Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Tìm hiểu MRCP là gì? Quy trình thực hiện và lưu ý khi chụp MRCP

Ngày 23/05/2024
Kích thước chữ

Việc phát hiện sớm các bệnh lý đường mật đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị. MRCP còn gọi là chụp cộng hưởng từ đường mật, là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiên tiến, giúp xác định bệnh sớm và chính xác nhờ khả năng tái tạo hình ảnh chất lượng cao. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu kỹ hơn MRCP là gì trong bài viết dưới đây.

Trong những năm gần đây, MRCP được sử dụng rộng rãi cho mọi đối tượng bệnh nhân vì đây là một kỹ thuật không xâm lấn, an toàn, đơn giản và không gây khó chịu cho người bệnh. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ tới bạn đọc những kiến thức về MRCP là gì, quy trình thực hiện và lưu ý khi chụp MRCP.

Tìm hiểu MRCP là gì?

Vẫn còn rất nhiều người chưa hiểu thực sự MRCP là gì? Cộng hưởng từ mật tụy hay viết tắt là MRCP (Magnetic Resonance Cholangiopancreatography), là một phương pháp sử dụng kỹ thuật cộng hưởng từ (MRI) để tạo ra hình ảnh chi tiết của gan, các ống dẫn mật, túi mật và tuyến tụy. Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh chất lượng cao, giúp các bác sĩ có cái nhìn rõ ràng về cấu trúc và tình trạng của các cơ quan này.

Đây là một công cụ chẩn đoán bệnh hiện đại và hiệu quả, đặc biệt hữu ích trong việc phát hiện các vấn đề liên quan đến đường mật và tụy.

Cộng hưởng từ mật tụy (MRCP) đóng vai trò quan trọng trong việc khảo sát các bệnh lý đường mật và tụy. Là một phương pháp không xâm lấn, MRCP mang lại nhiều lợi ích so với các kỹ thuật truyền thống như chụp mật tụy ngược dòng qua nội soi (ERCP). MRCP không chỉ giúp phát hiện và xác định chính xác vị trí tắc nghẽn trong đường mật mà còn giúp phát hiện sỏi mật và các bất thường khác mà không gây ra sự khó chịu hay rủi ro cho bệnh nhân.

Kỹ thuật này được đánh giá cao nhờ khả năng tái tạo hình ảnh chi tiết, cho phép bác sĩ quan sát rõ ràng các cấu trúc bên trong cơ thể. Điều này giúp cải thiện đáng kể việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường mật và tụy, mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn và giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

Tìm hiểu MRCP là gì? Quy trình thực hiện và lưu ý khi chụp MRCP 1
MRCP là gì là vấn đề được rất nhiều người quan tâm

Ưu điểm của MRCP

Chụp MRCP cũng như các loại chụp cộng hưởng từ khác, mang lại nhiều lợi ích do kỹ thuật này rất an toàn và không gây đau đớn. Một trong những ưu điểm lớn nhất là MRCP sử dụng từ trường để tái tạo hình ảnh, không gây ra bất kỳ biến đổi sinh lý nào trong cơ thể, do đó bệnh nhân không bị ảnh hưởng bởi tia xạ.

Phương pháp chụp MRCP không sử dụng thuốc cản quang, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, đặc biệt là những người có bệnh lý nền, suy thận, suy gan hoặc dị ứng với thuốc cản quang.

Ưu điểm của MRCP là gì? Kỹ thuật này có thể áp dụng rộng rãi cho mọi đối tượng, bao gồm trẻ em, người già yếu, phụ nữ có thai. Ngoài việc đánh giá túi mật, đường mật và tuyến tụy, MRCP còn cho phép khảo sát các cơ quan khác trong ổ bụng như gan, đại tràng, lách và thận.

Hình ảnh từ MRCP rất sắc nét và chi tiết, có thể quan sát trên các mặt phẳng 3D, giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị một cách chính xác và tin cậy.

Tìm hiểu MRCP là gì? Quy trình thực hiện và lưu ý khi chụp MRCP 2
Phương pháp MRCP mang lại nhiều ưu điểm vượt trội so với kỹ thuật khác

Những trường hợp cần chụp MRCP

Phương pháp chụp cộng hưởng từ mật - tụy (MRCP) được áp dụng rộng rãi cho nhiều đối tượng bệnh nhân và có khả năng chẩn đoán nhiều bệnh lý liên quan đến gan, mật và tụy. Các trường hợp cụ thể bao gồm:

  • Túi mật và đường mật: Đánh giá tình trạng giãn nở của đường mật. Theo dõi tắc nghẽn đường mật do sỏi túi mật, sỏi ống mật chủ, sỏi trong gan hoặc do các khối u gây chèn ép. Kiểm tra sau phẫu thuật điều trị ung thư túi mật hoặc đường mật. Phát hiện các dị tật bẩm sinh ở túi mật và đường mật.
  • Tuyến tụy: Người bệnh được chỉ định chụp MRCP khi nghi ngờ giãn nở hoặc tắc nghẽn ống tụy. Phương pháp giúp phát hiện các bệnh lý tuyến tụy như viêm tụy cấp hoặc mạn tính, nang tuyến tụy, u tụy. Đánh giá các tổn thương xung quanh tụy chưa được xác định rõ ràng bằng các phương pháp khác.

Các trường hợp khác được chỉ định chụp cộng hưởng từ MRCP bao gồm:

  • Bệnh nhân dị ứng với thuốc cản quang, không thể thực hiện chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp đường mật qua kehr.
  • Bệnh nhân cần chụp hình mật - tụy nhưng có nhiều bệnh lý nền, suy thận nặng, suy gan, không an toàn khi tiêm thuốc cản quang.
  • Bệnh nhân muốn kiểm tra tổng quát các cơ quan trong ổ bụng.
Tìm hiểu MRCP là gì? Quy trình thực hiện và lưu ý khi chụp MRCP 3
Người bệnh cần thực hiện MRCP theo chỉ định của bác sĩ

Quy trình thực hiện MRCP

Bạn đã biết quy trình thực hiện MRCP như thế nào chưa? Quy trình chụp cộng hưởng từ MRCP được thực hiện như sau:

  • Sau khi bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ MRCP, bệnh nhân sẽ được đưa lên phòng chụp cộng hưởng từ. Tại đây, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn thay quần áo chuyên dụng và tháo bỏ tất cả các vật dụng kim loại, trang sức. Kỹ thuật viên chụp sẽ hỏi bệnh nhân về tiền sử bệnh lý liên quan, giải thích chi tiết về quy trình chụp và hướng dẫn cách thở, vì kỹ thuật này yêu cầu bệnh nhân phải thở đúng nhịp để có được hình ảnh sắc nét và tránh rung mờ.
  • Trong quá trình chụp, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn qua tai nghe và cần hạn chế di chuyển để tránh làm nhiễu ảnh. Thời gian chụp thường kéo dài từ 15 - 20 phút.
  • Sau khi chụp xong, bệnh nhân sẽ chờ khoảng 20 - 30 phút để nhận kết quả.

Những lưu ý khi chụp MRCP

Để đảm bảo chất lượng hình ảnh và an toàn cho bệnh nhân, cần lưu ý các điểm sau khi chụp MRCP:

  • Nhịn ăn trước khi chụp: Bệnh nhân cần nhịn ăn từ 6 - 8 tiếng trước khi chụp để túi mật có thể căng dịch tối đa, giúp phát hiện rõ các tổn thương nhỏ trong lòng túi mật. Thời điểm tốt nhất để chụp là vào buổi sáng.
  • Khai báo tiền sử bệnh: Bệnh nhân cần thông báo rõ ràng về tiền sử phẫu thuật và các bệnh lý nền cho kỹ thuật viên để hạn chế các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình chụp.
  • Thông báo khi có bất thường: Trong suốt quá trình chụp, nếu bệnh nhân cảm thấy khó chịu hoặc có bất kỳ điều gì bất thường, cần báo ngay cho kỹ thuật viên để được hỗ trợ kịp thời.
  • Chú ý chống chỉ định: Bệnh nhân phải lưu ý các chống chỉ định khi chụp MRI, bao gồm việc không có cấy ghép kim loại trong cơ thể, máy trợ thính, máy trợ tim, mảnh đạn, khớp giả hoặc clips phẫu thuật (trừ khi các vật liệu này làm bằng titan).
Tìm hiểu MRCP là gì? Quy trình thực hiện và lưu ý khi chụp MRCP 4
Người bệnh cần tuân thủ những quy định khi chụp MRCP

Như vậy, Nhà thuốc Long Châu vừa chia sẻ thông tin về kỹ thuật MRCP là gì? Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những kiến thức hữu ích về phương pháp chụp cộng hưởng từ mật tụy, giúp bạn hiểu rõ hơn về quy trình và lợi ích của kỹ thuật này trong chẩn đoán bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.