Trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng 6 trong 1: Nguyên nhân và cách xử trí
Ngày 15/07/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Đối với trẻ nhỏ, việc tiêm ngừa vắc xin là điều vô cùng cần thiết và quan trọng. Chủng ngừa có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch đặc hiệu, thu được nhằm phòng chống các loại bệnh nguy hiểm mà hoàn toàn có thể ngăn ngừa bằng Vắc xin. Tuy nhiên, bất kỳ loại vắc xin nào cũng có thể có phản ứng sau tiêm, với vắc xin đa giá 6 trong 1, thường gặp nhất là sốt. Vậy nguyên nhân trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng 6 trong 1 là gì?
Tại Việt nam, kể từ khi chương trình tiêm chủng mở rộng bắt đầu được thực hiện từ năm 1981 tới nay, thành quả ngăn ngừa bệnh đã được ghi nhận. Đặc biệt như Bại liệt chúng ta đã hoàn toàn "thanh toán" được. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc ghi nhận những phản ứng sau tiêm của chương trình cũng là mặt hạn chế mà chúng ta phải đối mặt. Bởi vậy, hầu như các bậc phụ huynh nào cũng quan tâm và lo lắng về các phản ứng của trẻ sau khi tiêm phòng vắc xin. Vậy hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu đâu là nguyên nhân, những phản ứng và cách xử lý như thế nào khi trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng 6 trong 1.
Tổng quát về vắc xin 6 trong 1
Vắc xin 6 trong 1 là một loại vắc xin hỗn hợp (Vắc xin đa giá) được tiêm chủng nhằm ngăn ngừa 6 loại bệnh nguy hiểm ở trẻ em có trong 1 mũi tiêm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 6 loại bệnh nguy hiểm đó là: Ho gà, Bạch hầu, Uốn ván, Bại liệt, Viêm gan B và Vi khuẩn Hib (Haemophilus Influenzae type B) gây ra Viêm Phối, Viêm tai giữa, Viêm màng não...
Hiện nay, tại thị trường Việt Nam chúng ta có hai loại vắc xin 6 trong 1 đang được dùng trong chương trình tiêm chủng dịch vụ cả 2 loại này có thành phần kháng nguyên tương đương nhau và do đó, trong những tình huống bất khả kháng, có thể thay thế cho nhau:
Vắc xin 6 trong 1 Hexaxim có nguồn gốc từ Pháp do Sanofi Pasteur sản xuất. Có mặt tại Việt Nam từ tháng 06 năm 2018.
Vắc xin 6 trong 1 Infanrix hexa có nguồn gốc từ Bỉ do GSK (GlaxoSmithKline) sản xuất. Hiện diện tại Việt nam từ năm 2006.
Đây là hai loại vắc xin có thành phần ho gà là loại vô bào (vắc xin bất hoạt bán phần), vì thế so với thành phần ho gà loại nguyên bào (Vắc xin bất hoạt toàn thể) thì tính an toàn cao hơn. Vì vậy, các phản ứng sau tiêm với mũi vắc xin đa giá 6 trong 1 thường ít gặp, hoặc gặp thì nhẹ hơn. việc cho trẻ đi tiêm vắc xin 6 trong 1 không chỉ giúp bé giảm được số lần đi tiêm chủng, giảm gánh nặng về số mũi tiêm mà còn tiết kiệm được chi phí cũng như thời gian đưa trẻ đi.
Về lịch tiêm phòng vắc xin 6 trong 1 cụ thể như sau:
Mũi 1: Khi trẻ được 2 tháng tuổi (Tối thiểu là từ 6 tuần tuổi).
Mũi 2: Khi trẻ được 3 tháng tuổi.
Mũi 3: Khi trẻ được 4 tháng tuổi.
Mũi 4: Mũi tiêm nhắc khi trẻ được 18 tháng tuổi.
Lưu ý:
Hoàn thành mũi tiêm nhắc trước 24 tháng tuổi.
Nếu mũi 3 tiêm muộn, khi trẻ trên 12 tháng tuổi thì khoảng cách mũi nhắc thứ 4 với mũi 3 tối thiểu là 06 tháng.
Thông thường loại vắc xin này cần phải tiêm ít nhất là 3 mũi cơ bản, khoảng cách giữa mỗi lần tiêm tối thiểu là 28 ngày.
Nguyên nhân, phản ứng và cách xử lý khi trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng vắc xin 6 trong 1
Tiêm phòng vắc xin 6 trong 1 cho trẻ nhằm ngăn ngừa, phòng tránh đặc hiệu nhóm gồm 6 bệnh khác nhau. Tuy nhiên, sau khi bé tiêm vắc xin 6 trong 1 có thể bị sốt. Vậy cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý khi bị sốt sau khi tiêm phòng vắc xin 6 trong 1 cùng Nhà thuốc Long Châu nhé!
Nguyên nhân
Khi được tiêm vắc xin 6 trong 1, hệ miễn dịch của Bé, sẽ tiến hành quá trình tạo miễn dịch đặc hiệu trải qua ba giai đoạn:
Nhận diện: Bước này, các tế bào có thẩm quyền miễn dịch tiến hành nhận diện, phân tích và trình diện các kháng nguyên có trong thành phần của Vắc xin.
Hoạt hóa: Thông qua các tế bào lym phô dòng B hay T sẽ có cơ chế đáp ứng miễn dịch dịch thể (tạo kháng thể) hay miễn dịch tế bào.
Hiệu quả: Loại bỏ kháng nguyên hay tác nhân gây bệnh.
Tùy thuộc vào đặc điểm, tình trạng, đáp ứng của từng bé mà có thể có phản ứng sốt hoặc không. Có trẻ sốt nhẹ dưới 38.5 độ C, có trẻ sốt cao trên 39.5 độ C. Thông thường, trẻ bị sốt sau khi tiêm chủng trong 24 giờ đầu, sau sẽ tự khỏi và bình phục hoàn toàn mà không cần bất cứ can thiệp nào, đa phần các bạn bị sốt không cần phải dùng thuốc hạ sốt.
Các phản ứng sau tiêm khác của trẻ
Ngoài triệu chứng sốt, em bé có thể gặp:
Tại vị trí tiêm: Sưng, nóng, đỏ đau. Đây là phản ứng của trẻ thường gặp với các thành phần tá dược hoặc kháng nguyên có trong vắc xin. Các biểu hiện này sẽ giảm và hết sau 1, vài ngày. Việc chườm lạnh, có thể giúp quá trình bình phục nhanh hơn.
Lưu ý: Ngoài chườm lạnh, không tự ý đắp bất kì vật gì lên vùng tiêm.
Trẻ quấy khóc, khó chịu và mệt mỏi: Đây là do tình trạng đáp ứng miễn dịch của bé với vắc xin. Các dấu hiệu, triệu chứng này cũng sẽ giảm và hết sau 1 vài ngày.
Trẻ bú ít, lười ăn: Việc cơ thể tiếp nhận nhiều nhóm kháng nguyên có trong vắc xin, và đáp ứng của cơ thể bé có thể làm thay đổi vị giác, kèm theo có thể do nguyên nhân sốt, nên bé sẽ bú ít hơn. Biểu hiện này cũng tự hết sau 1, vài ngày. Xử trí: Chúng ta nên chia nhỏ số lần bú và tăng cường số lần cho trẻ bú.
Bên cạnh những phản ứng thông thường, còn có một số trường hợp có phản ứng ít gặp, hiếm thậm chí rất hiếm gặp như:
Mày đay, phù mạch nhanh;
Khó thở, tức ngực, thở rít;
Đau bụng hoặc nôn;
Tụt huyết áp hoặc ngất;
Rối loạn ý thức;
Khóc thét bất thường;
Nhiễm khuẩn đường hô hấp;
Sưng viêm lan đến vị trí tiêm hoặc lan ra các khớp lân cận;
Khi có bất kì dấu hiệu, biểu hiện nào trên đây, chúng ta nên ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhà nhất để được chẩn đoán, xử trí phù hợp và tốt nhất. Đồng thời có thể liên hệ với tổng đài để được trợ giúp hiệu quả nhất.
Cách xử lý khi trẻ bị sốt
Sau khi tiêm phòng vắc xin 6 trong 1, trẻ xuất hiện sốt chúng ta nên bình tĩnh thực hiện các bước cụ thể như sau:
Trẻ bị sốt dưới 38.5 độ C: Đầu tiên cho bé chườm ấm, mặc quần áo thoải mái, thoáng mát, có thể thấm hút mồ hôi tốt, không cho trẻ ngồi hoặc nằm trực tiếp dưới quạt. Tăng cường cho trẻ bú bằng tăng số lần và thời gian mỗi lần bú.
Trẻ bị sốt trên 38.5 độ C: Cho bé uống thuốc hạ sốt đúng với liều lượng, phù hợp với cân nặng cũng như độ tuổi của bé. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc hạ sốt mà không đáp ứng thì cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để tìm ra nguyên nhân và có cách xử lý hiệu quả, kịp thời và tốt nhất.
Một số lưu ý sau khi trẻ tiêm phòng 6 trong 1
Sau khi trẻ đi tiêm phòng vắc xin 6 trong 1, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau:
Cha mẹ nên đưa bé đi tiêm các mũi vắc xin đúng hạn, không nên trì hoãn nếu không có vấn đề gì về sức khỏe của trẻ.
Theo quy định của Bộ Y tế, trẻ ở lại ít nhất 30 phút để theo dõi nhằm kịp thời phát hiện, chẩn đoán và xử trí kịp thời, hiệu quả và tốt nhất. Kể cả các tình huống nặng như phản ứng phản vệ.
Khi trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng 6 trong 1 thì luôn theo dõi nhiệt độ cơ thể bằng nhiệt kế để có thái độ xử trí phù hợp.
Sau khi tiêm và về nhà, các mẹ nên cho bé uống nhiều nước, tiếp tục theo dõi sức khoẻ của trẻ kể cả lúc ngủ tối thiểu trong vòng 24 giờ.
Nếu trẻ có bất cứ dấu hiệu, triệu chứng không bình thường sau khi tiêm thì đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.
Không nên đưa trẻ đi tiêm chủng khi sức khoẻ có vấn đề như sốt, phát ban, vàng da…
Như vậy, sốt có thể là phản ứng sau tiêm thường gặp khi tiêm phòng vắc xin 6 trong 1. Hi vọng qua bài viết này, người đọc có thêm thông tin về các loại vắc xin 6 trong 1, cũng như nguyên nhân và cách xử lý Sốt, cũng như các phản ứng sau tiêm khác của mũi vắc xin đa giá 6 trong 1.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Bác sĩ đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là Bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan đến chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới. Nhiều năm trực tiếp thực hiện nghiên cứu về bệnh Sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với đối tác là Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford tại Hà Nội và hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tiêm chủng Vắc xin: Nghiên cứu, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn,... Đặc biệt là lĩnh vực xử trí các phản ứng sau tiêm.