Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Thai chậm tăng trưởng thì phải làm sao và một số điều mẹ bầu cần chú ý

Ngọc Diễm

21/04/2025
Kích thước chữ

Trong suốt thai kỳ, sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi luôn là mối quan tâm hàng đầu của mẹ bầu và gia đình. Tuy nhiên, có không ít trường hợp thai nhi phát triển chậm hơn so với tiêu chuẩn, còn gọi là thai chậm tăng trưởng trong tử cung. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn về chủ đề thai chậm phát triển và một số thông tin liên quan nhé!

Để hiểu rõ cách chăm sóc và xử lý khi thai chậm tăng trưởng, trước tiên mẹ bầu cần nắm được những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này. Từ đó, việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng cũng như theo dõi thai kỳ đúng cách sẽ giúp cải thiện đáng kể sự phát triển của thai nhi. Bài viết này sẽ bạn hiểu rõ hơn về thai chậm tăng trưởng cũng như những vấn đề về chủ đề này.

Thai chậm tăng trưởng có nguy hiểm không?

Thai chậm tăng trưởng trong tử cung (IUGR) là tình trạng thai nhi phát triển không đạt chuẩn về kích thước và cân nặng theo tuổi thai. Tùy vào mức độ chậm phát triển và nguyên nhân gây ra, tình trạng này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với cả mẹ và bé.

Ở mức độ nhẹ, nếu được phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách, thai vẫn có thể tiếp tục phát triển ổn định trong bụng mẹ và sinh ra khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu thai chậm tăng trưởng nghiêm trọng hoặc kéo dài mà không được điều trị, nguy cơ xảy ra biến chứng sẽ tăng lên. Một số nguy hiểm tiềm ẩn như tăng nguy cơ sinh non, suy thai, thai chết lưu, biến chứng sau sinh hoặc ảnh hưởng sức khỏe về sau của trẻ.

Thai chậm tăng trưởng thì phải làm sao và một số điều mẹ bầu cần chú ý 1
Thai chậm tăng trưởng có những nguy hiểm tiềm ẩn mà mẹ bầu nên chú ý

Những tác nhân gây nên tình trạng thai chậm phát triển

Thai chậm phát triển trong tử cung là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau tác động đến sự phát triển của thai nhi. Các tác nhân này có thể đến từ phía mẹ, nhau thai hoặc bản thân thai nhi.

Nguyên nhân từ phía người mẹ

Một trong những tác nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng thai chậm phát triển là các vấn đề sức khỏe hoặc lối sống không lành mạnh của mẹ bầu. Mẹ bị suy dinh dưỡng, ăn uống thiếu chất trong thời gian mang thai sẽ khiến thai nhi không được cung cấp đầy đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết để phát triển. Ngoài ra, các bệnh lý mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, bệnh thận hay thiếu máu cũng làm giảm lưu lượng máu đến thai nhi, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của bé trong bụng mẹ.

Thai chậm tăng trưởng thì phải làm sao và một số điều mẹ bầu cần chú ý 2
Mẹ bầu thiếu dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thai chậm phát triển

Thói quen sinh hoạt và môi trường sống

Các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, sử dụng chất kích thích hoặc sống trong môi trường ô nhiễm có thể làm giảm lượng oxy và chất dinh dưỡng truyền từ mẹ sang thai nhi. Những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn cản trở sự phát triển bình thường của thai nhi, làm tăng nguy cơ mắc hội chứng thai chậm tăng trưởng. Bên cạnh đó, việc làm việc quá sức, thiếu nghỉ ngơi, hoặc căng thẳng kéo dài trong thai kỳ cũng góp phần gây nên tình trạng này.

Nguyên nhân từ nhau thai

Nhau thai giữ chức năng thiết yếu trong việc vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng từ mẹ sang thai nhi. Khi nhau thai gặp vấn đề như nhau bong non, nhau tiền đạo hoặc nhau hoạt động kém hiệu quả, việc vận chuyển dưỡng chất và oxy sẽ bị gián đoạn. Tình trạng này khiến thai nhi không thể phát triển đúng với tốc độ bình thường. Ngoài ra, tiền sản giật, một biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ cũng làm co thắt các mạch máu dẫn đến nhau thai, dẫn đến thiếu hụt máu nuôi thai nhi.

Thai chậm tăng trưởng thì cần làm gì?

Khi nhận được chẩn đoán thai chậm tăng trưởng, không ít mẹ bầu cảm thấy hoang mang và lo lắng cho sự phát triển của con. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần giữ bình tĩnh, tìm hiểu rõ nguyên nhân và thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Vậy khi thai chậm tăng trưởng, mẹ nên làm gì để bảo vệ con yêu?

Tuân thủ lịch khám thai định kỳ

Khi được chẩn đoán thai chậm tăng trưởng, điều quan trọng nhất là mẹ bầu cần theo dõi thai kỳ sát sao theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Các buổi khám giúp theo dõi chỉ số phát triển của thai nhi như cân nặng, chiều dài xương đùi, vòng bụng, nước ối và dòng máu qua dây rốn.

Thai chậm tăng trưởng thì phải làm sao và một số điều mẹ bầu cần chú ý 3
Mẹ bầu hãy thăm khám bác sĩ thường xuyên để theo dõi sức khỏe của mẹ cũng như em bé

Xây dựng thực đơn dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ cho mẹ bầu

Một trong những biện pháp hiệu quả để hỗ trợ thai phát triển là tăng cường chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối. Mẹ nên ăn nhiều thực phẩm giàu protein, chất sắt (gan, rau xanh), kẽm, axit folic và vitamin. Nếu cần, bác sĩ có thể chỉ định bổ sung thêm vi chất thông qua thuốc hoặc viên uống để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho mẹ và thai nhi.

Nghỉ ngơi và tránh căng thẳng

Mẹ bầu nên dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh làm việc quá sức, ngủ đủ giấc và giữ tinh thần thoải mái. Tâm trạng lo lắng, căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu và việc cung cấp oxy cho thai nhi, khiến tình trạng chậm tăng trưởng trở nên nghiêm trọng hơn. Các bài tập nhẹ nhàng như yoga bầu, thiền, đi bộ cũng có thể giúp cải thiện lưu thông máu và ổn định tinh thần.

Quản lý tốt các bệnh lý liên quan trong thai kỳ

Nếu thai chậm phát triển là do mẹ mắc các bệnh lý như cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, thiếu máu hoặc nhiễm trùng, thì cần điều trị hoặc kiểm soát tốt các vấn đề này. Việc này không chỉ giúp mẹ khỏe mạnh hơn mà còn hỗ trợ trực tiếp cho sự phát triển của thai nhi.

Thai chậm tăng trưởng thì phải làm sao và một số điều mẹ bầu cần chú ý 4
Cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe của thai nhi nếu mẹ bầu bị tiểu đường thai nhi

Theo dõi cử động thai và cảnh giác dấu hiệu nguy hiểm

Mẹ nên theo dõi cử động thai mỗi ngày, đặc biệt là từ tuần thai thứ 28 trở đi. Nếu thai máy yếu, bất thường hoặc có dấu hiệu đau bụng, ra máu, nước ối rỉ, mẹ cần đến bệnh viện ngay.

Tình trạng thai chậm tăng trưởng tuy có thể gây ra nhiều lo lắng, nhưng nếu được phát hiện sớm và theo dõi đúng cách, mẹ bầu vẫn có thể vượt qua thai kỳ an toàn và sinh con khỏe mạnh. Hãy luôn lắng nghe cơ thể mình và giữ tinh thần tích cực, đó chính là món quà quý giá nhất mà mẹ có thể dành cho con ngay từ trong bụng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Mang thai an toàn