Tiêm vắc xin 5 trong 1 đúng lịch là yếu tố quan trọng để bảo vệ trẻ khỏi 5 bệnh nguy hiểm: Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà, Viêm gan B và bệnh do Haemophilus influenzae týp b. Trẻ cần được tiêm mũi đầu tiên khi đủ 2 tháng tuổi và hoàn thành đủ 3 mũi cơ bản đúng thời gian quy định. Việc tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 18 tháng tuổi giúp duy trì hiệu quả bảo vệ lâu dài. Nếu tiêm muộn hoặc bỏ lỡ lịch tiêm, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh lịch tiêm phù hợp nhằm đảm bảo trẻ được bảo vệ tốt nhất.
Để giải đáp cho thắc mắc của chị, chúng tôi xin trả lời như sau:
Trẻ mấy tháng tuổi thì cần tiêm vắc xin 5 trong 1? Bao lâu thì nhắc lại?
Theo lịch tiêm Chương trình Tiêm chủng Mở rộng của Bộ Y tế, vắc xin 5 trong 1 (phòng ngừa 05 bệnh: Bạch hầu - Uốn ván - Ho gà - Viêm gan B và bệnh do Haemophilus influenzae týp b) cần được tiêm cho trẻ đủ 02 tháng tuổi tính từ ngày sinh. Cụ thể, lịch tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ như sau:
Mũi 1: Khi trẻ được 2 tháng tuổi (tương đương với 8 tuần tuổi).
Mũi 2: Khi trẻ được 3 tháng tuổi (4 tuần sau mũi 1).
Mũi 3: Khi trẻ được 4 tháng tuổi (4 tuần sau mũi 2).
Ba mũi tiêm này là cực kỳ quan trọng để tạo kháng thể miễn dịch chủ động, đảm bảo trẻ được bảo vệ đầy đủ khỏi các căn bệnh nêu trên. Việc tuân thủ đúng lịch tiêm chủng là cần thiết để giúp trẻ sớm tạo miễn dịch đầy đủ và hiệu quả đối với từng bệnh.
Vắc xin 5 trong 1 không chỉ cần tiêm đủ 3 liều cơ bản khi trẻ còn nhỏ mà còn cần tiêm nhắc lại để đảm bảo duy trì khả năng miễn dịch lâu dài và tối ưu của trẻ đối với những bệnh lý này. Việc tiêm nhắc lại rất quan trọng vì sau một thời gian, mức độ miễn dịch của trẻ sẽ suy giảm và việc tiêm nhắc lại vắc xin sẽ giúp tăng cường khả năng bảo vệ.
Theo lịch Tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế, khi đủ 18 tháng tuổi, trẻ sẽ được tiêm nhắc lại 01 mũi vắc xin có thành phần kháng nguyên là Bạch hầu - Uốn ván và Ho gà.
Việc tiêm nhắc lại vào thời điểm này giúp duy trì khả năng miễn dịch của trẻ luôn ở mức bảo vệ cao. Đây là giai đoạn kháng thể tạo ra từ các mũi tiêm cơ bản lúc 2, 3, 4 tháng tuổi cần được tăng cường, để trẻ luôn được an toàn trước những nguy cơ tiếp xúc với các nguồn bệnh truyền nhiễm. Mũi tiêm nhắc này cũng nhằm để chuẩn bị những gì tốt nhất cho trẻ khi dần bước vào môi trường cộng đồng mà phạm vi ngày mỗi rộng hơn, theo sự dần lớn lên của trẻ để phát triển và thích ứng trong môi trường tự nhiên.
Tại sao việc tuân thủ lịch tiêm chủng là quan trọng?
Việc tiêm vắc xin cho trẻ theo đúng lịch tiêm không chỉ giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất khỏi các bệnh lý nguy hiểm mà còn giúp cộng đồng ngăn ngừa nguy cơ lây lan của những căn bệnh này, nhất là những bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch. Dưới đây là những lý do khiến cho việc tuân thủ nghiêm túc lịch tiêm chủng cần được xem là điều rất quan trọng:
Phòng tránh nguy cơ mắc bệnh: Các bệnh trong vắc xin 5 trong 1 như Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván và bệnh lý do Hib đều là các bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề. Việc tiêm đủ và đúng lịch sẽ giúp trẻ tạo được miễn dịch tốt, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Bảo vệ sớm trước các tác nhân bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với hiệu quả cao: Việc tiêm vắc xin khi đã đến thời điểm (đủ ngày tuổi, đủ tháng tuổi), đúng thời gian quy định sẽ giúp trẻ tránh được những đáp ứng miễn dịch không đầy đủ, giảm hiệu quả do tiêm sai thời điểm, đồng thời bỏ lỡ cơ hội trẻ được bảo vệ sớm trước những tác nhân bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà di biến chứng hoặc di chứng để lại là rất nặng nề nếu chẳng may mắc phải.
Đảm bảo hiệu quả cao nhất của vắc xin: Mỗi loại vắc xin đều có lịch tiêm cụ thể (thời điểm tiêm và khoảng cách giữa các mũi tiêm). Lịch tiêm này đã được đúc kết từ những thử nghiệm lâm sàng tin cậy và thực tiễn ứng dụng trên nhiều quốc gia nhằm để đạt được hiệu quả miễn dịch tối ưu. Tuân thủ lịch tiêm chủng là một trong những phương cách tốt nhất để đảm bảo trẻ nhận được sự bảo vệ tối đa bằng giải pháp tiêm chủng trước các bệnh truyền nhiễm.
Nếu tiêm trễ hơn thì có sao không?
Nếu việc tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ bị chậm trễ khi trẻ đã đủ tuổi tiêm chủng, cơ hội bảo vệ sớm cho trẻ bị bỏ lỡ trong khi nguy cơ nhiễm bệnh của trẻ là đang hiện hữu ở môi trường xung quanh. Khi đủ 02 tháng tuổi, hệ miễn dịch của trẻ đã đủ để đáp ứng miễn dịch đối với các thành phần kháng nguyên có trong vắc xin 5 trong 1, từ đó hình thành kháng thể bảo vệ trẻ đối với các tác nhân gây bệnh bên ngoài là các bệnh Bạch hầu - Uốn ván - Ho gà - Viêm gan B và bệnh do Haemophilus influenzae týp b. Tiêm vắc xin chậm trễ, sẽ bỏ lỡ cơ hội bảo vệ sớm cho trẻ trước 05 bệnh nguy hiểm đã kể trên.
Khoảng thời gian giữa các mũi tiêm của phác đồ (lịch tiêm chuẩn), là khoảng cách đã được nghiên cứu kỹ lưỡng qua các thử nghiệm lâm sàng cũng như từ thực tiễn tiêm chủng của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm để đạt được hiệu quả bảo vệ tốt nhất cho trẻ (Tổ chức Y tế Thế giới - WHO công nhận). Nếu tiêm trễ hoặc không tuân thủ đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm, có thể tạo ra "khoảng trống miễn dịch". Nếu điều này xảy ra, trẻ sẽ rơi vào tình trạng dễ bị tác nhân gây bệnh xâm nhập, bị nhiễm bệnh, cùng với những biến chứng từ nhẹ đến nặng, hoặc di chứng suốt đời do bệnh tật để lại, thậm chí trẻ có thể tử vong nếu chẳng may mắc phải thể bệnh nặng, tối cấp.
Khi nhận thấy trẻ bị bỏ lỡ lịch tiêm, điều quan trọng là bạn phải tham khảo ngay ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ giúp bạn điều chỉnh lịch tiêm khoa học nhất, đồng thời đưa ra các lời khuyên phù hợp cho từng tình huống cụ thể để đảm bảo rằng trẻ được bảo vệ với hiệu quả tốt nhất. Tuỳ theo độ tuổi và thời gian trễ mũi tiêm, lịch tiêm chủng tiếp theo của trẻ sẽ được bác sĩ tư vấn và hẹn tiêm sao cho sự bảo vệ trẻ luôn đạt được ở mức tốt nhất có thể cho từng trường hợp cụ thể.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh cộng đồng – Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Trên 10 năm công tác trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh: X – Quang tổng quát và Siêu âm tổng quát. Hiện là giảng viên chính Chương trình đào tạo liên tục (CME) về An toàn Tiêm chủng của HCDC.