Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tại sao cần tẩy giun định kỳ cho trẻ

Ngày 28/02/2021
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sử dụng thuốc tẩy giun cho trẻ em 6 tháng/1 lần được khuyến cáo cho tất cả trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên. Vậy vì sao phải tẩy giun cho trẻ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Trẻ em có tỷ lệ nhiễm giun sán rất cao và những hệ quả cho nhiễm giun cũng vô cùng nghiêm trọng. Vì thế mẹ hãy tìm hiểu về việc tẩy giun đúng cách cho trẻ tại nhà.

Nguyên nhân cần phải tẩy giun định kỳ cho trẻ

Trẻ rất dễ bị nhiễm giun thông qua những hoạt động hằng ngày. Tỷ lệ trẻ em nước ta bị nhiễm giun khá cao với trung bình hơn 50% trẻ bị nhiễm giun thông qua những hoạt động thường ngày như ăn uống hoặc chơi đùa.

Hoạt động chơi đùa

Tại sao cần tẩy giun định kỳ cho trẻ 1Chơi đùa ngoài đất cát khiến trẻ dễ bị nhiễm ấu trùng sán đang tồn tại trong đất

Trẻ thường thích bò trườn trên sàn nhà, chơi đùa ngoài đất cát nên dễ bị nhiễm ấu trùng sán đang tồn tại trong đất.

Trẻ thường thích đưa tay, đồ chơi vào miệng để ngậm, trong khi tay chân và đồ chơi có chứa hàng triệu vi khuẩn và ấu trùng giun cũng thường xuyên xuất hiện trên những thứ này.

Ngoài việc trực tiếp cho giun sán vào miệng thì khi tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm giun như đồ chơi trong sân chơi, rác dưới đất hoặc chơi với con vật nuôi bị nhiễm giun cũng khiến trẻ lây bệnh.

Ăn uống 

Tại sao cần tẩy giun định kỳ cho trẻ 2Trẻ thích ăn bốc làm vi khuẩn giun sán dễ bị lây nhiễm

Trẻ ăn những thực phẩm bị nhiễm giun do người lớn rửa không sạch hoặc nấu chín kỹ.

Nhiễm giun khi ăn rau sống do hệ miễn dịch còn non yếu và không thể diệt được những loại vi khuẩn và giun sán này.

Không vệ sinh tay chân kĩ lưỡng sau khi chơi đùa, sau đó chạm tay vào đồ ăn và khiến đồ ăn bị nhiễm khuẩn.

Ngoài ra, ở một số vùng có điều kiện vệ sinh kém, giun có thể tồn tại lâu trong các loại hoa màu và ở điều kiện thuận lợi, chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể của con trực tiếp thông qua niêm mạc da của trẻ.

Nhiễm giun sán có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ

Suy dinh dưỡng

Những loại giun sán khi xâm nhập vào cơ thể của trẻ có thể gây ảnh hưởng rõ rệt khi tranh giành các chất dinh dưỡng khiến trẻ chậm lớn, rối loạn tiêu hóa, đau bụng. Việc cơ thể mệt mỏi còn khiến giấc ngủ bị rối loạn, ảnh hưởng đến thần kinh của trẻ trẻ chậm chạp, hay quấy khóc từ đó dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi.

Gây khó khăn trong sinh hoạt và vui chơi hằng ngày

Nhiễm giun sán khiến trẻ cảm thấy chán ăn, nhợn ói lúc ngủ dậy, hay đau bụng quanh rốn làm trẻ mất tinh thần.

Thường ngứa vùng hậu môn nhất là vào ban đêm khiến trẻ mất ngủ vào ban đêm, ngứa ngáy khó chịu khiến trẻ quấy khóc hoặc thường nghiến răng lúc ngủ.

Trẻ xanh xao, hay mệt mỏi uể oải, kém tập trung và không được linh hoạt như những trẻ cùng độ tuổi.

Suy dinh dưỡng, chậm lớn khiến trẻ thấp còi và ốm yếu, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển sau này.

Gây ra những bệnh nguy hiểm

Giun đũa, giun kim khi sản sinh trong cơ thể có thể gây tắc ruột, viêm nhiễm đường mật, áp-xe gan, chảy máu đường mật và viêm tụy, đây là những biến chứng rất nguy hiểm và nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.

Ngoài ra giun móc là một loại giun hút máu, với mỗi con giun móc có thể hút 0,15ml máu và nếu bị nhiễm hàng trăm con sẽ làm cơ thể mất máu nhanh chóng dẫn đến tình trạng thiếu máu, khiến cơ thể trẻ suy sụp nhanh chóng.

Cách tẩy giun đúng cách cho trẻ tại nhà

Tại sao cần tẩy giun định kỳ cho trẻ 3Tẩy giun định kỳ 6 tháng 1 lần để phòng ngừa các bệnh về giun sán cho trẻ

Tẩy giun định kỳ 6 tháng 1 lần là biện pháp đơn giản và hữu hiệu nhất để phòng ngừa các bệnh về giun sán. Trẻ em từ trên 2 tuổi là có thể sử dụng thuốc tẩy giun an toàn, tuy nhiên với trẻ từ 1-2 tuổi nếu mẹ muốn tẩy giun cần hỏi ý kiến bác sĩ và sử dụng với liều lượng phù hợp.

Hiện nay các thuốc tẩy giun trên thị trường có hiệu quả diệt trừ đến 98% những loại giun sán thường gặp. Một số phản phản ứng phụ (ít gặp) sau khi dùng thuốc tẩy giun:

  • Đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy thoáng qua, những triệu chứng này thường nhẹ và sẽ tự khỏi.
  • Tùy vào cơ địa mà một số trẻ sẽ có biểu hiện dị ứng với thuốc như phát ban, ngứa, nổi mề đay.
  • Thông thường đây chỉ là những biểu hiện thoáng qua, kéo dài khoảng vài giờ sau khi uống thuốc nhưng mà cũng nên theo dõi, nếu kéo dài quá 1 ngày nên đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tuy nhiên mẹ cũng nên chú ý không nên tự ý cho trẻ sử dụng thuốc tẩy giun vì trong một số điều kiện trẻ có thể bị sốc thuốc như:

  • Trẻ mắc các bệnh chống chỉ định với thuốc tẩy giun.
  • Trẻ mắc những bệnh mãn tính, tim bẩm sinh, suy gan, suy thận.
  • Trẻ đang ốm, sốt và có hệ miễn dịch đang suy yếu.

Những loại thuốc dùng để tẩy giun cho trẻ

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều thuốc tẩy giun, trong đó có các loại thuốc phổ biến sau:

Mebendazole 500mg: Thuốc tẩy giun dạng viên nén có vị ngọt trái cây, dùng để uống 1 lần duy nhất vào buổi sáng. Nếu mẹ sử dụng thuốc dung dịch uống thì nên uống theo sự chỉ định của bác sĩ tùy thuộc vào độ tuổi. 

Albendazole 400 mg: Tương tự như Mebendazol, viên nén này cũng uống một lần duy nhất và cũng thường được uống vào buổi sáng.

Pyrantel: Thuốc có dạng viên nén, đưa chia thành 2 loại 125mg và 250mg. Liều dùng là 10 mg cho mỗi kilogam cân nặng của trẻ, vì thế mẹ nên cho trẻ uống thuốc sao cho phù hợp nhất với con.

Xuân Trúc

Nguồn: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:nhiễm giun sán