Long Châu

Tổ đỉa ở chân trẻ em trị dứt điểm thế nào?

Ngày 31/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tổ đỉa ở chân trẻ em là một loại tổn thương da với sự xuất hiện của các mụn nước nhỏ kèm theo rất ngứa. Trong bài viết này, Nhà Thuốc Long Châu chỉ ra các dấu hiệu, triệu chứng mà tổ đỉa ở chân trẻ em sẽ có đồng thời mách bạn các cách để điều trị dứt điểm căn bệnh này nhé!

Tổ đỉa ở chân trẻ em có thể kéo dài đến 3 tuần và gây ra các biến chứng bội nhiễm thông qua các tổn thương mụn nước, các vết ngứa, gãi cực kì nguy hiểm. Đôi khi bệnh tổ đỉa ở chân trẻ em có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh ngoài da khác và tái phát nhiều lần, gây ra rất nhiều sự khó chịu và bất tiện cho bé.

Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu về bệnh tổ đỉa ở chân trẻ em qua bài viết dưới đây nhé!

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh thường gặp

Khởi đầu bệnh tổ đỉa, chân bé nổi ngứa rất nhiều ở các vùng lòng bàn chân, ngón chân, các kẽ ngón kèm theo nóng rát. Sau đó, trên da chân bé sẽ xuất hiện những mụn nước li ti trong chứa dịch lỏng hoặc nước. 

Tổ đỉa ở chân trẻ em trị dứt điểm thế nào? 1 Dấu hiệu nhận biết tổ đỉa ở chân trẻ em là xuất hiện mụn nước gây ngứa

Trong những trường hợp nặng, mụn sẽ có kích thước lớn và lan ra nhiều nơi. Nguyên nhân khiến tình trạng tổ đỉa nặng lên là do các bé gãi vùng nổi mụn nhiều gây trầy xước, đỏ da, thậm chí là chảy máu da. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn khác đi vào cơ thể gây nhiễm trùng da và làm tình trạng bệnh trở nặng. Dấu hiệu nhiễm trùng có thể nhận biết dễ dàng là sự thay đổi màu sắc dịch bên trong mụn nước như dịch đục hoặc chảy mủ từ các vết thương trên da, kèm theo đó là các hiện tượng: Sưng, nóng, đỏ, đau, sốt cao. 

Thông thường nếu không bị bội nhiễm các vi khuẩn khác thì bệnh sẽ có xu hướng giảm dần sau 3 - 4 tuần và sẽ tái phát lại ngay sau đó. Tuy nhiên tổ đỉa ở chân trẻ em sẽ mất nhiều thời gian để lành hơn do sự tỳ đè lớn đồng thời chịu nhiều bụi bẩn hơn các vị trí khác trên cơ thể.

Nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa

Hiện tại vẫn chưa biết được chính xác nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa nhưng có thể liên quan đến các tác nhân sau đây:

  • Do nhiễm nấm da: Khi bị nhiễm nấm da, khả năng kháng khuẩn của da sẽ bị yếu đi dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Yếu tố di truyền: Gia đình, người thân có cơ địa dị ứng, dễ bị nhiễm khuẩn gây tăng nguy cơ mắc tổ đỉa. Theo thống kê có đến 50% những người mắc bệnh có yếu tố di truyền.
  • Yếu tố bản thân: Dễ dị ứng phấn hoa, các chất hóa mỹ phẩm, côn trùng, bụi...
  • Người có sức đề kháng yếu, mắc các bệnh mạn tính, viêm gan, viêm thận, ăn uống không điều độ...
  • Rối loạn thần kinh giao cảm dẫn đến tăng tiết mồ hôi làm da luôn ẩm ướt, cũng là một nguyên nhân khá phổ biến gây bệnh tổ đỉa.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Lạm dụng quá nhiều thuốc ức chế miễn dịch gây ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ cơ thể khiến dị nguyên dễ xâm nhập và gây bệnh.
Tổ đỉa ở chân trẻ em trị dứt điểm thế nào? 2 Tổ đỉa ở chân trẻ em có thể lây sang các vùng khác trên cơ thể như cánh tay, bàn tay

Cách chữa tổ đỉa ở chân trẻ em

Mục tiêu điều trị là giúp giảm bớt các triệu chứng gây khó chịu như ngứa, cải thiện thẩm mỹ cũng như hạn chế viêm nhiễm kèm theo. Để đạt được mục đích này, ba mẹ có thể tham khảo các phương pháp sau:

Chữa tổ đỉa bằng các bài thuốc dân gian lâu đời hiệu quả

  • Dầu khuynh diệp: Đây là một loại tinh dầu khá an toàn và thích hợp với trẻ nhỏ. Cách dùng như sau: Mẹ hãy nhỏ vài giọt tinh dầu khuynh diệp vào nước ấm và cho trẻ ngâm chân trong khoảng 15 - 20 phút.
  • Tắm lá chè xanh: Lá chè xanh có tác dụng diệt khuẩn, chống viêm, giảm ngứa rất hiệu quả đồng thời giúp vết thương se lại, nhanh liền. Mẹ hãy dùng 1 nắm lá chè tươi, rửa sạch sau đó đun sôi và pha vào nước ấm cho bé tắm để giảm ngứa và ngăn ngừa viêm nhiễm cho trẻ.
  • Sử dụng lá trầu không: Lá trầu không cũng có tác dụng tương tự như lá chè tươi. Đầu tiên hãy rửa sạch lá rồi vò nát sau đó cho vào nồi nước sôi, đun trong 10 phút. Đổ nước đã đun ra chậu cho bớt nóng rồi ngâm, rửa vùng chân bị tổ đỉa trong dung dịch mỗi ngày 1-2 lần, có thể lấy bã xát lên da bị bệnh nhưng tránh xát quá mạnh gây tổn thương da của bé.
  • Sử dụng lá lốt: Có thể sử dụng tương tự như lá trầu không hoặc giã nát và đắp trực tiếp lên vùng bị thương.
  • Dùng gừng tươi: Rửa sạch, cắt lát rồi cho vào nồi nước đun sôi, để cho nước nguội bớt rồi dùng để ngâm rửa vùng da bị bệnh cho trẻ.
Tổ đỉa ở chân trẻ em trị dứt điểm thế nào? 4 Lá trầu không điều trị tổ đỉa ở chân trẻ em

Lưu ý: Các mẹo dân gian này cần sử dụng ít nhất 1 tuần mới có thể thấy được hiệu quả. Tuy nhiên những mẹo này chỉ nên sử dụng khi bệnh mới phát hiện, ở mức độ nhẹ. Nguyên nhân là do hiệu quả của các bài thuốc còn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi trẻ. Hơn nữa các bài thuốc chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị chứ không thể thay thế hoàn toàn cho thuốc chữa bệnh. Vì vậy, với những trường hợp nặng hơn, ba mẹ nên cho trẻ đi khám để được dùng thuốc phù hợp.

Trị bệnh tổ đỉa ở chân trẻ em bằng thuốc Tây

Đây là biện pháp điều trị thông dụng nhất hiện nay. Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý rằng biện pháp này không được áp dụng ở tất cả trẻ nhỏ, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi. Vì vậy, việc sử dụng thuốc ở trẻ nhỏ phải có chỉ định của bác sĩ.

Các loại thuốc điều trị tổ đỉa bao gồm:

  • Dung dịch sát khuẩn sử dụng ngoài da: Khi các mụn nước mới mọc, phụ huynh có thể dùng dung dịch bạc nitrat, thuốc hồ nước hoặc cồn BSI có tác dụng giảm viêm, dịu da, sát khuẩn vùng tổn thương. Các loại thuốc này khá an toàn với trẻ nhỏ.
  • Dung dịch Milian: Thuốc có tác dụng ức chế sự sinh sôi của vi khuẩn, hỗ trợ phòng, điều trị nhiễm khuẩn da hoặc bội nhiễm vi khuẩn. Thuốc có chỉ định dùng cho các trường hợp mụn nước chảy dịch, lở loét nhẹ, nguy cơ bội nhiễm cao.
  • Thuốc corticoid: Sử dụng trong các trường hợp mụn nước đã tiêu, da khô và không chảy dịch. Tác dụng của thuốc là chống dị ứng, chống viêm nhưng lại rất nhiều tác dụng phụ như teo, mỏng da, giãn mao mạch, thậm chí có thể gây hoại tử da ở trẻ nếu không dùng đúng liều. Vì vậy không dùng bừa mà phải có kê đơn từ bác sĩ rõ ràng về liều lượng dùng mỗi ngày.
  • Thuốc kháng histamin: Thuốc có tác dụng giảm ngứa, chống dị ứng. Một số loại thuốc kháng histamin thế hệ 1 an toàn cho trẻ nhỏ như Clorpheniramin đường uống.
  • Thuốc kháng sinh, chống nấm: Có thể dùng bôi ngoài da hoặc đường uống tác dụng toàn thân. Chỉ sử dụng trong trường hợp có bằng chứng của nhiễm khuẩn, nhiễm nấm và theo chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý: Da của trẻ em còn khá mỏng nên thuốc bôi ngoài da có khả năng hấp thu mạnh hơn người lớn. Vì vậy, các thuốc bôi ngoài da cũng có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm như dùng đường uống. Do đó, các bậc cha mẹ không nên tùy tiện sử dụng thuốc điều trị tổ đỉa mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

Tổ đỉa ở chân trẻ em là một bệnh lý đơn giản nhưng cũng rất phức tạp nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Chính vì vậy các bậc phụ huynh đừng quá lo lắng khi phát hiện con mình bị tổ đỉa, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm