Giải đáp thắc mắc: Tổn thương tủy sống có thể chữa không?
Ngày 07/10/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Tổn thương tủy sống là tình trạng bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vậy tổn thương tủy sống có thể chữa không? Cùng theo dõi bài viết để có câu trả lời nhé!
Tổn thương tủy sống luôn là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng vận động của con người. Chính vì vậy mà rất nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề tổn thương tủy sống có thể chữa không được đặt ra. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này cũng như cung cấp thông tin khoa học trong lĩnh vực điều trị tổn thương tủy sống!
Tìm hiểu những nguyên nhân khiến tủy sống bị tổn thương
Tủy sống là một phần quan trọng của hệ thống thần kinh trung ương chịu trách nhiệm truyền tín hiệu từ não đến cơ thể và ngược lại. Bất kỳ tổn thương nào ở tủy sống đều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về chức năng cơ thể. Dưới đây là những lý do khiến tủy sống bị tổn thương:
Tai nạn giao thông là một trong những là nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn thương tủy sống, bao gồm tai nạn ô tô, xe máy và va chạm giữa các phương tiện giao thông khác nhau.
Chấn thương cột sống là một trong những nguyên nhân chính gây ra tổn thương tủy sống. Các phần xương bị gãy có thể làm hại trực tiếp đến tủy sống hoặc tăng áp lực trong ống tủy. Nam giới ở độ tuổi từ 15 đến 25 thường có nguy cơ cao mắc phải chấn thương cột sống, nhất là những người hay phải lao động nặng, vất vả.
Người cao tuổi cũng có thể bị tổn thương tủy sống do gãy xương do tai nạn di chuyển, va đập hoặc khi bước vào thời kỳ loãng xương.
Một số bệnh lý khác như viêm tủy, ung thư, đốt sống trượt, bệnh Scheuermann hoặc các khối u xung quanh tủy sống, viêm màng não hoặc áp-xe tủy sống cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng tổn thương tủy sống.
Dấu hiệu khi bị tổn thương tủy sống
Dấu hiệu khi bị tổn thương tủy sống còn tùy thuộc vào mức độ và vị trí bị tổn thương. Dưới đây là một số dấu hiệu thường thấy khi bị tổn thương tủy sống mà bạn cần biết:
Suy yếu của một hoặc nhiều nhóm cơ ở bàn tay, chân hoặc các nhóm cơ khác trên cơ thể.
Thường xuyên bị rối loạn cảm giác, mất từ từ cảm giác đến mất hoàn toàn ở các vùng tương ứng, tê bì, dị cảm.
Cảm thấy đau tại khu vực cột sống, đặc biệt là ở lưng hoặc cổ.
Khó kiểm soát việc tiểu tiện, huyết áp tăng giảm bất thường, nhiệt độ cơ thể không ổn định.
Tổn thương tủy sống ở mức cao có thể ảnh hưởng đến chức năng hô hấp và gây khó thở hoặc suy hô hấp.
Mức độ đau sau tổn thương tủy sống
Mức độ đau sau tổn thương tủy sống có thể ảnh hưởng sâu rộng đến chất lượng cuộc sống và khả năng hoạt động hàng ngày của người bệnh.
Do đó, kiểm soát cơn đau bằng cách giảm thiểu các triệu chứng đau, cũng như loại bỏ nguyên nhân gốc rễ gây đau cho bệnh nhân là điều rất cần thiết.
Cơn đau kéo dài thường là một trong những biến chứng phổ biến nhất và mang lại tác động nghiêm trọng nhất do tổn thương tủy sống gây ra.
Các yếu tố tâm lý và tình trạng đau có thể khiến bệnh nhân bị suy kiệt, rối loạn giấc ngủ,...
Một số dạng đau sau tổn thương tuỷ sống
Một số loại đau sau tổn thương tủy sống gồm:
Đau thụ thể (thụ thể cơ xương/thụ thể tạng): Đây là tình trạng đau do các tổn thương trực tiếp kích thích đầu mút dây thần kinh (thụ thể).
Đau thụ thể cơ xương: Điển hình là do gãy xương, loãng xương, co cứng cơ, hoặc đau vùng mổ xương sau phẫu thuật.
Đau thụ thể tạng: Biểu hiện đau bàng quang, đường ruột, đau âm ỉ hoặc chuột rút, thường kèm theo cảm giác buồn nôn.
Đau thần kinh: Xuất hiện do kích ứng, chèn ép hoặc tổn thương mô thần kinh (tủy sống, rễ thần kinh), có cảm giác tê bì, dị cảm và lan theo đường dẫn truyền thần kinh.
Tổn thương tuỷ sống có thể chữa không? Các phương pháp điều trị
Tổn thương tủy sống là một vấn đề nghiêm trọng, có thể dẫn đến tình trạng liệt, mất khả năng vận động và các vấn đề về chức năng cơ thể khác. Hiện nay, đã có nhiều phương pháp điều trị được phát triển nhằm giúp bệnh nhân phục hồi chức năng và cải thiện tình trạng này như:
Phương pháp phẫu thuật: Đối với những tổn thương cần phải sửa chữa cơ cấu tủy sống hoặc giảm áp lực lên tủy thì tiến hành phẫu thuật có thể là lựa chọn phù hợp nhất. Phẫu thuật có thể giúp giảm biến chứng và tối đa hóa khả năng hồi phục các vùng tủy sống bị tổn thương. Song, phương pháp phẫu thuật này chỉ phù hợp để cải thiện trình trạng tổn thương tủy sống không hoàn toàn.
Phương pháp trị liệu: Sau khi người bệnh đã trải qua giai đoạn cấp tính, vật lý trị liệu chính là phần quan trọng trong quá trình phục hồi tổn thương tủy sống. Bác sĩ và nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các bài tập để tăng cường khả năng vận động, cải thiện sự dẻo dai và giúp người bệnh học cách di chuyển một cách độc lập, dễ dàng hơn. Đây là phương pháp không đòi hỏi chi phí cao nhưng người bệnh cần phải có sự kiên trì cũng như tâm lý thoải mái thì mới đạt được hiệu quả tốt nhất.
Sử dụng các thiết bị y khoa hỗ trợ điều trị: Với sự phát triển của y học hiện đại, ngày nay đã có nhiều loại thiết bị được thiết kế đặc biệt để hỗ trợ bệnh nhân tổn thương tủy sống. Ví dụ như các loại giá đỡ di chuyển, bộ kích thích điện tử để cải thiện chức năng cơ hoặc bộ kích thích tủy sống giúp một số bệnh nhân luyện tập, di chuyển dễ dàng hơn.
Phương pháp trị liệu tế bào gốc: Một số nghiên cứu y học gần đây cho thấy việc sử dụng tế bào gốc có thể giúp tái tạo tủy sống và cải thiện chức năng. Tuy nhiên, đây vẫn là lĩnh vực nghiên cứu đang trong giai đoạn sơ khởi và cần thêm nhiều nghiên cứu lâm sàng.
Bên cạnh đó, hỗ trợ tâm lý là một trong những phần quan trọng trong việc kiểm soát cơn đau. Có nhiều phương pháp điều trị tâm lý - tâm thần được áp dụng cho bệnh nhân sau tổn thương tủy sống, bao gồm tư vấn tâm lý, liệu pháp tâm lý, sử dụng thuốc chống trầm cảm và chống loạn thần, cũng như trị liệu hành vi và giao tiếp.
Với những thông tin trên chắc hẳn các bạn đã giải đáp được thắc mắc tổn thương tủy sống có thể chữa không? Để bảo vệ tủy sống, chúng ta cần nắm vững các nguyên nhân gây tổn thương và thực hiện các phương pháp phòng tránh phù hợp. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ gặp phải tai nạn mà còn giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm thiểu chi phí y tế đấy!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm