Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thính giác là gì? Cấu tạo và cơ chế hoạt động của hệ thính giác

Ngày 23/02/2024
Kích thước chữ

Thính giác được hình thành từ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về thính giác cũng như các thức vận hành của chúng. Để hiểu rõ hơn về thính giác là gì? Cấu tạo và cơ chế hoạt động của hệ thính giác ra sao? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Một trong năm giác quan cơ bản của cơ thể con người đó là thính giác và bộ phận đặc trưng của thính giác là tai. Vậy thính giác là gì? Cấu tạo và cơ chế hoạt động của hệ tính giác ra sao? Tất cả sẽ được chia sẻ trong nội dung bài viết này.

Thính giác là gì?

Thính giác là một trong năm giác quan của con người có vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận âm thanh và truyền đạt thông tin đến não bộ để tiếp thu và ghi nhớ âm thanh này. Tai chính là bộ phận thực hiện thính giác.

Tai tiếp nhận âm thanh bằng cách phát hiện những dao động thông qua một cơ quan ở trong tai. Sau đó các dao động này sẽ được chuyển đổi thành xung thần kinh mà não bộ có thể thu nhận được. Thính giác cũng có những sự nhạy cảm nhất định với chuyển động của các phân tử ở bên ngoài môi trường bởi đây là một loại cảm giác cơ học.

Thính giác của mỗi người là khác nhau tùy thuộc vào khoảng nghe được của độ to (cường độ) và độ cao (tần số) của âm thanh. Âm thanh mà con người có thể nghe thấy được có tần số từ 16 - 20.000 Hz.

Thính giác là gì? Cấu tạo và cơ chế hoạt động của hệ thính giác 1
Thính giác là giác quan giúp tiếp thu, xử lý và truyền đạt âm thanh đến não

Các bộ phận cấu tạo nên hệ thính giác

Cấu tạo của hệ thính giác gồm nhiều bộ phận khác nhau:

Tai ngoài

Đây là bộ phận chủ chốt của thính giác, giúp tai tiếp nhận, xử lý và truyền đạt âm thanh. Tai ngoài bao gồm:

  • Vành tai: Là phần sụn của tai, với nhiều đường cong xoắn lại giúp tiếp nhận âm thanh từ môi trường xung quanh. Bộ phận này khá ít mạch máu, mà chủ yếu được bao bọc bởi lớp mỡ mỏng.
  • Ống tai: Là phần tiếp nối từ vành tai xuống đến màng nhĩ. Ở phần đầu ống tai ngoài có các sợi lông li ti và tuyến nhờn, giúp làm sạch ống tai và tạo ráy tai. Khi ráy tai xuất hiện, lúc này các sợi lông tai sẽ chuyển động để làm khô ráy tai và gây ra sự bong tróc, dần dần đấy chúng ra ngoài tai.

Tai ngoài là bộ phận dễ nhìn thấy nhất bởi nó nằm ở vị trí bên ngoài, ngay vùng xương thái dương của sọ. Các bộ phận còn lại của tai có cấu trúc phức tạp hơn và khó có thể quan sát bằng mắt thường.

Tai giữa

Đây là bộ phận tiếp nối phần tai ngoài, với ba phần chính:

  • Màng nhĩ: Đây là lớp màng mỏng, hình bầu dục có vai trò như một dải phân cách với ống tai ngoài. Màng nhĩ thường có màu trắng hơi ngả sang xám và lõm ở phần giữa.
  • Vòi nhĩ (vòi Eustache): Bộ phận này có cấu tạo đặc biệt bởi 1/3 bề mặt phía trên là xương và 2/3 phần còn lại là sụn, giúp cân bằng áp suất trong hòm nhĩ với tai ngoài. Thông thường, vòi nhĩ sẽ đóng kín và chỉ mở ra khi có hành động nuốt hoặc ngáp.
  • Hòm nhĩ: Đây là nút giao ba chiều, phía trước được thông với mũi họng, phía trong sẽ liên kết với tai trong và cuối cùng phía sau sẽ thông với xoang chũm. Nằm ở sâu bên trong thái dương, được cấu tạo bởi hệ thống các xương con bao gồm xương bàn đạp, xương búa, xương đe. Các xương này có vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền âm thanh từ màng nhĩ đến tai trong.
Thính giác là gì? Cấu tạo và cơ chế hoạt động của hệ thính giác 2
Tai giữa là phần ở phía sau của màng nhĩ có chức năng truyền tải âm thanh từ ngoài vào trong

Tai trong

Đây là phần trong cùng của tai, bao gồm:

  • Ốc tai: Hình dạng xoắn ốc, một xương sẽ xoắn 2 vòng rưỡi quanh một trục cố định để bảo vệ hệ thần kinh. Bên trong ốc tai sẽ chứa nhiều chất nhầy để kích thích các tế bào lông gửi xung điện từ thần kinh của thính giác đến não bộ.
  • Ống bán khuyên: Có 3 ống bán khuyên bao gồm bên cạnh, đằng trước và phía sau luôn được thông với tiền đình. Bộ phận này giúp giữ thăng bằng cũng như phát hiện và nhận biết sự dịch chuyển hàng ngày.
  • Tiền đình: Có dạng khoang hình bầu dục và phình to ở giữa. Bộ phận này kết nối với ống bán khuyên để tạo nên cầu nang và soan nang.

Cơ chế hoạt động của hệ thính giác

Các dây thần kinh thính giác sẽ bắt đầu từ ốc tai đến trạm chuyển tiếp tín hiệu trong thân não và đến não, cụ thể là thuỳ thái dương. Tại đây âm thanh sẽ được cảm nhận và gắn với ý nghĩa của chúng.

Để đảm bảo việc nghe diễn ra dễ dàng và trơn tru thì cần đòi hỏi tất cả các bộ phận của hệ thống này phải hoạt động một cách đồng nhất với nhau. Cách thức hoạt động của tai cũng phức tạp tương tự như cấu tạo của nó.

Sóng âm chính là những rung động trong không khí bao quanh chúng ta, sẽ được vành tai ở hai bên tiếp nhận và rót vào ống tai. Sau đó, sóng âm sẽ làm cho màng nhĩ rung lên. Màng nhĩ lại cực kỳ nhạy cảm với những rung động từ âm thanh trong ống tai, nó có thể phác hoạ cũng như tái tạo những mô hình rung động âm thanh phức tạp nhất.

Thính giác là gì? Cấu tạo và cơ chế hoạt động của hệ thính giác 3
Cấu tạo chung của hệ thính giác

Những rung động từ màng nhĩ sẽ làm dịch chuyển xương búa, xương đe và cuối cùng là xương bàn đạp. Xương bàn đạp rung lên làm cho phần dịch trong ốc tai di chuyển theo dạng sóng và kích hoạt các tế bào lông tí hon để làm dịch chuyển âm thanh đến phần ốc tai và phản ứng lại với nhiều loại âm thanh khác nhau theo tần độ và tần suất. Những âm trầm sẽ kích thích tế bào lông ở phần trên và ngược tại âm thanh bổng sẽ kích thích tế bào lông tại phần dưới của ốc tai. Bên cạnh đó, khi mỗi tế bào lông hoạt động thì sẽ tạo ra xung thần kinh truyền theo dây thần kinh thính giác.

Xung thần kinh sẽ di chuyển trong một con đường phức tạp để đến thân não và sau đó là truyền đến trung tâm thính giác ở não bộ tức là vỏ não thính giác. Tại đây, xung thần kinh sẽ được xử lý và “phiên dịch” thành những âm thanh có ý nghĩa. Quá trình hoạt động của hệ thính giác diễn ra rất nhanh chóng ngay từ khi sóng âm vừa đi vào ống tai.

Một số nguyên nhân làm ảnh hưởng đến hệ thính giác

Có nhiều vấn đề gây ra những ảnh hưởng đến thính giác, chẳng hạn như:

Lão hoá: Sống càng lâu thì cơ thể phải tiếp xúc với càng nhiều loại âm thanh từ môi trường, đồng thời có nhiều vấn đề về sức khoẻ hơn, sử dụng nhiều loại thuốc men hơn nên dẫn đến suy giảm chức năng của thính giác.

Tổn thương hoặc chấn thương: Hành động ngoáy tăm bông vào tai hay sử dụng vật nhọn để chọt vào tai có thể làm thủng màng nhĩ. Một số chấn thương vùng đầu cũng có thể làm gãy các xương trong tai hay thậm chí một cái tát mạnh vào tai cũng là nguyên nhân dẫn đến thủng màng nhĩ, làm ảnh hưởng đến hệ thính giác của người bệnh.

Thính giác là gì? Cấu tạo và cơ chế hoạt động của hệ thính giác 4
Tất cả các bộ phận của hệ thính giác cần phối hợp nhịp nhàng và nhanh chóng để lắng nghe và cảm nhận được âm thanh

Tiếp xúc lâu với âm thanh lớn: Việc tiếp xúc với âm thanh quá lớn trong một khoảng thời gian dài khiến tổn thương về mặt cấu trúc của tai trong, thậm chí gây mất thính lực. Nếu phải tiếp xúc với tiếng động càng lớn thì mức độ suy giảm thính lực sẽ càng nhiều và tình trạng này có thể khắc phục được thông qua các thiết bị bảo vệ thính lực như nút tai hay bịt tai.

Ráy tai: Ráy tai được hình thành và xuất hiện trong tai hoàn toàn là một hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, khi ráy tai xuất hiện và tích tụ quá nhiều có thể làm chặn âm thanh truyền đến màng nhĩ, làm giảm thính lực. Lúc này, bạn nên vệ sinh tai theo đúng kỹ thuật để lấy hết ráy tai ra thì thính giác sẽ hồi phục về ban đầu.

Một số bệnh lý khác: Các bệnh đái tháo đường hay các bệnh lý về tim mạch có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về thính giác cao hơn, nguyên nhân có thể do lượng máu cung cấp cho tai và hệ thính giác bị suy giảm.

Để đảm bảo sức khỏe cũng như sự hoạt động bình thường của thính giác, chúng ta cần chú ý đến các vấn đề về tai, tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản về thính giác. Thông qua bài viết trên giúp bạn giải đáp phần nào câu hỏi thính giác là gì và cơ chế hoạt động của hệ thính giác. Tử đó, hãy chú ý và chủ động bảo vệ sức khoẻ của mình bạn nhé! 

Xem thêm: Bố mẹ nên làm gì để bảo vệ thính giác của trẻ sơ sinh?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin