Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tại sao người Việt Nam lười vận động? Cách khắc phục ra sao?

Ngày 14/02/2022
Kích thước chữ

Hiện nay, các chỉ số về chiều cao, cân nặng và các tố chất thể lực, sức bền bỉ của người Việt Nam kém xa với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do người Việt Nam lười vận động. Thậm chí, Việt Nam còn được xếp vào nhóm những nước lười vận động nhất thế giới.

Tại sao người Việt Nam lại lười vận động, tác hại của việc lười vận động là gì và làm gì để khắc phục thực trạng này?, hãy đọc bài viết sau đây để cùng tìm hiểu nhé.

Người Việt Nam lười vận động 

Tại sao người Việt Nam lười vận động? Cách khắc phục ra sao? Người Việt Nam lười vận động

Lười vận động khiến thể trạng yếu

Một nghiên cứu khoa học được đăng tải trên tạp chí Y khoa The Lancet (Anh) chỉ ra rằng có khoảng 1/3 số người trưởng thành trên khắp thế giới lười vận động. Trong đó, Việt Nam là một trong số mười nước lười vận động nhất thế giới. 

Cụ thể, xét các yếu tố như chiều cao, cân nặng, thể lực, sức bền, người Việt nam đều thua xa so với các nước trong khu vực. Về chiều cao, nam thanh niên Việt Nam 18 tuổi (cao 163,4cm) thấp hơn người Nhật Bản (cao 172cm) là 8cm; các thiếu nữ Việt Nam ở lứa tuổi này (cao 152,7cm) cũng thua người Nhật Bản (cao 157cm) 4cm. Thanh niên Việt Nam có chiều cao ngang với thanh niên Lào, Myanmar nhưng thấp hơn thanh niên Campuchia.

Theo nghiên cứu trong bài viết “Về nâng cao tầm vóc và thể trạng người Việt Nam” của GS. Dương Nghiệp Chí, thanh thiếu niên Việt Nam có sức bền trong vận động xếp loại rất kém so với các nước trong khu vực. 

Tất cả số liệu trên là kết quả tất yếu của việc ít vận động, coi nhẹ thể dục thể thao ở độ tuổi thanh thiếu niên. 

Coi nhẹ tập thể dục gây lười vận động

Theo nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, có tới 30% người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực. Ngoài ra, theo nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng, trung bình người Việt Nam đi bộ 3.600 bước một ngày và giới văn phòng chỉ 600 bước trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới là 10.000 bước.

Việt Nam được xếp vào nhóm những nước lười vận động nhất với chỉ khoảng 15,3% số người dân tập thể dục nhiều hơn ba mươi phút mỗi ngày.

Ngoài ra, thiếu vận động còn là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt bệnh nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. Mỗi năm trên thế giới, có khoảng 5,3 triệu người tử vong từ các căn bệnh do thiếu vận động.

Nguyên nhân của việc không tập thể dục thường xuyên do cuộc sống bận rộn, không có thời gian rèn luyện thân thể và đi đến các phòng tập thể thao hay công viên. Ngoài ra, sự phát triển của khoa học kỹ thuật dẫn đến tâm lý chây ỳ và tư tưởng ngại di chuyển.

Lợi ích của việc vận động

Tại sao người Việt Nam lười vận động? Cách khắc phục ra sao? 1 Vận động mang đến sức khỏe và trí tuệ

Đối với con người, sức khỏe và trí tuệ là quan trọng nhất. Để có được hai điều này, cần phải vận động như tập thể dục thể thao thường xuyên.

Tập thể dục giúp cải thiện tâm trạng và giảm cảm giác lo lắng và căng thẳng, làm tăng độ nhạy của não đối với các Hormone serotonin và Norepinephrine, hạn chế căn bệnh trầm cảm

Ngoài ra, tập thể dục có thể làm tăng sản xuất Endorphin, giúp tạo ra cảm giác tích cực và giảm cảm giác đau.

Thiếu vận động là yếu tố chính dẫn đến tăng cân và béo phì. Nếu kết hợp chế độ ăn uống và hoạt động thể chất hợp lý sẽ duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, giảm mỡ thừa và giảm cân hiệu quả.

Tập thể dục góp phần quan trọng trong việc xây dựng và duy trì cơ bắp và xương chắc khỏe. Do tập thể dục giúp giải phóng các Hormone thúc đẩy khả năng cơ bắp hấp thụ Acid amin.

Đây cũng là một phương pháp tăng cường năng lượng hiệu quả so với các phương pháp điều trị khác, đặc biệt là những người mắc các bệnh lý khác nhau, ví dụ những người mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính (CFS) và các bệnh nghiêm trọng khác.

Nếu bạn là một người khỏe lại sau điều trị ung thư, hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp bạn cải thiện sức khỏe và mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Thiếu vận động thường xuyên sẽ dẫn đến nhiều bệnh mạn tính. Tập thể dục thường xuyên cải thiện độ nhạy Insulin, sức khỏe tim mạch và thành phần cơ thể, giảm huyết áp và mức Cholesterol, ngăn ngừa chứng béo phì. 

Bệnh tim và đột quỵ là hai trong số những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay. Dành thời gian tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần với môn Aerobic ở cường độ vừa phải khiến bạn ít có nguy cơ mắc các bệnh này.

Hoạt động thể chất còn làm giảm nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư. Nghiên cứu cho thấy rằng những người trưởng thành vận động nhiều sẽ giảm nguy cơ phát triển các bệnh ung thư như tuyến tiền liệt, ung thư vú, đại tràng, thận, phổi, dạ dày…

Về sức khỏe não bộ, hoạt động thể chất có nhiều lợi ích gồm cải thiện tư duy hoặc nhận thức cho trẻ em từ 6 đến 13 tuổi, giảm cảm giác lo lắng ngắn hạn cho người lớn, duy trì sự nhạy bén của các kỹ năng tư duy, học tập và phán đoán khi về già, giúp tinh thần thư giãn và ngủ ngon hơn. 

Vận động thế nào cho hiệu quả?

Vận động mang nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng vận động đúng phương pháp mới hiệu quả. Bạn cần lưu ý vận động như thế nào, trong bao lâu và chọn loại hình nào là tốt nhất, đặc biệt là với nhóm đối tượng có bệnh lý.

Loại hình vận động

Theo các chuyên gia, chọn loại hình vận động thích hợp dựa vào sở thích và thể trạng mỗi người, không nên theo phong trào và tập sức quá nhiều. Bên cạnh đó, cần kiên trì, nhẫn nại để đạt kết quả tập luyện như mong muốn. 

Tham gia các hoạt động thể thao tại trường học và nơi làm việc là điều rất cần thiết. Chẳng hạn, thanh thiếu niên có thể chơi các môn thể thao phù hợp lứa tuổi như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, điền kinh, bơi… Người lớn có thể luyện tập môn chạy bộ, rất tốt cho sức khỏe.

Tại sao người Việt Nam lười vận động? Cách khắc phục ra sao? 3 Chạy bộ là môn thể thao rất tốt cho sức khỏe

Bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó trưởng Khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng khuyên rằng cần vận động thể dục thể thao 1-2 tiếng mỗi ngày. Có thể thử với chỉ 5-10 phút đạp xe, đi bộ rồi tăng dần theo từng ngày, từ 30 đến 60 phút. 

Lưu ý khi vận động

Trong khi tập luyện, bạn cần lưu ý những điều sau để có được hiệu quả tốt nhất. 

Để có đủ sức tập luyện, bạn nên ăn nhẹ trước khi tập khoảng 45 phút đến 1 tiếng. Cơ thể cần có một lượng lượng đường trong máu để duy trì năng lượng trong quá trình tập luyện, tránh tình trạng bị đói dẫn đến tình trạng hạ thấp lượng đường trong máu, gây mệt mỏi, uể oải, chóng mặt. Bên cạnh đó, bạn nên uống 400 – 500ml nước trước khi tập thể dục để cung cấp năng lượng cho cơ thể và ngăn ngừa tình trạng khô cổ họng. Để không bị trào ngược dạ dày, thải độc cơ thể và giảm mỡ thừa, bạn cũng cần dùng nước uống thể thao sau 15 phút tập và chỉ uống một ngụm nhỏ. 

Tránh nguy cơ gặp chấn thương và tăng cường các lợi ích khi tập luyện, bạn nên thực hiện các bài tập kéo giãn cơ thể.

Nếu thường xuyên tập một bài tập thể dục, cơ thể sẽ quen dần với bài tập đó và không mang lại hiệu quả tập luyện cũng như giảm cân. Nên thay đổi nhiều dạng bài tập ít nhất 2 lần/ tuần để thay đổi thói quen tập luyện.

Việc tập luyện quá sức sẽ khiến cơ thể bị chấn thương, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, phải ngừng tập luyện một thời gian. Người tập nên lắng nghe cơ thể, biết giới hạn của bản thân.

Nếu gặp phải chấn thương, tốt nhất bạn nên điều trị theo sự hướng dẫn từ bác sĩ. Trường hợp bạn vẫn muốn tập thể dục, cần có sự đồng ý của bác sĩ để không bị chấn thương nặng hơn.

Một điều lưu ý không kém phần quan trọng là không tập thể dục vào sáng sớm khi trời còn tối ở công viên vì lúc này cây xanh đang thải khí cacbonic, có hại cho sức khỏe. Bạn nên tập thể dục vào sau 6 giờ sáng để tránh sương mù. Vào mùa đông lạnh, bạn hãy tập thể dục vào lúc 8 – 9 giờ sáng hoặc 5 – 6 giờ chiều để tránh bị đột quỵ.

Khi tập thể dục đúng cách, bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích sức khỏe.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp
 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm