột cơ học và tắc ruột cơ năng. Trong đó:

Tắc ruột cơ năng

Tắc ruột cơ năng hay tắc ruột do rối loạn vận động của ruột xảy ra khi có sự rối loạn hoặc mất đi nhu động ruột. Nguyên nhân gây tắc ruột cơ năng có liên quan đến tổn thương thần kinh và nhu động ruột.

Ngoài ra, liệt ruột cũng có thể là nguyên nhân gây tắc ruột cơ năng. Tắc ruột cơ năng do liệt ruột thường xuất phát từ tình trạng viêm màng bụng, tổn thương tuỷ sống, liệt ruột sau phẫu thuật…

So với tắc ruột cơ học thì tắc ruột cơ năng ít phổ biến hơn, chủ yếu xảy ra ở những đối tượng đã từng phẫu thuật ổ bụng.

Tắc ruột cơ học

Tắc ruột cơ học chủ yếu xảy ra ở các bộ phận như thành ruột, ruột non, đại tràng… Dạng tắc ruột này chủ yếu xuất phát từ việc xuất hiện dị vật gây cản trở sự lưu thông của ruột, chẳng hạn như giun đũa nhiều gây kết dính ruột, ứ đọng bã thức ăn có chất xơ, sỏi túi mật, khối u ở ruột, ung thư đại tràng, hẹp thành ruột, lồng ruột, xoắn ruột, thoát vị bẹn, thoát vị rốn…

Tắc ruột khi mang thai: Nguyên nhân, triệu chứng, hướng chẩn đoán và điều trị 1
Tắc ruột khi mang thai xảy ra khi nào?

Triệu chứng và dấu hiệu khi mẹ bầu bị tắc ruột

Khi bị tắc ruột khi mang thai, mẹ bầu có thể dễ dàng nhận biết bệnh thông qua một số triệu chứng điển hình như:

  • Đau và chướng bụng: Đây là dấu hiệu mang tính cảnh báo sớm nhất của bệnh tắc ruột. Theo đó, nếu mẹ nhận thấy các cơn đau bụng đột ngột hoặc dữ dội sau đó giảm dần và lại xuất hiện các cơn đau khác thì rất có thể mẹ bầu bị tắc ruột. Ban đầu, vị trí của cơn đau có thể xuất hiện ở một vùng bụng nhất định, sau đó, cơn đau sẽ lan ra toàn bộ bụng.
  • Buồn nôn và nôn: Buồn nôn và nôn là triệu chứng hầu như bất cứ mẹ nào bị tắc ruột cũng có thể gặp phải. Một số trường hợp có thể không nôn nhưng cơ thể sẽ luôn trong trạng thái buồn nôn, nôn nao.
  • Bí trung đại tiện: Đây cũng được coi là một trong những triệu chứng dễ nhận biết của bệnh tắc ruột. Tuy nhiên, triệu chứng này thường xuất hiện muộn bởi ở trong giai đoạn đầu của bệnh, ruột vẫn có thể thực hiện co bóp để đẩy hơi ra bên ngoài.
  • Ngoài ra, mẹ bầu bị tắc ruột còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như sốt, nhịp tim nhanh, chán ăn, mệt mỏi, sờ nắn bụng thấy quai ruột nổi lên trên thành bụng, gõ bụng nghe tiếng vang…

Tắc ruột khi mang thai sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm nếu như không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Lúc này, thai phụ có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như hoại tử các tế bào ở mô ruột do máu không được lưu thông do tắc nghẽn, nhiễm trùng lan rộng, thủng ruột, suy chức năng các cơ quan… thậm chí đe dọa trực tiếp đến tính mạng của thai phụ.

Tắc ruột khi mang thai: Nguyên nhân, triệu chứng, hướng chẩn đoán và điều trị 2
Buồn nôn và nôn có thể là dấu hiệu cảnh báo tắc ruột khi mang thai

Hướng chẩn đoán và điều trị tắc ruột khi mang thai

Có thể thấy rằng, nguyên nhân gây tắc ruột khi mang thai vô cùng đa dạng, chính vì thế, để xác định chính xác nguyên nhân gây tắc ruột, mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ để thăm khám. Dựa trên kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận chính xác về bệnh, đánh giá chính xác diễn tiến và tiên lượng bệnh, xác định nguyên nhân gây bệnh từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp với từng trường hợp bệnh cụ thể.

Chẩn đoán

Việc chẩn đoán tắc ruột khi mang thai nói riêng và tắc ruột nói chung về cơ bản sẽ được thực hiện lần lượt theo trình tự như sau:

  • Ban đầu, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và hỏi bệnh, cụ thể là hỏi về các triệu chứng mà thai phụ gặp phải cũng như tiền sử bệnh của thai phụ.
  • Khi đã nghi ngờ thai phụ bị tắc ruột, bác sĩ có thể chỉ định thai phụ làm thêm một số thăm dò cận lâm sàng để khẳng định chẩn đoán và xác định nguyên nhân cũng như vị trí gây tắc.

Một số thăm dò cận lâm sàng giúp hỗ trợ chẩn đoán tắc ruột có thể kể đến như:

  • Xét nghiệm: Mẹ bầu cần thực hiện một số xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ. Các xét nghiệm này được thực hiện nhằm đánh giá tình trạng rối loạn điện giải, nhiễm khuẩn…
  • Siêu âm ổ bụng, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ: Đây cũng là các phương pháp phổ biến thường được bác sĩ chỉ định trong chẩn đoán tắc ruột. Các phương pháp này giúp bác sĩ thấy được hình ảnh về đoạn ruột tắc đồng thời giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây tắc ruột.
Tắc ruột khi mang thai: Nguyên nhân, triệu chứng, hướng chẩn đoán và điều trị 3
Siêu âm là một trong những phương pháp hỗ trợ chẩn đoán tắc ruột

Điều trị

Sau khi xác định chính xác thai phụ bị tắc ruột, tùy theo tình trạng hiện tại, sức khỏe của thai phụ mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất.

Với các trường hợp tắc ruột nhẹ, điều trị chủ yếu bằng các biện pháp như kiêng ăn, giảm áp lực của dạ dày và ruột, truyền dịch. Tuy nhiên, sẽ buộc phải can thiệp điều trị bằng phẫu thuật nếu sau 24 giờ mà các triệu chứng của bệnh không được cải thiện.

Phẫu thuật tắc ruột cần được thực hiện ở các bệnh viện uy tín, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị y tế hiện đại và đặc biệt là có đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi trong bụng thì phẫu thuật cần có sự kết hợp giữa bác sĩ ngoại khoa và sản khoa.

Tắc ruột khi mang thai: Nguyên nhân, triệu chứng, hướng chẩn đoán và điều trị
Bác sĩ tư vấn hướng điều trị cho mẹ bầu bị tắc ruột

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh tình trạng tắc ruột khi mang thai mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp và muốn gửi đến quý độc giả. Mong rằng, bài viết hôm nay của Nhà thuốc Long Châu sẽ mang đến cho mẹ nhiều kiến thức sức khoẻ bổ ích.

Xem thêm: Nguyên nhân gây tình trạng khó chịu ở bụng khi mang thai và biện pháp xử lý

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin