Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Nhiễm trùng huyết (Sepsis) là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương phổi cấp tính (ALI) và hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS). Bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn có thể gây tử vong. Hiện nay tình trạng bệnh có tỷ lệ tử vong cao và vẫn còn là một thách thức trong điều trị do thiếu các liệu pháp hiệu quả.
Liệu pháp ozone y tế là phương pháp điều trị bằng cách sử dụng khí ozone (O3) để tạo ra các phản ứng sinh học có lợi trong cơ thể. Phương pháp này được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực y học và điều trị một số bệnh nhất định. Gần đây, các nghiên cứu cho thấy triển vọng trong điều trị tổn thương phổi do nhiễm trùng huyết bằng liệu pháp ozone.
Nghiên cứu thực hiện tại Đại học Y Nanjing (Trung Quốc), được công bố trên The Journal of Biomedical Research (Tạp chí Nghiên cứu Y sinh) vào ngày 28/11/2024 với mục tiêu chính là đánh giá hiệu quả của liệu pháp ozone trong việc cải thiện chức năng phổi, tuần hoàn máu và tỷ lệ sống sót ở chuột bị ALI do nhiễm trùng huyết.
Sử dụng mô hình chuột bị ALI do nhiễm trùng huyết, các nhà nghiên cứu đã áp dụng liệu pháp ozone và đo lường các chỉ số như lưu lượng máu, chức năng phổi và mức protein. Ngoài ra, các thí nghiệm in vitro trên tế bào đại thực bào tủy xương (BMDM) cũng được thực hiện để kiểm tra tác động của các chất ức chế và chất kích hoạt AMPK đối với hoạt động thực bào.
Kết quả cho thấy liệu pháp ozone có thể làm giảm tổn thương phổi và tăng cường chức năng phổi, cải thiện tỷ lệ sống sót cũng như tuần hoàn máu ở chuột bị ALI. Ozone sẽ ức chế sự hình thành bẫy ngoại bào bạch cầu trung tính (NETs), yếu tố quan trọng trong việc phát triển ALI. Bằng cách kích hoạt đường dẫn AMPK/SR-A1, liệu pháp ozone giúp tăng cường khả năng thực bào của đại thực bào đối với NETs, giảm viêm phổi và tổn thương phổi. Trong các thí nghiệm trên chuột đã bị loại bỏ gen SR-A1, liệu pháp ozone không mang hiệu quả bảo vệ.
Nghiên cứu kết luận rằng liệu pháp ozone có thể giảm thiểu tổn thương phổi cấp tính do nhiễm trùng huyết thông qua việc kích hoạt đường dẫn AMPK/SR-A1, từ đó tăng cường khả năng thực bào của đại thực bào đối với NETs.
Tiến sĩ Wen-Tao Liu, nhà khoa học chính của nghiên cứu, nhấn mạnh tầm quan trọng của những phát hiện này: "Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh rằng liệu pháp ozone y tế có thể cải thiện đáng kể việc quản lý ALI do nhiễm trùng huyết. Bằng cách kích hoạt trục AMPK/SR-A1, liệu pháp ozone làm sạch các NETs có hại, khôi phục cân bằng hệ miễn dịch và giảm viêm. Điều này đại diện cho một hướng tiếp cận đầy hứa hẹn trong chăm sóc tích cực, có thể dẫn đến kết quả tốt hơn cho bệnh nhân mắc nhiễm trùng huyết".
Liệu pháp ozone y tế đề cập đến việc sử dụng khí ozone trong các phương pháp điều trị. Khí ozone là một dạng của oxy, đây là khí không màu, được tạo thành từ ba nguyên tử oxy. Trong tầng bình lưu của khí quyển, lớp khí ozone đóng vai trò bảo vệ Trái Đất khỏi bức xạ tia cực tím của Mặt Trời, nhưng ở dưới mặt đất thì ozone được xem là "không khí ô nhiễm có hại". Khi con người hít phải khí ozone, dẫn đến ngộ độc, kích ứng phổi và cổ họng, dẫn đến ho và tình trạng hen suyễn nặng hơn, và khi tiếp xúc với nồng độ cao có thể dẫn đến tổn thương phổi và thậm chí tử vong.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu tin rằng ozone có thể có tác dụng điều trị trong một số trường hợp y tế. Ví dụ, một bài đánh giá năm 2011 báo cáo rằng liệu pháp ozone đã được sử dụng cho điều trị viêm khớp, khử trùng vết thương hay điều trị ung thư.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu đang khám phá tác dụng của liệu pháp ozone lên cơ thể người để xác định bất kỳ lợi ích điều trị tiềm năng nào. Thế nhưng cho đến nay có rất ít nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả thực sự của liệu pháp ozone. Vì lý do này, các tổ chức chính thức hiện không chấp thuận việc sử dụng nó trong điều trị.
Dựa trên những báo cáo năm 2005 về phương pháp điều trị bằng ozone của Đánh giá công nghệ y tế (Health Technology Assessment - HTA), liệu pháp này có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn do tính oxy hóa mạnh của ozone, chẳng hạn như thuyên tắc khí (air embolism), nhiễm trùng thông qua đường máu hay khiếm khuyết trường thị giác (bilateral visual field loss). Vì vậy cần có các nghiên cứu chuyên sâu hơn để xác định đối tượng bệnh nhân phù hợp và các biện pháp phòng ngừa tác dụng phụ của liệu pháp điều trị.
Ngoài ra, việc sử dụng liệu pháp ozone đòi hỏi các thiết bị chuyên dụng, đồng thời nhân viên y tế phải được đào tạo bài bản và chi phí điều trị có thể khá cao. Đây là thách thức khá lớn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Khi liệu pháp đầy triển vọng này tiếp tục được nghiên cứu, nó có thể trở thành nền tảng trong cuộc chiến chống lại bệnh nhiễm trùng huyết. Nếu các nghiên cứu tiếp theo có thể xác minh kết quả này trên thử nghiệm lâm sàng ở người, liệu pháp ozone y tế có thể trở thành một phương pháp điều trị khả thi và hiệu quả cho tổn thương phổi do nhiễm trùng huyết, một tình trạng hiện tại có ít lựa chọn điều trị. Thông qua bài viết này, Long Châu có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh cũng như thấy được triển vọng trong điều trị tổn thương phổi do nhiễm trùng huyết bằng liệu pháp ozone.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương
Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.