Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thuốc diệt ký sinh trùng có tác dụng gì? Lưu ý khi sử dụng để đảm bảo an toàn

Ngày 01/01/2023
Kích thước chữ

Bệnh ký sinh trùng do giun, sán là bệnh phổ biến ở những nước có khí hậu nóng ẩm, trong đó có Việt Nam. Hẳn nhiều bạn thắc mắc thuốc diệt ký sinh trùng có những loại nào cũng như cách tác động của thuốc lên ký sinh trùng như thế nào? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về chủ đề này trong bài viết dưới đây nhé!

Thuốc diệt ký sinh trùng là nhóm thuốc với nhiều hoạt chất. Thuốc được sử dụng để điều trị các trường hợp bệnh nhân bị nhiễm các loại giun như giun kim, giun đũa, giun móc… hay các loại sán như sán lá gan, sán lá phổi… Vậy thuốc có tác dụng gì?

Thuốc diệt ký sinh trùng là thuốc gì?

Thuốc diệt ký sinh trùng là các nhóm thuốc điều trị bệnh do giun, sán gây ra trong cơ thể người. Ở Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển khác trên thế giới, bệnh do giun hay sán rất phổ biến. 

Ký sinh trùng chủ yếu ký sinh ở ruột là nơi có vị trí phát triển thuận lợi và nguồn thức ăn dồi dào. Ngoài ra, giun và sán có thể ký sinh ở nhiều cơ quan khác như phổi, gan, hạch bạch huyết…

Thuốc diệt ký sinh trùng có tác dụng gì? Lưu ý khi sử dụng thuốc diệt ký sinh trùng 1 Thuốc diệt ký sinh trùng giúp điều trị bệnh do ký sinh trùng gây ra

Phân loại thuốc diệt ký sinh trùng

Thuộc diệt giun

Thuốc diệt giun ký sinh thường được chia làm hai nhóm:

  • Thuốc diệt giun ký sinh ở ruột (giun kim, giun đũa, giun tóc…) với thành phần thuốc là các hoạt chất như piperazine, pyrantel, mebendazole (thuốc Mebendazole 500mg), ivermectin, albendazole…
  • Thuốc diệt giun ký sinh ngoài ruột (giun chỉ) với các thành phần hoạt động như thiabendazole, ivermectin, diethylcarbamazine…

Thuốc diệt sán

Ít loại sán có khả năng ký sinh ở người, vì vậy thuốc diệt sán được chia làm hai nhóm thuốc cụ thể:

  • Thuốc diệt sán lá (sán lá phổi, sán lá gan…) với hoạt chất như praziquantel, hạt bí đỏ (cucurbitin ), oxamniquine, triclabendazole…
  • Thuốc diệt sán dây (sán dây lợn và sán dây bò): Niclosamide (thuốc Tanox 500mg Shinpoong Deawoo), paromomycin, hạt bí đỏ, praziquantel…

Công dụng của thuốc diệt ký sinh trùng

Nhờ cơ chế tác động phức tạp vào ký sinh trùng, thuốc có thể diệt ký sinh trùng bằng nhiều cách như sau:

  • Gây liệt ký sinh trùng, tuy nhiên nhóm thuốc này không an toàn cho người nên không còn được sử dụng.
  • Gây rối loạn chuyển hóa giun.
  • Tiêu hủy thành phần protein của giun.
  • Thay đổi môi trường cơ quan ký sinh của giun, sán.
  • Phong tỏa dinh dưỡng của ký sinh trùng, khiến giun, sán giảm hấp thu chất dinh dưỡng cũng như giảm dự trữ glycogen để tạo năng lượng sống.

Các loại thuốc diệt ký sinh trùng thường có tác động cao nhất ở giai đoạn ấu trùng của giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc và giun mỏ.

Trong các loại thuốc, hoạt chất mebendazol được sử dụng phổ biến nhờ hiệu quả diệt giun tốt, đồng thời diệt được trứng giun đũa và giun tóc. Với liều điều trị cao, thuốc còn có tác dụng với nang sán chưa phát triển, ngăn bệnh tiến triển.

Về cơ chế tác dụng của mebendazol, hoạt chất sẽ liên kết chặt chẽ với các tiểu quản của sinh vật ký sinh và ức chế chức năng tiểu quản. Điều này sẽ làm phong bế dinh dưỡng của giun, sán, khiến chúng không hấp thu được glucose cũng như không dự trữ được glycogen. Ký sinh trùng sẽ không thể sinh năng lượng, cuối cùng sẽ chết.

Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc

Các loại thuốc diệt ký sinh trùng lưu hành trên thị trường thường dung nạp khá tốt, ít ghi nhận tác dụng phụ có thể gặp phải. Một số tác dụng không mong muốn đã ghi nhận như:

  • Rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất, biểu hiện bởi các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn hay nôn.
  • Rối loạn tinh thần gây đau đầu, chóng mặt.
  • Biểu hiện khác như sốt, viêm da tróc vảy.
  • Sử dụng thuốc liều cao đã ghi nhận biến chứng ức chế chức năng tủy xương gây giảm sức đề kháng, dễ bị rụng tóc, gãy móng.
Thuốc diệt ký sinh trùng có tác dụng gì? Lưu ý khi sử dụng thuốc diệt ký sinh trùng 2 Thuốc diệt ký sinh trùng có thể gây đau đầu nhẹ

Khi bạn sử dụng các loại thuốc diệt ký sinh trùng cần được sự tư vấn và chỉ định từ bác sĩ để tránh sử dụng sai loại thuốc hay sai liều lượng.

Mặt khác, một số loại thuốc diệt ký sinh trùng được ghi nhận gây độc cho cơ thể con người như metrifonate với độc tính cao, có thể gây tử vong. Thuốc này hiện đã bị rút sổ lưu hành và không còn được sử dụng.

Thuốc với khả năng liệt cứng cơ giun như levamisole cũng không còn được sử dụng với mục đích điều trị bệnh ký sinh do độc tính cao. Hiện nay, hoạt chất này được sử dụng để kích thích miễn dịch.

Về phương thức bảo quản, cần cất thuốc ở vị trí khô ráo, tránh bảo quản thuốc ở nơi ẩm mốc hay ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Nếu thuốc có bất kỳ dầu hiệu hư hỏng như chảy nước, đổi màu viên thuốc, tuyệt đối không sử dụng thuốc.

Lưu ý khi sử dụng thuốc diệt ký sinh trùng

Liều lượng sử dụng

Với đối tượng người trưởng thành và trẻ em từ 2 tuổi trở lên có liều lượng sử dụng tương tự nhau. Ngoài ra, tùy từng loại ký sinh, bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc với liều lượng cụ thể.

  • Với bệnh nhân nhiễm ký sinh bao gồm giun đũa, giun móc, giun mỏ, giun tóc: Sử dụng liều uống 100mg, uống 2 lần trong 3 ngày liên tiếp.
  • Với bệnh nhân nhiễm giun kim: Sử dụng liều duy nhất với lượng là 100mg, uống thêm một liều sau liều đầu tiên là 2 tuần. Do tính chất giun kim dễ bị tái nhiễm ở trẻ em.
  • Với bệnh nhân nhiễm nang sán: Sử dụng liều 40mg/kg/ngày, điều trị từ 1 tới 6 tháng tùy vào mức độ phát triển và lây lan của nang sán trong cơ thể.
Thuốc diệt ký sinh trùng có tác dụng gì? Lưu ý khi sử dụng thuốc diệt ký sinh trùng 3 Cần đi khám bác sĩ để được chỉ định đúng loại thuốc

Lưu ý trong quá trình sử dụng

Đối với những bệnh nhân có bệnh lý nền và đang điều trị thuốc cần tham vấn bác sĩ để được tư vấn về liều lượng và loại thuốc phù hợp. Tránh trường hợp tự ý tăng liều, bỏ liều hay đổi loại thuốc. Ngoài ra, bệnh nhân đã có phản ứng mẫn cảm, dị ứng với bất kỳ hoạt chất diệt ký sinh trùng nào cần được bác sĩ theo dõi trong những ngày đầu điều trị.

Ngoài ra, nhiều hoạt chất chưa được kiểm định chính xác an toàn khi sử dụng trong giai đoạn mang thai. Vậy nên, phụ nữ có thai và cho con bú cần đi khám chuyên khoa để được tư vấn kỹ càng.

Trên đây là bài viết của Nhà thuốc Long Châu về các loại thuốc diệt ký sinh trùng. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về công dụng, tác dụng không mong muốn cũng như những lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc. Trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bạn cần tham vấn với bác sĩ điều trị để được chỉ định loại thuốc phù hợp nhất. Đồng thời, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp với từng bệnh nhân.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin