Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ em 4 tuổi và cách điều trị

Ngày 10/10/2023
Kích thước chữ

Trào ngược dạ dày thực quản là một vấn đề tiêu hóa, không chỉ ở người lớn mà còn xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là ở trẻ em 4 tuổi gây lo lắng cho các bậc phụ huynh. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ em 4 tuổi thông qua nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng tránh. Hiểu rõ về tình trạng này và biết cách điều trị kịp thời rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển tốt nhất cho bé. Hãy cùng khám phá ngay nếu bạn đang quan tâm đến vấn đề này nhé!

Trào ngược dạ dày ở trẻ là bệnh gì?

Trào ngược dạ dày xảy ra khi thức ăn cùng dịch vị dạ dày, bị đẩy ngược lên phía trên của ống tiêu hóa, khu vực gần vùng thực quản và hầu họng. Hiện tượng này nếu diễn ra thường xuyên, có thể gây mệt mỏi, mất cảm giác thèm ăn, gây rối giấc ngủ và dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ.

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, trào ngược dạ dày ở trẻ nhỏ có thể dẫn đến viêm phổi, viêm thanh quản hoặc hen suyễn.

Trào ngược dạ dày ở trẻ em 4 tuổi? Cách điều trị hiệu quả 1
Trào ngược dạ dày ở trẻ em 4 tuổi khiến trẻ mất cảm giác thèm ăn dẫn đến suy dinh dưỡng

Các triệu chứng khi bị trào ngược dạ dày ở trẻ 4 tuổi

Các dấu hiệu thường gặp trào ngược dạ dày ở trẻ em 4 tuổi bao gồm:

  • Thường xuyên nôn trớ.
  • Cảm giác ợ chua, ợ hơi, ợ nóng, đầy bụng, đau bụng, hoặc đau ở phía sau xương ức.
  • Ngủ không sâu giấc, thường xuyên quấy khóc, lười ăn, suy dinh dưỡng, thiếu máu, và có da xanh xao.
  • Khó khăn trong việc nuốt thức ăn và thở khò khè.
  • Miệng có vị chua, hôi miệng và có thể gặp vấn đề về sâu răng, viêm họng, đau họng, hoặc nhiễm trùng tai.

Đây là những biểu hiện có thể dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tiêu hóa. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý và nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào, nên đưa con đi thăm bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây ra tình trạng trào ngược dạ dày là gì?

Nguyên nhân sinh lý

  • Chức năng cơ vòng thực quản chưa hoàn thiện: Ở trẻ 4 tuổi, cơ vòng thực quản chưa phát triển hoàn chỉnh, dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày thường xuyên xảy ra.
  • Hệ tiêu hóa chưa ổn định: Hệ tiêu hóa của trẻ 4 tuổi chưa hoàn toàn ổn định như người lớn, do đó có thể dẫn đến rối loạn trong quá trình tiêu hóa thức ăn.
  • Chế độ ăn uống không khoa học: Do ăn quá nhiều thực phẩm kích thích tạo nhiều axit dạ dày và mất cân bằng.
  • Thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Trẻ thường nằm nghỉ hoặc chạy nhảy sau khi ăn, tạo áp lực lên dạ dày, gây khó tiêu, chướng bụng, buồn nôn, nôn mửa. Đây là những triệu chứng điển hình của bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
  • Các nguyên nhân khác: Thừa cân hoặc béo phì, áp lực tâm lý, tác dụng phụ của thuốc, môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với khói thuốc lá…
Trào ngược dạ dày ở trẻ em 4 tuổi? Cách điều trị hiệu quả 2
Trẻ ăn uống không khoa học dễ dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày

Nguyên nhân bệnh lý

Bệnh lý đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, thoát cơ hoành, hoặc sa dạ dày có thể làm suy yếu cơ thắt thực quản dưới và dễ dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày.

Bệnh lý bẩm sinh như bệnh Down, bại não, hở van tim bẩm sinh, hoặc các tình trạng nhiễm trùng toàn thân có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị trào ngược dạ dày.

Điều trị trào ngược dạ dày ở trẻ 4 tuổi như thế nào?

Cách chẩn đoán trào ngược dạ dày ở trẻ

Trào ngược dạ dày ở trẻ em 4 tuổi có các dấu hiệu nghiêm trọng như nôn nhiều, đau quặn bụng, đi ngoài ra máu, hoặc khó thở, mẹ bố nên ngay lập tức đưa con đến bệnh viện. Khi đó, trẻ sẽ được thực hiện một số xét nghiệm để xác định chính xác tình trạng bệnh:

  • Kiểm tra nồng độ pH: Xác định mức độ axit trong dạ dày để đánh giá các triệu chứng và bệnh lý liên quan.
  • Xét nghiệm khả năng tiêu hóa thức ăn: Các bác sĩ sẽ kiểm tra xem thức ăn có được xử lý từ dạ dày vào ruột non một cách bình thường hay không.
  • Chụp X-quang: Kiểm tra sự bất thường ở dạ dày và đánh giá tình trạng viêm loét.
  • Nội soi dạ dày: Xác định vị trí tổn thương trong dạ dày và đánh giá mức độ tổn thương.
Trào ngược dạ dày ở trẻ em 4 tuổi? Cách điều trị hiệu quả 3
Khi xuất hiện các triệu chứng trào ngược dạ dày nên đưa trẻ tới bác sĩ

Các biện pháp điều trị trào ngược dạ dày ở trẻ 4 tuổi hiệu quả

Sử dụng các loại thuốc phương Tây

Sử dụng thuốc phương Tây là một phương pháp để điều trị hiệu quả trào ngược dạ dày. Một số loại thuốc thường được sử dụng trong trường hợp này, bao gồm:

  • Thuốc kháng histamin như Zantac, Pepcid, Tagamet, giúp giảm nồng độ axit trong dạ dày.
  • Thuốc kháng axit như Maalox, Mylanta, giúp giảm sự tiết axit trong dạ dày và cải thiện triệu chứng trào ngược.
  • Thuốc ức chế bơm proton như Prevacid, Nexium, Aciphex, Prilosec, Protonix.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kê thêm thuốc hỗ trợ đường tiêu hoá và thuốc làm trống dạ dày, cũng như tăng cường đề kháng cho bệnh nhân.

Cần lưu ý rằng cơ thể trẻ em 4 tuổi đang trong giai đoạn phát triển và nhạy cảm, không nên tự ý tự điều trị bằng thuốc, cần có sự chỉ định từ bác sĩ. Trong trường hợp trẻ bị trào ngược do nhiễm khuẩn HP, phụ huynh cần cực kỳ thận trọng vì có thể gây tạo điều kiện cho vi khuẩn HP phát triển và làm cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Phương pháp dân gian giúp hỗ trợ điều trị trào ngược dạ dày

Trong dân gian có nhiều biện pháp giúp hỗ trợ điều trị trào ngược dạ dày hiệu quả, an toàn bằng các dược liệu tự nhiên như nha đam, gừng, nghệ, lá trầu không, lá mơ lông, đu đủ hấp đường…

Cách chăm sóc trẻ 4 tuổi bị trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày ở trẻ em 4 tuổi thường xuất hiện do chế độ sinh hoạt và thói quen ăn uống hàng ngày. Vì vậy, chỉ cần thay đổi những thói quen không tốt này, trẻ có thể tránh được các triệu chứng khó chịu của bệnh như:

  • Cho trẻ ăn các món ăn mềm và dễ tiêu hóa như cháo, canh, và soup để giảm áp lực lên hệ tiêu hóa của họ.
  • Bổ sung vào chế độ ăn của trẻ những thực phẩm tốt cho tiêu hóa như rau xanh, hoa quả tươi, khoai lang, đậu nành, trứng gà, thịt heo, ngũ cốc, và bánh mì.
  • Hạn chế việc cho trẻ ăn quá nhiều thực phẩm dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, nước uống có gas, đồ muối chua, và thực phẩm lên men.
Trào ngược dạ dày ở trẻ em 4 tuổi? Cách điều trị hiệu quả 4
Hạn chế cho trẻ ăn các đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ

Ngoài ra, cần chú ý tới chế độ sinh hoạt của trẻ như:

  • Duy trì trọng lượng lý tưởng của trẻ phù hợp với các giai đoạn phát triển, tránh tình trạng thừa cân hoặc béo phì.
  • Khuyến khích con tập thể dục và vận động nhẹ sau khi ăn thay vì nằm ngay hoặc tham gia vào hoạt động chạy nhảy mạnh.
  • Hạn chế ép buộc ăn quá nhiều và tránh cho con ăn quá sát giờ đi ngủ ít nhất 2 tiếng. Thay vì đó, hãy chia nhỏ bữa ăn trong ngày để giảm áp lực lên hệ tiêu hoá.
  • Sử dụng gối ngủ có tính năng chống trào ngược cho con.

Hy vọng rằng qua bài viết này đã giúp bạn có thêm thông tin hữu ích về tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ em 4 tuổi. Những biện pháp được nêu trên chỉ giúp cải thiện triệu chứng tạm thời mà không thể loại bỏ căn nguyên của bệnh. Điều này có thể dẫn đến việc bệnh kéo dài, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Ngoài ra, hiệu quả của từng phương pháp chữa trị còn phụ thuộc vào cơ địa riêng của mỗi trẻ. Vì vậy, việc tham khảo ý kiến ​​bác sĩ chuyên khoa và sử dụng các loại thuốc đặc trị cho trẻ là điều rất quan trọng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin