Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng theo phương pháp truyền thống

Ngày 12/09/2022
Kích thước chữ

Khi trẻ được 8 tháng tuổi, hệ tiêu hoá của trẻ đã có bước phát triển mạnh mẽ. Do đó nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cũng cao hơn. Lúc này mẹ cần chú ý hơn trong việc xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng. Đây cũng là thời điểm bé có thể biếng ăn trong một vài tuần vì vậy mẹ hãy kiên nhẫn và không thúc ép trẻ.

Thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng sẽ giúp cơ thể bé có đủ chất dinh dưỡng để phát triển toàn diện. Vì vậy, bố mẹ cần lưu ý chuẩn bị thực đơn sao cho thật phù hợp với bé theo những điều sau đây.

Tại sao nên cho trẻ ăn dặm theo kiểu truyền thống?

Phương pháp ăn dặm truyền thống đã được sử dụng từ lâu đời và rất phổ biến ở nước ta. Khi phương pháp ăn dặm người nước ngoài tập trung vào lượng thức ăn thì ăn dặm truyền thống chú trọng thức ăn để bé dễ tiêu hóa. Mỗi ngày, trẻ 8 tháng tuổi cần được bú ít nhất 500ml sữa. Cùng với đó là ba bữa ăn dặm chính, mẹ phải tuân thủ đủ 4 nhóm thực phẩm là đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Lúc này, bữa ăn chính của trẻ là bột ăn dặm và sẽ xen kẽ nhiều bữa phụ cho bé như sữa chua, phô mai, trái cây mềm,…

Thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng theo phương pháp truyền thống Thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng với cách chế biến đơn giản tiết kiệm thời gian cho mẹ

Lợi ích của việc ăn dặm kiểu truyền thống

Trước khi chuyển sang ăn dặm truyền thống cho trẻ 8 tháng tuổi, ba mẹ nên tìm hiểu những lợi ích tuyệt vời của phương pháp này mang lại. Lợi ích đầu tiên có thể kể đến đó là thời gian và các bước chế biến món ăn đơn giản, nhanh chóng và tiết kiệm công sức. Ngoài ra, ưu điểm của phương pháp ăn dặm truyền thống là kiểu ăn dặm này có thể tạo điều kiện để bé thích nghi với thức ăn mới dễ dàng hơn. Tất cả các nguyên liệu nấu chín mềm để trẻ có thể dễ dàng tiêu hóa, nhai và nuốt so với ăn dặm kiểu Nhật hay ăn dặm tự chỉ huy.

Thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 8 tháng cần những chất gì?

Vitamin 

Đây là thành phần dinh dưỡng quan trọng đầu tiên có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ 8 tháng tuổi. Lúc này bé bắt đầu bò và tập đi do đó cần cung cấp chất xúc tác để bé hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng hơn, đó là các loại vitamin A, B12, C, D,… với hàm lượng phù hợp.

Axit béo omega 3

Ngoài vitamin và khoáng chất thì axit béo omega 3 đóng vai trò là vi chất cần thiết giúp trẻ thông minh. Chức năng của dưỡng chất này là giúp tế bào não phát triển nhanh hơn, giúp trẻ ghi nhớ và phối hợp tốt hơn các giác quan như tay, chân và mắt. Thức ăn chứa nhiều axit béo omega 3 như các loại hạt, các loại cá biển như cá thu, cá trích, cá hồi,... 

Kẽm

Vai trò của kẽm đối với sự phát triển của trẻ là rất quan trọng, khi thiếu kẽm trong khẩu phần ăn có thể khiến cơ thể mệt mỏi, kém hấp thu và ngủ không ngon. Do đó trong thực đơn ăn dặm của bé không thể thiếu được thực phẩm giàu kẽm. Ngoài ra kẽm còn giúp trẻ tăng chiều cao, cân nặng và tăng cường hệ miễn dịch.

Sắt

Khi thiếu sắt, bé có nguy cơ bị suy giảm hệ miễn dịch, thiếu máu và kém tập trung. Các chuyên gia khẳng định nếu thiếu sắt, trẻ thường hay ốm vặt và có nguy cơ chậm lớn. Sắt được tìm thấy rất nhiều trong các loại thực phẩm màu đỏ như thịt bò và thịt heo.

Protein

Thành phần dinh dưỡng cuối cùng cần bổ sung vào chế độ ăn truyền thống cho trẻ 8 tháng tuổi là protein. Thực phẩm giàu protein gồm thịt, cá, trứng, sữa, hải sản,... Chúng có chức năng cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động linh hoạt, tái tạo tế bào và xây dựng cơ bắp.

đảm bảo chế độ đủ 4 nhóm chất chính cho trẻ 8 tháng tuổi Khi áp dụng thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng phải đảm bảo chế độ ăn đủ 4 nhóm chất chính

Cách chế biến thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng

Sau đây là cách chế biến thức ăn ăn dặm theo hướng dẫn của Viện dinh dưỡng:

  • Cách sơ chế thực phẩm: Mẹ chú ý chọn thực phẩm tươi, sạch, ưu tiên thực phẩm theo mùa. Trước khi nấu mẹ cần rửa sạch với nước muối pha loãng để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn bám vào.
  • Quy trình nấu cháo / bột ăn dặm: Sau tháng thứ 8 trẻ có thể ăn bột / cháo đặc hơn so với khi mới bắt đầu ăn dặm.

Cách nấu ngũ cốc, cháo hoặc bột ăn dặm theo các bước cơ bản như sau:

  • Bước 1: Nấu cháo, ngũ cốc hoặc bột và xay đến độ mịn vừa phải không quá loãng như những tháng trước.
  • Bước 2: Mẹ rửa sạch thịt, cá, tôm và luộc chín, xé nhỏ sau đó trộn chung với cháo, bột hoặc ngũ cốc. Hoặc mẹ có thể để riêng thịt, cá để trẻ tự ăn.
  • Bước 3: Nếu nấu cháo rau củ quả thì mẹ cũng hấp chín các loại rau củ, cắt thật nhỏ và trộn vào cháo, bột khi gần chín.
  • Bước 4: Cuối cùng mẹ thêm vài giọt dầu ăn cho trẻ nhỏ để gia tăng hương vị.

Thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng

Thực đơn ăn dặm tuần 1

Vì nhu cầu dinh dưỡng của bé cao hơn nên mẹ phải tăng lượng cháo / bột ăn dặm cho bé. Theo đó, mẹ cho bé ăn 3 bữa sữa và 2 bữa ăn dặm với cháo / bột với rau củ quả hoặc trái cây. Trong tuần đầu tăng khối lượng thức ăn mẹ nên xen kẽ bữa ăn dặm vị ngọt và mặn với nhau.

Thực đơn ăn dặm tuần 2

Ở tuần thứ 2 mẹ có thể cho bé ăn thử thịt chim bồ câu, đây là nguồn dinh dưỡng cao trong nhóm gia cầm. Thịt có vị ngọt, mềm đặc trưng sẽ kích thích vị giác của trẻ hơn.

Thực đơn ăn dặm tuần 3

Sang tuần thứ 3 mẹ cho bé làm quen với cháo / bột đặc hơn và thêm thịt bò, thịt heo, thịt gà vào bữa ăn. Với lượng protein trong thịt sẽ cung cấp thêm dinh dưỡng cho bé và lựa chọn phần thịt thăn cho hệ tiêu hoá của trẻ.

Thực đơn ăn dặm tuần 4

Tuần thứ 4 mẹ có thể cho bé ăn thử lươn và tôm. Thịt tôm giàu omega 3, vitamin A, D cho sự phát triển trí não và thể chất. Còn lươn giàu khoáng chất, vitamin và chất béo giúp bé tăng cân nhanh chóng.

đa dạng món ăn cho bé thích thú hơn Đa dạng các món ăn hằng ngày cho bé 8 tháng tuổi để kích thích trẻ ăn thích thú hơn

Lưu ý trong chế độ ăn dặm tháng thứ 8 của trẻ

Đối với chế độ ăn dặm truyền thống ở tháng thứ 8, mẹ cần chú ý những điều sau:

  • Nên thay đổi thực đơn ăn dặm thường xuyên để trẻ không mắc phải chứng biếng ăn.
  • Không cung cấp quá nhiều thực phẩm giàu protein trong chế độ ăn của bé. Điều này dễ gây ra các vấn đề tiêu hoá cho trẻ như táo bón, đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy. Chỉ cần khoảng 25 - 30g protein cho bữa ăn dặm của trẻ 8 tháng.
  • Không lạm dụng thức ăn xay nhuyễn. Vì khi bé được 8 tháng và có khả năng nhai tốt hơn, nếu mẹ tiếp tục cho trẻ ăn thức ăn quá loãng thì trẻ sẽ không biết cách nhai thức ăn và không cảm nhận được mùi vị. 
  • Không hâm cháo, bột nhiều lần vì có thể làm mất hương vị và dinh dưỡng của món ăn.

Trên đây là gợi ý cách chế biến và thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng theo phương pháp truyền thống. Bài viết đã cung cấp những thông tin về các chất dinh dưỡng mà bé cần và hàm lượng khoa học. Mẹ cần tìm hiểu trẻ 8 tháng có khả năng nhai và nhu cầu dinh dưỡng như thế nào để điều chỉnh hợp lý. Từ đó trẻ mới hấp thu dinh dưỡng tốt và khoẻ mạnh.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin