1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm phổi cộng đồng và viêm phổi bệnh viện khác nhau như thế nào?

Thanh Hương

30/06/2025
Kích thước chữ

Viêm phổi, một bệnh lý hô hấp phổ biến, được chia thành viêm phổi cộng đồng và viêm phổi bệnh viện với những đặc điểm riêng biệt. Hiểu rõ sự khác biệt giữa hai loại viêm phổi này là rất quan trọng để chẩn đoán và điều trị hiệu quả.

Viêm phổi là bệnh lý hô hấp phổ biến và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Trong lâm sàng, viêm phổi được phân loại thành hai nhóm chính là viêm phổi cộng đồng và viêm phổi bệnh viện.

Việc phân biệt đúng hai loại viêm phổi này rất quan trọng vì tác nhân gây bệnh, phương pháp điều trị và tiên lượng có sự khác biệt rõ rệt. Vậy viêm phổi cộng đồng và viêm phổi bệnh viện khác nhau như thế nào?

Tác nhân gây viêm phổi cộng đồng và viêm phổi bệnh viện

Viêm phổi cộng đồng (Community-Acquired Pneumonia – CAP) là tình trạng nhiễm trùng phổi xảy ra ở ngoài bệnh viện hoặc trong vòng 48 giờ đầu kể từ khi nhập viện. Tác nhân thường gặp nhất là phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae, các virus đường hô hấp như virus cúm, RSV, adenovirus.

Một số trường hợp khác có thể do Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae gây ra (viêm phổi không điển hình ở người lớn). Viêm phổi cộng đồng phổ biến ở người cao tuổi, trẻ nhỏ, và những người có bệnh nền mạn tính như đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tim mạch.

Ngược lại, viêm phổi bệnh viện (Hospital-Acquired Pneumonia – HAP) là tình trạng viêm phổi khởi phát sau 48 giờ nằm viện trở lên, không liên quan đến tình trạng nhiễm trùng đang diễn tiến khi nhập viện.

Tác nhân gây bệnh thường là vi khuẩn Gram âm kháng thuốc mạnh như Pseudomonas aeruginosa, Acinetobacter baumannii, hoặc tụ cầu vàng kháng Methicillin (MRSA). Đối tượng dễ mắc HAP gồm bệnh nhân nằm ICU, thở máy, sau phẫu thuật lớn, suy giảm miễn dịch, hoặc có thời gian nằm viện kéo dài.

Viêm phổi cộng đồng và viêm phổi bệnh viện khác nhau như thế nào 1
Viêm phổi cộng đồng và viêm phổi bệnh viện khác nhau ở thời điểm khởi phát, tác nhân gây bệnh

Triệu chứng viêm phổi cộng đồng và viêm phổi bệnh viện

Các triệu chứng của viêm phổi cộng đồng thường khởi phát đột ngột và rầm rộ, với biểu hiện điển hình là sốt cao 39 - 40°C kèm rét run, báo hiệu tình trạng nhiễm trùng cấp tính. Bệnh nhân thường xuất hiện ho nhiều, khạc đờm màu vàng hoặc xanh, đờm đặc, đôi khi có mùi hôi.

Ngoài ra, một số người cảm thấy đau tức ngực kiểu màng phổi, đặc biệt khi ho hoặc hít sâu. Khi chụp X-quang phổi, bác sĩ có thể phát hiện rõ hình ảnh tổn thương tập trung ở một thùy phổi, điển hình là viêm phổi thùy.

Triệu chứng viêm phổi bệnh viện có diễn tiến âm thầm và không điển hình. Người bệnh thường chỉ có sốt nhẹ hoặc sốt dai dẳng, kèm khó thở tăng dần, dễ bị bỏ qua nếu không theo dõi sát.

Đờm đặc, khó khạc, đôi khi có máu, đặc biệt ở bệnh nhân đang dùng máy thở lâu ngày là biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng nặng hoặc tổn thương phế nang.

Hình ảnh X-quang phổi cho thấy các đám mờ lan tỏa nhiều vùng, không điển hình như CAP, và có thể bị nhầm lẫn với phù phổi, xẹp phổi hoặc các biến chứng nội khoa khác.

Viêm phổi cộng đồng và viêm phổi bệnh viện khác nhau như thế nào 2
Phân biệt CAP và HAP thông qua triệu chứng giúp bác sĩ định hướng điều trị

Điều trị viêm phổi cộng đồng và viêm phổi bệnh viện

Cả viêm phổi cộng đồng và viêm phổi bệnh viện đều cần được điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm ngay từ đầu. Sau đó bác sĩ sẽ điều chỉnh phác đồ điều trị dựa vào kết quả cấy vi sinh và kháng sinh đồ.

Điều trị viêm phổi cộng đồng

Điều trị viêm phổi cộng đồng cần phác đồ được cá thể hóa theo mức độ nặng và vị trí điều trị. Với những trường hợp nhẹ, không biến chứng, người bệnh có thể điều trị ngoại trú bằng kháng sinh đường uống. Lựa chọn đầu tay thường là Amoxicillin liều cao 1g, uống 3 lần mỗi ngày trong 7 ngày, do hiệu quả tốt với vi khuẩn Streptococcus pneumoniae.

Trong các trường hợp nghi ngờ vi khuẩn không điển hình (Mycoplasma, Chlamydia, Legionella), bác sĩ có thể chỉ định thêm hoặc thay thế bằng kháng sinh nhóm macrolide như Azithromycin hoặc Clarithromycin.

Với những ca nặng, cần nhập viện, phác đồ tiêu chuẩn là Ceftriaxone (1–2g/ngày) kết hợp với Azithromycin đường tĩnh mạch, nhằm bao phủ cả vi khuẩn điển hình lẫn không điển hình. Người bệnh cũng cần được theo dõi sát tình trạng hô hấp và đáp ứng điều trị trong 48 - 72 giờ đầu để điều chỉnh phác đồ nếu cần.

Điều trị viêm phổi bệnh viện

Viêm phổi bệnh viện thường do vi khuẩn kháng thuốc, nên điều trị cần khởi đầu ngay bằng kháng sinh phổ rộng, có phổ tác dụng phù hợp. Với bệnh nhân không thở máy, lựa chọn thường dùng là Piperacillin/tazobactam (4.5g x 3 lần/ngày, tiêm tĩnh mạch). Đây là một kháng sinh có phổ rộng, hiệu quả với Pseudomonas aeruginosa và nhiều chủng vi khuẩn Gram âm khác.

Viêm phổi cộng đồng và viêm phổi bệnh viện khác nhau như thế nào 3
Thời gian điều trị CAP và HAP thường kéo dài từ 7 - 14 ngày

Trong các trường hợp viêm phổi liên quan thở máy, nguy cơ nhiễm vi khuẩn đa kháng rất cao nên cần lựa chọn phác đồ kháng sinh phổ rộng phù hợp.

Tùy vào yếu tố dịch tễ và nguy cơ đề kháng, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng Meropenem hoặc các kháng sinh phổ rộng khác kết hợp với thuốc bao phủ tụ cầu vàng kháng Methicillin (MRSA) khi cần thiết.

Nếu có nghi ngờ vi khuẩn kháng Carbapenem, bác sĩ sẽ chỉ định thêm Colistin, một kháng sinh nhóm polymyxin dùng trong các trường hợp “kháng sinh cuối cùng”.

Biến chứng viêm phổi cộng đồng và viêm phổi bệnh viện

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cả viêm phổi cộng đồng và viêm phổi bệnh viện đều có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, viêm phổi bệnh viện thường diễn biến phức tạp hơn, do liên quan đến các chủng vi khuẩn đa kháng và bệnh nhân vốn đã có nhiều yếu tố nguy cơ.

Áp xe phổi

Áp xe phổi là biến chứng xảy ra khi mô phổi bị hoại tử và hình thành một khoang chứa mủ. Trong viêm phổi cộng đồng, biến chứng áp xe phổi thường ít gặp. Trong khi ở viêm phổi bệnh viện, tỷ lệ này có xu hướng cao hơn do tác nhân gây bệnh thường là các vi khuẩn có độc lực mạnh và đề kháng thuốc.

Tràn mủ màng phổi

Tràn mủ màng phổi là tình trạng mủ tích tụ trong khoang màng phổi, gây chèn ép phổi và cản trở hô hấp.

Ở viêm phổi cộng đồng, biến chứng này không phổ biến và thường chỉ xảy ra khi điều trị muộn hoặc gặp vi khuẩn nguy hiểm như liên cầu nhóm A. Trái lại, trong viêm phổi bệnh viện, tràn mủ màng phổi xuất hiện thường xuyên hơn do vi khuẩn bệnh viện có khả năng gây viêm lan rộng và phá hủy màng phổi nhanh chóng.

Viêm phổi cộng đồng và viêm phổi bệnh viện khác nhau như thế nào 4
Viêm phổi bệnh viện có tỷ lệ biến chứng nặng và tử vong cao hơn

Suy đa tạng

Cả viêm phổi cộng đồng và viêm phổi bệnh viện đều có nguy cơ biến chứng suy đa tạng, nhưng thường gặp hơn ở viêm phổi bệnh viện. Suy đa tạng là biến chứng nặng nhất, thường gặp khi viêm phổi chuyển thành nhiễm khuẩn huyết hoặc sốc nhiễm trùng. Suy gan, suy thận cấp, rối loạn đông máu là những biểu hiện thường gặp khi bị suy đa dạng, khiến việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn.

Qua những thông tin trên, hy vọng bạn đã có cái nhìn rõ ràng hơn về sự khác biệt giữa viêm phổi cộng đồng và viêm phổi bệnh viện. Việc phân biệt hai loại này quyết định việc lựa chọn kháng sinh và phác đồ điều trị tối ưu. Khi có các triệu chứng hô hấp bất thường, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin