Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Top 5 bí quyết giúp bé nhanh khỏi bệnh tay chân miệng

Ngày 15/03/2020
Kích thước chữ

Tay chân miệng là một bệnh thường gặp ở trẻ nhưng cũng dễ điều trị nếu được chăm sóc đúng cách tại nhà. Để điều trị hiệu quả bệnh tay chân miệng ở trẻ, ba mẹ chỉ cần áp dụng 5 bí quyết dưới đây.

Ba mẹ không cần quá lo lắng khi con bị mắc bệnh tay chân miệng, bởi vì chỉ cần sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, có chế độ ăn uống và vệ sinh hợp lý thì con sẽ nhanh khỏi bệnh. Thông thường bệnh tay chân miệng sẽ tự khỏi sau khoảng 2 tuần phát bệnh với sự chăm sóc đúng cách từ ba mẹ.

Nhận biết sớm những dấu hiệu của trẻ và nhanh chóng đưa con đến bác sĩ

Top 5 bí quyết giúp bé nhanh khỏi bệnh tay chân miệngNhững dấu hiệu của trẻ bị tay chân miệng

Trẻ em thường có hệ miễn dịch kém nên dễ mắc các bệnh và đường hô hấp cũng như hệ tiêu hóa. Tay chân miệng là bệnh do virus thuộc nhóm Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71), thông thường trẻ sẽ dễ lây bệnh tay chân miệng khi sinh hoạt ăn uống chung với bạn bè trong trường học hoặc các khu vui chơi giải trí. 

Khi trẻ bị mắc tay chân miệng sẽ có những biểu hiện thường thấy như sốt, đau họng, bắt đầu nổi những bọng nước nhỏ trên da, quanh miệng, bên trong má, lòng bàn tay và bàn chân… Khi thấy những dấu hiệu này ba mẹ nên cho con nghỉ học để không lây lan bệnh cho những bạn cùng lớp, đồng thời đưa con đến những cơ sở y tế gần nhất để được khám chữa bệnh. Không nên tự ý mua thuốc cho con hoặc điều trị bằng những biện pháp dân gian tại nhà.

Dùng thuốc đều đặn theo sự chỉ dẫn của bác sĩ

Thông thường, những loại thuốc được kê đơn cho trẻ khi bị mắc bệnh tay chân miệng là: 

  • Thuốc hạ sốt để giảm những cơn sốt nóng của trẻ khi bị tay chân miệng
  • Thuốc sát khuẩn và kháng viêm để điều trị những vết bóng nước trên cơ thể trẻ, tránh để lại sẹo sau khi lành bệnh.
  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng những loại thuốc bôi ngoài da cho trẻ.

Những điều ba mẹ nên làm khi trẻ bị tay chân miệng là cho trẻ uống thuốc đúng giờ và đúng liều theo chỉ dẫn của bác sĩ, không nên tự ý mua thêm thuốc ở ngoài cho trẻ uống. Trẻ em dưới 5 tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao, nếu không được điều trị đúng cách dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra trong quá trình uống thuốc, cho miệng trẻ bị đau nên dễ bị nôn mửa, vì thế vào mỗi buổi sáng và trước khi đi ngủ mẹ nên cho bé súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng để vệ sinh miệng sạch sẽ, giảm cơn đau rát để uống thuốc dễ hơn. 

Có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng

Top 5 bí quyết giúp bé nhanh khỏi bệnh tay chân miệngNhững món ăn bổ dưỡng giúp trẻ nhanh lành bệnh tay chân miệng

Chế độ ăn uống trong quá trình điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ rất quan trọng. Lúc này vì bệnh và những cơn đau nhức khiến trẻ biếng ăn, hay quấy khóc, vì thế ba mẹ nên kiên nhẫn, không nên la rầy trẻ mà hãy cho trẻ ăn những loại thực phẩm phù hợp để trẻ nhanh chóng khỏi bệnh.

Ăn những thức ăn mềm và dễ nuốt như súp, cháo loãng để giúp trẻ dễ tiêu hóa, không gây những tác động mạnh vào những vết bọng nước trong khoang miệng và cuống họng khiến trẻ đau đớn. Ăn cháo trứng, súp tôm, súp thịt bằm giúp trẻ bổ sung các chất dinh dưỡng như tinh bột, đạm, protein, sắt, vitamin, và chất khoáng. Chia nhỏ bữa ăn của trẻ thành nhiều khẩu phần trong ngày, không ép trẻ ăn quá nhiều vì lúc này hệ tiêu hóa của trẻ đang rất yếu. 

Ngoài những thực phẩm cung cấp đạm thì mẹ nên cho trẻ ăn trái cây hoặc nước ép trái cây để giúp trẻ mau khỏi bệnh. Nước dừa, nước ép lựu, đu đủ, dưa hấu… sẽ giúp cải thiện hệ tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch, bù nước và giảm những cơn đau khó chịu ở trẻ. Tuy nhiên không sử dụng những loại trái cây có vị chua như cam, buổi, kiwi, axit chua sẽ làm trẻ đau nhiều hơn.

Vui chơi và sinh hoạt hợp lý để nhanh chóng đẩy lùi những triệu chứng của bệnh

Top 5 bí quyết giúp bé nhanh khỏi bệnh tay chân miệngNhững cách chữa bệnh tay chân miệng đơn giản tại nhà

Để chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, mẹ nên thường xuyên ở bên cạnh trẻ để chơi đùa cùng con, khiến trẻ không cảm thấy tủi thân hoặc buồn bã vì bị bệnh. Lúc này trẻ bị hạn chế tiếp xúc với người khác và bị cách ly với bạn bè nên chỉ có gia đình là nguồn động viên của con. Khi trẻ chơi xong đồ chơi thì mẹ hãy nhớ ngâm tẩy đồ chơi bằng dung dịch cloramin 2% để khử khuẩn. 

Đặc biệt hãy cho trẻ tắm bằng nước ấm, không nên kiêng tắm. Một số ý kiến cho rằng không nên tắm cho trẻ vì dễ khiến các nốt mụn nước bị vỡ, tuy nhiên điều này là không đúng. Hãy tắm rửa nhẹ nhàng cho trẻ bằng khăn mềm và nước ấm để diệt sạch vi khuẩn gây bệnh.

Kiêng cữ đúng cách để giúp bé mau khỏi bệnh

Không nên kiêng tắm nhưng ba mẹ hãy kiêng cữ những điều sau:

  • Không cho trẻ ăn những thức ăn quá cứng, quá nóng hoặc quá lạnh. Những thức ăn mặn, cay hoặc chua vì có thể khiến các vết loét trong miệng nặng hơn và khiến trẻ đau đớn.
  • Không cho trẻ dùng chung vật dụng với những thành viên khác trong gia đình, quần áo và vật dụng cá nhân của trẻ phải được sát trùng cẩn thận.
  • Không cho con tiếp xúc với không khí và nước bẩn đồng thời không cho trẻ gãi, đụng vào các vết mụn nước trên cơ thể.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ lành khác, nên cho trẻ nghỉ ngơi ở nhà khoảng 1 tuần sau khi khỏi bệnh. 

Trúc

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin