Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng cần lưu ý điều gì?

Ngày 29/08/2023
Kích thước chữ

So với những đứa trẻ có sức khỏe bình thường, trẻ bị suy dinh dưỡng cần có chế độ chăm sóc đặc biệt hơn. Ba mẹ cần tìm hiểu cách chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng như thế nào cho đúng, cần chú ý gì trong chế độ ăn và sinh hoạt của trẻ.

Trẻ bị suy dinh dưỡng do thiếu năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Tình trạng suy dinh dưỡng có thể để lại hậu quả nặng nề như sức đề kháng yếu, trẻ chậm phát triển thể chất và trí não, tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu phương pháp chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng hiệu quả là như thế nào.

Suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ là gì?

Có 3 thể suy dinh dưỡng ở trẻ em:

Thể nhẹ cân

Bé thuộc thể nhẹ cân khi có cân nặng thấp hơn so với cân nặng chuẩn trung bình 20%.

Chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng cần lưu ý điều gì?1
Bảng cân nặng tiêu chuẩn trung bình theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Nguyên nhân là do hệ tiêu hóa của bé hoạt động kém; có thể do trước đây tập ăn dặm sớm làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa sau này; do bé mắc một số bệnh lý; nhiễm giun, kí sinh trùng,...

Thể thấp còi/thể teo

Bé chỉ đạt 60% so với cân nặng tiêu chuẩn khiến cơ thể gầy gò, ốm yếu, da bọc xương, mất nước và nhăn nheo như người già.

Nguyên nhân chính là do bé bị thiếu chất dinh dưỡng trầm trọng trong quá trình ăn uống hoặc do điều kiện gia đình; mẹ ít sữa; bệnh không dung nạp chất dinh dưỡng,...

Thể phù

Đây là thể khiến nhiều người lầm tưởng rằng bé đang bị thừa cân, béo phì. Biểu hiện: Sưng phù toàn thân, cơ mềm nhão, trông rất béo nhưng cân nặng chỉ đạt khoảng 60 - 80% so với tiêu chuẩn. Tóc lưa thưa dễ gãy, ăn ít, bụng chướng to. Trên da bong tróc, gỉ nước, dễ dàng bị nhiễm trùng và lở loét.

Nguyên nhân là do bé không được ăn uống đầy đủ hoặc đa dạng chất dinh dưỡng, bị thừa tinh bột và thiếu protein cùng vitamin và khoáng chất trầm trọng.

Nguyên nhân suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ

Trong đa số trường hợp, suy dinh dưỡng xảy ra do sự kết hợp của rất nhiều nguyên nhân, ăn ít nhưng tiêu hao nhiều năng lượng.

Ngoài ra, còn do những nguyên nhân như:

  • Khi không cung cấp đủ những thực phẩm dồi dàu chất dinh dưỡng, chế độ ăn quá nghèo nàn, quá ít calo và dưỡng chất.
  • Trẻ bị biếng ăn, chán ăn;
  • Trẻ ăn không đủ nhu cầu;
  • Trẻ bị bệnh cấp tính hoặc mạn tính;
  • Rối loạn tiêu hóa, hấp thu kém;
  • Trẻ bị nhiễm kí sinh trùng;
  • Thất thoát chất dinh dưỡng do bệnh lý.
Chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng cần lưu ý điều gì? 2
Suy dinh dưỡng có thể xảy ra do thiếu cung cấp, tăng tiêu hao dưỡng chất 

Ảnh hưởng của suy dinh dưỡng đến trẻ nhỏ

Suy yếu hệ miễn dịch, tăng nguy cơ bệnh nhiễm trùng

Suy dinh dưỡng và thiếu chất làm hệ miễn dịch của trẻ yếu đi nên dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, phải sử dụng kháng sinh thường xuyên gây cảm giác chán ăn, mệt mỏi. Điều này khiến trẻ ngày càng suy dinh dưỡng nặng hơn.

Rối loạn các chức năng cơ thể, gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe

Tình trạng suy dinh dưỡng sẽ làm cho các cơ quan trong cơ thể bị rối loạn. Các cơ quan bị ảnh hưởng nặng nề đến nội tạng, có thể dẫn đến suy tim, suy thận,...

Chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng cần lưu ý điều gì? 1
Trẻ bị suy duy dưỡng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe hiện tại lẫn tương lai

Chậm phát triển thể chất

Ở giai đoạn 1000 ngày đầu đời của trẻ (giai đoạn bào thai và 2 năm đầu), suy duy dưỡng khiến tất cả các cơ quan trong cơ thể của trẻ suy yếu, làm cho trẻ phát triển còi cọc, khi trưởng thành có tầm vóc thấp, tăng nguy cơ thừa cân béo phì về sau.

Chậm phát triển tâm thần

Do thiếu hụt các chất cần thiết trong quá trình phát triển trí tuệ như chất đường bột, DHA, chất béo, Taurine, sắt, iốt,..., bệnh suy dinh dưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường của não bộ trẻ trong giai đoạn dưới 6 tuổi.

Chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng cần lưu ý điều gì? 3
Suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của não bộ ở trẻ dưới 6 tuổi

Trẻ bị suy dinh dưỡng cũng thường chậm chạp, gặp các vấn đề về ngôn ngữ, trí nhớ và giao tiếp xã hội kéo theo sự giảm khả năng chú ý, học tập, tiếp thu, nhận thức.

Chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng

Khi chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng cần chú ý các khâu sau:

Vệ sinh ăn uống

  • Bảo đảm cho trẻ “ăn chín, uống sôi”. Thức ăn nấu xong cho trẻ ăn ngay, nếu để quá 3 giờ phải đun sôi lại mới cho trẻ ăn.
  • Tránh những thực phẩm nhiễm bẩn và bị ô nhiễm vì đó là nguồn gây bệnh như: Tiêu chảy, ngộ độc thức ăn…
  • Các dụng cụ chế biến thức ăn phải bảo đảm vệ sinh.

Vệ sinh cá nhân

  • Tắm rửa thường xuyên cho trẻ bằng nước sạch (vào mùa hè), giữ quần áo trẻ sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng.
  • Giúp trẻ có thói quen giữ gìn răng miệng sạch sẽ, không ăn nhiều đồ ngọt để tránh các bệnh sâu răng, viêm lợi.
  • Giữ tay sạch: Tạo thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, cắt móng tay cho trẻ.
  • Không cho trẻ mút tay, không quệt tay bẩn lên mặt, không đưa đồ vật, đồ chơi bẩn lên miệng để tránh kí sinh trùng như giun kim, giun sán, giun đũa,...

Vệ sinh môi trường

  • Bảo đảm cho trẻ ăn, ngủ, vui chơi nơi thoáng mát, sáng sủa sạch sẽ.
  • Đồ dùng, đồ chơi của trẻ cần sạch sẽ, khô ráo.
  • Có đủ nước sạch dùng cho sinh hoạt và nấu thức ăn cho trẻ.
  • Để rác thải ở chỗ kín, xa nơi ở, tránh ruồi muỗi đậu.

Chăm sóc tâm lý trẻ bị suy dinh dưỡng

Âu yếm, vỗ về biểu lộ tình cảm trìu mến, yêu thương trẻ. Trẻ cần được khích lệ, nô đùa, trò chuyện,… tạo cơ sở cho sự phát triển toàn diện của trẻ, tránh thô bạo trong cử chỉ lời nói trước mặt trẻ.

Chăm sóc khi trẻ bị suy dinh dưỡng

Khi trẻ ốm, đặc biệt là khi bị tiêu chảy hoặc viêm đường hô hấp thì phụ huynh cần biết cách xử trí ban đầu tại nhà. Ngoài việc điều trị bằng thuốc của bác sĩ chuyên khoa kê đơn, cần coi trọng việc chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng và nuôi dưỡng trẻ thích hợp để giúp trẻ mau khỏi bệnh và chóng hồi phục.

Nuôi dưỡng khi trẻ bị suy dinh dưỡng

Trẻ bị suy dinh dưỡng thường kém ăn, hay bị rối loạn tiêu hóa hoặc mắc bệnh. Việc nuôi dưỡng chỉ có hiệu quả khi bệnh của trẻ đã được điều trị một cách triệt để.

  • Cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít đồng thời phải cung cấp năng lượng cao hơn trẻ bình thường.
  • Đối với trẻ 1 - 2 tuổi, ngoài bú mẹ thì cần ăn thêm 4 bữa nhỏ/ngày. Trẻ 3 - 5 tuổi cần ăn 5 - 6 bữa nhỏ/ngày.
  • Trong chế độ ăn, để cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất thì ngoài gạo để nấu bột, cháo hoặc cơm và các thức ăn khác thì cần phải thêm thịt hoặc cá, trứng, đậu đỗ, rau xanh và mỡ hoặc dầu. Cho trẻ ăn thêm hoa quả chín.
  • Luôn tạo ra những cách chế biến phù hợp với khẩu vị của trẻ, thay đổi món ăn khác nhau để trẻ ăn ngon miệng.
Chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng cần lưu ý điều gì? 4
Chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng là yếu tố quan trọng trong việc điều trị bệnh

Tóm lại, khi trẻ có dấu hiệu bị suy dinh dưỡng, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay để điều trị kịp thời. Đồng thời, phụ huynh cũng nên chú trọng đến việc chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng vì đây là yếu tố quan trọng góp phần giúp trẻ hồi phục sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin