Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thuốc kháng viêm không chứa steroid là gì? Lưu ý khi dùng kháng viêm không steroid

Ngày 01/01/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thuốc kháng viêm không chứa steroid được rất nhiều người sử dụng, tuy nhiên không phải ai cũng rõ loại thuốc kháng viêm này có tác dụng gì trong điều trị bệnh và những tác dụng phụ có thể xảy ra. Vậy thuốc kháng viêm không chứa steroid là gì? Loại thuốc này được chỉ định trong những bệnh lý nào?

Thuốc kháng viêm không chứa steroid là nhóm thuốc có tác dụng trong giảm đau, chống viêm. Tùy từng loại thuốc mà tác dụng của chúng ít hay nhiều đối với từng triệu chứng. Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để tìm hiểu thêm về nhóm thuốc này nhé!

Thuốc kháng viêm không chứa steroid là gì?

Thuốc kháng viêm không chứa steroid có tên tiếng anh là Non-steroidal Anti-inflammatory drugs (NSAIDs) hay còn gọi là thuốc kháng viêm không chứa cấu trúc steroid. Đây là nhóm thuốc có tác dụng giảm đau, chống viêm, có thể có hoặc không có tác dụng hạ sốt không chứa cấu trúc steroid (khác với nhóm thuốc kháng viêm corticosteroid có cấu trúc steroid).

Nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng viêm này thường được bào chế dưới dạng viên nén, viên nang uống, thuốc đặt hậu môn (thuốc đạn), gel, kem bôi tại chỗ, dạng tiêm truyền hoặc miếng dán ngoài da.

Một số thuốc kháng viêm không chứa steroid phổ biến như:

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc kháng viêm, nên hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ về hoạt chất có trong thuốc kháng viêm không steroid có phù hợp với tình trạng khỏe và cơ địa của bản thân không.

Thuốc kháng viêm không chứa steroid là gì? Lưu ý khi dùng thuốc kháng viêm không steroid 2 Diclofenac thuộc nhóm thuốc kháng viêm không steroid 

Công dụng của thuốc kháng viêm không chứa steroid

Thuốc kháng viêm không chứa steroid có tác dụng hạ sốt, giảm đau, kháng viêm, chống kết tập tiểu cầu bằng cách ức chế một loại enzyme có tên là Cyclooxygenase (COX) đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp Prostaglandin. Tùy theo hàm lượng của từng loại thuốc mà mức độ tác dụng của chúng sẽ biểu hiện ít hay nhiều.

Cơ chế tác dụng cụ thể như sau:

  • Hạ sốt: Thuốc làm tăng quá trình thải nhiệt, tái lập lại cân bằng cho trung tâm nhiệt ở vùng dưới đồi tại não bộ và giúp hạ thân nhiệt.
  • Giảm đau: Ức chế sản sinh quá trình tổng hợp PGF2 Alpha, làm giảm tính cảm thụ của các đầu dây thần kinh cảm giác với các hoạt chất gây đau như Histamin, Serotonin… Từ đó giúp người bệnh giảm đau. Nhóm thuốc này thường được dùng trong các trường hợp đau nhẹ và vừa như đau đầu, đau răng, đau khớp và không có tác dụng giảm đau mạnh như nhóm giảm đau Opioid (morphin). 
  • Chống viêm: Ức chế quá trình sinh tổng hợp các prostaglandin thông qua việc ức chế enzym Cyclooxygenase. Bên cạnh đó, nhóm thuốc này còn có tác dụng ức chế các kinin - là chất trung gian hóa học của các phản ứng viêm. NSAIDs còn có tác dụng làm bền vững màng lysosom của các đại thực bào, giúp giải phóng các enzym tiêu thể và các ion superoxyd dẫn đến ức chế quá trình phản ứng viêm. 
  • Chống kết tập tiểu cầu và chống đông máu: Ức chế enzym thromboxan synthetase, từ đó làm giảm tổng hợp thromboxan A2 - chất làm đông vón tiểu cầu. Tuy nhiên, nếu dùng ở liều cao thì thuốc lại làm tăng kết tập tiểu cầu và tăng đông máu.

Thuốc kháng viêm không chứa steroid được chỉ định trong các trường hợp như sau:

  • Đối tượng mắc các bệnh viêm khớp như: Viêm khớp dạng thấp, thấp khớp cấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp phản ứng, gút, viêm khớp vảy nến, viêm khớp tự phát thiếu niên…
  • Các bệnh hệ thống như: Lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì toàn thể…
  • Các bệnh lý như thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp (hư khớp), đau cột sống cổ, đau thần kinh tọa, đau vai gáy, đau thắt lưng cấp hoặc mạn tính…
  • Các bệnh lý phần mềm do thấp như: Viêm quanh khớp vai, viêm lồi cầu xương cánh tay, hội chứng đường hầm cổ tay, hội chứng De Quervain…
  • Các trường hợp đau bụng kinh, đau đầu, sốt…
Thuốc kháng viêm không chứa steroid là gì? Lưu ý khi dùng thuốc kháng viêm không steroid 3 Người mắc các bệnh về viêm khớp có thể được chỉ định dùng thuốc kháng viêm NSAIDs

Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc kháng viêm không chứa steroid

Ngoài có tác dụng điều trị, việc sử dụng nhóm thuốc kháng viêm không chứa steroid có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn và ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng. Dưới đây là một số tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc NSAIDs:

  • Rối loạn tiêu hóa: Khó tiêu, đầy bụng hoặc tiêu chảy.
  • Đau bụng.
  • Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
  • Mệt mỏi, buồn ngủ.
  • Loét dạ dày và có thể gây chảy máu trong dẫn tới thiếu máu. Do đó, cần sử dụng thêm thuốc bảo vệ dạ dày để hạn chế nguy cơ này.
  • Phản ứng dị ứng với thuốc. 

Nếu sử dụng liều cao và kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn này của thuốc kháng viêm. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe, hãy ngưng thuốc và báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và thay đổi sang đơn thuốc phù hợp hơn.

Thuốc kháng viêm không chứa steroid là gì? Lưu ý khi dùng thuốc kháng viêm không steroid 4 Thuốc kháng viêm steroid chống chỉ định với người bệnh bị loét dạ dày

Các lưu ý khi sử dụng thuốc kháng viêm không chứa steroid

Cũng như các loại thuốc khác, thuốc kháng viêm không steroid có những lưu ý và điểm hạn chế để tránh làm giảm tác dụng của thuốc và có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn.

Những đối tượng cần phải cẩn thận khi sử dụng thuốc kháng viêm NSAIDs

Những đối tượng dưới đây cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng:

  • Người bệnh đang mắc bệnh lý chảy máu không kiểm soát.
  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Đang mắc phải tình trạng loét dạ dày.
  • Suy gan mức độ 3 và 4.
  • Suy thận.
  • Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối, phụ nữ đang cho con bú.
  • Có tiền sử bệnh hen suyễn, tiền sử loét dạ dày.
  • Trẻ em dưới 16 tuổi và người già trên 65 tuổi.
  • Có bất kỳ vấn đề nào liên quan tới tim, huyết áp hay tuần hoàn.

Tương tác thuốc có thể xảy ra khi sử dụng thuốc kháng viêm NSAIDs

Các tương tác phản ứng thuốc có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn nghiêm trọng. Do đó, hãy thông báo với bác sĩ điều trị tất cả các thuốc mà người bệnh đang sử dụng, nhất là các thuốc NSAIDs đang dùng khác, Lithium, Warfarin, Cyclosporin, Methotrexate, thuốc ức chế tái hấp thu Serotonin có chọn lọc như Citalopram và Fluoxetine, thuốc lợi tiểu. 

Hãy kiểm tra tất cả các thuốc đang sử dụng, đặc biệt là các loại thuốc có nguy cơ cao gây loét dạ dày và ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Đồng thời nhờ bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn về việc dùng chung các loại thuốc này với thuốc NSAIDs có an toàn không.

Trong quá trình sử dụng thuốc, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê… hoặc các loại đồ ăn cay nóng có hại cho dạ dày vì có thể làm tăng nguy cơ loét dạ dày.

Khi sử dụng thuốc kháng viêm NSAIDs ở dạng viên nén, người bệnh không nên nhai mà uống toàn bộ để tránh gây khó chịu và gây kích ứng dạ dày. 

Thuốc kháng viêm không chứa steroid là gì? Lưu ý khi dùng thuốc kháng viêm không steroid 5 Hạn chế sử dụng rượu bia trong thời gian sử dụng thuốc kháng viêm 

Làm gì khi sử dụng thuốc quá liều?

Nếu sử dụng quá liều thuốc kháng viêm NSAIDs, người bệnh có thể gặp một số vấn đề như buồn ngủ, đau bụng, khó thở, co giật hoặc mất ý thức. Do đó, hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Thuốc kháng viêm không chứa steroid có tác dụng trong giảm đau, hạ sốt, kháng viêm và chống kết tập tiểu cầu. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng loại thuốc này. Qua bài viết trên, hy vọng bạn đọc có những hiểu biết đúng về loại thuốc này và lựa chọn loại thuốc phù hợp với tình trạng của bản thân.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm