Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tổng quan về liệu pháp truyền dịch

Ngày 22/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Liệu pháp truyền dịch là một phương pháp y học được sử dụng để cung cấp nước, chất dinh dưỡng và các chất điện giải trực tiếp vào cơ thể thông qua đường tĩnh mạch. Quá trình này thường được thực hiện bằng cách sử dụng một kim tiêm và ống dẫn dịch, để dịch có thể được truyền vào tĩnh mạch của bệnh nhân.

Liệu pháp truyền dịch có thể sử dụng các loại dung dịch khác nhau như dung dịch chứa nước, glucose, các chất điện giải, và các dạng khác của chất dinh dưỡng để đưa vào cơ thể qua đường tiêm truyền.

Liệu pháp truyền dịch là gì?

Liệu pháp truyền dịch là phương pháp cung cấp một lượng lớn nước, chất dinh dưỡng và các chất điện giải cho cơ thể. Quy trình này thường được thực hiện qua tiêm truyền tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da.

tong-quan-ve-lieu-phap-truyen-dich 1.jpg
Truyền dịch cung cấp một lượng lớn các chất điện giải cho cơ thể
  • Tiêm truyền tĩnh mạch: Thường được thực hiện tại các tĩnh mạch ngoại biên hoặc tĩnh mạch trung tâm.
  • Tiêm truyền dưới da: Chỉ áp dụng với một số dung dịch đặc biệt và giới hạn về lượng.

Mặc dù liệu pháp truyền dịch có vẻ đơn giản, nhưng nếu không thực hiện đúng cách, có thể dẫn đến các biến chứng như tai biến, rối loạn chuyển hóa, sốc phản vệ (do tốc độ truyền quá nhanh), hoặc phù ở tim, thận. Ngoài ra, người bệnh có thể phản ứng dị ứng với thành phần của dung dịch truyền, và có thể xảy ra lây nhiễm các bệnh mạn tính như viêm gan hoặc HIV.

Dịch truyền thường là các dung dịch hòa tan chứa nhiều thành phần khác nhau, có thể được tiêm truyền dưới da hoặc trực tiếp vào tĩnh mạch của người bệnh. Thông thường, dung môi sử dụng là nước cất hoặc một số dung môi khác để hòa tan các chất dược phẩm.

Các loại dịch truyền thường được phân thành ba nhóm cơ bản:

  • Dịch bổ sung chất dinh dưỡng: Bao gồm glucose với các nồng độ khác nhau và các dung dịch chứa vitamin, chất đạm, và chất béo.
  • Dịch bổ sung nước và chất điện giải: Bao gồm các dung dịch như lactate Ringer, natri bicarbonate 1,4%, natri clorua 0,9%... được sử dụng khi người bệnh mất nước hoặc máu.
  • Dịch bù albumin: Bao gồm các dung dịch đặc biệt như huyết tương tươi, dung dịch chứa albumin, dextran, gelofusine, haes-steril hay các dung dịch cao phân tử, thường được sử dụng trong các trường hợp cần bù nhanh albumin hoặc dịch cơ thể.

Khi nào nên thực hiện liệu pháp truyền dịch tiêm truyền tĩnh mạch?

Theo khuyến cáo của nhiều bác sĩ, việc sử dụng liệu pháp truyền dịch nên được hạn chế chỉ trong những trường hợp thực sự cần thiết, và tránh tự ý tiến hành truyền dịch mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

Có một số trường hợp nên xem xét tiêm truyền dịch tĩnh mạch:

Người bệnh mất nước do sốt cao, nôn nhiều, tiêu chảy, hạ huyết áp...: Trong những tình huống như vậy, khi cơ thể mất nước đáng kể và khó tự ăn uống, việc bù nước qua đường uống có thể không đủ hiệu quả. Truyền dịch tĩnh mạch sẽ giúp cung cấp nước và các chất dinh dưỡng trực tiếp vào cơ thể.

tong-quan-ve-lieu-phap-truyen-dich 2.jpg
Người bệnh mất nước do sốt cao, nôn nhiều, tiêu chảy, hạ huyết áp

Người bị yếu sức, thiếu dinh dưỡng nặng, cơ thể mất cân bằng về vitamin: Trong trường hợp này, việc truyền dung dịch chứa các loại vitamin tổng hợp (dịch hoa quả) có thể giúp bổ sung dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe và khả năng ăn uống của người bệnh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc truyền dịch hoa quả không nên thực hiện đối với người khỏe mạnh, vì có thể gây ra chứng lười ăn và các biến chứng khác.

Ngược lại, việc truyền dịch tĩnh mạch có thể không phù hợp trong các trường hợp sau:

Bệnh nhân suy tim nặng: Trong trường hợp này, việc truyền dịch có thể gây tăng áp lực trong tim và làm tăng nguy cơ suy tim.

Bệnh nhân có tăng huyết áp: Truyền dịch có thể làm tăng áp lực trong mạch máu và gây ra những biến chứng không mong muốn.

Người khỏe mạnh không cần thiết phải truyền dịch: Truyền dịch trong trường hợp này có thể không chỉ không cần thiết mà còn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe không mong muốn.

Nếu có chỉ định đặc biệt như cần duy trì một lượng dịch nhất định trong máu, việc truyền dịch cần được thực hiện cẩn thận, chậm rãi và kết hợp với việc theo dõi sát sao, đo áp lực tĩnh mạch trung tâm để tránh các biến chứng.

Lưu ý khi thực hiện liệu pháp truyền dịch

Khi thực hiện liệu pháp truyền dịch cho bệnh nhân, cần tuân thủ các lưu ý sau:

  • Đảm bảo vệ sinh: Dịch truyền và các dụng cụ sử dụng phải được bảo đảm vô khuẩn.
tong-quan-ve-lieu-phap-truyen-dich 3.jpg
Dịch truyền và các dụng cụ sử dụng phải được bảo đảm vô khuẩn
  • Thực hiện đúng quy trình: Cần tuân thủ đúng quy trình và kỹ thuật tiêm truyền dịch trong suốt quá trình tiêm.
  • Đảm bảo không khí không lọt vào tĩnh mạch: Tránh để không khí lọt vào tĩnh mạch và đảm bảo áp lực của dịch truyền cao hơn áp lực máu tĩnh mạch của người bệnh.
  • Kiểm soát tốc độ chảy của dịch: Tốc độ chảy của dịch cần được duy trì theo yêu cầu và tổng lượng dịch đưa vào cơ thể phải đúng thời gian quy định.
  • Theo dõi tình trạng bệnh nhân: Nhân viên y tế cần theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh nhân trước, trong và sau khi truyền dịch để phát hiện và xử lý sớm các phản ứng phụ.
  • Bảo vệ da: Nơi tiếp xúc giữa kim và mặt da phải được giữ vô khuẩn tuyệt đối.
  • Chăm sóc cơ thể: Trong trường hợp suy nhược cơ thể, chán ăn, cần điều chỉnh chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc và tập luyện sao cho thích hợp. Bổ sung các thực phẩm như cá, thịt, trứng, sữa thay vì truyền dịch có thể hiệu quả và an toàn hơn.
  • Nhận biết biểu hiện bất thường: Trong quá trình truyền dịch, nếu cơ thể có biểu hiện bất thường như rét run, khó thở, sưng phù chỗ tiêm... cần báo ngay nhân viên y tế để kịp thời xử trí và tránh những biến chứng nguy hiểm hơn.
  • Đảm bảo điều kiện tại cơ sở y tế: Quy trình truyền dịch tĩnh mạch phải được thực hiện tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện và khả năng xử trí tai biến. Hạn chế thực hiện truyền dịch tại nhà, trên đường, hoặc trên phương tiện giao thông.
  • Sẵn sàng cấp cứu: Tại các cơ sở y tế cần có sẵn thuốc cấp cứu chống choáng, sốc để phòng ngừa và kịp thời xử lý những trường hợp không may có thể xảy ra.

Hy vọng qua nội dung bài viết đã giúp bạn hiểu rõ tổng qua về liệu pháp truyền dịch. Hiện nay, có khoảng 20 loại dung dịch truyền khác nhau và người bệnh cần phải được xét nghiệm để xác định loại dịch cần thiết, đồng thời đảm bảo liều lượng phù hợp để tránh các biến chứng không mong muốn.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm