Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tổ đỉa ở tay trẻ em: Nguyên nhân, hình ảnh và cách điều trị hiệu quả

Ngày 04/05/2022
Kích thước chữ

Nhiều bậc phụ huynh lo lắng khi phát hiện những tổn thương dạng tổ đỉa ở tay trẻ, khiến trẻ quấy khóc, khó chịu… Cùng tìm hiểu thêm về bệnh tổ đỉa ở tay trẻ em để hiểu rõ hơn và biết cách phòng tránh, điều trị bệnh cho con mẹ nhé!

Tổ đỉa là bệnh lý viêm da cơ địa mãn tính, có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng từ trẻ nhỏ tới người già nhưng phổ biến lứa tuổi thanh niên. Tổ đỉa ở tay trẻ em cũng là thể thường gặp trong số đó và có nhiều vấn đề cần chú ý ở đối tượng này.

Nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa ở trẻ nhỏ

Trước hết, chúng ta biết rằng, đặc điểm da trẻ nhỏ là có nhiều mao mạch dưới da, lớp thượng bì mỏng, lớp mỡ dưới da dày, sờ da mịn màng, mềm mại. Hệ thống miễn dịch trên da chưa phát triển toàn vẹn, chống đỡ với các tác nhân bên ngoài còn kém. Vì vậy, trẻ dễ xuất hiện các tổn thương trên da.

Tổ đỉa ở tay trẻ em: Nguyên nhân, hình ảnh và cách điều trị hiệu quả 1 Hình ảnh tổ đỉa ở tay trẻ em

Tổ đỉa là bệnh lý thuộc nhóm viêm da cơ địa, đặc trưng bởi những mụn nước xuất hiện khu trú vùng bàn tay, ngón tay, bàn chân, ngón chân… rất ngứa, diễn biến mạn tính, tái phát nhiều đợt. Cho đến nay, chưa phát hiện nguyên nhân trực tiếp gây bệnh, có nhiều giả thuyết được chấp nhận là yếu tố góp phần khởi phát và nặng thêm bệnh như:

Tiền sử dị ứng thời tiết, thực phẩm của trẻ

Khi thời tiết hanh khô, chuyển mùa, tác nhân ẩm mốc phát triển dễ khiến cho làn da của trẻ bị kích ứng. Những trẻ có cơ địa dị ứng với thời tiết hay thực phẩm dễ đứng trước nguy cơ bị mắc bệnh tổ đỉa.

Tiếp xúc các chất gây kích ứng da

Khi trẻ tiếp xúc các loại hóa chất dễ gây kích ứng như xà phòng, bột giặt, chất tẩy rửa… thường xuyên, da của trẻ cũng dễ phản ứng và dễ hình thành tổ đỉa.

Yếu tố di truyền của trẻ

Theo thống kê trước đây, nếu mẹ mắc bệnh tổ đỉa thì khả năng con di truyền bệnh khoảng 8%. Bên cạnh đó, nếu cả bố và mẹ cùng mắc bệnh này thì tỉ lệ di truyền sang con lên đến 41%. Tổ đỉa là bệnh của cá nhân mỗi người, yếu tố di truyền đóng vai trò góp phần gây bệnh.

Tổ đỉa ở tay trẻ em: Nguyên nhân, hình ảnh và cách điều trị hiệu quả 2 Di truyền là yếu tố nên được nhắc đến khi nói về nguyên nhân tổ đỉa ở trẻ em

Một số yếu tố khác

Ngoài những nguyên nhân trên, bệnh tổ đỉa ở trẻ em còn do một số yếu tố khác gây ra như tiếp xúc trực tiếp với bụi bẩn, môi trường nước bẩn, lông động vật, phấn hoa, cơ địa nhạy cảm,…

Triệu chứng tổ đỉa ở tay trẻ em thường gặp

  • Nổi mụn nước: Các nốt mụn nước li ti dưới da có màu trắng trong, có kích thước nhỏ khoảng 1-2mm, mọc thành từng đám, khó vỡ. Sờ vào mụn có cảm giác chắc, nổi cộm dưới bề mặt da.
  • Vị trí nổi mụn thường gặp: Bàn tay, bàn chân đặc biệt vùng ngón và lòng bàn tay, lòng bàn chân và một số nơi khác có thể gặp như nách, bẹn.
  • Ngứa ngáy nhiều: Trẻ bị ngứa da nên rất khó chịu, quấy khóc, gãi, cào xước da.
  • Đỏ da: Làn da bị sung huyết đỏ, có các vảy bao bọc xung quanh. Da dễ bị nứt, lở loét, nếu trẻ gãi thường xuyên.
  • Nóng, sốt: Trong rường hợp nặng, trẻ có thể kèm theo dấu hiệu nóng sốt.
Tổ đỉa ở tay trẻ em: Nguyên nhân, hình ảnh và cách điều trị hiệu quả 3 Tổ đỉa ở tay trẻ em: Nguyên nhân, hình ảnh và cách điều trị hiệu quả

Cách điều trị tổ đỉa ở tay trẻ em hiệu quả

So với người lớn, việc điều trị tổ đỉa ở trẻ em, trẻ nhỏ là khó khăn hơn. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị, cha mẹ cần đưa trẻ thăm khám sớm bởi các chuyên gia y tế. Mỗi cá nhân trẻ sẽ có các tổn thương khác nhau và cần được điều trị cá thể hóa một cách phù hợp.

Hiện nay có một số loại thuốc thường được các bác sĩ chỉ định điều trị tổ đỉa ở tay trẻ em như kem dưỡng ẩm da, mềm da, dịu da, thuốc bôi có chứa steroid, thuốc kháng sinh khi trẻ có dấu hiệu nhiễm khuẩn,… Vì da trẻ còn yếu, dễ bị kích ứng nên tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị, tránh ảnh hưởng, tác dụng phụ không đáng có cho trẻ.

Trẻ em bị tổ đỉa nên ăn gì và kiêng ăn gì?

Bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị tổ đỉa ở tay trẻ, các bậc phụ huynh cần chú ý tới việc chăm sóc, chế độ dinh dưỡng như:

Tổ đỉa ở tay trẻ em: Nguyên nhân, hình ảnh và cách điều trị hiệu quả 4 Dinh dưỡng tốt giúp phòng tránh rất nhiều bệnh ở trẻ em
  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu, vitamin cho trẻ giúp tăng sức đề kháng ở trẻ, chống chọi với bệnh tật. Các loại thực phẩm tốt dành cho bé như rau xanh, hoa quả, hay thực phẩm chứa protein như trứng gà, cá, thịt lợn…
  • Trẻ cần uống đủ nước mỗi ngày, nước giúp các quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi, giúp làn da săn chắc và cấp đủ ẩm hơn, ngoài ra việc cung cấp một lượng sữa vừa đủ giúp đảm bảo sự phát triển của trẻ.
  •  Không nên cho trẻ ăn các loại hải sản, thức ăn khó tiêu, dễ gây dị ứng như: Hàu, nhộng… và những thực phẩm nhiều đường, chất béo, đồ ăn nhiều dầu mỡ,…
  • Nếu trẻ vẫn bú sữa mẹ, hãy cho bé thực đơn phù hợp lứa tuổi. Trong sáu tháng đầu đời bú hoàn toàn sữa mẹ là sự lựa chọn tốt nhất cho trẻ. Trẻ sẽ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, vitamin, kháng thể để có thể phát triển tốt nhất. Sau sáu tháng, cho trẻ ăn dặm, ăn bổ sung theo từng lứa tuổi phù hợp, khoa học. Những năm tháng đầu đời rất quan trọng trong việc hình thành miễn dịch của trẻ, là nền tảng cho sức khỏe sau này, các bậc phụ huynh nên được tập huấn và tìm hiểu kỹ.
  • Vệ sinh da tay sạch sẽ, cắt móng tay cho các bé. Tránh để trẻ cào, gãi ngứa gây trầy xước, tổn thương da, khi các nốt mụn bị vỡ ra, dễ bị viêm nhiễm, lở loét, tổn thương mụn nước cũng dễ lây lan sang vùng da lành khác của trẻ.
  • Sử dụng các loại dung dịch tẩy rửa dịu nhẹ để hạn chế gây kích ứng cho làn da của trẻ. Chú ý các sản phẩm bột giặt, sữa tắm cho dành riêng cho trẻ.
  • Trẻ nên được mặc những bộ quần áo phù hợp với thời tiết, không quá bí bách. Những loại vải mềm, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt khi thời tiết nóng nực. Những bộ đồ bó sát, vài khô cứng dễ làm tổn thương cho làn da trẻ.
  • Khi thời tiết khô hanh, nên chú ý dưỡng ẩm cho da trẻ bằng cách cho trẻ bổ sung đủ nước, hạn chế cọ rửa da quá nhiều, có thể bôi dưỡng ẩm cho da.
  • Hạn chế trẻ tiếp xúc với môi trường bẩn, khói bụi, phấn hoa,…

Tổ đỉa ở tay trẻ em là một thể phân nhánh nhỏ của bệnh tổ đỉa nói chung. Nguyên tắc điều trị nói chung không thay đổi, nhưng trẻ em là đối tượng nhạy cảm cần được quan tâm, chăm sóc. Hãy đồng hành cùng con để bệnh có được hiệu quả điều trị tốt nhất ba mẹ nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin