Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Tại sao hết kinh nguyệt mà vẫn ra máu?

Ngày 20/11/2024
Kích thước chữ

Tại sao hết kinh nguyệt mà vẫn ra máu và hiện tượng này liệu có gì bất thường hay không? Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ giải đáp chi tiết cho những câu hỏi này.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thường có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài 28 - 32 ngày với triệu chứng dễ nhận thấy là ra máu trong một tuần. Tuy nhiên trong một số trường hợp, hiện tượng ra máu vẫn có thể xảy ra ngoài kỳ kinh. Vậy tại sao hết kinh nguyệt mà vẫn ra máu?

Đôi điều về kinh nguyệt

Kinh nguyệt là hiện tượng bong tróc lớp niêm mạc tử cung đi kèm dấu hiệu chảy máu.

Cùng với sự phát triển của nang trứng thì hormone sinh dục do buồng trứng tiết ra sẽ làm cho niêm mạc tử cung dày lên, xốp hơn và chứa nhiều mạch máu để sẵn sàng đón trứng đã thụ tinh xuống làm tổ.

Trong trường hợp trứng không được thụ tinh thì sau 14 ngày kể từ thời điểm trứng rụng, thể vàng sẽ teo lại, giảm tiết hormone nên lớp niêm mạc tử cung sẽ bong thành từng mảng.

Niêm mạc bong làm vỡ mạch máu, từ đó gây ra hiện tượng chảy máu. Máu và lớp niêm mạc sẽ thoát ra ngoài cùng với dịch nhầy và người ta gọi đây là hiện tượng kinh nguyệt.

Tại sao hết kinh nguyệt mà vẫn ra máu? 1
Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường ở nữ giới, xuất hiện lặp lại theo chu kỳ và mỗi kỳ kinh kéo dài từ 3 - 7 ngày.

Chu kỳ kinh nguyệt ở người thường dao động từ 28 - 32 ngày. Kinh nguyệt xuất hiện lần đầu tiên vào độ tuổi 8 - 16 và kéo dài đến năm 45 - 55 tuổi. Thời gian có kinh thường dao động trong khoảng 3 - 7 ngày. Trong thời gian này, lượng máu có xu hướng tăng rồi giảm dần, màu sắc đổi từ nâu sang đỏ thẫm, từ đỏ thẫm sang nâu đen cho đến khi hết hẳn.

Tại sao hết kinh nguyệt mà vẫn ra máu? Nguyên nhân do đâu?

Một số người đã đi qua kỳ kinh nhưng hiện tượng ra máu vẫn xuất hiện. Vậy tại sao hết kinh nguyệt mà vẫn ra máu?

Tại sao hết kinh nguyệt mà vẫn ra máu? 4
Tại sao hết kinh nguyệt mà vẫn ra máu? Tình trạng này có thực sự đáng ngại hay không?

Tác dụng ngoài ý muốn của các biện pháp tránh thai nội tiết

Khi bạn sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết như uống hoặc tiêm thuốc tránh thai, cấy que tránh thai, dùng miếng dán tránh thai,... thì hiện tượng ra máu ngoài kỳ kinh rất dễ xảy ra, đặc biệt là trong 3 tháng đầu áp dụng. Vậy nên nếu đang tránh thai bằng liệu pháp hormone và xuất huyết âm đạo sau khi hết kinh thì bạn nên theo dõi thêm hoặc thăm khám và chia sẻ điều này với bác sĩ.

Tại sao hết kinh nguyệt mà vẫn ra máu? 2
Ra máu ngoài kỳ kinh có thể do tác dụng phụ của các biện pháp tránh thai nội tiết như uống thuốc tránh thai hằng ngày hoặc khẩn cấp, cấy que, sử dụng miếng dán,...

Sự rối loạn nội tiết trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh

Với những phụ nữ trong độ tuổi 45 - 55 bị ra máu sau kỳ kinh thì nhiều khả năng có liên quan đến sự rối loạn nội tiết trong giai đoạn mãn kinh và tiền mãn kinh.

Lượng hormone không ổn định, mất cân bằng trong giai đoạn này có thể gây ra tình trạng rong kinh, kinh nguyệt không đều ở phụ nữ trung niên.

Mang thai

Ra máu sau khi hết kinh có thể là dấu hiệu của hiện tượng mang thai. Thông thường, sau khi đậu thai, cơ thể người phụ nữ sẽ tiết ra một lượng máu nhỏ (còn gọi là máu báo thai), đi kèm cảm giác co thắt tử cung.

Vậy nên nếu bạn xuất hiện cùng lúc 2 triệu chứng này thì hãy dùng que thử thai xem sao nhé!

Vùng âm đạo bị tổn thương

Quan hệ tình dục mạnh bạo, sử dụng đồ chơi tình dục sai cách là những nguyên nhân phổ biến khiến âm đạo bị tổn thương và gây ra tình trạng xuất huyết. Khi đó, bạn có thể bị ra máu dù vừa hết hành kinh.

Bệnh lý

Trong số các nguyên nhân gây ra máu sau kỳ kinh thì đây là nguyên nhân đáng ngại nhất và cần được can thiệp kịp thời. Cụ thể, dưới đây là một số bệnh lý có liên quan đến hiện tượng xuất huyết sau khi hết kinh nguyệt:

  • Nhiễm trùng đường sinh dục: Khi bị nhiễm trùng, niêm mạc đường sinh dục bị tổn thương và dễ gây chảy máu. Hiện tượng này thường bắt gặp ở người bị nhiễm khuẩn Chlamydia Trachomatis.
  • Có polyp trong đường sinh dục: Polyp có bản chất lành tính nhưng lại dễ gây chảy máu. Vậy nên nếu người bệnh có polyp ở niêm mạc tử cung, cổ tử cung hoặc âm đạo thì xuất huyết sau kỳ kinh cũng rất dễ xảy ra.
  • Buồng trứng đa nang: Kinh nguyệt không đều, ra máu sau kỳ kinh,... là những triệu chứng thường gặp ở những bệnh nhân bị hội chứng buồng trứng đa nang. Dấu hiệu đi kèm bao gồm rậm lông, vô sinh hoặc hiếm muộn, tăng cân, da nhờn, dễ sinh mụn trứng cá.
  • Lạc nội mạc tử cung: Bệnh lý này cũng có thể dẫn đến tình trạng ra máu sau kỳ kinh nguyệt. Ngoài xuất huyết bất thường, người bệnh còn ra nhiều máu, đau bụng dữ dội khi có kinh và đau bụng âm ỉ giữa các kỳ kinh.
  • Ung thư: Hết kinh nguyệt nhưng vẫn ra máu có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung, ung thư buồng trứng,...
Tại sao hết kinh nguyệt mà vẫn ra máu? 3
Ra máu sau khi hết kinh nguyệt có thể là dấu hiệu cảnh báo của một bệnh lý nguy hiểm nào đó

Qua những phân tích trên, bây giờ thì bạn đã biết tại sao hết kinh nguyệt mà vẫn ra máu rồi chứ?

Cần làm gì khi ra máu ngay sau kỳ kinh nguyệt?

Vì nguyên nhân gây ra máu sau kỳ kinh nguyệt rất phức tạp và đa dạng nên bạn cần thăm khám càng sớm càng tốt để làm rõ nguyên nhân.

Đặc biệt, nếu tình trạng xuất huyết đi kèm các dấu hiệu đáng ngại như chóng mặt, sốt, bầm tím, đau bụng, đau vùng chậu, sụt cân nhanh,... thì người bệnh cần đi kiểm tra ngay lập tức.

Trong trường hợp xuất huyết do nguyên nhân lành tính (tổn thương âm đạo, ảnh hưởng của yếu tố nội tiết, mang thai,...) thì không phải điều trị. Người bệnh chỉ cần theo dõi sức khỏe, xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, hợp lý để cải thiện tình hình.

Nếu hiện tượng ra máu vẫn xuất hiện và kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng thì cần có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. Trong trường hợp sử dụng que, tiêm hoặc uống thuốc tránh thai và liên tục bị xuất huyết sau kỳ kinh thì tốt nhất bạn nên tìm đến biện pháp khác thân thiện hơn.

Nếu ra máu do bệnh lý thì việc điều trị là yêu cầu bắt buộc. Lúc này, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ can thiệp của bác sĩ để nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Trên đây là những chia sẻ của Nhà thuốc Long Châu xoay quanh chủ đề: “Tại sao hết kinh nguyệt mà vẫn ra máu?”. Bài viết đã làm rõ những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng trên và cách xử lý phù hợp khi gặp phải tình huống này. Nếu cần thêm thông tin nào khác, hãy chủ động liên lạc với hệ thống để được hỗ trợ bạn nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin