Thạc sĩ Lê Đình Quyết, Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết hiện tượng này là mù chứ không phải sương mù, xuất hiện từ hôm 20/9. Nguyên nhân là dải hội tụ nhiệt đới hình thành, phát triển gây mưa nhiều, nhiệt độ ban ngày thấp, nên độ ẩm không khí cao tạo thành lớp mù. Đây cũng là biểu hiện của không khí bị ô nhiễm, hàm lượng bụi trong không khí cao.
Bụi mịn là gì? Tác động gì tới sức khỏe?
Bụi mịn hay bụi PM2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí, khi nồng độ tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù.
Bầu trời mù mịt tại TP HCM trong những ngày vừa qua
Theo AirVisual, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại TP HCM hai ngày qua ở mức ô nhiễm nặng (màu đỏ, cam) - là mức thuộc nhóm có hại cho sức khỏe của người dân. Chỉ số bụi mịn PM2.5 dao động ở mức trên 100 µg/m³, cao hơn gấp 4 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gần 11 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tiến sĩ Lê Trần Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết tỷ lệ bụi mịn PM 2.5 tăng gấp hơn bốn lần mức độ cho phép gây nhiều tác hại đến đường hô hấp nói chung, bệnh lý tai mũi họng nói riêng.
Theo bác sĩ Minh, trong hệ hô hấp mũi là cơ quan đầu tiên tiếp xúc với môi trường ngoài nên dễ viêm nhiễm khi thay đổi về thời tiết hay ô nhiễm không khí. Đường hô hấp trên bị ảnh hưởng gây các triệu chứng nghẹt sổ mũi viêm xoang nhức đầu và làm tăng tình trạng dị ứng.
Bệnh lý mũi xoang sẽ gây ảnh hưởng đến các bệnh lý liên quan ở vùng họng và tai. Ô nhiễm không khí sẽ gây viêm họng đau rát, xuất tiết ở họng và lan đến vùng thanh quản phía dưới. Viêm mũi xoang cũng làm tắc nghẽn vòi nhĩ, dẫn tới bệnh lý tai gia tăng. Trường hợp bệnh lý tai mũi họng ảnh hưởng nặng sẽ gây bệnh đến vùng phế quản phổi.
Lời khuyên của chuyên gia
Bác sĩ khuyến cáo để phòng ngừa và giảm tác động của ô nhiễm không khí, cần chú ý ăn uống sạch, vệ sinh mũi hàng ngày làm giảm tác nhân gây bệnh và có hại từ không khí. Cần sử dụng các loại khẩu trang khi đi đường hoặc khi tiếp xúc với môi trường nhiều bụi bẩn, khói bụi.
Trẻ em có sức đề kháng yếu cha mẹ nên tạo thói quen vệ sinh mũi họng hàng ngày cho bé
Ngoài ra nên chú ý một số điều sau:
- Những lúc đường đông, giờ cao điểm nên hạn chế ra ngoài, tránh khu vực thường bị ô nhiễm như khu công nghiệp, đường cao tốc, công trường đang thi công,...
- Ưu tiên sống ở nơi thoáng nhất có thể, càng nhiều cây xanh càng tốt.
- Thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe và cải thiện sức đề kháng.
- Hạn chế đeo kính áp tròng bởi các hạt bụi có thể kẹt giữa con ngươi và mắt kính, từ đó làm hỏng giác mạc.
- Khi ra ngoài về nên rửa tay ngay và uống đủ nước.
Trẻ em có sức đề kháng yếu, hệ thống tại mũi họng dễ mẫn cảm và dị ứng, nên cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, uống nhiều nước, tránh tiếp xúc môi trường bụi bẩn khói thuốc. Khi thời tiết thay đổi và ô nhiễm nên giữ ấm cho trẻ, tăng cường sức đề kháng, tạo thói quen vệ sinh mũi họng hàng ngày.
Ánh Phạm