Sốt là một triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Phương pháp điều trị thường được chỉ định dùng thuốc hạ sốt. Thế nhưng trẻ uống nhiều thuốc hạ sốt có sao không? Để giải đáp cho câu hỏi này, mời bạn tìm hiểu ngay bài viết dưới đây của Nhà Thuốc Long Châu nhé!
Ngày nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc không kê đơn có bán sẵn tại các nhà thuốc để hạ sốt cho trẻ. Tuy nhiên, việc tự ý mua thuốc hạ sốt cho trẻ uống có thể gây nên những tác dụng không mong muốn. Chính vì vậy, nhiều người thắc mắc rằng trẻ uống nhiều thuốc hạ sốt có sao không? Cùng tìm hiểu ngay bài viết sau đây.
Tìm hiểu chung về sốt ở trẻ
Sốt là một trong những triệu chứng phổ biến nhất gặp trong rất nhiều bệnh lý khác nhau ở trẻ nhỏ, đặc biệt là các bệnh nhiễm khuẩn. Khi một tác nhân nào xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng lại bằng cách tăng nhiệt độ cơ thể để bảo vệ cơ thể.
Để đưa ra các phương pháp hạ sốt hiệu quả, bạn cần tìm được nguyên nhân gây bệnh ở trẻ. Một số nguyên nhân thường gặp gây sốt ở trẻ em như: Tác dụng phụ của thuốc, viêm đường hô hấp, viêm họng, thủy đậu, mặc quá nhiều quần áo, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thời gian dài, mọc răng, ngộ độc thức ăn hay rối loạn hormone…
Trên thực tế, khi trẻ bị sốt, các cha mẹ thường có tâm lý rất lo sợ và thường cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, đây thực chất không phải một bệnh lý mà chỉ là một triệu chứng trong rất nhiều bệnh nên việc xác định xem có phải sốt thật sự hay không và có phải bệnh cần dùng thuốc hạ sốt hay không cần thiết hơn việc sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ ngay lúc đó. Để xác định trẻ có thật sự bị sốt hay không, trẻ cần được đo thân nhiệt bằng nhiệt kế ở một trong các vị trí như nách, trực tràng, miệng. Cụ thể, nếu nhiệt độ ở nách trên 37.2 độ, ở miệng trên 37.5 độ và ở trực tràng trên 38 độ thì mới tính là trẻ bị sốt.
Một số trẻ bị nhiễm trùng, sốt là một phản ứng có lợi giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh trong cơ thể nên dùng thuốc trong trường hợp này chỉ giúp bé hạ sốt mà không phải nhằm mục đích hạ thân nhiệt cho trẻ. Ngoài ra, nhiều bệnh lý khác cũng biểu hiện sốt như bỏng, suy dinh dưỡng, hậu phẫu, bệnh lý tim mạch, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân… cần được dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ vì sốt trong những trường hợp này sẽ gây nguy hại đến sức khỏe của trẻ.
Sốt là một trong những triệu chứng thường gặp nhất trong các bệnh lý ở trẻ em
Trẻ uống nhiều thuốc hạ sốt có sao không?
Trẻ uống nhiều thuốc hạ sốt có sao không là câu hỏi mà rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, ảnh hưởng của thuốc hạ sốt đối với sức khỏe của trẻ còn tùy thuộc vào loại thuốc hạ sốt mà trẻ uống.
Với thuốc hạ sốt chứa paracetamol
Paracetamol được tìm thấy trong rất nhiều loại thuốc không kê đơn, bởi vậy các phụ huynh rất dễ mua và dễ cho trẻ uống quá nhiều thuốc. Điều này khiến cho việc sử dụng quá liều thuốc hạ sốt ở trẻ nhỏ ngày càng trở nên phổ biến. Trong trường hợp sử dụng nhiều thuốc hạ sốt paracetamol trẻ có thể phải đối diện với nguy cơ ngộ độc thuốc và gặp phải các tác dụng không mong muốn như:
-
Tổn thương gan: Nếu trẻ uống paracetamol nhiều, thuốc có thể gây tổn thương gan. Trong trường hợp nghiêm trọng, thuốc có thể gây suy gan, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
-
Phản ứng thuốc hay sốt kéo dài: Cần ngừng thuốc cho trẻ ngay nếu tình trạng sốt của trẻ trở nên tồi tệ hơn hay kéo dài quá 3 ngày. Ngoài ra, cần cho trẻ ngừng thuốc ngay nếu trẻ xuất hiện tình trạng mẩn đỏ, sưng tấy trên da. Trong những trường hợp này, bạn cần đưa trẻ tới các cơ sở khám chữa bệnh ngay để xử trí kịp thời.
-
Tương tác thuốc: Paracetamol có thể tương tác với một số loại thuốc khác. Một số thuốc có thể tương tác với paracetamol và gây nên tác dụng không mong muốn như: Warfarin, chất làm loãng máu, một số thuốc chữa bệnh lao và một số loại thuốc co giật.
Trẻ uống nhiều thuốc hạ sốt có sao không là vấn đề được rất nhiều phụ huynh quan tâm
Thuốc hạ sốt nhóm giảm đau chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc chống viêm không steroid bao gồm các thuốc như ibuprofen, naproxen, aspirin. Nhóm thuốc này có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm. Cơ chế của nhóm thuốc NSAID là ngăn chặn cơ thể sản xuất ra prostaglandin, từ đó ức chế phản ứng viêm và sốt của cơ thể.
So với paracetamol, NSAID sử dụng cho trẻ nhằm mục đích hạ sốt ít phổ biến hơn do có nhiều tác dụng phụ hơn nên chỉ dùng kết hợp với paracetamol khi sử dụng paracetamol không có hiệu quả. Chính vì vậy, khi dùng NSAID để hạ sốt cho trẻ, bố mẹ cần chú ý liều lượng để tránh những tác dụng không mong muốn.
Tác dụng phụ thường gặp nhất của NSAID là gây khó chịu và tổn thương dạ dày. Để hạn chế tác dụng phụ của thuốc lên dạ dày, các mẹ không nên cho trẻ uống thuốc lúc đói mà nên uống khi no. Ngoài ra, NSAID còn gây nên nhiều tác dụng phụ nguy hiểm khác khi sử dụng quá nhiều hay sử dụng không đúng cách như:
-
Tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa gây loét, chảy máu.
-
Tổn thương tim mạch gây đau tim, đột quỵ.
-
Tổn thương gan thận.
-
Các phản ứng dị ứng thuốc như khó thở, đau ngực, mặt sưng, sốc…
Chính vì vậy, khi trẻ gặp những biểu hiện trên, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để có hướng xử trí kịp thời.
Sử dụng nhiều thuốc hạ sốt nhóm NSAID có thể gây tổn thương dạ dày của trẻ nhỏ
Những lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, bố mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
-
Không sử dụng aspirin cho trẻ nhỏ vì có thể gây nên nhiều bệnh lý nghiêm trọng như hội chứng Reye (sưng phù não, gan).
-
Liều lượng paracetamol và các thuốc NSAID cần tính toán chính xác theo tuổi của trẻ.
-
Paracetamol dùng với liều 10 - 15mg/kg/lần, cách nhau tối thiểu từ 4 - 6 giờ. Ibuprofen dùng với liều 10mg/kg/lần, cách nhau tối thiểu 6 giờ.
-
Đối với Paracetamol, thuốc có nhiều dạng bào chế, bao gồm: Dạng siro pha với nước sôi, có hương trái cây rất dễ uống và có thể nhanh chóng hấp thu vào cơ thể, nhưng loại này cần bảo quản cẩn thận hơn. Dạng bột cũng tương tự như dạng siro - có nhiều hương vị, có thể pha với nước cho trẻ uống khá dễ dàng. Dạng viên nén phù hợp với những trẻ ở độ tuổi lớn hơn. Ngoài ra còn có dạng viên đặt hậu môn được sử dụng trong trường hợp trẻ khó hấp thụ thuốc qua đường uống và hay bị nôn.
-
Không nên kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt cho trẻ vì làm tăng nguy cơ kích ứng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa và các tác dụng không mong muốn khác.
-
Thuốc hạ sốt chỉ sử dụng khi cần thiết và ngưng ngay khi không còn triệu chứng để hạn chế các tác dụng không mong muốn.
Sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của các bác sĩ để tránh tác dụng không mong muốn
Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc: Trẻ uống nhiều thuốc hạ sốt có sao không? Đối với trẻ nhỏ, thuốc hạ sốt là một loại thuốc thường được sử dụng, vì vậy việc sử dụng đúng cách loại thuốc này vô cùng quan trọng giúp phòng tránh những rủi ro và các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Vinmec.com