Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Suy tim mạn tính là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị suy tim mạn tính

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Suy tim mạn tính có nghĩa là tim không thể bơm máu đi khắp cơ thể một cách bình thường. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Suy tim mạn tính là một tình trạng lâu dài có xu hướng nặng dần theo thời gian. Bệnh thường không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng các triệu chứng thường có thể được kiểm soát trong nhiều năm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Suy tim mạn tính là gì?

Suy tim mạn tính là tình trạng tim không có khả năng bơm đủ lượng máu để cung cấp cho cơ thể. Nếu không được cung cấp đủ máu để hoạt động, các mô bị thiếu oxy và việc thực hiện chức năng bị gián đoạn.

Suy tim có thể do ảnh hưởng từ buồng tim phải hoặc buồng tim trái hoặc cả hai cùng một lúc. Nó có thể là một tình trạng cấp tính hoặc mạn tính.

Với bệnh suy tim mạn tính, các triệu chứng diễn ra liên tục và không cải thiện theo thời gian. Hầu hết các trường hợp suy tim đều là mạn tính.

Suy tim mạn tính là một bệnh lý nghiêm trọng cần phải được điều trị và quản lý. Điều trị sớm làm tăng cơ hội phục hồi lâu dài với ít biến chứng hơn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy tim mạn tính

Các triệu chứng suy tim mạn tính có thể xuất hiện và diễn tiến chậm dần theo thời gian. Tuy nhiên, đôi khi cũng có thể khởi phát đột ngột. Suy tim mạn tính có thể có các triệu chứng, bao gồm:

  • Khó thở khi vận động hoặc cả khi đang nằm;
  • Mệt mỏi;
  • Phù ở chân, mắt cá chân và bàn chân hai bên;
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều;
  • Giảm khả năng tập thể dục;
  • Thở khò khè;
  • Ho dai dẳng hoặc ho có đờm màu trắng hoặc bọt hồng kèm theo tơ máu;
  • Báng bụng;
  • Tăng cân nhanh do phù;
  • Buồn nôn và chán ăn;
  • Giảm sự tập trung hoặc tỉnh táo;
  • Có thể đau ngực nếu suy tim do nguyên nhân nhồi máu cơ tim.
Suy tim mạn tính 4.jpeg
Người bệnh suy tim mạn tính có thể xuất hiện triệu chứng khó thở khi nằm

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh suy tim mạn tính

Nếu bạn bị suy giảm sức khỏe, điều quan trọng là phải tái khám thường xuyên, ngay cả khi các triệu chứng đã cải thiện. Bác sĩ có thể kiểm tra sức khoẻ của bạn và đề nghị các xét nghiệm để tầm soát biến chứng.

Các biến chứng của suy tim mạn tính phụ thuộc vào tuổi, sức khỏe tổng thể và mức độ nghiêm trọng của bệnh tim. Chúng có thể bao gồm:

  • Suy thận: Suy tim mạn tính có thể làm giảm lượng máu đến thận gây suy thận. Suy thận có thể cần phải lọc máu để điều trị.
  • Các vấn đề về tim khác: Suy tim mạn tính có thể gây ra những thay đổi về chức năng và kích thước của tim. Những thay đổi này có thể làm hỏng van tim và gây ra rối loạn nhịp tim.
  • Tổn thương gan: Suy tim mạn tính có thể gây tăng áp lực lên gan.
  • Đột tử do tim: Người bệnh suy tim mạn tính có nguy cơ tử vong đột ngột do rối loạn nhịp tim.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy gặp bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng mình có thể có các triệu chứng của suy tim mạn tính. Gọi cấp cứu hoặc trợ giúp y tế nếu bạn có bất kỳ điều nào sau đây:

  • Ngất xỉu;
  • Suy nhược trầm trọng;
  • Rối loạn nhịp tim kèm theo đau ngực, khó thở hoặc ngất xỉu;
  • Khó thở xuất hiện đột ngột, dữ dội và ho ra đàm trắng hoặc bọt hồng.

Hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bạn đã được chẩn đoán suy tim mạn tính và:

  • Các triệu chứng của bạn đột ngột trở nên nặng hơn;
  • Bạn xuất hiện một triệu chứng mới;
  • Bạn tăng khoảng 2kg trở lên trong vòng vài ngày.

Những thay đổi như vậy có thể là do tình trạng suy tim mạn tính đang trở nên trầm trọng hơn hoặc việc điều trị trước đó không hiệu quả.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến suy tim mạn tính

Suy tim mạn tính không có nguyên nhân duy nhất, nó được coi một cách chính xác nhất là biến chứng của nhiều bệnh, mỗi tình trạng bệnh đều ảnh hưởng đến khả năng bơm máu đi khắp cơ thể một cách hiệu quả của tim.

Một trong những tình trạng phổ biến nhất gây ra suy tim mạn tính là bệnh mạch vành. Bệnh mạch vành dẫn đến thu hẹp các động mạch vành cung cấp máu và oxy cho tim, làm mất lượng oxy cần thiết để tim hoạt động hiệu quả. Mặc dù suy tim mạn tính là một biến chứng thường gặp của bệnh mạch vành nhưng không phải mọi trường hợp đều xảy ra.

Tăng huyết áp là một nguyên nhân phổ biến khác. Tình trạng này gây thêm căng thẳng cho tim, theo thời gian có thể hình thành biến chứng suy tim mạn tính.

Các nguyên nhân khác của suy tim mạn tính bao gồm:

  • Bệnh cơ tim;
  • Rối loạn nhịp tim;
  • Các bệnh về van tim;
  • Bệnh tim bẩm sinh;
  • Viêm nhiễm, chẳng hạn như viêm cơ tim;
  • Thuốc và hóa chất bao gồm một số loại thuốc hóa trị và cocaine;
  • Uống rượu quá mức;
  • Thiếu máu;
  • Bệnh tuyến giáp.
Suy tim mạn tính 5.jpeg
Thiếu máu có thể gây ra suy tim mạn tính

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc suy tim mạn tính?

  • Người mắc các bệnh cơ tim, van tim, tim bẩm sinh.
  • Người uống quá nhiều rượu.
  • Người bệnh thiếu máu, bệnh tuyến giáp,...

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải suy tim mạn tính

Các bệnh và tình trạng làm tăng nguy cơ suy tim mạn tính bao gồm:

  • Bệnh mạch vành;
  • Nhồi máu cơ tim;
  • Bệnh van tim;
  • Tăng huyết áp cao;
  • Rối loạn nhịp tim;
  • Bệnh tim bẩm sinh;
  • Bệnh đái tháo đường;
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ;
  • Béo phì;
  • Nhiễm virus.

Các loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ suy tim mạn tính bao gồm:

  • Một số loại thuốc điều trị đái tháo đường: Thuốc trị đái tháo đường rosiglitazone và pioglitazone đã được phát hiện là làm tăng nguy cơ suy tim ở một số người. Đừng tự ý ngừng dùng thuốc này mà không hỏi ý kiến bác sĩ của bạn.
  • Một số loại thuốc khác: Các loại thuốc khác có thể dẫn đến suy tim hoặc các vấn đề về tim bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) và một số loại thuốc dùng để điều trị tăng huyết áp, ung thư, bệnh về máu, rối loạn nhịp, bệnh về hệ thần kinh, tâm thần, nhiễm trùng,...

Các yếu tố nguy cơ khác gây suy tim mạn tính bao gồm:

  • Sự lão hóa: Khả năng làm việc của tim giảm theo tuổi tác, ngay cả ở người khỏe mạnh.
  • Sử dụng rượu: Uống quá nhiều rượu có thể làm suy yếu cơ tim và dẫn đến suy tim mạn tính.
  • Hút thuốc lá: Sử dụng thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và suy tim.
Suy tim mạn tính 6.jpeg
Uống quá nhiều rượu bia là yếu tố nguy cơ mắc bệnh suy tim mạn tính

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy tim mạn tính

Chẩn đoán suy tim mạn tính thường dựa trên bệnh sử, khám thực thể và một loạt các xét nghiệm. Các xét nghiệm được bác sĩ sử dụng để xác định nguyên nhân cơ bản có thể bao gồm:

  • Siêu âm tim: Được coi là công cụ quan trọng nhất trong chẩn đoán suy tim.
  • Điện tâm đồ (ECG): Được sử dụng để kiểm tra và ghi lại nhịp tim và hoạt động điện của tim.
  • Chụp X-quang ngực: Có thể cung cấp cho bác sĩ hình ảnh của tim và phổi.
  • Peptide niệu (BNP) hoặc NT-proBNP: Xét nghiệm máu để đo nồng độ protein BNP hoặc NT-proBNP, cả hai đều có xu hướng tăng cao ở những người bị suy tim.

Trong một số trường hợp, các xét nghiệm khác, bao gồm xét nghiệm nước tiểu và chụp MRI, cũng có thể được đề nghị.

Phương pháp điều trị suy tim mạn tính hiệu quả

Sau khi được chẩn đoán, những người bị suy tim mạn tính sẽ hợp tác chặt chẽ với bác sĩ để lập kế hoạch điều trị phù hợp. Trong hầu hết các trường hợp, kế hoạch này sẽ bao gồm nhiều thay đổi về lối sống và chế độ ăn uống cũng như sử dụng thuốc.

Loại thuốc được kê đơn sẽ phụ thuộc vào loại suy tim mạn tính mà bạn đang mắc phải, nguyên nhân cơ bản và mức độ nghiêm trọng của nó. Trong nhiều trường hợp, cần phải kết hợp nhiều loại thuốc.

Một số loại thuốc phổ biến nhất được kê đơn để giúp kiểm soát bệnh suy tim mạn tính bao gồm:

  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEi): Thuốc ức chế ACE có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh suy tim mạn tính.
  • Thuốc chẹn beta: Thường được dùng kết hợp với thuốc ức chế ACE, loại thuốc này có thể giúp bảo vệ tim và làm chậm sự tiến triển của bệnh suy tim mạn tính.
  • Thuốc lợi tiểu: Loại thuốc này giúp thận thải thêm nước tiểu, giúp giảm tình trạng ứ nước dư thừa.
  • Thuốc đối kháng thụ thể Mineralocorticoid/aldosterone (MRA): Loại thuốc này cũng giúp ngăn ngừa tình trạng giữ nước dư thừa.

Trong một số trường hợp, các phương pháp điều trị thay thế có thể được bác sĩ đề nghị. Thông thường, những phương pháp này sẽ được sử dụng để điều trị nguyên nhân cơ bản của bệnh suy tim mạn tính.

Các thiết bị chẳng hạn như máy khử rung tim cấy ghép (ICD) và máy điều hòa nhịp tim có thể được lắp ở một số người. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật để thay thế hoặc sửa chữa van tim bị ảnh hưởng có thể được cân nhắc. Trong một số ít trường hợp, có thể cần phải ghép tim hoặc cấy thiết bị hỗ trợ thất trái.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy tim mạn tính

Chế độ sinh hoạt:

Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống thường được khuyến cáo cho những người bị suy tim mạn tính bao gồm:

  • Ngừng hút thuốc lá: Những người đang hút thuốc lá nên dừng lại.
  • Hạn chế uống rượu: Nếu tình trạng suy tim của người bệnh là do uống rượu, nên dừng lại.
  • Giảm cân: Nếu người bệnh có thừa cân, nên giảm cân. Điều này có thể làm giảm bớt căng thẳng cho tim.
  • Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp giảm các triệu chứng như khó thở và mệt mỏi. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu một chế độ tập thể dục, người bệnh nên tham khảo ý kiến ​​​​của bác sĩ về cách thực hiện một cách an toàn.
  • Cân bản thân hàng ngày: Điều quan trọng đối với những người được chẩn đoán mắc bệnh suy tim mạn tính là tự cân hàng ngày. Nếu cân nặng của người bệnh tăng khoảng 2kg trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 ngày, nên liên hệ với bác sĩ. Đây là dấu hiệu của tình trạng ứ nước và có thể cần can thiệp.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Hạn chế ăn muối: Muối có thể gây ứ dịch dư thừa trong cơ thể. Do đó, bệnh suy tim mạn tính có thể được kiểm soát nếu quản lý lượng muối trong chế độ ăn uống. Bác sĩ sẽ tư vấn về lượng muối nên tiêu thụ cho bạn.
  • Bồ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể theo hướng dẫn của chuyên gia y tế.

Lưu ý rằng chế độ sinh hoạt cho người bệnh suy tim mạn tính cần được tùy chỉnh và giám sát bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Mỗi trường hợp có thể có yêu cầu riêng biệt, do đó tư vấn y tế chuyên môn là rất quan trọng để đảm bảo chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng an toàn và phù hợp cho từng người bệnh.

Suy tim mạn tính 7.jpeg
Người bệnh suy tim mạn tính nên tự theo dõi cân nặng hằng ngày

Phương pháp phòng ngừa suy tim mạn tính hiệu quả

Để phòng ngừa suy tim mạn tính là điều trị và kiểm soát các tình trạng có thể gây ra bệnh. Hãy thử những lời khuyên tốt cho tim mạch sau:

  • Không hút thuốc lá;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Ăn đồ ăn có lợi cho sức khỏe;
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
  • Giảm và quản lý căng thẳng;
  • Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nguồn tham khảo
  1. Chronic Heart Failure: https://ada.com/conditions/chronic-heart-failure/
  2. Heart failure: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-failure/symptoms-causes/syc-20373142
  3. What is Heart Failure?: https://www.healthline.com/health/heart-failure
  4. Heart failure: https://www.nhs.uk/conditions/heart-failure/
  5. Chronic Heart Failure: Contemporary Diagnosis and...: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2813829/

Các bệnh liên quan

  1. Bí tiểu

  2. Suy nhược cơ thể

  3. đau xương cụt

  4. Lỵ trực khuẩn

  5. Ung thư nội mạc tử cung

  6. Metapneumovirus

  7. Viêm đa xoang

  8. Suy dinh dưỡng bào thai

  9. Sốt

  10. Giãn tĩnh mạch thừng tinh