Long Châu

Trẻ ho khan không sốt là dấu hiệu của bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Ngày 07/04/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trẻ ho khan không sốt khiến các bậc phụ huynh lo lắng khi không biết trẻ có đang mắc phải bệnh gì không. Vậy khi mẹ thấy trẻ bị ho nhưng không sốt thì cần làm gì? Khi nào thì nên đi gặp bác sĩ? Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thông tin ở bài viết dưới nhé.

Trẻ em là đối tượng rất dễ bị vi khuẩn, virus tấn công vì hệ miễn dịch còn kém. Nên ho là trường hợp thường gặp ở trẻ nhưng trẻ chỉ ho không sốt liệu có nguy hiểm không? Và cách chăm sóc vào những lúc như thế này ra sao?

Bệnh lý nào dẫn đến trẻ ho khan không sốt?

Khi trẻ bị ho khan ba mẹ nên cố gắng tìm ra nguyên nhân nhanh chóng để có cách điều trị thích hợp. Không nên quá lo lắng mà tự ý mua thuốc trị ho cho trẻ uống. Vì không phải trường hợp nào bị ho cũng có thể chữa khỏi từ thuốc trị họ. Ho khan có thể là dấu hiệu của bệnh lý nào đó, nên điều trị tận gốc bệnh đó thay vì chỉ muốn giảm ho nhanh chóng.

Thời tiết thay đổi, nhiệt độ hạ thấp

Thay đổi thời tiết, nhiệt độ không khí thường xuống thấp khi bắt đầu chuyển sang mùa thu đông hay vào ban đêm. Khi đó cổ họng của trẻ dễ bị kích ứng nên bị ho. Đây được coi là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều trẻ ho vào ban đêm hoặc khi trời chuyển sang mùa lạnh. Ngoài yếu tố thời tiết bên ngoài, nhiệt độ thấp trong phòng điều hòa cũng có thể khiến trẻ bùng phát các cơn ho.

Trẻ ho khan không sốt là dấu hiệu của bệnh gì? Có nguy hiểm không? 1 Thời tiết trở lạnh là nguyên nhân khiến trẻ bị ho thường gặp nhất

Ho gà

Nếu cha mẹ để ý thấy bé thường xuyên bị ho khan, hít vào nghe khò khè như tiếng gà gáy thì đây chính là dấu hiệu của bệnh ho gà. Bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào phổi gây viêm. Để phòng bệnh này, trẻ cần được tiêm phòng kịp thời. Trẻ bắt đầu tiêm phòng bệnh ho gà lúc 2, 4 và 6 tháng tuổi. Các liều tiếp theo được tiêm khi trẻ được 12 đến 18 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi trẻ được 4 đến 6 tuổi.

Dị ứng

Trẻ em hít thở không khí có chứa các chất gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật hoặc bụi có thể bị ho kèm theo các triệu chứng khác như hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mắt, ngứa họng,...

Trẻ ho khan không sốt là dấu hiệu của bệnh gì? Có nguy hiểm không? 2 Dị ứng thời tiết hay do các tác nhân môi trường khiến trẻ ho khan không sốt

Trào ngược dạ dày thực quản

Hiện tượng này xảy ra khi axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản và gây kích thích khí quản. Tình trạng này thường xảy ra do trẻ ăn quá nhiều trước khi ngủ khiến thức ăn chưa kịp tiêu hóa hết.

Viêm xoang

Viêm xoang là tình trạng viêm niêm mạc đường hô hấp nằm giữa các xoang ở mũi. Trẻ mắc bệnh này sẽ bị nghẹt mũi và ho nhiều do chất nhầy từ xoang chảy xuống họng. Ngoài ra có các triệu chứng như: Đau vùng trán và má, đau họng, chảy nước mũi màu vàng xanh có mùi hôi.

Ngoài những nguyên nhân ở trên trẻ bị ho khan không sốt còn liên quan đến phòng ngủ không sạch sẽ, ăn quá no, có dị vật mắc trong cổ họng. Một số bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ như lao, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản là những nguy cơ đáng lo ngại.

Trẻ bị ho không sốt có nguy hiểm không?

Trẻ ho nhiều nhưng sốt có thể là biểu hiện của một bệnh lý về đường hô hấp, do đó tình trạng này có nguy hiểm hay không còn phụ thuộc vào mức độ và tính chất của bệnh lý. Nếu bệnh bé mắc phải đang ở giai đoạn nặng sẽ nguy hiểm đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Vì vậy, khi trẻ bị ho nhiều mà không kèm theo sốt, ba mẹ cần theo dõi kỹ các biểu hiện để có hướng điều trị phù hợp.

Tuy nhiên, ba mẹ cũng không nên quá lo lắng và tự ý cho con uống thuốc mà chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Điều này có thể dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn. Nếu trẻ chỉ ho không sốt mà vẫn ăn, ngủ, vui chơi bình thường thì ba mẹ hãy tiếp tục theo dõi.

Một số cách chăm sóc cho trẻ ho khan không sốt

Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi

Mẹ có thể nhỏ vào mũi trẻ 5 - 10 giọt nước muối sinh lý 0,9% để làm sạch mũi. Điều này giúp trẻ dễ thở và ngủ ngon hơn. 

Không cho trẻ ăn uống gần giờ đi ngủ

Ăn sát giờ ngủ khiến thức ăn không kịp tiêu hóa, sau một thời gian như vậy, phần trên của dạ dày không đọng lại được dịch vị từ dạ dày dễ trào ngược lên thực quản khi nằm. Kết quả là trẻ bị ho gây nôn trớ, do đó mẹ nên cho trẻ ăn trước khi đi ngủ ít nhất 2 - 3 tiếng để kịp tiêu hoá thức ăn.

Dùng thuốc trị ho như siro

Một số loại siro trị ho và viêm họng với các thành phần thảo dược tự nhiên được coi là an toàn cho trẻ nhỏ. Các sản phẩm này giúp giảm ho, thông đờm và có vị ngọt giúp trẻ dễ uống. Do đó, mẹ có thể mua thuốc trị ho siro thích hợp cho con để giảm các triệu chứng ho. 

Chế độ chăm sóc khi trẻ bị ho 

Khuyến khích trẻ uống nhiều nước hơn mỗi ngày bằng nước sôi để nguội, nước ép trái cây hoặc nước mật ong gừng ấm giúp giảm đờm, giảm ho, giữ ấm cổ họng. Bên cạnh đó bổ sung các thực phẩm giàu vitamin tăng cường sức khoẻ. Khi trẻ ngủ mẹ nên kê cao đầu cho trẻ và bật máy tạo độ ẩm vào những ngày hanh khô để trẻ hít thở tốt hơn. Giữ gìn không gian phòng ngủ sạch sẽ, thoáng đãng.

Trẻ ho khan không sốt là dấu hiệu của bệnh gì? Có nguy hiểm không? 3 Khuyến khích trẻ uống nhiều nước để giữ ấm cho cổ họng đồng thời bổ sung vitamin

Trẻ bị ho khan không sốt cần gặp bác sĩ khi nào?

Khi trẻ bị ho không sốt nhưng xuất hiện những biểu hiện kèm theo dưới đây thì ba mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.

  • Trẻ bị nôn ói, khó nuốt thức ăn, cảm giác có vật gì đó ở cổ.
  • Cơ thể trẻ đổi màu tím tái.
  • Người mệt mỏi, giọng thều thào.
  • Khó thở kèm theo đau tức ngực từng cơn. 

Nhìn chung, trẻ ho khan không sốt do nhiều nguyên nhân khác nhau. Quan trọng là ba mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân chính xác để đưa ra các giải pháp chăm sóc phù hợp cho con. Ngoài ra, thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ xem có dấu hiệu bất thường nào không, đưa trẻ đi tiêm phòng và khám định kỳ để hiểu rõ sức khỏe của trẻ.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Ho khanHô hấp