Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu chi tiết về thủ thuật đặt ống thông dạ dày

Ngày 30/05/2024
Kích thước chữ

Ống thông dạ dày còn được gọi là ống mở thông dạ dày là một ống xông được đặt đến lòng dạ dày xuyên qua thành bụng. Trong bài viết này, Long Châu sẽ đưa ra thông tin chỉ định, quy trình cũng như cách chăm sóc sức khỏe khi đặt ống thông dạ dày.

Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định đặt ống thông dạ dày. Nhiều đối tượng ở mọi lứa tuổi đều có thể thuộc trường hợp này. Việc tìm hiểu quy trình đặt ống thông cũng như cách chăm sóc người được đặt ống thông dạ dày rất quan trọng trong việc phòng ngừa viêm nhiễm hay biến chứng đáng tiếc.

Đặt ống thông dạ dày là gì?

Ăn uống là một nhu cầu thiết yếu được xếp vào tầng đầu tiên của tháp nhu cầu của Maslow. Chế độ ăn uống cung cấp năng lượng giúp duy trì các hoạt động sống của cơ thể và thực hiện các nhu cầu khác của cơ thể.

Không ít người bệnh không thể tự chủ trong việc ăn uống hoặc xuất hiện các tổn thương làm cản trở việc nhai nuốt thức ăn, có biến đổi giải phẫu ảnh hưởng đến chức năng ăn uống. Khi đó, người bệnh không được đảm bảo dinh dưỡng, không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động.

Điều này càng khiến quá trình điều trị bệnh gặp khó khăn hơn, tổn thương chậm phục hồi hơn, nguy cơ biến chứng cao hơn, thời gian điều trị kéo dài, chi phí điều trị tăng lên.

Tìm hiểu chi tiết về thủ thuật đặt ống thông dạ dày 1
Hình ảnh mô phỏng ống thông dạ dày được đặt qua thành bụng

Phương pháp mở thông dạ dày hay mở thông dạ dày qua nội soi, mở thông dạ dày qua da bằng phương pháp nội soi là một thủ thuật can thiệp nội soi nhằm tạo một lỗ thông từ bên ngoài vào trong lòng dạ dày với mục đích:

  • Cung cấp dinh dưỡng cho những bệnh nhân gặp khó khăn trong vấn đề ăn uống hoặc bị mất khả năng nuốt. Đặt ống thông dạ dày sẽ hỗ trợ việc cung cấp dinh dưỡng từ bên ngoài vào thẳng dạ dày để nuôi dưỡng người bệnh mà không cần trải qua quá trình nhau nuốt như thông thường.
  • Đặt ống thông dạ dày cũng nhằm mục đích giảm áp lực cho dạ dày trong thời gian tạm thời để ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra (như trào ngược dạ dày, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm loét tại chỗ,…) sau một cuộc phẫu thuật lớn ở vùng bụng (như cắt bỏ dây thần kinh phế vị,…) cần hút dịch dạ dày trong thời gian dài.

Ưu điểm của đặt ống thông dạ dày qua nội soi

Phương pháp đặt ống thông dạ dày qua nội soi có nhiều ưu điểm như:

  • Thời gian thực hiện thủ thuật diễn ra nhanh chóng, chỉ khoảng 10 - 15 phút, ít gây căng thẳng, đau đớn cho người bệnh.
  • Có thể thực hiện đặt ống thông tại phòng nội soi hoặc tại giường bệnh.
  • Bộ dụng cụ chi phí thấp giúp bệnh nhân tiết kiệm tối đa chi phí.
  • Hạn chế tối đa những nguy cơ bệnh nhân gặp biến chứng ngoại khoa.
  • Đây là thủ thuật có độ an toàn cao, ít nguy cơ nhiễm trùng hay chảy máu.
  • Sau khi thực hiện thủ thuật bệnh nhân có thể sớm đi lại, phục hồi nhanh chóng.
Tìm hiểu chi tiết về thủ thuật đặt ống thông dạ dày 2
Bệnh nhân được đặt ống thông dạ dày có thể nhận đủ dinh dưỡng qua ăn uống

Khi nào bác sĩ chỉ định đặt ống thông dạ dày?

Kỹ thuật đặt ống thông dạ dày sẽ giải quyết nhu cầu cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể người bệnh. Kỹ thuật này thường được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có chỉ định ăn bằng ống thông dạ dày trên 4 tuần như:

  • Người bệnh bị chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, chấn thương đầu mặt cổ;
  • Người bệnh được đặt sonde mũi dạ dày trong thời gian dài dẫn đến loét hoặc rò thực quản;
  • Người bệnh có khối u, ung thư hầu họng, ung thư miệng, ung thư lưỡi, ung thư thực quản không thể ăn uống bằng cách nhai, nuốt thông thường;
  • Người đang bị hôn mê không có khả năng tự chủ trong việc ăn uống.
  • Người bị liệt mặt dẫn đến nuốt khó, ảnh hưởng đến việc cung cấp thức ăn cho cơ thể;
  • Những bệnh nhân có thể ăn nhưng ăn quá ít, người từ chối ăn nên dinh dưỡng nạp vào không đủ để duy trì sức khỏe;
  • bệnh nhân mắc viêm dạ dày cấp tính hay mãn tính;
  • Người mắc bệnh ung thư dạ dày;
  • Bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngờ lao phổi, viêm phổi ở trẻ em;
  • Bệnh nhân sau khi thực hiện cuộc phẫu thuật lớn gặp tình trạng chướng bụng;
  • Người có dị dạng ở đường tiêu hóa;
  • Bệnh nhân bị suy hô hấp, ngạt thở, khó ăn uống;
  • Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm cần phải rửa dạ dày.
Tìm hiểu chi tiết về thủ thuật đặt ống thông dạ dày 3
Đặt ống thông dạ dày qua thành bụng giúp cải thiện cuộc sống của nhiều bệnh nhân

Quy trình đặt ống thông dạ dày nội soi thế nào?

Thủ thuật đặt ống thông dạ dày nội soi được thực hiện với quy trình như sau:

  • Người bệnh được nội soi dạ dày để kiểm tra kỹ càng tình trạng của dạ dày.
  • Bác sĩ dùng bộ kim chỉ chuyên biệt để đính thành dạ dày sát vào thành bụng dưới.
  • Bác sĩ chích một đường nhỏ khoảng 1cm để đưa ống nong vào dạ dày. Sau đó, ống thông được đưa qua thành bụng vào dạ dày qua ống nong. Ống thông sẽ được cố định lại trước khi bác sĩ rút bỏ ống nong.
  • Bệnh nhân có thể sử dụng ống thông ngay sau khi thực hiện thủ thuật.

Cách chăm sóc bệnh nhân đặt ống thông dạ dày

Tuy quy trình đặt ống thông dạ dày đơn giản và thủ thuật này cũng được đánh giá cao về tính an toàn nhưng để phòng ngừa viêm nhiễm, việc chăm sóc người bệnh cần được đặc biệt lưu ý.

  • Trong quá trình truyền thức ăn qua ống thông, cần chuẩn bị sẵn khăn lau, dụng cụ lau chùi để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.
  • Bệnh nhân ăn qua đường ống thông dạ dày chỉ nên dùng thức ăn mềm, lỏng.
  • Các đồ ăn tươi nên được xay nhuyễn, ép lấy nước.
  • Tùy tình trạng sức khỏe của người bệnh, gia đình cần xây dựng thực đơn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng để bệnh nhân sớm phục hồi sức khỏe. Mỗi tình trạng bệnh lý cần được cung cấp nguồn dinh dưỡng khác nhau.
  • Không nên ăn quá nhiều trong một bữa. Thay vào đó, người bệnh nên được ăn nhiều bữa, chia nhỏ các bữa ăn, mỗi ngày có thể ăn 5 - 6 bữa. Bữa ăn cho người lớn có thể khoảng 400ml nhưng trẻ em chỉ nên ăn khoảng 20ml mỗi bữa.
  • Tốc độ ăn cần chậm rãi, không cho ăn quá nhanh.
  • Sau khi cho người bệnh ăn xong cần tráng ống thông sạch sẽ, phòng ngừa thức ăn còn sót lại lên men hoặc tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.
  • Ống thông dạ dày cũng cần được thay định kỳ để đảm bảo vệ sinh và chống nghẹt.
Tìm hiểu chi tiết về thủ thuật đặt ống thông dạ dày 4
Cho ăn qua ống thông dạ dày cần đảm bảo thức ăn dạng nhuyễn

Trên đây là những thông tin cơ bản về thủ thuật đặt ống thông dạ dày qua nội soi thành bụng. Thủ thuật này được áp dụng phổ biến, có độ an toàn cao, giúp cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho người bệnh khi họ không thể thực hiện chức năng nhai nuốt như bình thường. Vì vậy, có thể coi đây là một thủ thuật có tác dụng hỗ trợ phục hồi sức khỏe, tham gia vào quá trình điều trị của bệnh nhân.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin