Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Trẻ em có trồng răng implant được không? Những lưu ý khi trẻ bị mất răng

Ngày 19/11/2022
Kích thước chữ

Không riêng người lớn, trẻ em cũng có thể gặp phải tình trạng mất răng do một số lý do như va đập, chấn thương,... Việc giúp bé khôi phục lại răng là quan tâm của hầu hết phụ huynh. Không ít cha mẹ băn khoăn trẻ em có trồng răng implant được không. Chúng ta cùng nhau đi tìm giải đáp cho vấn đề này nhé.

Trồng răng phục hình trong tình trạng bị mất răng là điều hoàn toàn bình thường và cần thiết. Tuy nhiên, chọn lựa phương pháp nào, vào thời điểm nào là mối quan tâm hàng đầu, đặc biệt là với đối tượng trẻ em.

Các đối tượng nên hạn chế trồng răng implant

Cấy ghép implant là phương pháp nha khoa hiện đại, đòi hỏi kỹ thuật cao, do bác sĩ có chuyên môn và nhiều kinh nghiệm thực hiện. 

Trong quy trình cấy răng implant, bác sĩ sẽ dùng chân răng nhân tạo (trụ implant) cắm chặt trong xương hàm để làm trụ nâng đỡ các mão răng. Nhờ ứng dụng kỹ thuật cao, chất liệu titanium mà răng implant mới vừa có hình dáng và chức năng tương tự như các răng thật, vừa được trồng rất chắc chắn. Quy trình cấy ghép răng implant phải được thực hiện theo tiêu chuẩn vô trùng của bộ Y tế.

Trẻ em có trồng răng implant được không? Những lưu ý khi trẻ bị mất răng Không ít cha mẹ băn khoăn trẻ em có trồng răng implant được không.

Không phủ nhận, cấy ghép răng implant là phương pháp ưu việt nhưng lưu ý là phương pháp này không phải ai bị mất răng cũng đều thích hợp để sử dụng. 

Dưới đây là một số đối tượng bị hạn chế trồng răng implant:

Phụ nữ đang mang thai

Để tiến hành cấy ghép răng implant, bệnh nhân sẽ trải qua việc chụp X-quang, gây tê trong quá trình cấy ghép, phải uống thuốc kháng sinh sau khi trồng răng implant nhằm giảm đau, phòng ngừa viêm nhiễm,... Tất cả những điều này đều có gây ảnh hưởng tới thai nhi. Do đó, phụ nữ mang thai thường sẽ được bác sĩ tư vấn chờ sau khi sinh xong mới thực hiện trồng răng implant.

Trẻ em chưa đủ 18 tuổi

Dưới 18 là độ tuổi xương hàm của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, sẽ bị ảnh hưởng tới cấu trúc xương hàm nếu tiến hành trồng răng implant. 

Người mắc các bệnh mãn tính

Những người mắc bệnh bạch cầu, tiểu đường, tim mạch,… nên hạn chế tối đa việc thực hiện trồng răng implant để tránh cho quá trình lành thương bị chậm, dễ bị nhiễm trùng, gây hậu quả nghiêm trọng sau đó.

Trẻ em có trồng răng implant được không? Những lưu ý khi trẻ bị mất răng 2 Phụ nữ mang thai, trẻ em... nên hạn chế tối đa việc thực hiện trồng răng implant.

Những người nghiện thuốc lá, rượu bia nặng

Do thuốc lá và rượu bia có chứa các chất độc hại có thể ngăn cản quá trình lành thương của xương, dẫn tới nguy cơ bị nhiễm trùng, hở vết thương nên những người nghiện thuốc lá và rượu bia nặng bác sĩ sẽ tư vấn không nên trồng implant. 

Trường hợp vẫn muốn cấy ghép implant, các đối tượng này cần phải tối thiểu bỏ thuốc lá trước và sau khi trồng implant trong hai tháng.

Khe răng bị mất quá hẹp

Những người có khoảng không gian tại vị trí mất răng quá hẹp, độ cao không đủ, khi cắm trụ implant vào xương hàm sẽ không được đều và đẹp. Nếu bạn thuộc trường hợp này, nên cân nhắc lại nếu có nhu cầu trồng răng implant.

Xương hàm không đủ tiêu chuẩn

Xương hàm phải chắc khỏe, đủ điều kiện để thực hiện cấy ghép implant mới nên thực hiện phương pháp này.

Như có đề cập ở trên, quá trình cấy ghép implant là bác sĩ sẽ cấy trụ implant vào xương hàm để cố định răng implant như chân răng thật, nên nếu xương hàm không đủ tiêu chuẩn đưa ra sẽ làm cho khả năng tích hợp xương với trụ không tốt, trụ răng sẽ rất dễ bị đào thải ra ngoài sau một thời gian.

Trẻ em có trồng răng implant được không?

Ở trên chúng ta đã có nhắc đến đối tượng dưới 18 tuổi nên hạn chế chọn lựa phương pháp trồng răng implant. Tuy nhiên, ở phần này chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn lý do vì sao.

Các chuyên gia nha khoa khuyến cáo, trẻ em chưa trưởng thành không nên trồng răng implant, cụ thể là nam dưới 18 tuổi và nữ dưới 16 tuổi. Giai đoạn này, hầu hết trẻ đều có xương hàm chưa phát triển ổn định, chất lượng xương cũng chưa đủ điều kiện để can thiệp tiểu phẫu vào xương hàm. Nếu thực hiện cấy ghép trụ implant thì sau thời gian ngắn trụ răng không bền và rất dễ bị đào thải. Như thế, việc trồng răng implant là thất bại, vừa mất chi phí vừa không mang lại hiệu quả mong đợi.

Trẻ em có trồng răng implant được không? Những lưu ý khi trẻ bị mất răng 3Phương pháp implant không phải ai bị mất răng cũng đều thích hợp để sử dụng.

Bên cạnh đó, khớp cắn của trẻ đang hình thành cùng với sự di chuyển của răng sẽ làm trụ implant tại vị trí mất răng bị vùi lấp, thậm chí lệch hướng do sự phát triển của xương hàm. Nếu trẻ bị mất răng, cha mẹ nên trì hoãn việc đặt trụ implant; đồng thời tham khảo giải pháp tạm thời khác chờ đến khi xương hàm phát triển ổn định, đủ điều kiện để thực hiện implant thành công, sử dụng hiệu quả và lâu dài.

Giải pháp khi trẻ bị mất răng sớm

Đến nay, hẳn bạn đã có câu trả lời cho thắc mắc: "Trẻ em có trồng răng implant được không?" rồi. Vấn đề là nếu trồng răng implant cho trẻ em không được khuyến khích thực hiện thì có biện pháp xử lý nào phù hợp hơn nếu trẻ bị mất răng sớm?

Cha mẹ lưu ý, nếu trẻ bị mất răng trong khi vẫn chưa đủ tuổi để có thể trồng răng Implant thì trước tiên nên đưa trẻ đến bác sĩ nha khoa để thăm khám cẩn thận. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của trẻ, độ tuổi để tư vấn phụ huynh cách xử lý vì trẻ em cũng cần phải được phục hồi lại tính thẩm mỹ và khả năng ăn nhai khi bị mất răng.

Đối với trẻ nhỏ khoảng 14 – 16 tuổi, bác sĩ có thể tư vấn phụ huynh chọn giải pháp sử dụng hàm giữ khoảng để vừa đảm bảo giữ nguyên khoảng trống mất răng vừa giúp các răng trên cung hàm không bị xô lệch. Phương pháp này chỉ mang tính chất tạm thời trong thời gian chờ trẻ đủ tuổi để trồng răng implant.

Hàm giữ khoảng hiện nay có nhiều loại, bao gồm khí cụ kim loại hoặc máng nhựa. Cách sử dụng có thể chọn cố định hoặc tháo lắp linh hoạt để trẻ thuận tiện hơn trong việc ăn uống cũng như vệ sinh răng miệng hàng ngày. Bác sĩ nha khoa sẽ thăm khám và tư vấn phụ huynh chọn được loại khí cụ thích hợp nhất với trẻ.

Ngoài ra, phụ huynh cần lưu ý đưa trẻ đến khám định kỳ 6 tháng/lần trong suốt thời gian sử dụng hàm giữ khoảng. Điều này rất quan trọng để bác sĩ có thể kiểm tra điều chỉnh hàm duy trì, từ đó sẽ kiểm soát được các vấn đề phát sinh như hàm giữ khoảng bị lỏng lẻo, gãy vỡ…

Khi trẻ đến tuổi trưởng thành, đủ điều kiện trồng răng implant thì cần tiến hành sớm để phục hồi các chức năng quan trọng của răng. Và quan trọng là cần chọn địa chỉ trồng răng implant uy tín, chất lượng cao để được trồng răng an toàn, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Nam Anh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin