Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Thành phần dinh dưỡng của gạo lứt có gì đặc biệt hơn gạo trắng?

Ngày 29/09/2022
Kích thước chữ

Gạo lứt được biết đến là một trong những loại gạo chứa nhiều chất dinh dưỡng, mang đến những lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ thành phần dinh dưỡng của gạo lứt có gì đặc biệt hơn gạo trắng. Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu trong bài viết dưới đây các bạn nhé!

Hiện nay, nhiều gia đình đã sử dụng gạo lứt thay thế gạo trắng trong khẩu phần ăn hàng ngày. Để lý giải điều này, trước tiên hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu những thành phần dinh dưỡng của gạo lứt cũng như những lợi ích mà gạo lứt mang lại qua bài viết dưới đây nhé!

Thành phần dinh dưỡng của gạo lứt 

Gạo lứt (hay còn có tên gọi khác là gạo lật) là một loại ngũ cốc nguyên hạt, rất giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.

Khác với gạo trắng, khi xay xát chỉ loại bỏ lớp vỏ bên ngoài và giữ lại phần cám cùng các mầm dinh dưỡng, nhờ vậy mà gạo lứt vẫn giữ được các dưỡng chất như các axit béo không bão hòa, protein, tinh bột, các vitamin và khoáng chất cùng với các chất chống oxy hóa.

Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng, trung bình một khẩu phần gạo lứt nấu chín khoảng 190g chứa:

  • Carbohydrate: 49.88 g.
  • Đường: 0.47 g.
  • Protein: 5.35 g.
  • Chất xơ: 3.1 g.
  • Chất béo tổng cộng: 1.88 g.
  • Axit béo bão hòa: 0.508 g.
  • Axit béo không bão hòa đơn: 0.719 g.
  • Axit béo không bão hòa đa: 0.713 g.
  • Các khoáng chất bao gồm: Canxi 6 mg, đồng 0.206 mg, sắt 1.1 mg, kẽm 1.39 mg, mangan 1.1 mg, magie 76 mg, photpho 200 mg, kali 169 mg, selen 11.4 mg, natri 394 mg…
  • Các vitamin nhóm B, E và K: vitamin B1 (Thiamine) 0.347 mg, vitamin B2 (Riboflavin) 0.135 mg, vitamin B3 (Niacin) 4.994 mg, vitamin B6 0.293 mg, vitamin B9 (Folate) 18 mcg, vitamin E 0.33 mg và vitamin K 0.4 mcg.
  • Các nhóm chất chống oxy hóa như flavonoid, phenol…

Như vậy, gạo lứt là một trong những loại ngũ cốc nguyên hạt mang đến giá trị dinh dưỡng rất cao. Chỉ cần một chén cơm gạo lứt dường như có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của bạn.

Thành phần dinh dưỡng của gạo lứt có gì đặc biệt hơn gạo trắng? 1 Gạo lứt là thực phẩm chứa rất nhiều các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể

Thành phần dinh dưỡng của gạo lứt có gì đặc biệt hơn gạo trắng?

Gạo lứt là một loại ngũ cốc nguyên hạt, chỉ loại bỏ phần vỏ trấu bên ngoài, bao gồm nội nhũ giàu carbohydrate, mầm dinh dưỡng và cám xơ. Trong khi đó, gạo trắng lại là loại hạt tinh chế, đã loại bỏ cám và mầm, mất đi phần lớn vitamin và khoáng chất. 

Dựa trên kết quả của một vài nghiên cứu mà các chuyên gia dinh dưỡng đã so sánh được sự khác biệt về thành phần dinh dưỡng của gạo lứt và gạo trắng, cụ thể là:

  • Về hàm lượng dinh dưỡng: Gạo trắng có lượng đường, natri, chất béo bão hòa. Mặt khác, gạo lứt giàu choline và chất xơ hơn, đồng thời chứa ít tinh bột và calo hơn.
  • Về mặt vitamin: Gạo lứt có hàm lượng vitamin B3 và vitamin B2 cao hơn rất nhiều và hàm lượng vitamin E, vitamin B6 và vitamin K cao hơn không đáng kể so với gạo trắng. Ngược lại, gạo trắng có hàm lượng folate (vitamin B9) cao hơn gạo lứt.
  • Về khoáng chất: Hàm lượng magie, phốt pho cao hơn và kali, đồng, kẽm nhỉnh hơn một chút so với gạo trắng. Mặt khác, gạo trắng lại có hàm lượng sắt và canxi cao hơn, hàm lượng natri thấp hơn so với gạo lứt. Thêm vào đó, mangan là một trong những dưỡng chất đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể thì gạo lứt có hàm lượng dưỡng chất này khá cao. Trong khi đó, gạo trắng lại thiếu hụt dưỡng chất này.
Thành phần dinh dưỡng của gạo lứt có gì đặc biệt hơn gạo trắng? 2 Thành phần dinh dưỡng của gạo lứt đặc biệt hơn gạo trắng

Công dụng tuyệt vời của gạo lứt đối với sức khỏe

Gạo lứt có thực sự tốt cho sức khỏe? Đây là mối quan tâm của rất nhiều người hiện nay. Dựa trên những giá trị dinh dưỡng mà gạo lứt mang đến thì chắc chắn câu trả lời cho thắc mắc trên chỉ có thể là: Gạo lứt rất tốt cho sức khỏe.

Dưới đây là một số công dụng tuyệt vời mà gạo lứt mang lại cho sức khỏe của mỗi chúng ta:

Hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Gạo lứt có hàm lượng chất xơ dồi dào cùng với một số hợp chất thực vật khác mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch. 

Chất xơ có trong gạo lứt có khả năng kiểm soát và điều hòa lượng cholesterol trong máu bằng cách giảm nồng độ cholesterol xấu (LDL), tăng nồng độ cholesterol tốt (HDL) từ đó giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như: Phình động mạch, xơ vữa động mạch

Cùng với đó, hợp chất lignans có trong gạo lứt cũng có tác dụng giảm huyết áp, giảm cholesterol trong máu và xơ vữa động mạch. Do đó, gạo lứt có khả năng giúp ngăn ngừa hiệu quả các yếu tố gây ra các bệnh lý tim mạch.

Ngoài ra, hàm lượng magie trong gạo lứt cũng khá cao. Đây là chất khoáng cần thiết giúp hỗ trợ bảo vệ sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ suy tim và đột quỵ.

Thành phần dinh dưỡng của gạo lứt có gì đặc biệt hơn gạo trắng? 3 Các dưỡng chất có trong gạo lứt rất tốt cho sức khỏe tim mạch

Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Kiểm soát chỉ số đường huyết là một trong những giải pháp hữu hiệu trong việc ngăn ngừa tiến triển của bệnh tiểu đường đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Nhờ hàm lượng chất xơ có trong gạo lứt tương đối cao mà gạo lứt có khả năng làm chậm quá trình hấp thu đường, giảm nguy cơ tăng đường huyết đột ngột đồng thời giảm lượng đường trong máu từ đó giúp kiểm soát chỉ số đường huyết.

Bên cạnh đó, gạo lứt còn giúp giảm nguy cơ tiến triển đái tháo đường tuýp 2 nhờ hàm lượng magie vốn có - một loại khoáng chất có khả năng cải thiện tác dụng của insulin và giúp vận chuyển đường máu tới các tế bào.

Ngoài ra, gạo lứt còn chứa rất nhiều vitamin nhóm B và các chất chống oxy hóa đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa glucose trong cơ thể.

Thành phần dinh dưỡng của gạo lứt có gì đặc biệt hơn gạo trắng? 4 Gạo lứt giúp điều hòa đường huyết rất tốt cho người mắc tiểu đường

Giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa

Chất xơ có trong gạo lứt có tác dụng điều hòa nhu động ruột, tăng co bóp tống phân ra ngoài từ đó giúp nhuận tràng, ngừa táo bón.

Cùng với đó, chất xơ có trong gạo lứt còn có khả năng điều hòa hệ vi khuẩn đường ruột góp phần thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thu tại ruột. Từ đó ngăn ngừa một số bệnh lý về đường tiêu hóa như: Rối loạn tiêu hóa, loét tá tràng…

Tăng cường khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc ung thư

Vitamin, khoáng chất và các hợp chất phenolic là thành phần dinh dưỡng có trong gạo lứt. Đây cũng là những dưỡng chất có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, bảo vệ cơ thể trước những tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe từ môi trường ngoài.

Mặt khác, acid gamma - aminobutyric có trong gạo lứt lại có tác dụng ức chế sự sinh trưởng và nhân lên của các tế bào ung thư từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung, ung thư vú…

Hỗ trợ giảm cân hiệu quả

Các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định: Việc sử dụng gạo lứt trong khẩu phần ăn hàng ngày giúp bạn giảm cân hiệu quả bởi đây là loại ngũ cốc nguyên hạt có hàm lượng chất xơ cao và chất dinh dưỡng dồi dào.

Các phân tử carbohydrate cấu thành chất xơ có khả năng tạo cảm giác no lâu từ đó ngăn ngừa sự hấp thụ calo.

Ngoài ra, hàm lượng acid alpha lipoic có trong gạo lứt có tác dụng thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất béo, giảm khả năng tích tụ mỡ thừa của cơ thể.

Thành phần dinh dưỡng của gạo lứt có gì đặc biệt hơn gạo trắng? 5 Gạo lứt - thực phẩm vàng trong làng các thực phẩm hỗ trợ giảm cân

Trên đây là một vài thông tin xoay quanh chủ đề thành phần dinh dưỡng của gạo lứt, sự khác biệt về thành phần dinh dưỡng của gạo lứt và gạo trắng cũng như công dụng của gạo lứt mang đến cho sức khỏe người dùng mà Nhà Thuốc Long Châu muốn chia sẻ với bạn đọc. Chúc bạn đọc sức khỏe và đừng quên theo dõi trang web của Nhà Thuốc để có thể liên tục cập nhật những thông tin mới nhất trong góc sức khỏe các bạn nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin