Trẻ suy dinh dưỡng nặng và những thông tin cần quan tâm
Ngày 08/11/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Nước ta hiện có khoảng 230.000 trẻ suy dinh dưỡng nặng (<5 tuổi). Đây là con số khiến nhiều người bất ngờ bởi đời sống người dân đã có nhiều cải thiện nhưng tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng vẫn xảy ra ở nhiều trẻ nhỏ. Vậy đâu là căn nguyên của vấn đề và làm thế nào để cải thiện tình hình?
Suy dinh dưỡng nặng không chỉ đơn thuần là vấn đề thể lực, chúng ảnh hưởng đa chiều và tác động tiêu cực đến nhiều mặt trong hành trình phát triển của trẻ. Vậy nên, nhận diện sớm, can thiệp kịp thời là cách hiệu quả nhất để giảm thiểu những hệ lụy do vấn đề sức khỏe này gây ra.
Dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng nặng
Suy dinh dưỡng nặng là tình trạng cơ thể trẻ thiếu hụt hầu hết các dưỡng chất thiết yếu cần cho sự phát triển và hoạt động chuyển hóa vật chất thông thường như: Protein, lipit, gluxit, vitamin, vi khoáng,... Hệ quả là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tư duy, thể chất và tâm lý tinh thần của trẻ.
Trẻ suy dinh dưỡng nặng biểu hiện ra bên ngoài thông qua một số dấu hiệu đặc trưng sau:
Da và tóc: Thường khô và nhợt nhạt, tóc rất xơ và cực dễ gãy rụng. Hiện tượng hói đầu do tóc rụng quá nhiều cũng có thể xảy ra.
Chu vi vòng cánh tay: Trẻ dưới 5 tuổi được chẩn đoán suy dinh dưỡng nặng nếu vòng cánh tay nhỏ hơn 11,5cm.
Cơ và mỡ: Thiếu hụt nặng nề và có thể nhìn rõ bằng mắt thường: Tay, chân, mông, ngực đều teo tóp.
Vùng bụng: Thường lớn hơn so với các khu vực khác và mất cân đối về tỉ lệ cơ thể (suy dinh dưỡng thể phù). Trong trường hợp bẹ sườn và bụng có dấu hiệu lõm vào thì nhiều khả năng trẻ đã bị suy dinh dưỡng thể teo đét.
Hành vi và ánh mắt: Phản xạ rất chậm và thiếu chính xác, có dấu hiệu thờ ơ hoặc sợ sệt trước các kích thích của môi trường ngoài. Ánh mắt lờ đờ, nhìn không có trọng tâm, một số trường hợp mắt còn lồi ra do thiếu hụt mỡ vùng lân cận.
Ngoài những dấu hiệu trên thì để đánh giá, chẩn đoán chính xác tình trạng suy dinh dưỡng nặng ở trẻ, Viện Dinh dưỡng Quốc gia còn dựa vào chỉ số cân nặng, chiều cao theo độ tuổi đã được thông qua bởi Tổ chức Y tế Thế giới - WHO. Theo đó, những trẻ có giới hạn chiều cao/cân nặng bé hơn hoặc bằng mức 3SD trong Bảng Tiêu chuẩn Theo dõi Tăng trưởng Trẻ em thì được xếp vào nhóm suy dinh dưỡng nặng.
Nguyên nhân khiến trẻ suy dinh dưỡng nặng
Suy dinh dưỡng nặng ở trẻ phát sinh do nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến nhất phải kể đến những trường hợp dưới đây:
Cha mẹ chăm sóc bé sai cách: Chế độ ăn quá nghèo nàn, chiều theo ý bé và cho trẻ ăn liên tục một vài món. Đáng ngại hơn là xây dựng thực đơn cho bé theo lời khuyên truyền miệng, chưa có kiểm chứng khoa học.
Bé được cho ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn: Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tiêu hóa (cho ăn sớm gây quá tải) và khả năng đáp ứng nhu cầu về dưỡng chất của trẻ (cho ăn muộn gây thiếu hụt dinh dưỡng).
Trẻ cai sữa quá sớm: Nếu bạn cắt bỏ nguồn dưỡng chất từ sữa mẹ mà không bổ sung đủ bằng các thực phẩm, đồ uống khác thì chắc chắn trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng.
Trẻ thường xuyên mắc bệnh, đau ốm kéo dài: Ốm đau khiến trẻ bị mất vị giác, trở nên biếng ăn và hấp thu dinh dưỡng kém đi. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc liên tục cũng tác động tiêu cực đến khả năng tiêu hóa của trẻ. Và khi trẻ không còn nhã hứng với việc ăn uống thì bệnh tật sẽ ngày càng kéo dài liên miên. Cứ như vậy chúng tạo thành vòng luẩn quẩn khiến trẻ bị suy dinh dưỡng nặng.
Dị tật bẩm sinh: Một số dị tật bẩm sinh như tim, sứt môi hở hàm ếch... có thể khiến trẻ phải đối diện với tình trạng suy dinh dưỡng nặng. Ngoài ra, mẹ sinh non hoặc trong thai kỳ bị suy dinh dưỡng bào thai thì bé con sinh ra cũng có thể gặp phải vấn đề này.
Điều kiện kinh tế - xã hội: Trẻ sinh trưởng trong gia đình có kinh tế khó khăn hoặc sống ở vùng sâu vùng xa, gặp cản trở trong việc tiếp cận nguồn thực phẩm đa dạng thì thiếu hụt dinh dưỡng là điều có thể dự đoán trước. Bên cạnh đó, nếu môi trường sống của trẻ bị ô nhiễm, chứa nhiều mầm bệnh thì tình trạng suy dinh dưỡng nặng cũng rất dễ xảy ra.
Những biến chứng nguy hiểm
Suy dinh dưỡng nặng vừa gây ảnh hưởng tức thời, vừa tác động lâu dài đến người bệnh. Cụ thể như sau:
Trong thời gian ngắn hạn
Làm suy yếu hệ miễn dịch: Thiếu dinh dưỡng làm giảm sức đề kháng, khiến trẻ thường xuyên bị viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, nhiễm trùng đường ruột, mẩn ngứa,...
Rất dễ gãy xương: Khi thiếu hụt phốt pho, canxi và vitamin D thì xương trẻ sẽ cực giòn, kết cấu nhỏ và khả năng chịu lực kém. Vậy nên nếu chẳng may té ngã thì nguy cơ gãy xương là rất cao, khả năng phục hồi hạn chế và thường để lại nhiều di chứng.
Thiếu máu: Thiếu sắt là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ có chỉ số hồng cầu dưới ngưỡng. Bệnh lý này có thể khiến trẻ bị hạ huyết áp đột ngột, suy tim, da kém hồng hào, dậy thì muộn, thường xuyên hoa mắt chóng mặt,...
Suy giảm chức năng ở cấp độ cơ thể: Ở trẻ suy dinh dưỡng nặng, không chỉ một vài mà toàn bộ các cơ quan trong cơ thể đều bị suy giảm chức năng. Tùy từng cơ địa, chúng có thể biểu hiện ra bên ngoài bằng thấp còi, thiểu năng trí tuệ hoặc những bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng.
Về lâu dài
Phát sinh bệnh tật ở tuổi trưởng thành: Khi đến tuổi trưởng thành, người từng bị suy dinh dưỡng nặng thường mang theo một số bệnh mạn tính như: Rối loạn chuyển hóa, cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, loãng xương,...
Ảnh hưởng đến sự nghiệp: Do thiếu hụt dinh dưỡng từ nhỏ nên não bộ phát triển kém, năng lực học tập có hạn và khả năng làm việc hạn chế. Do đó ở giai đoạn trưởng thành, người từng bị suy dinh dưỡng sẽ rất khó để có một chỗ đứng trong xã hội. Vậy nên tương lai và sự nghiệp nhìn chung đều bị ảnh hưởng.
Giải pháp can thiệp
Với trẻ suy dinh dưỡng nặng, cùng lúc chúng ta cần can thiệp theo 2 hướng, đó là điều trị triệu chứng và xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Theo đó, nếu trẻ có một trong các dấu hiệu như: Bỏ ăn/bỏ bú trong nhiều ngày, nôn trớ, co giật, thiếu máu, viêm phổi, phù nề,… thì phải nhập viện ngay để điều trị nội trú.
Ngoài ra, người chăm sóc trẻ cần điều chỉnh thực đơn hằng ngày sao cho đảm bảo cung cấp đủ chất đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Xây dựng chế độ ăn đa dạng các món và chia nhỏ làm nhiều bữa trong ngày. Đặc biệt nên bắt đầu từ loãng sang đặc, từ ít đến nhiều để trẻ thích nghi dần với sự thay đổi này.
Trong trường hợp nặng, trẻ hoàn toàn bỏ ăn thì thời gian đầu cần sử dụng ống thông hoặc nhỏ giọt dạ dày để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ.
Sau cùng, mong rằng với những thông tin hữu ích mà Nhà thuốc Long Châu vừa chia sẻ, mỗi gia đình có thể chủ động ngăn ngừa tình trạng trẻ suy dinh dưỡng nặng thay vì tìm đến các giải pháp đối phó khi vấn đề sức khỏe này xảy ra. Trân trọng!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.