Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 4 có tác dụng thế nào?

Ngày 16/06/2022
Kích thước chữ

Sau tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3 khoảng 3 tháng, hiệu quả bảo vệ sẽ giảm mạnh, chỉ còn 50% và tiếp tục giảm theo thời gian. Trong khi đó, dịch Covid-19 vẫn phức tạp, nhiều biến thể mới.

Tiến sĩ - bác sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết nghiên cứu trên 32.000 ca Covid-19 tử vong tại nước ta cho thấy có đến gần 53% số ca tử vong chưa tiêm bất cứ mũi vắc-xin Covid-19 nào. Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản.

Tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 4 có tác dụng thế nào?

"Nhiều nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy hiệu quả bảo vệ của vắc-xin Covid-19 trước dịch Covid-19. Vắc-xin Covid-19 chính là yếu tố quyết định giúp chúng ta chống dịch Covid-19 hiệu quả cho đến hiện nay"- TS Dương nhấn mạnh.

Tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 4 có tác dụng thế nào?1 Tiến sĩ - bác sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh

TS Vương Ánh Dương cũng cho biết đa số người dân Việt Nam đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19. Các nghiên cứu cho thấy sau 3 tháng tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 thì hiệu quả bảo vệ của vắc-xin sẽ giảm dần. Sau 3 tháng, hiệu quả bảo vệ chỉ còn 51%, sau 4 - 5 tháng hiệu quả tiếp tục giảm, thậm chí chỉ còn 10 - 20%.

"Do đó, người dân nào đã tiêm đủ 2 mũi cơ bản đã được 3 tháng cần tiêm mũi 3 nhắc lại. Ai đã nhắc lại mũi 3 được 3 tháng thì nên tiếp tục tiêm mũi 4 Covid-19, đặc biệt là những người có nguy cơ cao mắc Covid-19 và nếu mắc Covid-19 có thể bệnh nặng" - ông Dương khuyến cáo.

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, việc tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại lần 2) được chỉ định với những đối tượng sau:

  • Người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng.
  • Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.

Dẫn chứng các nghiên cứu trên thế giới, ông Dương cho biết hiệu quả bảo vệ của mũi 4 được nghiên cứu làm giảm nguy cơ mắc Covid-19 (trên 52%), nếu mắc sẽ không có triệu chứng (61%), khỏi nguy cơ nhập viện (72%), nếu có triệu chứng nặng thì sẽ giảm nguy cơ tử vong (76%)…

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người đã từng mắc Covid-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm cả trẻ em và người lớn.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực. Cũng cần lưu ý, mặc dù số mắc và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, tuy nhiên, ở một số khu vực dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới.

Từ thực tế của 2 đợt dịch bùng phát thời gian qua, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cho biết thêm hiệu quả bảo vệ của vắc-xin với biến chủng Omicron có thể giảm nhưng vẫn có hiệu lực, vẫn tốt.

"So sánh 2 đợt bùng phát dịch vừa qua tại miền Nam và miền Bắc, chưa tiêm và đã tiêm, chúng ta có thể thấy năm ngoái số mắc rất cao, tử vong lớn, ca nặng nhập viện nhiều nhưng thời gian qua thì không. Điểm quan trọng của vắc-xin là mắc bệnh không nặng, giảm tử vong. Do đó, việc tiêm vắc-xin cần đặc biệt lưu ý đến đối tượng có nguy cơ cao, người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch… Trẻ em cũng cần tiêm vắc-xin vì nếu mắc sẽ lây cho người già, người có bệnh nền, chưa kể nguy cơ mắc Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C)"- PGS Trần Đắc Phu lưu ý.

Tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 4 có tác dụng thế nào?2 Việc tiêm vắc-xin cần đặc biệt lưu ý đến đối tượng có nguy cơ cao

Khuyến khích người dân tiêm

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào khẳng định vắc xin phòng COVID-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân. Trong khi hiệu lực của vắc xin giảm theo thời gian, vì vậy để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hiện trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân, hơn 80 quốc gia đã triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và một số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.

Theo PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM - hiện nay biến thể phổ biến trên thế giới vẫn là Omicron nhưng có thể vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Việc xuất hiện biến thể mới và hiệu lực vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian vẫn có thể làm gia tăng số ca mắc COVID-19, đặc biệt ở nhóm người nguy cơ cao. Do đó, với những ai chưa tiêm đủ, hoặc trì hoãn tiêm vắc xin cần tiêm đủ liều.

Tương tự, ông Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cho biết vắc xin phòng COVID-19 có miễn dịch không bền vững, sau khoảng 4 - 6 tháng miễn dịch sẽ giảm. Bên cạnh đó, người đã tiêm vắc xin COVID-19 vẫn có thể bị tái nhiễm.

Tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 4 có tác dụng thế nào?3 Đông đảo người dân sinh sống trên địa bàn quận 1 (TP.HCM) chủ động tiêm vắc xin phòng COVID-19 

"COVID-19 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng, tử vong, việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) là rất cần thiết để phòng bệnh. Hoặc nếu không may nhiễm thì bệnh sẽ nhẹ, hệ thống y tế không bị quá tải, giảm thấp nhất ca nặng, hạn chế ca tử vong. 

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu, những ai chưa tiêm đủ thì nên đi tiêm đủ, những ai đã trì hoãn việc tiêm thì cũng nên đi tiêm lại khi bảo đảm điều kiện sức khỏe, đặc biệt là người già, người mắc bệnh nền, người tiếp xúc có nguy cơ cao", ông Phu nói.

Thủy Phan

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin