Nhiễm giun sán chó mèo ở trẻ em: Nhận biết thế nào? Phòng ngừa ra sao?
Phương Uyên
24/07/2025
Nhiễm giun sán chó mèo ở trẻ em là một tình trạng phổ biến nhưng thường bị bỏ qua do triệu chứng dễ nhầm lẫn. Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe trẻ, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Nhiễm giun sán chó mèo ở trẻ em là gì?
Trong thời gian gần đây, số lượng trẻ mắc bệnh do ký sinh trùng giun sán từ chó mèo có xu hướng gia tăng đáng kể, đặc biệt tại các vùng có điều kiện vệ sinh hạn chế. Tuy nhiên, những vùng có điều kiện vệ sinh tốt hơn, việc nuôi và chăm sóc chó mèo như là một loại thú cưng ngày càng phổ biến tại hộ gia đình cũng góp phần đưa số ca bệnh gia tăng, phải chăng những thông tin cần thiết về vấn đề sức khỏe nêu trên vẫn chưa được người dân quan tâm và cập nhật đầy đủ?
Theo ghi nhận tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, từ đầu năm 2025 đến nay, gần 900 trẻ đã dương tính với các loại giun sán phổ biến như giun đũa chó (Toxocara canis) và sán dây chó (Dipylidium caninum). Những số liệu này gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn trong sinh hoạt hằng ngày của trẻ nhỏ. Nhiễm giun sán chó mèo ở trẻ em không chỉ là vấn đề y tế mà còn là lời nhắc đến các bậc phụ huynh về việc cần quan tâm hơn đến môi trường sống và sinh hoạt của trẻ.
Nhiễm giun sán chó mèo xảy ra khi trẻ tiếp xúc với trứng hoặc ấu trùng của ký sinh trùng có nguồn gốc từ phân chó, mèo. Các loại ký sinh trùng gây bệnh phổ biến gồm:
Toxocara canis/cati: Gây hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng (Visceral Larva Migrans - VLM) và hội chứng ấu trùng di chuyển ở mắt (Ocular Larva Migrans - OLM).
Dipylidium caninum: Sán dây thường gặp ở trẻ khi nuốt phải bọ chét mang trứng sán.
Một khi xâm nhập vào cơ thể, ấu trùng có thể di chuyển và gây tổn thương tại nhiều cơ quan như gan, phổi, mắt, hệ thần kinh, dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được phát hiện kịp thời.
Cảnh báo dấu hiệu nhiễm giun sán chó mèo ở trẻ
Triệu chứng khi vô tình nhiễm giun sán chó mèo ở trẻ thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh ngoài da, do đó các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý để nhận diện chính xác và kịp thời.
Ngứa da và nổi mẩn kéo dài: Tình trạng này thường không đáp ứng với trị liệu thông thường, khiến phụ huynh nhầm lẫn với dị ứng hoặc bệnh ngoài da.
Đau bụng âm ỉ: Đau bụng thường kèm theo buồn nôn hoặc rối loạn tiêu hóa nhẹ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ.
Mệt mỏi, chán ăn: Trẻ có thể chậm tăng cân hoặc gầy sút.
Rối loạn giấc ngủ và thay đổi hành vi: Trẻ hay quấy khóc, cáu gắt hoặc khó ngủ.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, đặc biệt khi ký sinh trùng xâm nhập vào mắt hoặc hệ thần kinh, trẻ có thể gặp phải:
Sốt không rõ nguyên nhân: Thường kéo dài và không giảm khi sử dụng thuốc hạ sốt thông thường.
Giảm thị lực, viêm màng bồ đào: Ảnh hưởng đến mắt, có thể gây tổn thương vĩnh viễn nếu không điều trị kịp thời.
Tăng bạch cầu ái toan trong máu ngoại vi: Đây là dấu hiệu đặc trưng khi xét nghiệm máu, giúp bác sĩ nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhiễm giun sán chó mèo ở trẻ em có thể dẫn đến các biến chứng cùng với các thương tổn nặng nề và nguy hiểm , bao gồm:
Visceral Larva Migrans (VLM): Tổn thương gan, phổi, kèm theo bạch cầu ái toan tăng cao trong máu.
Ocular Larva Migrans (OLM): Gây tổn thương mắt nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn đến mù lòa.
Neurological Toxocariasis: Rối loạn thần kinh do ấu trùng di chuyển lên não, dù hiếm nhưng cực kỳ nguy hiểm.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín ngay khi nhận thấy các dấu hiệu sau:
Triệu chứng ngứa da kéo dài hơn 1 tuần và không cải thiện dù đã điều trị.
Tại bệnh viện, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu như:
Xét nghiệm ELISA: Để tìm kháng thể chống Toxocara, giúp xác định nhiễm ký sinh trùng.
Xét nghiệm máu toàn phần (CBC): Đánh giá tình trạng bạch cầu ái toan và các chỉ số khác.
Siêu âm bụng hoặc chẩn đoán hình ảnh: Phát hiện tổn thương nội tạng nếu nghi ngờ ấu trùng di chuyển.
Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ các biến chứng và cải thiện tình trạng sức khỏe tốt nhất cho trẻ.
Cách phòng ngừa nhiễm giun sán chó mèo hiệu quả cho trẻ nhỏ
Để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ nhiễm giun sán chó mèo, phụ huynh cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
Tẩy giun định kỳ: Cả trẻ em và vật nuôi trong nhà cần được tẩy giun theo khuyến nghị của bác sĩ thú y và bác sĩ nhi khoa. Thông thường, trẻ em từ 2 tuổi trở lên có thể tẩy giun 6 tháng/lần, trong khi chó mèo cần được tẩy giun hàng tháng hoặc theo lịch của bác sĩ thú y.
Hạn chế tiếp xúc với đất cát bẩn: Đặc biệt ở những khu vực có phân động vật chó mèo phát thải, như công viên, sân chơi hoặc vườn nhà.
Rửa tay sạch sẽ: Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi chơi ngoài trời hoặc tiếp xúc với thú cưng.
Không để chó mèo liếm mặt, tay trẻ: Hạn chế tiếp xúc gần với thú cưng, đặc biệt khi trẻ còn nhỏ và chưa ý thức được vệ sinh.
Vệ sinh môi trường sống: Đảm bảo khu vực sinh hoạt và vui chơi của trẻ sạch sẽ, không để trẻ bò hoặc nằm trực tiếp trên nền đất có nguy cơ nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, phụ huynh nên vệ sinh định kỳ khu vực nuôi thú cưng, dọn sạch phân và xử lý bọ chét trên chó mèo để giảm nguy cơ lây nhiễm sán dây.
Nhiễm giun sán chó mèo ở trẻ em là một vấn đề sức khỏe có thể trở nên nghiêm trọng, nhưng hoàn toàn cũng có thể phòng ngừa được nếu phụ huynh chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ đầy đủ cho trẻ. Việc nhận diện sớm các dấu hiệu như ngứa da, mệt mỏi, đau bụng hay sốt không rõ nguyên nhân, kết hợp với thăm khám kịp thời, sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Các bậc phụ huynh hãy hành động ngay từ hôm nay để tạo một môi trường an toàn, giúp trẻ tránh xa nguy cơ nhiễm giun sán từ ký sinh trùng mà vật chủ chính là thú cưng đang hiện diện ngày càng phổ biến trong mỗi gia đình của chúng ta.
Trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh cộng đồng – Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Trên 10 năm công tác trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh: X – Quang tổng quát và Siêu âm tổng quát. Hiện là giảng viên chính Chương trình đào tạo liên tục (CME) về An toàn Tiêm chủng của HCDC.