Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ngộ độc thực phẩm có nguy hiểm không?

Ngày 25/04/2022
Kích thước chữ

Ngộ độc thực phẩm là hiện tượng người bệnh bị trúng độc do dùng phải những thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn hoặc các loại thực phẩm bị ôi thiu, hàm lượng chất bảo quản, phụ gia vượt mức cho phép. Vì là tình trạng phổ biến, ai cũng có thể gặp phải nên câu hỏi “Ngộ độc thực phẩm có nguy hiểm không?” được rất nhiều người quan tâm.

Nếu ngộ độc xảy ra ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể hoàn toàn bình phục sau vài ngày. Tuy nhiên, trong trường hợp nặng hơn, ngộ độc thực phẩm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu những tác hại của tình trạng này nhé!

Ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm tới sức khỏe

Các ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện từ vài giờ đến vài ngày kể từ khi bạn ăn phải thức ăn nhiễm độc. Không phải ai cũng trải qua tất cả triệu chứng dưới đây, tùy thuộc vào loại tác nhân, lượng thức ăn bạn sử dụng cũng như khả năng đề kháng mà ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm đến sức khỏe mỗi người là khác nhau.

Đau bụng

Đây là triệu chứng phổ biến nhất của ngộ độc thực phẩm. Các chất độc trong thực phẩm bạn ăn phải sẽ gây kích ứng lớp niêm mạc dạ dày và dẫn đến tình trạng đau bụng khó chịu. Các bó cơ dạ dày vùng trên rốn và ruột non quanh rốn sẽ tăng cường co bóp nhằm nhu động tự nhiên của ống tiêu hóa để loại bỏ các sinh vật, độc tố có hại ra khỏi hệ tiêu hóa. Cơn đau bụng có thể dịu đi một lúc sau mỗi lần nôn ói hay đi ngoài.

Ngộ độc thực phẩm có nguy hiểm không? 1

Đau bụng là triệu chứng phổ biến nhất của ngộ độc thực phẩm

Tiêu chảy

Tiêu chảy là hiện tượng đi ngoài ra phân lỏng trên 3 lần trong 1 ngày. Dấu hiệu điển hình của ngộ độc thực phẩm này xảy ra là do các yếu tố gây độc làm đường ruột viêm, làm việc kém hiệu quả hơn, chức năng tái hấp thu nước cũng như những chất lỏng khác không được tiến hành như bình thường dẫn đến tình trạng tiêu chảy ở người bị ngộ độc thực phẩm. Hiện tượng đi ngoài ra phân lỏng này còn có thể kéo theo các triệu chứng khác như đầy hơi, cảm giác muốn đi vệ sinh. Tiêu chảy nặng có thể làm cơ thể mất nước và chất khoáng, mất cân bằng điện giải và đôi khi là giảm huyết áp. 

Để kịp thời phát hiện bản thân có bị mất nước hay không, bạn hãy quan sát màu sắc nước tiểu. Bình thường nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt hoặc vàng trong, nếu nhận thấy lượng nước tiểu ít đi, màu sẫm hơn, môi khô và luôn khát nước thì có thể bạn đã bị mất nước nghiêm trọng. Vì thế bạn cần phải bổ sung nước đầy đủ khi bị ngộ độc thực phẩm để duy trì lượng nước cần thiết, ổn định tuần hoàn và tránh các tình huống nguy hiểm cho sức khỏe.

Buồn nôn và nôn

Khi bị trúng thực, người bệnh thường hay có cảm giác buồn nôn và nôn nhiều. Nguyên nhân bởi vì cơ hoành và cơ bụng co bóp mạnh để đưa các chất không tốt cho hệ tiêu hóa trong dạ dày ra khỏi miệng. Đây chỉ là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể nằm cố gắng loại bỏ các tác nhân gây hại. Thực tế, hầu hết những người bị ngộ độc thực phẩm đều trải qua các cơn nôn mửa kéo dài. Sau đó có người giảm dần triệu chứng này nhưng cũng có người tiếp tục nôn mửa nặng hơn. Hãy chủ động đến gặp bác sĩ để tránh cho tình trạng nôn mửa kéo dài và khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng.

Ngộ độc thực phẩm có nguy hiểm không? 2

Người bệnh thường hay có cảm giác buồn nôn và nôn nhiều

Đau nhức đầu

Ngộ độc thực phẩm có thể khiến nạn nhân cảm thấy đau đầu, chóng mặt. Thông thường, đau nhức đầu sẽ xảy ra do uống quá nhiều bia rượu, thức ăn chứa nhiều bột ngọt,... Khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh thường nôn mửa, tiêu chảy dẫn đến mất nước và sốt cao nên rất dễ gây ra đau nhức đầu.

Mệt mỏi, chán ăn

Cơ thể có cơ chế điều hòa phản ứng miễn dịch khi bị ngộ độc thực phẩm bằng cách giải phóng chất hóa học cytokine. Chất này khả năng truyền thông tin đến các tế bào miễn dịch để chúng tiêu diệt mầm bệnh. Tuy nhiên quá trình hoạt động của cytokine có thể dẫn đến các trạng thái như sốt, mệt mỏi, chán ăn.

Sốt, ớn lạnh

Sự gia tăng nhiệt độ của cơ thể có liên quan đến sự gia tăng hoạt động của các tế bào bạch cầu trong cơ thể nhằm chống lại tình trạng nhiễm trùng do các tác nhân gây hại trong thực phẩm. Pyrogens giải phóng bởi hệ thống miễn dịch sẽ đánh lừa bộ não rằng cơ thể bạn đang bị lạnh, dẫn đến cơ bắp co bóp nhiều hơn để sinh ra nhiệt và gây nên hiện tượng ớn lạnh, cơ thể run lên để giữ ấm cơ thể.

Ngộ độc thực phẩm có nguy hiểm không? 3

Sốt ớn lạnh là một ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm đến cơ thể

Đau cơ

Khi bị nhiễm trùng do ngộ độc thực phẩm, hệ thống miễn dịch được kích hoạt và gây phản ứng viêm. Cơ thể giải phóng histamin nhằm tăng lượng máu lưu thông đến các vị trí cơ quan bị nhiễm trùng. Cùng với các chất hóa học liên quan đến miễn dịch khác, histamin có thể kích hoạt các thụ thể gây đau trên cơ thể và khiến bệnh nhân cảm nhận được những cơn đau cơ bắp âm ỉ khi bị ốm.

Ngộ độc thực phẩm có nguy hiểm không?

Phần lớn trường hợp tình trạng ngộ độc thực phẩm sẽ hết sau vài ngày điều trị. Tuy nhiên nếu không được phát hiện kịp thời và có những biện pháp đối phó hữu hiệu, ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

  • Rối loạn thần kinh: Mắt nhìn mờ nhòe, không rõ, nhìn đôi, phát âm khó khăn, ngọng, liệt cơ, đau đầu, chóng mặt, co giật,...
  • Rối loạn tim mạch: Rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, tức ngực, khó thở,... 
  • Ảnh hưởng đến tiêu hóa: Đi ngoài ra máu kèm chất nhầy, đau bụng dữ dội,...
  • Suy giảm sức đề kháng: Người bị ngộ độc thực phẩm có thể bị suy giảm sức đề kháng nghiêm trọng, nhất là trẻ em dưới 2 tuổi và những người bị suy dinh dưỡng, mắc bệnh lý liên quan đến dạ dày tá tràng, gan,...

Ngộ độc thực phẩm có nguy hiểm không? 4

Người bị ngộ độc thực phẩm có thể bị tụt huyết áp

Ngộ độc thực phẩm là hiện tượng phổ biến mà ai cũng có thể gặp phải. Những triệu chứng như đau bụng, đi ngoài, sốt cao, nôn mửa,... thường sẽ chấm dứt hẳn sau vài ngày chăm sóc. Tuy nhiên nếu không được chữa trị kịp thời, đúng cách, ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy mỗi người cần cẩn thận trong thói quen ăn uống hằng ngày để ngăn chặn các tình huống xấu xảy ra.

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin