Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trầm cảm giai đoạn cuối: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 10/07/2024
Kích thước chữ

Trầm cảm giai đoạn cuối là một trong những giai đoạn nặng nề nhất của căn bệnh trầm cảm. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị trầm cảm giai đoạn cuối.

Trầm cảm là một căn bệnh tâm lý phổ biến nhưng đầy phức tạp, có thể tiến triển qua nhiều giai đoạn với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Trong đó, trầm cảm giai đoạn cuối là một tình trạng đáng báo động cần can thiệp kịp thời. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị trầm cảm giai đoạn cuối để có thể nhận biết và hỗ trợ người bệnh một cách hiệu quả.

Trầm cảm là gì? Các mức độ của trầm cảm

Theo một nghiên cứu của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, tỷ lệ mắc trầm cảm ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây (khoảng 3,6% dân số) do áp lực cuộc sống hiện đại và các yếu tố khác. 

Vậy trầm cảm là gì? Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần phổ biến và nghiêm trọng, người mắc bệnh thường có tâm trạng buồn bã, trầm uất, có hoặc không kèm theo triệu chứng khóc, gây ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của người bệnh.

Các mức độ trầm cảm được chia thành ba cấp độ chính gồm:

  • Trầm cảm mức độ nhẹ - Trầm cảm cấp độ 1: Ở cấp độ này, người bệnh thường cảm thấy buồn bã, mất hứng thú với các hoạt động hàng ngày, khó tập trung và mệt mỏi. Tuy nhiên, các triệu chứng này không ảnh hưởng quá nhiều đến công việc và các mối quan hệ xã hội.
  • Trầm cảm mức độ trung bình - Trầm cảm cấp độ 2: Các triệu chứng trở nên rõ rệt và dai dẳng hơn, gây khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày. Người bệnh có thể cảm thấy tuyệt vọng, mất ngủ, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, có suy nghĩ tiêu cực về bản thân và cuộc sống.
  • Trầm cảm mức độ nặng - Trầm cảm cấp độ 3: Các triệu chứng trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh. Người bệnh có thể mất khả năng làm việc, giao tiếp và chăm sóc bản thân. Thậm chí họ có suy nghĩ tự tử và hành vi tự gây tổn thương chính mình.
Trầm cảm giai đoạn cuối: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 1
Nhận biết mức độ trầm cảm giúp chọn phương pháp điều trị phù hợp

Biểu hiện của trầm cảm giai đoạn cuối

Các giai đoạn của trầm cảm gồm: Trầm cảm nhẹ, trầm cảm vừa, trầm cảm nặng, trầm cảm không kèm loạn thần, trầm cảm kèm loạn thần,... Trong đó, trầm cảm giai đoạn đầu thường xảy ra do các triệu chứng nhẹ không được phát hiện và điều trị kịp thời. 

Trầm cảm giai đoạn cuối hay trầm cảm nặng, là giai đoạn nghiêm trọng nhất của rối loạn trầm cảm, trong đó các triệu chứng trở thành mãn tính và khó kiểm soát. Ở giai đoạn này, người bệnh thường trải qua những cảm xúc tiêu cực kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và khả năng hoạt động hàng ngày. Đây là giai đoạn khó chữa và nguy hiểm nhất, bệnh nhân có thể có ý định hoặc hành động tự sát, cần phải kiên trì điều trị.

Biểu hiện trầm cảm ở giai đoạn cuối bao gồm biểu hiện tâm lý, hành vi và các triệu chứng về mặt thể chất. Cụ thể là:

Các biểu hiện tâm lý và hành vi tiêu cực

Khi bị trầm cảm ở giai đoạn cuối, người bệnh sẽ có các biểu hiện như:

  • Người bệnh trầm cảm giai đoạn cuối thường xuyên cảm thấy buồn bã, tuyệt vọng mà không rõ lý do. Cảm giác này không phải là trạng thái tạm thời mà kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.
  • Người bệnh thường xuyên cảm thấy lo lắng, căng thẳng và không thể thư giãn.
  • Những hoạt động mà người bệnh từng yêu thích trở nên vô nghĩa. Họ không còn cảm thấy hứng thú khi tham gia vào các hoạt động giải trí, thể thao, gặp gỡ bạn bè và gia đình như trước đây.
  • Suy nghĩ tiêu cực về bản thân, cảm giác tự ti và vô dụng cũng xâm chiếm tâm trí họ. Người bệnh thường có cảm giác rằng họ không xứng đáng với sự quan tâm và yêu thương từ người khác, dẫn đến tình trạng tự cô lập và xa lánh xã hội.
Trầm cảm giai đoạn cuối: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 2
Triệu chứng trầm cảm giai đoạn cuối nghiêm trọng và kéo dài

Triệu chứng thể chất của trầm cảm giai đoạn cuối

Người bị trầm cảm ở giai đoạn cuối sẽ gặp các triệu chứng về mặt thể chất như:

  • Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của trầm cảm giai đoạn cuối là mệt mỏi liên tục và suy nhược cơ thể. Người bệnh cảm thấy thiếu năng lượng, ngay cả khi họ không hoạt động nhiều.
  • Trầm cảm giai đoạn cuối thường đi kèm với rối loạn giấc ngủ, bao gồm khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể gặp vấn đề về ăn uống như ăn quá ít hoặc ăn quá nhiều, dẫn đến sụt cân nhanh chóng hay tăng cân mất kiểm soát.
  • Nhiều người mắc trầm cảm giai đoạn cuối trải qua cảm giác đau nhức khắp cơ thể mà không có nguyên nhân rõ ràng. Điều này có thể làm tăng thêm sự mệt mỏi và khó chịu cho người bệnh.

Mối nguy hiểm của trầm cảm giai đoạn cuối

Trầm cảm ở giai đoạn cuối ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trầm cảm giai đoạn cuối ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tập trung, ghi nhớ và hiệu suất làm việc, học tập. Họ gặp khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ hàng ngày, dẫn đến giảm sút kết quả học tập và hiệu suất công việc.

Các mối quan hệ gia đình và xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng do người bệnh có xu hướng rút lui, cô lập bản thân, gây gổ vô cớ. Họ tránh gặp gỡ bạn bè, gia đình và thậm chí cả những người thân thiết nhất. Họ cũng có thể căng thẳng mọi lúc, mọi nơi và với bất cứ ai.

Trầm cảm giai đoạn cuối: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 3
Phụ nữ sau sinh là đối tượng có nguy cơ cao mắc trầm cảm nặng

Một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của trầm cảm giai đoạn cuối là nguy cơ tự tử. Theo ước tính vào năm 2023, có khoảng 40.000 người Việt Nam tự tử mỗi năm do trầm cảm. Trầm cảm là nguyên nhân của hơn 50% các trường hợp tự tử ở nước ta.

Điều trị trầm cảm giai đoạn cuối

Trầm cảm ở giai đoạn cuối cần được can thiệp, điều trị kịp thời. Người bệnh cần được đưa đi khám chuyên khoa. Qua thăm khám, bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị phù hợp. Phương pháp điều trị thường bao gồm:

Điều trị bằng thuốc chống trầm cảm

Y học hiện đại đã tìm ra nhiều loại thuốc chống trầm cảm, sử dụng đúng liều lượng, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, tỷ lệ chữa khỏi bệnh trầm cảm là rất cao. Các loại thuốc phổ biến bao gồm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) (như Fluoxetine, Sertraline) và thuốc ức chế tái hấp thu Serotonin-norepinephrine (SNRIs) (như Venlafaxine). Thuốc chống trầm cảm giúp cải thiện tâm trạng và giảm các triệu chứng trầm cảm.

Dù thuốc chống trầm cảm có hiệu quả nhưng chúng có thể gây ra tác dụng phụ như: Buồn nôn, tăng cân, mất ngủ… Người bệnh cần theo dõi tác dụng phụ và báo cáo cho bác sĩ để điều chỉnh liều lượng hoặc thay đổi loại thuốc nếu cần thiết. Việc tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ và không tự ý ngừng thuốc cũng rất quan trọng.

Liệu pháp tâm lý chữa trầm cảm giai đoạn cuối

Tư vấn tâm lý và liệu pháp nhận thức hành vi là các liệu pháp phổ biến giúp người bệnh trầm cảm thay đổi cách suy nghĩ và hành vi tiêu cực. Các liệu pháp này tập trung vào việc giúp bệnh nhân thay đổi các suy nghĩ không lành mạnh, kiểm soát được căng thẳng và cảm xúc tiêu cực.

Trầm cảm giai đoạn cuối: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 4
Bệnh nhân trầm cảm cần được điều trị bằng thuốc, điều trị tâm lý

Liệu pháp gia đình và nhóm hỗ trợ

Liệu pháp gia đình giúp cải thiện mối quan hệ trong gia đình, mang đến sự hỗ trợ tinh thần quan trọng cho người bệnh. Nhóm hỗ trợ cũng mang đến cho người bệnh trầm cảm môi trường an toàn để chia sẻ và nhận được sự đồng cảm từ những người có hoàn cảnh tương tự.

Các phương pháp hỗ trợ khác như thay đổi lối sống, tham gia các hoạt động thư giãn, tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hay chương trình hỗ trợ từ cộng đồng cũng hữu ích đối với người bị trầm cảm giai đoạn cuối.

Theo báo cáo của Bộ Y tế Việt Nam, tỷ lệ mắc trầm cảm ở người trưởng thành chiếm khoảng 5 - 6% dân số. Trầm cảm giai đoạn cuối không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tâm lý và xã hội. Việc hiểu và áp dụng đúng, đủ các phương pháp điều trị và hỗ trợ hiệu quả là rất quan trọng để giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm thiểu các tác động tiêu cực.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin