Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thay khớp háng nhân tạo là gì? Những điều bạn cần biết phương pháp thay khớp háng

Ngày 23/10/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo đang là một kĩ thuật được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam và trên thế giới. Phương pháp này giúp người bệnh thoát khỏi sự đau đớn do chấn thương mà các bệnh lý khớp háng mang lại. Đồng thời, kỹ thuật thay khớp háng còn giúp khôi phục chức năng cải thiện chất lượng cuộc sống.

Hàng năm, tại Việt Nam có đến hàng trăm ca thay khớp háng nhân tạo được thực hiện. Để hiểu rõ hơn về phương pháp phẫu thuật chỉnh hình này, mời bạn theo dõi bài viết dưới đây của nhà thuốc Long Châu.

Thay khớp háng nhân tạo là gì?

Thay khớp háng là quá trình loại bỏ khớp háng bị hư hỏng, tổn thương do bệnh lý và chấn thương để thay thế bằng khớp háng nhân tạo, giúp hồi phục vận động cho bệnh nhân.

Phương pháp này đã được ứng dụng và phát triển tại Việt Nam từ những năm 1990 đến nay và được coi là một trong những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình.

Thay khớp háng nhân tạo là gì? Những điều bạn cần biết phương pháp thay khớp háng 1
Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo khá phổ biến hiện nay

Những ai nên thay khớp háng nhân tạo?

Tuy đem lại hiệu quả tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh nhưng phẫu thuật thay khớp háng cũng là một kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ thực hiện có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn tốt nên không phải lúc nào phương pháp này cũng được chỉ định.

Thông thường thay khớp háng nhân tạo sẽ được thực hiện trong một số trường hợp sau:

  • Bệnh nhân bị thoái hóa khớp cấp độ 3, 4: Chỉ định dựa trên mức độ thoái hóa của người bệnh và các triệu chứng xuất hiện với mức độ nặng và tần suất nhiều trong ngày, nhất là ban đêm, gây khó khăn cho sinh hoạt.
  • Viêm khớp: Các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp… khi điều trị nội không có kết quả và các triệu chứng ngày càng nặng thì có thể được chỉ định phẫu thuật thay khớp. Tuy nhiên cần cân nhắc đến một số yếu tố trước khi thực hiện phẫu thuật như tuổi tác, thể trạng, tình trạng khớp háng của bệnh nhân…
  • Hoại tử chỏm xương đùi.
  • Gãy cổ xương đùi: Đối với người cao tuổi, thay khớp háng nhân tạo là biện pháp hữu hiệu khi bị gãy cổ xương đùi hay khớp giả cổ xương đùi do người già rất khó có thể liền xương.
  • Bệnh nhân mắc các loại u vùng cổ, chỏm xương đùi: Đối với các loại u lành tính thường được điều trị bằng phương pháp cắt bỏ khối u và ghép xương. Thay khớp háng nhân tạo được áp dụng đối với các khối u ác tính và cần kết hợp thêm các phương pháp xạ trị, hóa trị phù hợp.

Ưu điểm của kĩ thuật thay khớp háng nhân tạo

Phẫu thuật thay khớp háng giúp bệnh nhân giảm đau, có thể vận động, đi lại, cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống. 

Một số ưu điểm nổi bật của phương pháp này:

  • Ít gây tổn hại đến phần mô mềm xung quanh khớp.
  • Thời gian thực hiện phẫu thuật ngắn.
  • Giảm nguy cơ nhiễm trùng, bệnh nhân nhanh hồi phục nên giảm thời gian nằm viện cho người bệnh.
  • Giảm đau khi mổ, giúp bệnh nhân sớm trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
Thay khớp háng nhân tạo là gì? Những điều bạn cần biết phương pháp thay khớp háng 2 Bệnh nhân thay khớp háng nhân tạo để hồi sinh chức năng vận động

Các kỹ thuật thay khớp háng nhân tạo hiện nay

Hiện nay, dựa vào tính chất và mức độ tổn thương người ta chia làm hai phương pháp thay khớp háng là thay khớp háng toàn phần và thay khớp háng bán phần.

  • Thay khớp háng nhân tạo toàn phần là kỹ thuật thay toàn bộ khớp háng bao gồm phần chuôi xương đùi, phần ổ cối xương chậu và phần chỏm. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ khớp háng được thay mới, đảm bảo chức năng đi lại và vận động cho người bệnh. Phẫu thuật thay khớp háng toàn bộ được thực hiện khi bị các tổn thương khớp không thể điều trị nội khoa.
  • Thay khớp háng bán phần là phẫu thuật chỉ thay thế phần chỏm xương đùi. Cụ thể phần chỏm xương đùi sẽ được cắt bỏ và thay thế bằng những bộ phận nhân tạo có chất liệu như kim loại, nhôm, cobalt, titanium… Phương pháp phẫu thuật này thường được áp dụng đối với các trường hợp gãy cổ xương, đùi di lệch nhiều.

Tùy vào bệnh lý và mức độ nghiêm trọng cũng như tình hình sức khỏe thực tiễn của người bệnh mà bác sĩ sẽ có những chỉ định phẫu thuật phù hợp.

Các nguy cơ thường gặp khi thay khớp háng nhân tạo

Dù đã trở thành một phẫu thuật thường quy tại Việt Nam nhưng phẫu thuật thay khớp háng vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Cụ thể:

  • Vết mổ xuất hiện các biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau sau vài ngày thực hiện phẫu thuật. Đây là triệu chứng hậu phẫu nhưng đôi khi cũng là dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng.
  • Nhiễm trùng: Có thể xảy ra trên bề mặt vết mổ hoặc sâu bên trong bộ phận cấy ghép. Nhiễm trùng được chia làm nhiễm trùng cấp tính và mãn tính vết mổ. Đây là biến chứng khá nguy hiểm, cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
  • Xuất hiện cục máu đông: Đây là một nguy cơ rất đáng quan ngại. Cục máu đông hình thành ở tĩnh mạch chân và xương chậu, đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
  • Trật khớp, lỏng khớp háng nhân tạo: Hiện nay biến chứng này ít gặp. Trong một vài trường hợp cần mổ lại để cố định lại.
  • Lệch chiều dài hai chân: Sau khi phẫu thuật, chân được thực hiện phẫu thuật có thể chênh lệch chiều dài so với bên còn lại. Tuy nhiên, các bác sĩ thực hiện sẽ hạn chế tối đa rủi ro này bằng cách tính toán, đo đạc thật chính xác.
  • Ngoài ra có thể gặp một số biến chứng khác như tổn thương mạch máu, chảy máu, tổn thương thần kinh, cứng khớp.

Chế độ dinh dưỡng cho người mới thay khớp háng nhân tạo.

Một vấn đề cũng rất được quan tâm đó là sau khi phẫu thuật khớp háng nhân tạo, người bệnh nên ăn gì để nhanh hồi phục?

Ngoài kết hợp các biện pháp vật lý trị liệu thì chế độ dinh dưỡng cũng có một vai trò vô cùng quan trọng. Bệnh nhân sau mổ nên có một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, bổ sung thêm các thực phẩm tốt cho xương khớp. 

  • Bổ sung các thực phẩm giàu canxi, magie. Đây là hai vi chất quan trọng tham gia vào cấu tạo xương. Các thực phẩm giàu canxi, magie có thể kể đến là sữa, ngũ cốc, hạnh nhân, bắp cải, hạt vừng.
  • Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, các thực phẩm giàu vitamin để tăng cường sức đề kháng, nâng cao sức khỏe, thể lực.
  • Hạn chế các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ.
  • Tránh xa rượu, bia và các chất kích thích và đồ uống có ga.
  • Kiêng ăn các đồ ăn có mùi tanh như hải sản, đặc biệt tránh thịt gà, rau muống vì có thể khiến vết mổ lâu lành, làm chậm quá trình hồi phục.

Bên cạnh đó, bệnh nhân nên duy trì một lối sống sinh hoạt lành mạnh cùng một chế độ tập luyện hợp lý. Tránh việc lười vận động, nằm hoặc ngồi một chỗ quá lâu hay việc tập luyện quá sức cũng đều có tác động không tốt, ảnh hưởng xấu đến tiến trình phục hồi.

Ngoài ra, người bệnh nên đi khám nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào tại vùng mổ và nên kiểm tra định kỳ để theo dõi phần khớp nhân tạo được thay.

Thay khớp háng nhân tạo là gì? Những điều bạn cần biết phương pháp thay khớp háng 3
Tập luyện giúp bệnh nhân nhanh chóng quay lại cuộc sống sinh hoạt bình thường

Có thể nói phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo giống như một cuộc cách mạng lớn đem lại cuộc sống sinh hoạt bình thường cho rất nhiều bệnh nhân. Mong rằng qua bài viết trên đã mang lại cho bạn cái nhìn tổng quan về phương pháp này. Đừng quên theo dõi trang web Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những thông tin mới nhất về sức khỏe.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm