Những người mắc bệnh mù màu tình cờ một lúc nào đó mới phát hiện ra bệnh. Rối loạn màu sắc không gây nguy hiểm đến sức khỏe của bạn nhưng sẽ đem đến những bất tiện trong công việc và sinh hoạt hàng ngày.
Bệnh mù màu là gì?
Mù màu hay rối loạn sắc giác là biểu hiện của tình trạng mắt không thể phân biệt được màu sắc mọi vật xung quanh, có thể là màu đỏ, xanh dương, xanh lục hoặc pha trộn giữa các màu này. Trong đó đa số trường hợp thường thấy là bệnh mù màu đỏ và xanh lục ở người.
Màu sắc trong mắt bệnh nhân mù màu
Tùy vào mức độ mà người bệnh có khả năng nhận biết được một phần màu sắc hoặc không nhìn thấy hoàn toàn. Bệnh lý về mắt này không ảnh hưởng tới sức khỏe, tuy nhiên người bị bệnh mù màu sẽ gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống cũng như công việc.
Bệnh mù màu đỏ và xanh lục ở người là gì?
Trong võng mạc của mắt có hai loại tế bào que và tế bào hình nón để nhận biết ánh sáng. Các tế bào hình nón giúp phát hiện ra các màu sắc như đỏ, xanh lục, xanh lam. Khi các tế bào này vắng mặt, hay không hoạt động hoặc phát hiện màu sắc khác bình thường thì bạn có thể đã mù màu. Một số trường hợp có thể gặp là:
- Mù màu xanh lá thể nhẹ: Đây là tình trạng phổ biến nhất, thường thấy ở 5% nam giới, ít khi gặp ở nữ giới. Khi đó bạn sẽ thấy màu xanh lá và màu vàng trông thiên đỏ hơn, khó phân biệt được màu xanh từ tím.
- Mù màu đỏ thể nhẹ: Thường ảnh hưởng đến 1% nam giới. Lúc này màu đỏ, vàng và cam sẽ xanh hơn, màu sắc trầm hơn bình thường. Ở mức độ này bệnh vẫn chưa ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống hàng ngày.
- Mù màu đỏ: Do các tế bào hình nón màu đỏ không còn hoạt động nữa, dẫn đến việc nhìn màu đỏ thành xám đen. Bên cạnh đó, các màu cam, vàng hay xanh lục sẽ nghiêng về sắc thái vàng hơn.
- Mù màu xanh lá: Tương tự như cơ chế mù màu đỏ, khi này các tế bào hình nón màu xanh lá không hoạt động nữa. Màu xanh lục giờ đây có thể biến thành màu be, mang sắc xám ánh vàng, đồng thời màu đỏ sẽ trở thành vàng nâu.
Bệnh mù màu đỏ và xanh lục ở người
Nguyên nhân gây bệnh mù màu
Mù màu do di truyền
Theo nghiên cứu, đa số bệnh mù màu là do di truyền, tức là bẩm sinh. Các gen quyết định mù màu là OPN1LW và OPN1MW. Hai gen này nằm trên nhiễm sắc thể giới tính X. Nam giới chỉ có 1 nhiễm sắc thể X cho nên một thay đổi nhỏ sẽ gây ra tình trạng mù màu. Nữ giới có tới 2 nhiễm sắc thể X nên sự thay đổi phải xảy ra đồng thời trên cả 2 nhiễm sắc thể này mới gây ra biểu hiện bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh mù màu có thể do di truyền
Mù màu do biến chứng của bệnh lý
Ngoài các yếu tố di truyền thì bệnh lý cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mù màu. Một số bệnh liên quan đến dây thần kinh thị giác, bệnh võng mạc sẽ ảnh hưởng tới khả năng nhận biết màu sắc của mắt, đặc biệt là bệnh mù màu đỏ và xanh lục ở người.
Bên cạnh đó biến chứng của một số bệnh cũng góp vai trò trong nguyên nhân gây mù màu như: Bệnh tiểu đường, tăng nhãn áp, nghiện rượu mạn tính, bệnh Alzheimer, Parkinson, bệnh bạch cầu hay thiếu máu hồng cầu hình liềm. Đối với những trường hợp này, sau khi điều trị bệnh chính thì khả năng nhận biết màu sắc sẽ được cải thiện.
Mù màu là biến chứng của đái tháo đường
Một số nguyên nhân khác gây mù màu
- Do thuốc: Một số loại thuốc có thể gây biến chứng dẫn tới mù màu như: Thuốc điều trị bệnh tim, thuốc tăng huyết áp, nhiễm trùng, thuốc điều trị rối loạn thần kinh và các vấn đề về tâm lý…
- Lão hóa: Vấn đề về tuổi tác tăng dần cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm khả năng nhận biết màu sắc của mắt.
- Hóa chất: Tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất mạnh như disulfua carbon, phân bón, styrene có thể gây mất nhận thức về màu sắc.
- Tổn thương vật lý ở mắt.
- Đục thủy tinh thể.
Mù màu có nguy hiểm không?
Căn bệnh mù màu không gây ra những vấn đề lớn về sức khỏe. Những người mắc chứng mù màu phần đa đều có cuộc sống sức khỏe bình thường. Tuy nhiên bệnh có khả năng di truyền cho các thế hệ sau và sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như công việc của bạn, đặc biệt khi tham gia giao thông.
Chính vì thế để phòng tránh bệnh, mỗi người cần chủ động kiểm tra sức khỏe của mình và nên khám sàng lọc trước sinh để tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Đối với công việc cần tiếp xúc lâu dài với hóa chất mạnh nên mang đồ bảo hộ cho mắt, tránh tối đa những tổn thương có thể gây ra cho đầu hoặc vùng mắt.
Bên cạnh đó để có thể phòng tránh bệnh mù màu hiệu quả cần thận trọng khi dùng thuốc, chỉ sử dụng khi có sự chỉ định từ bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên môn. Nếu gặp vấn đề về thị giác cần thăm khám kịp thời để được tư vấn hỗ trợ hiệu quả.
Bệnh mù màu có chữa được không?
Rất khó có thể chữa khỏi bệnh mù màu, tính đến hiện tại, các chuyên ra vẫn chưa đưa ra được phương pháp điều trị hoàn toàn căn bệnh này, đặc biệt đối với trường hợp do yếu tố di truyền gây nên mù màu.
Chính vì lẽ đó nên người bệnh cần học cách thích nghi và sống chung với bệnh mù màu, khi đó việc khó khăn trong nhận thức màu sắc chỉ là những bất tiện nhỏ trong sinh hoạt mà thôi. Một số cách có thể áp dụng đó là:
- Ghi nhớ thứ tự màu của đồ vật, những thứ quen thuộc như đèn giao thông, biển báo,...
- Dán nhãn màu sắc và sắp xếp gọn gàng cho quần áo của mình để có thể thuận tiện khi phối hợp với nhau.
- Sử dụng kính đặc biệt giúp nhận biết màu sắc tốt hơn.
- Ngoài ra các ứng dụng thông minh hiện có trên các cửa hàng ứng dụng trên thiết bị di động cũng rất hữu ích với những người mù màu.
- Đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần hỗ trợ trẻ và nên trao đổi với giáo viên về tình trạng của con em mình để được sự trợ giúp tốt nhất.
Sử dụng kính giúp người mù màu nhận biết màu sắc
Và trên đây là một số thông tin về bệnh mù màu cũng như bệnh mù màu đỏ và xanh lục ở người. Hy vọng bài viết sẽ đem tới cho bạn và mọi người xung quanh những thông tin hữu ích. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp