Long Châu

Tổ đỉa kẽ chân: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Ngày 23/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tổ đỉa kẽ chân là một bệnh lý viêm da mạn tính, gây mụn nước và chàm bội nhiễm ở kẽ chân. Đây là một bệnh lý phổ biến, dễ tái phát. Dù tổ đỉa không nguy hiểm nhưng lại gây nhiều phiền toái cho người bệnh trong cuộc sống, vì vậy bệnh lý này cần phải được điều trị sớm và đúng cách.

Tổ đỉa kẽ chân bao gồm các mụn nước nằm sâu, khiến người bệnh có cảm giác nóng rát hoặc ngứa ngáy khó chịu, thường mọc ở lòng bàn chân và các kẽ của ngón chân. Các triệu chứng thường kéo dài từ 2 đến 3 tuần, khi khỏi sẽ để lại các vùng bong vảy. 

Tổ đỉa kẽ chân là bệnh gì?

Tổ đỉa kẽ chân là một bệnh viêm da sinh học, triệu chứng của nó rất hay thay đổi. Lớp sừng dày lên của lòng bàn tay, bàn chân làm giảm khả năng vỡ mụn nước. Các đợt bệnh có thể tái phát nhiều lần do nhiễm trùng, ở các vị trí khác nhau, do tiếp xúc da nhạy cảm với các chất gây dị ứng như: Nấm mốc, thuốc chữa bệnh, sữa tắm, thực phẩm (ớt bột, nước cam và côn trùng), hóa chất sử dụng trong sinh hoạt, xà phòng, xi măng, xăng dầu, thủy ngân, niken, crom, coban, kể cả sự căng thẳng về mặt cảm xúc, thời tiết nóng ẩm, mồ hôi nhiều. Các sản phẩm vệ sinh da và mỹ phẩm là yếu tố chính gây nên các đợt bùng phát của tổ đỉa kẽ chân, tiếp theo là tiếp xúc kim loại.

Hút thuốc cũng là một yếu tố kích thích, dù rất hiếm gặp. Đối với một số người bệnh, rất khó xác định nguyên nhân chính xác gây ra tổ đỉa kẽ chân. Nếu người bệnh nhận thấy điều gì đó gây ra các triệu chứng của mình, hãy cố gắng tránh xa chất đáng nghi này, điều đó có thể giúp kiểm soát các triệu chứng ngứa ngáy khó chịu.

Tổ đỉa kẽ chân: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị 1 Tổ đỉa kẽ chân cũng là một thể hay gặp của tổ đỉa

Cần phải phân biệt bệnh tổ đỉa kẽ chân với bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Tổ đỉa kẽ chân được đặc trưng bởi sự tổn thương của lớp Malpighi nằm trong da, với sự hợp lưu sau đó của các mô sinh học, tạo thành một túi nội bì. Một số người bệnh phát triển các mụn nước giống như tổ đỉa kẽ chân, nhưng lại sớm tiến triển thành mụn mủ với các đặc điểm mô bệnh học của vảy nến thể mủ ở lòng bàn tay - bàn chân.

Nhuộm PAS luôn phải được thực hiện trên các tổn thương mụn nước ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, đặc biệt nếu đó là bất kỳ bạch cầu trung tính nào trong mụn nước hoặc lớp sừng, vì nhiễm trùng nấm da có thể bắt chước các tổn thương của tổ đỉa kẽ chân.

Dấu hiệu tổ đỉa kẽ chân

Triệu chứng đầu tiên thường là cảm giác nóng rát hoặc đau như bị kim châm ở vùng da bị tổ đỉa trước khi nổi mụn nước. Tổ đỉa kẽ chân biểu hiện bằng các mụn nước ở lòng bàn chân, nhất là ở cạnh bên của ngón chân, hoặc mặt trên và mặt dưới ngón chân. Mụn nước thường có xu hướng tự xẹp, hoặc teo lại, hiếm khi tự vỡ, khi mụn bong để lộ mảng da hồng, vảy xếp viền xung quanh.

Tổ đỉa kẽ chân: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị 2 Tổ đỉa kẽ chân có thể bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý da liễu khác

Mụn nước có hình tròn, có thể đơn độc hoặc tập hợp thành từng chùm, đôi khi tập trung lại thành bóng nước lớn, khi sờ vào mụn nước cảm thấy chắc, kích thước mụn nước khoảng 1 - 2mm. Các nốt mụn nước rất ngứa, thường biểu hiện từ 2 đến 4 tuần, sau đó bong vảy, lành da, và hay tái phát nhiều lần. Sang thương mụn nước trong tổ đỉa kẽ chân thường đối xứng hai bên, và các tổn thương thường ít khí vượt quá cổ chân.

Tổ đỉa kẽ chân thường xảy ra thành từng đợt. Khi vùng da bị nhiễm khuẩn, mụn nước sẽ trở nên đục, vùng da xung quanh trở nên sưng, nóng, đỏ, đau, có thể kèm theo sưng hạch bạch huyết lân cận, thậm chí người bệnh có thể có sốt. Với tổ đỉa, bệnh nhân càng gãi thì càng ngứa, nếu gãi nhiều có nguy cơ gây vỡ các nốt mụn nước, dịch rỉ viêm thoát ra gây các nhiễm khuẩn cho vùng da kế cận. 

Bệnh được coi là mạn tính, tiến triển dai dẳng, kéo dài, gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt và lao động cho người bệnh nếu không được chữa trị sớm và đúng cách.

Điều trị tổ đỉa kẽ chân

Tổ đỉa kẽ chân thường là một tình trạng mạn tính, xảy ra và biến mất sau vài tuần. Điều trị sớm và đúng cách có thể giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Các phương pháp điều trị tổ đỉa kẽ chân bao gồm:

  • Sử dụng chất làm ẩm (chất làm mềm): Ngăn ngừa tình trạng khô ráp trên da.
  • Kem và thuốc mỡ Steroid (Steroid bôi tại chỗ): Giảm kích ứng và đau nhức. Tuy nhiên khi sử dụng cần hết sức chú ý tác dụng phụ của Steroid.
Tổ đỉa kẽ chân: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị 3 Sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị tổ đỉa bị nhiễm trùng

Nếu mụn nước bị rỉ dịch, bác sĩ da liễu có thể tư vấn người bệnh sử dụng thuốc tím sát trùng vùng da bị tổn thương. Thuốc tím có tác dụng làm khô mụn nước và giảm nguy cơ bị nhiễm trùng. Nếu mụn nước bị nhiễm trùng, bác sĩ da liễu có thể kê đơn thuốc kháng sinh cho người bệnh.

Nếu các triệu chứng của người bệnh nghiêm trọng hoặc việc điều trị không có kết quả, người bệnh có thể cần được sử dụng các phương pháp điều trị chuyên sâu hơn, ví dụ như:

  • Sử dụng thuốc uống Steroid.
  • Điều trị bằng tia cực tím (UV).
  • Sử dụng kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn, sử dụng thuốc chống nấm nếu người bệnh bị nhiễm nấm.

Chăm sóc da bị tổ đỉa kẽ chân

Tổ đỉa kẽ chân gây nhiều khó chịu cho người bệnh. Để giảm bớt các cảm giác ngứa ngáy, nóng rát khi bị bệnh, người bệnh có thể rửa tay bằng nước ấm và sử dụng chất làm ẩm (chất làm mềm) thay thế xà phòng thay vì xà phòng thông thường; đeo găng tay bảo vệ (lý tưởng nhất là có lớp lót bông) khi sử dụng hóa chất như dầu gội đầu hay các loại chất tẩy rửa khác; mang tất, hoặc quần tất làm từ bông hoặc lụa, thay vì chất nylon; đi giày làm từ da thay vì bằng nhựa hoặc cao su; tránh bất cứ thứ gì bạn nghĩ là nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bạn, chẳng hạn như chất tẩy rửa hoặc đồ vật kim loại.

Đồng thời, người bệnh nên chăm sóc các vết thương ở vùng da bị bệnh thật cẩn thận, tránh làm vỡ vết phồng rộp, vết mụn nước, tránh làm rỉ dịch viêm vì dịch viêm sẽ làm khả năng nhiễm trùng tăng lên.

Tổ đỉa kẽ chân: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị 4 Vấn đề chăm sóc da tại chỗ trong điều trị tổ đỉa rất quan trọng

Người bệnh cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám, làm các xét nghiệm theo dõi và điều trị bệnh chuyên sâu, đồng thời nhận được sự tư vấn về phương pháp điều trị tốt nhất. Bên cạnh đó, người bệnh cần có chế độ ăn uống đảm bảo chất dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng chống lại các yếu tố có hại gây bệnh tổ đỉa.

Người bệnh cần tăng cường độ ẩm cho da, có thể bằng phương pháp uống nhiều nước. Có thể lựa chọn uống nhiều loại nước ép hoa quả để cung cấp vitamin và khoáng chất, làm nhanh liền sẹo, trở nên căng mọng, thải chất độc tốt hơn. Tuyệt đối tránh việc làm theo những bài thuốc dân gian truyền miệng để chữa bệnh tổ đỉa. Các thực phẩm như rượu bia, chất kích thích cần lưu ý không nên sử dụng, vì có thể làm tăng triệu chứng kích ứng của bệnh. 

Nhà thuốc Long Châu hi vọng bài viết trên đây đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho bạn về bệnh lý tổ đỉa kẽ chân. Nhận biết sớm các dấu hiệu, biết cách chăm sóc da và điều trị đúng cách là các yếu tố quan trọng nhất để bạn có thể chấm dứt sự khó chịu với bệnh lý dai dẳng này.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm