Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tại sao bà bầu lại đổi khẩu vị?

Ngày 21/09/2020
Kích thước chữ

Việc thay đổi khẩu vị khi mang thai có 2 chiều hướng: 1 là xấu đi và 2 là lại "quá tốt". Vậy tại sao mẹ lại có sự thay đổi khẩu vị này và mẹ nên ăn như thế nào cho đúng để có thể bổ sung dinh dưỡng đầy đủ trong suốt 9 tháng 10 ngày tới, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Thay đổi khẩu vị khi mang thai dường như là một trong những đặc điểm dễ nhận biết nhất của bất cứ bà bầu nào. Nhưng biểu hiện thế nào còn tùy thuộc vào từng người, và quan trọng nhất là cách mẹ bầu “phản ứng” với sự thay đổi đó của cơ thể, bằng cách nào đảm bảo cân bằng giữa sở thích và lợi ích dinh dưỡng cho cả mẹ và bé.

Lý do bà bầu thay đổi khẩu vị

Tại sao bà bầu lại đổi khẩu vị 1Nguyên nhân khiến cho bà bầu thay đổi khẩu vị

Dù chưa được khoa học giải thích tường tận, nhưng nguyên nhân vẫn được cho là do sự thay đổi hormone trong thời kỳ mang thai tác động lên khẩu vị của mẹ bầu. Một số kết quả cho thấy hormone HCG, lượng hormone này sẽ tăng lên gấp đôi sau mỗi vài ngày trong suốt những tháng đầu thai kỳ và đạt đỉnh; sau đó nó sẽ bắt đầu giảm xuống từ khoảng tuần thứ 11 thai kỳ. Loại hormone này là nguyên nhân của các triệu chứng nghén khi mang thai, chán ăn hay thèm ăn của bà bầu.

Bên cạnh đó còn có hormone gonadotropin từ màng đệm nhau thai bài tiết ra, hormone này khống chế acid dạ dày bài tiết, gây giảm bớt lượng bài tiết acid dạ dày và giảm thấp khả năng tiêu hóa của mẹ bầu. Nó sẽ khiến mẹ bầu chán ăn, nhưng lại thèm chua. Không những thế khứu giác và vị giác mẹ bầu cũng trở nên nhạy cảm hơn với 1 số thực phẩm, đặc biệt là những mùi nồng đặc trưng như cà phê, mắm, sầu riêng… Và nó cũng tác động lên sở thích và cảm giác ngon miệng.

Tại sao bà bầu lại đổi khẩu vị 2Sự thay đổi hormone trong thời kỳ mang thai sẽ tác động lên khẩu vị của mẹ bầu

Việc thay đổi khẩu vị còn được xem như sự “lên tiếng” của cơ thể cho những chất dinh dưỡng bị thiếu hụt. Người ta cho rằng mẹ bầu trở nên thèm ăn với 1 số loại thực phẩm nhất định, kể cả những thứ trước đó mẹ bầu không thích hoặc chưa từng ăn là cách cơ thể thông báo sự thiếu hụt 1 số chất dinh dưỡng cần thiết cho thai kỳ trong thời điểm đó…

Mẹ bầu nên ăn, uống gì để đầy đủ dinh dưỡng

Tại sao bà bầu lại đổi khẩu vị 3Tham khảo chế độ ăn uống sau để đảm bảo dinh dưỡng cho bản thân và em bé

Khi mang thai thì cảm giác “buồn miệng, thèm ăn” sẽ xuất hiện bất chợt, liên tục ở mọi lúc mọi nơi. Do đó, mẹ bầu hãy luôn chuẩn bị cho mình những món ăn nhẹ lành mạnh mà vẫn đầy đủ dinh dưỡng. Các mẹ bầu nên tham khảo các cách ăn uống dưới đây để đảm bảo dinh dưỡng cho bản thân và cả em bé.

Ăn đa dạng, đủ chất

Mẹ bầu cần ăn uống đủ chất và nhiều hơn bình thường, đặc biệt là ở các tháng cuối, để đảm bảo sức khỏe cho mẹ, đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi và dự trữ năng lượng tạo sữa nuôi con sau này. Mẹ cần ăn đủ 4 nhóm thức ăn: Bột đường, chất đạm, chất béo và không thể thiếu chất xơ, vitamin và khoáng chất, đây là top thực phẩm giúp mẹ bầu sinh con dễ dàng.

Chia nhỏ bữa ăn

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ bầu nên ăn chia ra thành 3 bữa chính và 3 bữa phụ/ngày: bữa sáng – bữa phụ sáng, bữa trưa – bữa phụ chiều, bữa tối – bữa phụ đêm. Điều đó không chỉ giúp cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho thai nhi mà còn giúp mẹ khắc phục tình trạng nghén, kén ăn trong những tháng đầu và kiểm soát được cân nặng trong những tháng tiếp theo.

Nhai chậm nhai kỹ

Do những thay đổi hormone trong giai đoạn thai kỳ khiến mẹ bầu có cảm giác nhanh đói hơn. Vì vậy, mẹ bầu nên bỏ ngay thói quen ăn nhanh, ăn vội, vừa ăn vừa xem TV hay điện thoại. Thay vào đó, mẹ bầu nên ngồi ăn ở nơi yên tĩnh, ăn chậm, nhai kỹ để có cảm giác no lâu và tốt cho dạ dày. Thói quen này còn kiềm chế mẹ ăn nhiều hơn, tạo cảm giác ngon miệng trong suốt bữa ăn.

Uống đủ nước

Khi mẹ bầu uống nước đầy đủ không chỉ khiến các cơ quan trong cơ thể hoạt động trơn tru hơn mà đôi khi còn là biện pháp hữu ích giúp cho cơn đói không thể làm phiền mẹ bầu, ngăn chặn được cảm giác đói và thèm ăn. Mẹ có thể uống nước lọc, nước canh, nước hoa quả để tốt cho con mà không béo.

Những loại thực phẩm mẹ bầu không nên ăn trong thai kì

Mẹ bầu không nên ăn một số món ăn mất vệ sinh an toàn như: Tiết canh, thịt, cá tái, sống, các thực phẩm quá hạn sử dụng, chưa qua tiệt trùng bởi chúng có thể chứa nhiều loại vi khuẩn gây hại đến sự phát triển của thai nhi. Nếu là fan của sushi thì mẹ sẽ phải dừng ăn món này trong 9 tháng mang thai. Cho dù hải sản có chứa nguồn protein rất dồi dào nhưng hải sản sống đồng thời cũng là nguồn gốc của ký sinh trùng có hại và vi khuẩn gây bệnh.

Không nên sử dụng các sản phẩm chưa qua tiệt trùng như bơ, sữa, phomai,… vì chúng sẽ còn chứa những vi khuẩn có thể gây hại cho sức khỏe mẹ bầu vốn có hệ miễn dịch đang suy yếu. Đặc biệt mẹ cũng nên cẩn thận với vi khuẩn Listeria - không giống như nhiều mầm bệnh do thực phẩm khác, loài vi khuẩn gây sẩy thai này có thể phát triển ở nhiệt độ trong tủ lạnh. Vì lý do này, phụ nữ mang thai nên tránh những loại thịt dễ bị hỏng và phải lưu trữ trong tủ lạnh như thịt nguội và xúc xích. Nếu vẫn muốn ăn thịt nguội và xúc xích, mẹ nên nấu chín, hấp hoặc nướng trước khi dùng.

Trúc

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin