Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Tiêm trưởng thành phổi là gì? Có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Ngày 25/06/2023
Kích thước chữ

Nếu em bé có nguy cơ sinh non thì bác sĩ sẽ khuyến cáo mẹ nên tiêm trưởng thành phổi. Vậy tiêm trưởng thành phổi là gì? Nhà thuốc Long Châu sẽ gửi đến mẹ thông tin về việc tiêm trưởng thành phổi và những điều cần lưu ý khi thực hiện phương pháp này.

Sinh non là tình trạng thai nhi được sinh ra trước tuần thai thứ 37. Một trong những nguy cơ trẻ sinh non hay gặp là suy hô hấp sau sinh do phổi chưa phát triển toàn diện. Phương pháp tiêm trưởng thành phổi được thực hiện với tác dụng hỗ trợ phổi thai nhi phát triển nhanh hơn. Bài viết này sẽ giúp mẹ có thêm nhiều kiến thức để giải đáp thắc mắc tiêm trưởng thành phổi là gì và những tác dụng của nó.

Giải đáp: Tiêm trưởng thành phổi là gì?

“Tiêm trưởng thành phổi là gì” là câu hỏi thường gặp mỗi khi một thai phụ có nguy cơ sinh non. Đây là phương pháp giúp cho phổi của thai nhi phát triển nhanh hơn, phòng tránh nguy cơ trẻ sinh non bị suy hô hấp vì phổi chưa phát triển đầy đủ về chức năng. Thuốc tiêm trưởng thành phổi cũng làm giảm nguy cơ trẻ sinh non bị xuất huyết não, nhiễm trùng hệ thống, chậm phát triển, thậm chí là tử vong.

Hiện nay, thuốc tiêm trưởng thành phổi là thuốc thuộc nhóm corticosteroid. Trong số đó, 2 loại thuốc được dùng phổ biến nhất là Dexamethasone và Betamethasone với những ưu điểm vượt trội:

  • Khả năng ức chế hệ miễn dịch yếu.
  • Tác dụng của thuốc kéo dài hơn hydrocortison.
  • Thuốc đi qua nhau thai tốt.
  • Không tồn tại quá lâu trong hệ tuần hoàn của trẻ, chỉ khoảng 40 giờ.
  • Tăng cơ hội sống sót của trẻ sinh non sau khi ra đời.
  • Giảm nguy cơ trẻ gặp các biến chứng nghiêm trọng sau sinh như suy hô hấp sơ sinh, viêm ruột hoại tử NEC, chảy máu não.
Tiêm trưởng thành phổi là gì? Có ảnh hưởng đến thai nhi không? 1
Tiêm trưởng thành phổi là gì?

Sau khi được tiêm vào cơ thể mẹ bầu, thuốc trưởng thành phổi sẽ đi vào cơ thể và phổi của bé qua đường máu. Thuốc sẽ phát huy tác dụng kích thích sự tổng hợp, phóng thích chất surfactant vào phế nang của thai nhi. Trong một thai kỳ bình thường, khi em bé được 32 tuần tuổi thì hoạt chất surfactant chỉ xuất hiện với lợi ích giảm sức căng bề mặt ở phế nang sau, giúp phế nang luôn mở để trao đổi khí. Việc thiếu surfactant làm tăng nguy cơ suy hô hấp, xẹp phổi ở trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, tiêm trưởng thành phổi còn giảm bớt lượng chất lỏng trong phổi bằng cách hỗ trợ kích thích tăng thể tích phổi, .

Trường hợp cần tiêm trưởng thành phổi

Ngoài thắc mắc tiêm trưởng thành phổi là gì, bạn cần hiểu rõ trường hợp nào cần tiêm loại thuốc này. Trẻ sơ sinh sau 37 tuần tuổi mới tự hoàn thiện được mọi cơ quan trong cơ thể để thích nghi với điều kiện sống bên ngoài bụng mẹ. Đối với các trẻ từ tuần thai thứ 22 đến dưới 37, thai nhi chưa hoàn thiện về cơ quan và chức năng, đặc biệt là phổi. Do đó, nguy cơ trẻ sẽ bị suy hô hấp lớn nếu ra đời trong giai đoạn này.

Trường hợp phụ nữ mang thai ở tuần từ 28 đến 34 xuất hiện dấu hiệu dọa sảy thai hoặc nguy cơ sinh non sẽ được bác sĩ chỉ định tiêm trưởng thành phổi trong vòng trước khi sinh 7 ngày. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ được áp dụng cho mẹ bầu có nguy cơ sinh non trong 7 ngày tới.

Tiêm trưởng thành phổi là gì? Có ảnh hưởng đến thai nhi không? 2
Sản phụ dọa sảy thai trước 34 tuần cần tiêm trưởng thành phổi

Các thai phụ hãy lưu ý những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ gây dọa sảy thai hoặc sinh non để kịp thời đi khám chữa bệnh và được bác sĩ tiêm thuốc kịp thời. Các triệu chứng bao gồm:

  • Xuất hiện các cơn gò tử cung bất thường dù thai nhi chưa được 37 tuần tuổi.
  • Bị đau thắt lưng dưới kèm theo chuột rút.
  • Âm đạo có dấu hiệu ra máu hoặc dịch nhầy.
  • Cảm thấy nặng bụng, đau thắt bụng.
  • Có hiện tượng biến đổi ở tử cung khi đi khám thai sản định kỳ.

Ngoài những dấu hiệu dọa đẻ non thì một số dạng thai phụ có nguy cơ sinh non cần quan tâm có thể kể đến là:

  • Thai phụ gặp tình trạng cổ tử cung ngắn, hở eo tử cung, u xơ tử cung, khâu vòng cổ tử cung, dị tật tử cung, tiền sử sinh non…
  • Thai phụ bị tiền sản giật, phát hiện nhau tiền đạo, ít ối, cạn ối, ối nhiễm khuẩn.
  • Thai nhi phát triển chậm, nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng.
  • Thai phụ thực hiện thụ tinh nhân tạo.
  • Mẹ bầu mang thai đôi hoặc mang đa thai đủ 37 tuần.

Thời điểm cần tiêm trưởng thành phổi

Phụ nữ mang thai được chỉ định tiêm trưởng thành phổi từ tuần thai thứ 24 đến 34. Nếu mẹ bầu vẫn chưa sinh sau khi tiêm thuốc 7 ngày và vẫn có nguy cơ sinh non trong vòng 7 ngày tiếp theo thì mẹ sẽ được tiếp nhắc lại một đợt.

Tiêm trưởng thành phổi là gì? Có ảnh hưởng đến thai nhi không? 3
Tiêm trưởng thành phổi giúp trẻ tránh được biến chứng nguy hiểm khi sinh non

Liều lượng tiêm trưởng thành phổi mỗi đợt như sau:

  • Thuốc Betamethasone: Tiêm bắp 12mg/liều, tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau 24h.
  • Thuốc Dexamethasone: Tiêm bắp 6mg/liều, tiêm 4 liều, mỗi liều cách nhau 12h.

Bác sĩ không khuyến cáo mẹ bầu tiêm trưởng thành phổi định kỳ hay tiêm nhiều hơn 2 đợt. Trường hợp thai nhi sau 34 tuần thì thai phụ không cần thiết phải tiêm vì thuốc lúc này không có tác dụng.

Tiêm Corticosteroid sẽ cho hiệu quả tối đa nếu mẹ sinh con sau 24h đến 1 tuần kể từ khi tiêm mũi 2. Mặc dù vậy, việc điều trị này vẫn có khả năng hiệu quả kể cả khi thai nhi được sinh ra trong vòng 24 giờ sau liều đầu tiên.

Lưu ý khi tiêm trưởng thành phổi

Giải pháp tiêm trưởng thành phổi là bắt buộc đối với trường hợp thai phụ có dấu hiệu dọa sảy thai, sinh non sau tuần thai thứ 28. Dù phương pháp này được chứng minh là mang đến nhiều tác dụng cực kỳ hữu hiệu nhưng cũng tiềm ẩn một số tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Gây suy thận cho mẹ bầu và suy thượng thận cho trẻ sơ sinh. Mẹ có thể yên tâm bởi đây là trường hợp khá hiếm gặp.
  • Sản phụ có khả năng bị tụt huyết áp, sốc phản vệ, dị ứng hay nhiễm trùng sau khi tiêm.
  • Mẹ bầu có nguy cơ tăng đường huyết kéo dài trong khoảng 1 tuần. Vì thế, mẹ cần được kiểm soát đường huyết chặt chẽ sau tiêm.
  • Tiêm thuốc Betamethasone với liều lượng từ 3 liều trở lên có thể khiến trẻ bị tăng động trong tương lai. Dùng quá liều thuốc Dexamethasone có nguy cơ khiến trẻ bị nhiễm độc thần kinh.
Tiêm trưởng thành phổi là gì? Có ảnh hưởng đến thai nhi không? 4
Bác sĩ sẽ thăm khám cẩn thận trước khi chỉ định tiêm trưởng thành phổi

Do các tác dụng phụ không mong muốn kể trên, mẹ bầu cần được bác sĩ chuyên khoa khám và chỉ định sau khi đã trải qua các xét nghiệm, đánh giá tổng quát tình trạng sức khỏe của cả hai mẹ con. Quá trình tiêm cũng như liều lượng cần được tính toán phù hợp, theo dõi sát sao sau tiêm để hạn chế nguy cơ tối đa. Những thai phụ có tiền sử sảy thai, sinh non hoặc có dấu hiệu dọa sinh non sớm hãy chọn cơ sở y tế uy tín, đội ngũ bác sĩ tay nghề cao để tiêm và theo dõi kịp thời.

Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp mẹ giải đáp được thắc mắc tiêm trưởng thành phổi là gì và lợi ích, tác hại của phương pháp này. Đây là phương pháp chỉ được thực hiện khi có bác sĩ chỉ định. Sau khi tiêm, mẹ sẽ được theo dõi chặt chẽ để đề phòng tai biến có thể xảy ra. Mẹ bầu hãy đi khám thai định kỳ để kịp thời phát hiện dấu hiệu sanh non nhằm được xử trí đúng cách nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin