Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu chung về tình trạng gãy xương cổ

Ngày 21/11/2022
Kích thước chữ

Gãy xương cột sống cổ là loại chấn thương nguy hiểm, có thể dẫn đến tình trạng liệt vận động cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về bệnh lý này trong bài viết dưới đây nhé!

Gãy xương cổ có thể hiểu là trạng thái nứt, vỡ của bất kỳ một trong bảy đốt sống ở cổ, thường xảy ra khi có một ngoại lực tác động mạnh vào vùng đầu cổ. Đây là một chấn thương rất nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh. Dưới đây chính là tổng quan vài nét về tình trạng gãy xương cổ mà bạn nên biết. 

Gãy xương cổ được hiểu là gì?

Cột sống cổ được cấu tạo bởi 7 đốt sống đầu tiên, uốn thành hình chữ C. Có thể được chia thành 2 phần là cột sống cổ cao và cột sống cổ thấp. Trong đó cột số cổ cao gồm có 2 đốt sống đầu tiên, đốt số một được gọi là đốt đội, đốt số hai gọi là đốt trục. Hai đốt này có rất nhiều trục xoay và cấu tạo khác biệt so với những đốt còn lại. Cột sống cổ thấp thì gồm 5 đốt sống còn lại với cấu tạo tương tự nhau gồm thân đốt sống phía trước và cung đốt sống phía sau.

Các đốt sống cổ có vai trò rất quan trọng trong quá trình nâng đỡ cũng như kết nối đầu với vai và cơ thể. Các đốt sống cổ thường có phạm vi vận động rất lớn, thuận lợi cho các hoạt động xoay cổ, gập cổ,...

Bất kỳ tổn thương nào ở đốt sống cổ cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng bởi chúng có tủy sống chạy qua lõi và đảm nhận nhiệm vụ kết nối hệ thống thần kinh trung ương giữa bộ não với toàn bộ cơ thể. Tổn thương ở tủy sống có thể dẫn đến tê liệt hoặc tử vong vô cùng nguy hiểm. Gãy xương cổ hay gãy đốt sống cổ là tình trạng nứt vỡ của bất kỳ một trong bảy đốt sống ở cổ. 

Tổng quan về tình trạng gãy xương cổ 1

Gãy xương cổ là tình trạng nứt vỡ các đốt sống cổ 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng gãy xương cổ

Gãy xương cổ thường xảy ra khi có một ngoại lực đáng kể tác động vào vùng cổ. Thường gặp nhất là:

  • Chấn thương do tai nạn giao thông.
  • Chấn thương trong quá trình lao động: Như ngã từ trên cao xuống.
  • Chấn thương trong tai nạn sinh hoạt.

Do đó mà tình trạng gãy xương cổ thường hay gặp ở những vận động viên thể thao đối kháng mạnh như khúc côn cầu trên băng, bóng bầu dục hay đấu vật,... Một số môn thể thao không tiếp xúc cũng có thể gây ra gãy xương cổ có thể kể đến như thể dục dụng cụ, cưỡi ngựa, trượt tuyết, lướt sóng,...

Tổng quan về tình trạng gãy xương cổ 2

Gãy xương cổ thường do những chấn thương gặp trong thể thao, sinh hoạt 

Triệu chứng thường gặp của tình trạng gãy xương cổ

Bệnh nhân có thể có thể gặp phải nhiều triệu chứng khác nhau, có thể kể đến là:

  • Đau cổ.
  • Căng cứng hoặc là co rút các cơ vùng cổ.
  • Giảm hoặc mất khả năng cử động vùng cổ hoặc xoay đầu.
  • Yếu hoặc là liệt vận động tay hoặc chân.

Tổng quan về tình trạng gãy xương cổ 3

Gãy xương cổ có thể khiến bệnh nhân cảm giác đau nhức vùng cổ 

Gãy xương cổ có nguy hiểm không?

Do tủy sống chạy qua lõi của các đốt sống cổ, giúp kết nối hệ thần kinh trung ương của não bộ với toàn bộ cơ thể. Do đó khi bị gãy xương ở cổ thường sẽ có tiên lượng xấu và gây những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Tổn thương đốt sống cổ còn có thể gây tê liệt tạm thời hoặc vĩnh viễn toàn bộ cơ thể từ phần cổ trở xuống. Trường hợp nghiêm trọng hơn nạn nhân có thể bị tử vong ngay lập tức.

Tổng quan về tình trạng gãy xương cổ 4

Gãy xương cổ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm 

Phương pháp điều trị gãy xương cổ phổ biến 

Việc điều trị tình trạng gãy xương cổ phụ thuộc trực tiếp vào loại gãy mà bệnh nhân mắc phải, tính trầm trọng cũng như khả năng gây ra liệt vận động của chấn thương.

Những bệnh nhân bị gãy xương cổ nặng nề với biểu hiện liệt vận động cần được kịp thời nhập viện điều trị. Ở bệnh viện, bác sĩ sẽ theo dõi liên tục và điều trị những vấn đề sức khỏe kịp thời. Ví dụ như hỗ trợ hô hấp qua ống thở hoặc là sử dụng thuốc giúp giảm chèn ép tủy.

Có những tình trạng gãy xương cổ nặng, di lệch nhiều cần đến phẫu thuật để có thể nắn chỉnh, đưa các mảnh xương vỡ về vị trí bình thường thông qua những dụng cụ cố định hàn xương.

Những trường hợp gãy cột sống cổ không nặng thường được điều trị bằng phương pháp đeo nẹp cổ chuyên dụng hoặc là những khung cố định cổ. Bệnh nhân cần đeo hoặc là giữ những khung cố định này cho đến khi các gãy xương gãy được lành hẳn.

Bên cạnh đó, điều trị gãy xương cổ còn bao gồm điều trị bằng các loại thuốc giảm đau. Bệnh nhân có thể được chỉ định dùng những nhóm thuốc giảm đau mạnh nếu như xuất hiện những cơn đau dữ dội sau gãy xương nặng. Còn đối với nhóm gãy xương cổ mức độ trung bình, bác sĩ thường cho bệnh nhân sử dụng những nhóm thuốc giảm đau không kê toa như acetaminophen hay là naproxen.

Sau khi đường gãy xương đã lành, bệnh nhân có thể được hỗ trợ luyện tập các bài tập vật lý trị liệu tác động đến vùng cơ cổ để hồi phục sự vững chắc, từ đó giúp quá trình vận động của vùng cổ được phục hồi tốt hơn.

Trong quá trình điều trị, người bệnh cũng đặc biệt cần tuân thủ đầy đủ theo những hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt là chú ý áp dụng một chế độ ăn uống với những thực phẩm giàu canxi, vitamin D và protein để giúp ích cho sự hồi phục của cột sống cổ. Có thể sử dụng những viên uống bổ sung đi kèm để tăng hiệu quả phục hồi. 

Tổng quan về tình trạng gãy xương cổ 5

Phương pháp điều trị chấn thương gãy xương cổ 

Những biện pháp phòng ngừa gãy xương cổ

Để bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ gây ra gãy xương cổ, bạn hãy ghi nhớ những biện pháp sau đây:

  • Luôn tuân theo những quy định an toàn và mang các loại dụng cụ bảo hộ kỹ càng khi tham gia tập luyện, thi đấu thể thao.
  • Luôn luôn đeo dây an toàn đúng quy định khi ngồi trên xe.
  • Không lặn trong khu vực hồ bơi cạn. Chỉ nên bơi và lặn ở những khu vực an toàn và có người giám sát.

Gãy xương cổ là loại chấn thương nguy hiểm, có thể để lại những tổn thương nặng nề cho người bệnh. Vì vậy hãy trang bị những kiến thức cơ bản cho bản thân và gia đình để phòng tránh cũng như xử lý khi gặp chấn thương này nhé!

Thảo My 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin