Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thủy đậu mọc trong miệng có nguy hiểm không?

Ngày 07/04/2018
Kích thước chữ

Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm phổ biến và rất dễ mắc phải ở cả trẻ em lẫn người lớn. Bệnh vốn lành tính nhưng cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách. Thủy đậu mọc trong miệng là một trong những triệu chứng cần được lưu ý vì không chỉ có thể gây biến chứng bội nhiễm mà còn khiến cho người bệnh cảm thấy đau đớn và không thể ăn uống một cách bình thường.

Thủy đậu (còn gọi là bệnh trái rạ, phỏng rạ) là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella zoster gây ra. Bệnh đặc biệt thường gặp ở trẻ nhỏ, lây lan nhanh qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh. Triệu chứng điển hình của thủy đậu là phát ban và mụn nước trên da và niêm mạc. Vậy nếu gặp phải tình trạng thủy đậu mọc trong miệng thì có những biến chứng nguy hiểm nào và cách điều trị ra sao?

Dấu hiệu nào cho thấy bạn đã mắc bệnh thủy đậu?

Bệnh thủy đậu nằm trong danh sách các căn bệnh dễ phát hiện sớm vì nó có những triệu chứng khá rõ ràng. Bệnh thủy đậu trải qua 3 giai đoạn với một số biểu hiện điển hình như:

  • Đau đầu, thể trạng mệt mỏi, uể oải: Khi virus thủy đậu xâm nhập vào cơ thể, sau thời gian ủ bệnh khoảng 10 - 20 ngày thì bệnh thủy đậu mới phát triệu chứng. Giai đoạn đầu tiên bệnh nhân sẽ bị sốt khá cao từ 38 - 39 độ C, cơ thể mệt mỏi, chán ăn và có thể có dấu hiệu viêm họng đỏ, có hạch sau tai.
  • Xuất hiện các nốt ban thủy đậu trên khắp cơ thể: Bắt đầu xuất hiện những nốt ban có dạng tròn nhỏ màu ửng đỏ, lan rộng khắp cơ thể. Khoảng 1 - 2 ngày sau, nốt ban đỏ sẽ phát triển thành mụn nước. Ban đầu, bên trong mụn nước là dịch trong, sau đó dần đục như mụn mủ. Ở mức độ nhẹ, các nốt thủy đậu chỉ mọc thưa thớt và nhỏ. Trường hợp nặng hơn, các nốt thủy đậu mọc dày đặc ở những vị trí khó điều trị như thủy đậu mọc trong mắt, thuỷ đậu mọc ở vùng kín, thủy đậu mọc trong miệng, trong họng,...
  • Các nốt mụn vỡ ra, đóng vảy và phục hồi: Sau 2 - 3 ngày tiếp theo, các nốt thủy đậu vỡ ra, đóng vảy và tự bong ra. Bệnh thường khỏi hoàn toàn sau 1 - 2 tuần nếu không có biến chứng gì xảy ra. Nếu được chăm sóc đúng cách và không bị nhiễm trùng, các nốt ban khi bị thủy đậu thường không để lại sẹo nhưng có thể để lại vết thâm.
Thủy đậu mọc trong miệng có nguy hiểm không? 1
Nốt thủy đậu trên da

Biến chứng của bệnh thủy đậu

Thủy đậu tuy là bệnh lành tính nhưng cũng tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, trẻ lớn và người lớn mắc thủy đậu thường có nguy cơ gặp biến chứng hơn so với trẻ nhỏ. Một số biến chứng thủy đậu thường gặp:

  • Viêm da do bội nhiễm vi khuẩn: Các nốt mụn nước của bệnh nhân bị vỡ, bong tróc, khi tiếp xúc với vi khuẩn trong không khí gây nhiễm trùng, viêm da và để lại sẹo.
  • Nhiễm trùng máu: Khi các vi khuẩn ở bề mặt da xâm nhập từ mụn nước vào sâu bên trong cơ thể có thể gây nhiễm trùng máu, xuất huyết.
  • Viêm phổi: Đây là một biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu có thể gây tử vong nhanh. Bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, khó thở, ho ra máu.
  • Viêm não - màng não: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh thủy đậu, thường xảy ra ở người lớn, dễ tử vong hoặc để lại các di chứng.
  • Zona (bệnh giời leo): Virus thủy đậu có thể tồn tại trong các hạch thần kinh ở dạng bất hoạt (ngủ đông), khi có điều kiện thuận tiện sẽ tái hoạt động gây bệnh giời leo làm ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần và thẩm mỹ của người bệnh.
  • Viêm họng thanh quản: Các mụn nước thủy đậu mọc trong miệng lan xuống vùng họng gây viêm nhiễm.
Thủy đậu mọc trong miệng có nguy hiểm không? 2
Virus thủy đậu có thể tồn tại trong các hạch thần kinh ở dạng bất hoạt và gây bệnh zona

Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé vì dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi. Nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ, có nguy cơ cao bị sảy thai hoặc gây dị tật cho thai nhi. Còn nếu mẹ bầu bệnh trong những ngày sắp sinh hay sau sinh, trẻ sơ sinh sẽ bị lây thủy đậu rất nặng với mụn nước nổi nhiều và dễ bị biến chứng nghiêm trọng.

Phân biệt triệu chứng bệnh thủy đậu và tay chân miệng

Thuỷ đậu và tay chân miệng là đều những bệnh lý khá phổ biến ở trẻ em. Triệu chứng của hai căn bệnh này lại khá giống nhau nên rất dễ gây nhầm lẫn. Có thể dựa vào các nốt ban để phân biệt bệnh thuỷ đậu và tay chân miệng.

Nốt ban thủy đậu:

  • Khởi phát là các nốt ban đỏ, nốt sần rồi chuyển thành mụn nước vòm mỏng, lõm giữa và khô thành những nốt có vảy.
  • Thường xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
  • Nốt mụn nước thủy đậu gây đau, ngứa rát và rất khó chịu.

Nốt ban tay chân miệng:

  • Đầu tiên xuất hiện những nốt ban đỏ rồi tiến triển thành mụn nước vòm dày.
  • Thường xuất hiện chủ yếu ở đầu gối, khuỷu tay, mông và lòng bàn tay hoặc chân. Đặc biệt, nốt ban có thể mọc ở miệng hoặc họng gây ra tình trạng loét ở những vùng này.
  • Nốt mụn nước tay chân miệng thường không gây ngứa và đau.

Thông qua các triệu chứng khó có thể phân biệt chính xác được bệnh, vì vậy người bệnh nên đến bác sĩ thăm khám để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Thủy đậu mọc trong miệng có nguy hiểm không? 3
Thủy đậu mọc trong miệng dễ bị nhầm lẫn với tay chân miệng

Điều trị thủy đậu mọc trong miệng

Trên thực tế, bệnh thủy đậu không phải là căn bệnh hiếm gặp và nguy hiểm. Điều trị bệnh thủy đậu chủ yếu là hỗ trợ đẩy lùi triệu chứng của bệnh và phòng tránh những biến chứng có thể xảy ra. Phương pháp điều trị thủy đậu mọc trong miệng không có sự khác biệt so với điều trị thủy đậu toàn thân.

Thủy đậu mọc trong miệng sẽ khiến bệnh nhân gặp nhiều vấn đề khó khăn hơn trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là khi ăn uống. Vì vậy, bệnh nhân cần phải chú ý cẩn thận cũng như là mất nhiều thời gian hơn. Bên cạnh việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì việc chăm sóc người bệnh thủy đậu cũng đóng vai trò quan trọng để giúp tình trạng bệnh thuyên giảm. Một số lưu ý quan trọng đối với người bệnh:

  • Người bệnh chỉ nên ăn những thức ăn mềm dễ nuốt như bún, cháo, súp... và nói không với các loại thực phẩm nhiều gia vị hoặc quá cay và nóng.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ để vi khuẩn không có cơ hội phát triển và lây lan. Súc miệng bằng nước muối sinh lý thay cho bàn chải đánh răng để làm tránh làm vỡ các mụn nước.
  • Uống đủ nước để giảm đau trong miệng và làm giảm kích thích các khu vực bị nhiễm trùng.
  • Ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng, tăng cường bổ sung vitamin và các loại khoáng chất để tăng cường sức đề kháng và giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn.
  • Kiêng các loại thức ăn có thể gây ngứa hoặc để lại sẹo như rau muống, thịt bò, sữa, hải sản, đồ nếp,...
  • Không được tự ý bôi hoặc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa tham vấn ý kiến chỉ định của bác sĩ.
Thủy đậu mọc trong miệng có nguy hiểm không? 4
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp bệnh nhanh phục hồi

Bệnh thủy đậu thường có xu hướng tự khỏi thông qua việc chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, thủy đậu mọc trong miệng được xem là một trong những dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh. Để đảm bảo an toàn và hạn chế biến chứng nghiêm trọng xảy ra, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác và hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp.

Xem thêm: Tổng hợp hình ảnh thủy đậu qua các giai đoạn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm