Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trẻ bị ghẻ nước tắm lá gì mau hết?

Ngày 24/01/2022
Kích thước chữ

Bệnh ghẻ là một bệnh lý da liễu phổ biến hiện nay. Bên cạnh việc sử dụng thuốc theo toa của bác sĩ thì cũng có rất nhiều người kết hợp với tắm bằng những thảo dược tại nhà cũng là những giải pháp được áp dụng rất phổ biến. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Ghẻ nước là bệnh da liễu phổ biến ở nước ta hiện nay mà bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc phải kể cả trẻ nhỏ. Khi phát hiện những vùng da trên cơ thể xuất hiện những nốt mụn nhỏ li ti có nước bên trong kèm theo cảm giác ngứa ngáy khó chịu thì rất có thể bệnh nhân đã mắc phải bệnh ghẻ nước. Nếu không có hướng điều trị nhanh chóng, kịp thời và đúng cách bệnh dễ lây lan nhanh trong cộng đồng và dẫn đến các biến chứng không mong muốn.

Bệnh ghẻ nước có thể trị dễ dàng nếu như chúng ta phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đặc biệt, nếu bệnh xảy ra với trẻ nhỏ thì thật không hay chút nào khi trẻ ngứa ngáy và khó chịu. Hãy cùng tham khảo kiến thức dưới đây dùng để điều trị ghẻ nước ở trẻ giúp cho con cưng của chúng ta có cuộc sống bình thường trở lại nha!

Bệnh ghẻ nước là gì?

Bệnh ghẻ nước do ký sinh trùng cái ghẻ (Sarcoptes scabiei hominis) tấn công vào lớp thượng bì hoặc trung bì của những vùng da non trên cơ thể. Khi chúng đã ký sinh trên da, ban đêm chúng tiếp tục đào những rãnh trên da để đẻ trứng và sinh sôi nảy nở làm cho cơ thể vật chủ cảm thấy rất ngứa và khó chịu. Bệnh thường gặp ở những nơi điều kiện vệ sinh không được sạch sẽ hoặc do bệnh nhân đã từng tiếp xúc với người bệnh trước đó. Bệnh tuy không nguy hiểm nếu như được phát hiện sớm nhưng cũng mang lại sự phiền toái nhất định đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Cần làm gì khi trẻ bị ghẻ nước?

Khi xác định con cưng của chúng ta có có những dấu hiệu của bệnh ghẻ nước như: Da nổi nhiều mụn nước, sần đỏ, ngứa ngáy và quấy khóc thì cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, phụ huynh cần lưu ý những vấn đề sau để giúp cho sức khỏe con em mình cũng như những thành viên trong gia đình được phục hồi nhanh hơn nhé:

  • Khi một thành viên trong gia đình mắc phải bệnh ghẻ nước thì cần điều trị đồng thời các thành viên khác vì rất có thể họ cũng đã nhiễm bệnh.
  • Tránh để cho các mụn nước trên da bị vỡ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng và chàm hóa gây mất thẩm mỹ cho người mắc bệnh.
  • Những đồ dùng cá nhân như quần áo, drap trải giường, chăn màn... phải được ngâm với nước nóng 60 độ trở lên và phơi liên tục 5 nắng sau đó ủi lại 2 mặt.
  • Người bệnh nên được cách li, ngủ riêng với người lành để tránh lây nhiễm chéo.
  • Cho trẻ uống nhiều nước nếu trẻ đã hết giai đoạn bú sữa mẹ.
  • Ăn nhiều trái cây và tập thể dục thể thao thường xuyên hơn để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Trẻ bị ghẻ nước tắm lá gì mau hết?

Bệnh ghẻ nước có thể được điều trị bằng các phương pháp khác nhau như: Thuốc uống và thuốc bôi ngoài da. Với những trường hợp bệnh diễn biến nhẹ, từ thời xa xưa, các cụ vẫn truyền tai nhau cách dùng những thảo dược, lá cây tại vườn nhà để hỗ trợ làm giảm cơn ngứa ngáy khó chịu. Hãy cùng tìm hiểu các loại lá tắm có thể hỗ trợ điều trị bệnh ghẻ nước cho trẻ nhé!

1. Trị ghẻ nước bằng lá bạch đàn

Lá bạch đàn là bộ phận của cây bạch đàn được sử dụng để điều chế tinh dầu điều trị bệnh lý về nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm phế quản, giảm căng thẳng. Lá bạch đàn được xem là dược liệu có nhiều lợi ích cho sức khỏe con người, là thành phần chính của dầu gió mà chúng ta thường hay sử dụng.

Để điều trị bệnh ghẻ nước, lá bạch đàn tươi sau khi được hái (chọn những lá già) cần sửa sạch bụi bẩn, vò nhẹ, nấu lấy nước và pha với nước ấm tắm cho trẻ. Tinh dầu lá bạch đàn có tác dụng sát trùng, kháng viêm, giúp cho các mụn nước không nhiễm trùng và mau lành lại.

Trẻ bị ghẻ nước tắm lá gì mau hết?1 Trẻ bị ghẻ nước tắm với lá bạch đàn giúp làm giảm cơn ngứa ngáy khó chịu

2. Trị ghẻ nước bằng lá khế

Cây khế là cây ăn quả rất phổ biến ở các vùng quê Việt Nam. Về y học, quả của cây khế giúp cho cơ thể nhuận tràng, lá khế được dùng để chữa bệnh khớp, hạ mỡ máu, tiểu đường, chữa mẫn ngứa, mề đay. Đối với bệnh ghẻ nước đặc biệt ngứa ngáy khó chịu về đêm thì lá khế trong vườn nhà là cách giúp giảm cơn ngứa hiệu quả hơn hết.

Đối với trẻ nhỏ việc chọn lá khế tắm giúp giảm cơn ngứa gây cho trẻ khó chịu, quấy khóc là phương pháp thường được người xưa sử dụng rất an toàn và lành tính. Lá khế hái xong rửa thật sạch, cần khoảng 200g lá tươi sau đó vò nát. Nấu với 2 lít nước, có thể thêm 2 muỗng cà phê muối. Tắm cho trẻ với nhiệt độ thích hợp, sau đó xả sạch lại với nước. Hoặc nếu trong trường hợp ngứa dữ dội về đêm, có thể dùng lá khế tươi với một chút nước, vò nát rồi đắp lên vị trí ngứa. Sau khoảng 20 phút rửa sạch lại với nước. Trong lá khế có chứa rất nhiều chất kháng khuẩn, giúp tiêu diệt vi khuẩn gây ngứa da.

Trẻ bị ghẻ nước tắm lá gì mau hết?2 Sử dụng lá khế tắm giúp giảm ngứa và kháng khuẩn hiệu quả

3. Trị ghẻ nước bằng lá trầu

Trầu không là loại cây thân thuộc với người dân Việt Nam, thuộc họ dây leo, sống lâu năm, lá hình trái tim, mặt lá láng bóng. Lá trầu không có vị cay và nồng, tính ấm, mùi thơm rất đặc trưng với nhiều công dụng quý, giúp chống viêm và ngăn ngừa nhiễm trùng. Lá trầu còn chứa một lượng lớn thành phần tannin. Đây là hoạt chất có đặc tính làm săn da và thúc đẩy tốc độ chữa lành tổn thương trên da do ghẻ nước mang lại. Vì vậy dùng lá trầu không chữa bệnh ghẻ ở thể nhẹ không chỉ giúp kiểm soát bệnh mà còn giúp những tổn thương trên da mau lành trở lại.

Với làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ nếu không may bị ghẻ nước, phụ huynh có thể dùng một nắm lá trầu không tươi đem rửa sạch rồi vò nhẹ, nấu với 1 lít nước trong 5 phút rồi pha với nước ấm tắm cho trẻ ở nhiệt độ phù hợp. Trị ghẻ nước ở thể nhẹ bằng lá trầu là giải pháp đơn giản và lành tính.

Trẻ bị ghẻ nước tắm lá gì mau hết?3 Tận dụng lá trầu không trị ghẻ nước ở thể nhẹ

Tuy nhiên, cách tắm trị bệnh ghẻ nước bằng lá bạch đàn, lá khế và lá trầu chỉ là giải pháp hỗ trợ giúp cải thiện một số triệu chứng như ngứa, kháng khuẩn và làm giảm nhẹ tổn thương trên da. Để điều trị dứt điểm bệnh thì phụ huynh cần dùng thuốc bôi kết hợp thuốc uống theo đúng chỉ định bác sĩ. Bạn cần thông báo với bác sĩ điều trị nếu có dị ứng, kích ứng với các thành phần của lá bạch đàn, lá khế và lá trầu không nhé!

Hoàng Yến

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin