Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Sinh con

Trẻ sinh non có phát triển bình thường được hay không?

Ngày 30/08/2023
Kích thước chữ

Trẻ sinh thiếu tháng khiến nhiều cha mẹ lo lắng đến sức khỏe và sự phát triển của con. Vậy trẻ sinh non có phát triển bình thường như những trẻ sinh đủ tháng hay không?

Trẻ sinh non liệu có phát triển bình thường hay không là thắc mắc của khá nhiều người mẹ. Hầu hết trẻ sinh non đều có thể phát triển bình thường nếu gia đình biết cách chăm sóc đúng ngay từ ngày đầu tiên bé ra đời.

Các nguyên nhân dọa sinh non

Có một số yếu tố tăng nguy cơ sinh non, bao gồm:

  • Tiền sử sinh con sớm: Nếu một phụ nữ đã từng trải qua thai kỳ ngắn hoặc sinh con sớm trong quá khứ, thì cơ hội sinh non trong thai kỳ sau có thể tăng.
  • Cổ tử cung ngắn: Cổ tử cung ngắn có thể là nguyên nhân dọa sinh non, vì nó có thể gây ra sự không ổn định trong thai kỳ và dẫn đến việc chuyển dạ sớm.
  • Khoảng thời gian giữa hai lần mang thai ngắn: Nếu một phụ nữ có thai lại quá sớm sau khi sinh con trước đó, nguy cơ sinh non có thể tăng.
  • Phẫu thuật trên tử cung hoặc cổ tử cung: Nếu một phụ nữ đã từng phẫu thuật trên tử cung hoặc cổ tử cung, điều này có thể ảnh hưởng đến thai kỳ và tăng nguy cơ sinh non.
  • Rối loạn khi mang thai: Một số rối loạn khi mang thai như mang thai đa thai hoặc chảy máu âm đạo có thể tạo ra tình huống dọa sinh non.
  • Lối sống sinh hoạt: Những yếu tố về lối sống như thiếu vận động, suy dinh dưỡng, căng thẳng thường xuyên và lạm dụng chất gây nghiện (hút thuốc, uống rượu) trong thai kỳ cũng có thể tăng nguy cơ sinh non.

Những yếu tố này cần được theo dõi và quản lý chặt chẽ bởi nhóm y tế và bác sĩ chuyên khoa sản phụ khoa để giảm thiểu nguy cơ và đảm bảo sức khỏe của thai phụ và thai nhi.

Sinh non có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé như thế nào?

Sinh non là hiện tượng chuyển dạ xảy ra sớm trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Trẻ sinh non có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn hoặc phải nằm viện lâu hơn trẻ sinh đủ tháng. Thông thường, việc chăm sóc trẻ sinh non nhẹ cân diễn ra tại phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh hay còn gọi là NICU.

tre-sinh-non-co-phat-trien-binh-thuong-duoc-hay-khong 1.jpg
Sinh non là hiện tượng chuyển dạ xảy ra sớm trước tuần thứ 37 của thai kỳ

Trẻ sinh non gặp nhiều vấn đề không chỉ trong giai đoạn sơ sinh mà trong suốt cuộc đời. Trẻ sinh ra càng sớm thì nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe càng cao. Một số vấn đề này có thể không chỉ xuất hiện trong những tháng đầu năm mà thậm chí có thể xuất hiện ở tuổi trưởng thành. Việc phát hiện và điều trị sớm các vấn đề sức khỏe cũng như ngăn ngừa sinh non có thể giúp cải thiện khả năng sống sót và giúp trẻ sinh non phát triển bình thường. Các vấn đề mà trẻ sinh non có thể gặp phải như:

  • Các vấn đề về phổi và hô hấp như loạn sản phế quản phổi, hen suyễn.
  • Các vấn đề về nha khoa: Khi lớn lên, trẻ sinh non có thể bị chậm mọc răng, thay đổi màu răng hoặc răng mọc khấp khểnh, lệch lạc.
  • Suy giảm thính lực: Trẻ sinh non có nhiều khả năng bị mất thính lực hơn trẻ sinh đủ tháng.
  • Nhiễm trùng: Trẻ sinh non thường gặp khó khăn trong việc chống lại vi khuẩn xâm nhập vì hệ miễn dịch của trẻ chưa được phát triển đầy đủ. Điều này có nghĩa là trẻ dễ bị nhiễm trùng hơn so với trẻ sinh đủ tháng.
  • Vấn đề về đường tiêu hóa: Những vấn đề này có thể do viêm ruột hoại tử gây ra. Đây là một tình trạng phổ biến nhưng rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đường ruột của trẻ và có thể phải phẫu thuật để điều trị. Tuy nhiên, một số trẻ đã phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột có thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ các chất dinh dưỡng mà trẻ cần từ thức ăn.
  • Các vấn đề về thị lực chẳng hạn như bệnh võng mạc ở trẻ sinh non.

Trẻ sinh non có phát triển bình thường hay không?

Hầu hết trẻ sinh non đều phát triển bình thường nhưng có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe cao hơn trẻ sinh đủ tháng, vì vậy trẻ cần được kiểm tra sức khỏe và sự phát triển thường xuyên tại bệnh viện hoặc tại các bác sĩ nhi khoa uy tín. Nếu các mẹ lo lắng về sự phát triển của con, hãy nói chuyện với các bác sĩ chuyên môn về vấn đề này.

tre-sinh-non-co-phat-trien-binh-thuong-duoc-hay-khong 2.jpeg
Trẻ sinh non có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe cao hơn trẻ sinh đủ tháng

Cách chăm sóc sau sinh non

Chăm sóc sau sinh non là một quá trình quan trọng và đòi hỏi sự chú ý đặc biệt. Dưới đây là một số cách chăm sóc mẹ và em bé sau sinh non:

Đối với thai phụ

Đối với bà bầu sinh non thì nhiều trở ngại tâm lý có thể nảy sinh, người mẹ có thể hoang mang, lo lắng về tình trạng của con. Tùy theo tình trạng của bé, bác sĩ sẽ lập kế hoạch chăm sóc cụ thể nên các mẹ có thể nghỉ ngơi nhiều hơn và làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Có một chế độ ăn uống hợp lý, theo dõi sức khỏe hàng ngày, loại trừ các vấn đề bất thường như sốt, đau bụng hoặc sản dịch, ngực đau không tiết sữa..., nên cần được lưu ý.

Sau khi sinh con, các mẹ sẽ được hướng dẫn cách vệ sinh cơ thể hàng ngày để tránh viêm nhiễm. Sau khi sinh từ 2 đến 3 ngày, mẹ có thể tắm nhanh bằng nước ấm, nếu bị tắc tia sữa thì cần xử lý kịp thời để tránh bị viêm vú, áp xe vú. Bà bầu sinh mổ cần chú ý vệ sinh vùng kín sau khi đi tiểu và đại tiện để tránh nhiễm trùng tầng sinh môn.

Các bà mẹ sau sinh cần chăm sóc và bổ sung dinh dưỡng tốt, nhiều người kiêng khem quá mức dẫn đến sữa không đủ chất dinh dưỡng cần thiết hay thậm chí là mất sữa. Dù là mẹ sinh thường hay sinh mổ thì sau khi sinh cũng nên vận động càng sớm càng tốt, trong tuần đầu sau khi sinh các mẹ nên đi khám lại để đảm bảo an toàn.

Đối với trẻ sinh non

Trẻ sinh non có thể cần được chăm sóc đặc biệt trong hai năm đầu đời. Điều này đặc biệt đúng nếu con bạn nặng dưới 1kg khi mới sinh.

tre-sinh-non-co-phat-trien-binh-thuong-duoc-hay-khong 3.jpg
Trẻ sinh non có thể cần được chăm sóc đặc biệt trong hai năm đầu đời

Dưới đây là một số lời khuyên giúp con bạn phát triển khỏe mạnh:

  • Thăm khám bác sĩ định kỳ.
  • Cung cấp dinh dưỡng cho bé bằng sữa mẹ là chủ yếu. Trẻ cũng có thể cần bổ sung chất sắt vì trẻ sinh non không có nhiều chất sắt trong cơ thể như trẻ đủ tháng.
  • Theo dõi sự phát triển của bé.
  • Xây dựng chế độ ăn dặm từ 4 đến 6 tháng sau ngày dự sinh.
  • Đảm bảo thời gian ngủ cho trẻ và tất cả trẻ sơ sinh kể cả trẻ sinh non nên được đặt trên giường nằm ngửa chứ không phải nằm sấp. Nằm sấp và ngủ trên nệm mềm có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị đột tử.
  • Kiểm tra thị lực và thính giác của bé.
  • Tiêm chủng cho trẻ.

Trên đây là lời giải đáp cho thắc mắc trẻ sinh non có phát triển bình thường không của nhiều chị em. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp mẹ có cách chăm sóc bản thân và trẻ sinh non hợp lý để cả hai đều có một sức khỏe tốt.

Xem thêm: Cách chăm sóc trẻ sinh non 33 tuần cha mẹ nên biết

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.