1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách phân biệt ho do viêm phế quản và ho do viêm họng

Quỳnh Loan

01/07/2025
Kích thước chữ

Ho là triệu chứng phổ biến trong các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt là viêm họng và viêm phế quản. Tuy nhiên, không phải ai cũng phân biệt được ho do viêm phế quản và ho do viêm họng. Việc nhận biết đúng nguyên nhân gây ho không chỉ giúp điều trị kịp thời mà còn ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là vào mùa lạnh hoặc giao mùa, các bệnh lý về đường hô hấp như viêm họng và viêm phế quản thường xuất hiện nhiều hơn. Cả hai bệnh đều gây ra triệu chứng ho, khiến người bệnh dễ nhầm lẫn. Vậy ho do viêm phế quản và ho do viêm họng khác nhau như thế nào? Việc phân biệt hai loại ho này là rất quan trọng để người bệnh có phương pháp điều trị chính xác và hiệu quả.

Viêm họng và viêm phế quản là gì?

Viêm họng là gì?

Viêm họng là tình trạng viêm niêm mạc họng, chủ yếu ở vùng hầu - họng. Đây là vị trí giao nhau giữa đường thở và đường ăn nên rất dễ bị tác động bởi các yếu tố nội và ngoại sinh như thời tiết, vi khuẩn, virus hoặc tác nhân hóa học. Phần lớn mọi người đều từng bị viêm họng ít nhất một lần mỗi năm, đặc biệt vào mùa lạnh hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột.

Nguyên nhân chính gây viêm họng bao gồm nhiễm trùng do virus, vi khuẩn, hít phải khói thuốc lá hoặc các chất gây kích ứng, ô nhiễm không khí và mắc các bệnh lý đường hô hấp. Viêm họng có thể biểu hiện bằng nhiều triệu chứng như đau rát cổ họng, ngứa họng, ho khan, có đờm, sốt nhẹ, khàn tiếng hoặc mất tiếng.

Nếu không điều trị đúng cách, viêm họng có thể trở thành mãn tính và gây biến chứng như viêm amidan, viêm họng hạt hoặc viêm thanh quản.

Cách phân biệt ho do viêm phế quản và ho do viêm họng 1
Tình trạng viêm niêm mạc họng, chủ yếu ở vùng hầu - họng là viêm họng

Viêm phế quản là gì?

Viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm các ống phế quản dẫn khí từ khí quản vào phổi. Hệ thống phế quản giống như một cây phân nhánh gồm các ống lớn và nhỏ, khi bị viêm sẽ dẫn đến sưng tấy, tiết dịch nhầy, gây cản trở quá trình hô hấp.

Viêm phế quản được chia thành hai loại:

Viêm phế quản cấp tính

Thường do nhiễm virus hoặc vi khuẩn, kéo dài vài ngày đến vài tuần. Người bệnh thường có biểu hiện ho kéo dài, có đờm, sốt, đau ngực và thở khò khè.

Viêm phế quản mãn (mạn) tính

Xảy ra khi tình trạng viêm kéo dài trên ba tháng mỗi năm, trong ít nhất hai năm liên tiếp. Đây là bệnh lý nghiêm trọng hơn, liên quan đến các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Viêm phế quản nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, áp xe phổi, suy hô hấp hoặc thậm chí đe dọa tính mạng.

Phân biệt ho do viêm phế quản và ho do viêm họng

Dưới đây là bảng so sánh giúp bạn dễ dàng phân biệt ho do viêm phế quản và ho do viêm họng:

Tiêu chí

Ho do viêm họng

Ho do viêm phế quản

Nguyên nhân chính

Nhiễm virus, vi khuẩn vùng họng

Viêm nhiễm ống phế quản do virus vi khuẩn

Vị trí viêm

Niêm mạc họng (hầu - họng)

Niêm mạc các ống phế quản

Triệu chứng chính

Ngứa họng, ho khan, đau rát họng

Ho nhiều, ho có đờm, khò khè, nặng ngực

Đặc điểm cơn ho

Ho khan, từng cơn, có cảm giác vướng họng

Ho dữ dội, liên tục, có thể khạc đờm

Đờm

Ít hoặc không có đờm

Có đờm trắng, vàng hoặc xanh

Biểu hiện đi kèm

Sốt nhẹ, hắt hơi, chảy mũi

Sốt cao, thở khò khè, khó thở

Nguy cơ biến chứng

Viêm amidan, viêm thanh quản

Viêm phổi, suy hô hấp, bệnh phổi mãn tính

Việc phân biệt chính xác ho do viêm phế quản và ho do viêm họng giúp người bệnh lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp, tránh sử dụng thuốc sai mục đích gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cách phân biệt ho do viêm phế quản và ho do viêm họng  2
Phân biệt được giữa ho do viêm phế quản và ho do viêm họng giúp việc điều trị chính xác hơn

Cách xử lý ho do viêm phế quản và ho do viêm họng

Việc xử lý triệu chứng ho do viêm phế quản và ho do viêm họng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ triệu chứng. Dưới đây là hướng dẫn cơ bản:

Ho do viêm họng

  • Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt (paracetamol) nếu có sốt.
  • Súc miệng bằng nước muối sinh lý để làm sạch họng.
  • Uống nhiều nước ấm, tránh đồ ăn cay, nóng hoặc lạnh.
  • Có thể sử dụng thuốc ho thảo dược hoặc siro giảm ho.
  • Trong trường hợp nặng hoặc nghi do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê kháng sinh.

Ho do viêm phế quản

  • Dùng thuốc long đờm, giãn phế quản theo chỉ định.
  • Uống nhiều nước để làm loãng đờm và dễ khạc ra ngoài.
  • Dùng thuốc giảm ho nếu ho nhiều gây mệt mỏi.
  • Sử dụng kháng sinh theo chỉ định bác sĩ nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn.
  • Trong trường hợp viêm phế quản mãn tính, cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ và tái khám định kỳ.

Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc ho nếu chưa có chỉ định của bác sĩ vì có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc hoặc che lấp triệu chứng gây chẩn đoán sai lệch.

Cách phân biệt ho do viêm phế quản và ho do viêm họng 3
Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc ho nếu chưa có chỉ định của bác sĩ

Lưu ý khi chăm sóc tại nhà

Dù là ho do viêm phế quản hay ho do viêm họng, người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ sinh hoạt và chăm sóc hợp lý để cải thiện triệu chứng, tránh diễn tiến nặng hoặc tái phát nhiều lần:

  • Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh làm việc quá sức để cơ thể có thời gian phục hồi.
  • Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ và ngực, nhất là vào ban đêm hoặc khi thời tiết lạnh.
  • Uống nước ấm thường xuyên để làm dịu cổ họng, giúp loãng đờm và giảm kích ứng niêm mạc hô hấp.
  • Ăn cháo loãng hoặc thức ăn dễ tiêu, tránh đồ ăn cay nóng, chiên rán vì có thể làm tổn thương niêm mạc họng.
  • Hạn chế tiếp xúc với môi trường bụi bẩn, khói thuốc, hóa chất hoặc nơi có nhiều người bệnh hô hấp.
  • Tăng cường vitamin C qua trái cây như cam, chanh, bưởi để nâng cao sức đề kháng.

Ngoài ra, có thể xông mũi họng bằng tinh dầu thiên nhiên như bạc hà, khuynh diệp để giảm nghẹt mũi và hỗ trợ hô hấp dễ dàng hơn.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Người bệnh cần đến cơ sở y tế khi xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Ho kéo dài trên 1 tuần không thuyên giảm dù đã chăm sóc tại nhà.
  • Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt thông thường.
  • Khó thở, thở khò khè, tức ngực, đặc biệt là khi vận động nhẹ cũng cảm thấy mệt.
  • Ho ra máu hoặc đờm xanh đục kéo dài trên 3 ngày, nghi ngờ bội nhiễm vi khuẩn hoặc biến chứng phổi.
Cách phân biệt ho do viêm phế quản và ho do viêm họng 4
Người bệnh cần đến cơ sở y tế khi sốt cao liên tục, ho kéo dài, khó thở, ho ra máu

Việc khám sớm sẽ giúp phát hiện chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời, đặc biệt là đối với các trường hợp ho do viêm phế quản và ho do viêm họng có nguy cơ tiến triển nặng.

Tóm lại, phân biệt ho do viêm phế quản và ho do viêm họng không chỉ giúp người bệnh hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình mà còn giúp lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Nếu có triệu chứng ho kéo dài hoặc ho kèm theo biểu hiện bất thường, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời. Bảo vệ sức khỏe đường hô hấp là cách tốt nhất để nâng cao chất lượng cuộc sống mỗi ngày.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin